Những phút giây thần thánh, cần không?

Thứ Tư, 10/08/2022, 20:24

Các nhà tâm lý học chia đời sống tinh thần con người theo nhiều cách khác nhau. Cách nào cũng có lý, vì về cơ bản, cho đến lúc này, chả ai biết tinh thần con người - cái được điều khiển bởi bộ não được vận hành chính xác như thế nào.

Một trong những cách phân chia mà cá nhân tôi chú ý, đó là, tinh thần con người được chia làm 3 miền: Miền thực dụng, miền tư tưởng và miền lý tưởng. Miền thực dụng bao chứa các ham muốn thuần túy: Tiền tài, vật chất, danh vọng. Miền tư tưởng vượt thoát khỏi các ham muốn thuần túy, nó là một cái đích cao cả để hướng đến, nó là một động lực cao cả để hy sinh, nó là một thôi thúc cao cả để dâng hiến. Người ta sẵn sàng chết và chết một cách nhẹ bẫng cho tư tưởng là vì thế. Miền lý tưởng ở nấc thang cao nhất, nó vượt thoát khỏi tư tưởng, chạm vào phạm trù của thiêng liêng, thần thánh.

Những phút giây thần thánh, cần không? -0

Cũng từ cách phân chia này mà nhà nghiên cứu văn hóa, tư tưởng Nguyễn Trần Bạt đã luận về hạnh phúc. Theo ông, người hạnh phúc là người có thể trượt cùng lúc trên cả miền thực dụng và miền tư tưởng. Bởi, nếu để miền thực dụng bao trùm, con người sẽ lụy vào sở hữu và càng lụy vào sở hữu, bất luận là sở hữu vật chất hay sở hữu quyền lực thì con người càng dễ rơi vào những cạm bẫy tinh thần. Nhưng, ngược lại, nếu miền tư tưởng bao trùm, con người chỉ có tư tưởng mà không thể đáp ứng nhu cầu cơm áo và chia sẻ nhu cầu đó với những người xung quanh thì đó có thể sẽ là một thứ tư tưởng hụt hẫng.

Những ai đồng ý với cách phân chia nói trên hẳn sẽ đồng ý tiếp, những giá trị thần thánh (nếu có) là sản phẩm nảy sinh trong miền lý tưởng. Nó không thể có trong miền tư tưởng, càng không thể có trong miền thực dụng. Nó thậm chí phảng phất sắc màu tôn giáo. Nhưng, ở đây, tôi không muốn nói tới phạm trù thần thánh theo những cấp độ phân chia tâm lý đó, mà chỉ đơn giản muốn nói tới những khoảnh khắc rung động thần thánh trong đời sống của một con người. Những khoảnh khắc thần thánh theo nghĩa này hoàn toàn có thể nảy sinh trong miền tư tưởng. Và, nó là câu chuyện của bạn, của tôi, của tất thảy những người bình thường nhất, chứ không phải là câu chuyện riêng của những thánh nhân, triết gia, hay những chiến binh tử vì đạo. Vậy thì, bạn hãy thử quan sát lại những trải nghiệm quá khứ của mình để trả lời một câu hỏi: Khoảnh khắc thần thánh đã từng nảy sinh trong bạn hay chưa?

Nếu vẫn chưa nhớ được, bạn hãy thử nghe câu hát nổi tiếng này:

Ra phố hôm nay thấy buồn lên mắt

Đường chiều man mác như gợi niềm thương

Chờ người yêu đến cùng chung ngõ hồn

Với vòng tay xanh đón mời

Cho đời lên ngôi thần thánh

(“Nếu đời không có anh” - Hoàng Trang)

Nào, bạn đã nhớ ra chưa: Khi bạn yêu một ai đó, yêu song phương hoặc đơn phương, yêu công khai hoặc lén lút, miễn là yêu hết mình, yêu dữ dội, yêu cuồng nộ đất trời, chắc chắn khi ấy những khoảnh khắc rung động thần thánh đã từng nảy sinh trong bạn. Như cô gái trong câu hát kia, cô đang chờ đợi người yêu, chờ một vòng tay - một vòng tay màu xanh (đẹp đến thế là cùng). Và, khi màu xanh ấy phủ lên mình thì cô đã phải thốt lên: “Cho đời lên ngôi thần thánh”. Phút giây thần thánh ấy là phút giây thăng hoa tột độ của từng tế bào tình yêu. Biết bao nhiêu nhớ nhung, biết bao nhiêu đợi chờ, biết bao nhiêu dồn nén được bung tỏa trong giây phút ấy. Biết bao nhiêu con người trong một con người cùng vỡ ra trong giây phút ấy.

Chỉ một câu hát thôi, chúng ta hiểu cảm giác thần thánh trong lòng một cô gái đang yêu. Một chàng trai đang yêu cũng sẽ có những cảm giác thần thánh như thế. Mặc dù không nói rõ ra hai từ “thần thánh” nhưng chàng trai trong đoạn thơ sau cũng có những sóng sánh tế bào tương tự:

Đôi lứa bên nhau suốt một ngày

Em ban hạnh phúc ở trong tay

Dịu dàng áo trắng trong như suối

Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay

(“Áo trắng” - Huy Cận)

Màu áo trắng của người con gái trong đoạn thơ này ảo diệu quá. Màu áo trắng nữ thần như đang ban phép lạ. Màu áo trắng nữ thần như đang nâng tình yêu bay lên. Khiến cho tình yêu tỏa phất, khiến cho chàng trai như đang đụng chạm vào một suối nguồn phép lạ.

Những phút giây thần thánh, cần không? -0
Ảnh: S.t

Như thế, ngay trong cõi sống thường tình, với những đụng chạm cảm xúc thường tình, những khoảnh khắc thần thánh nảy sinh trong cấu trúc tinh thần con người là có thật. Vấn đề là: Những khoảnh khắc ấy cần không? Nếu bạn hỏi một thiền sư câu hỏi đó thì câu trả lời chắc chắn là không. Thiền sư sẽ bảo, khi bị kẹt vào một trạng thái thăng hoa cảm xúc thì bạn còn đau khổ. Thiền sư sẽ giảng cho bạn thế này: Trạng thái thăng hoa cảm xúc đó rất vô thường. Nó không mãi mãi, không vĩnh cửu. Nó đến rồi đi. Và, nếu bạn hạnh phúc khi nó đến thì bạn sẽ đau khổ khi nó đi. Thiền sư sẽ khuyên bạn phải tu luyện để làm sao giảm ham muốn đến mức tối thiểu, bình thản trước mọi thái cực cảm xúc trong lòng mình. Càng giảm ham muốn càng tốt. Càng bình thản càng an lạc. Thiền sư nói có đúng không? Đúng, trong quan điểm của thiền sư. Nói đúng hơn, nó là quan điểm Phật giáo.

Nhưng, bạn đâu phải là thiền sư. Bạn có thể chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo, nhưng bạn không/hoặc chưa phải thiền sư. Bạn không sống cuộc sống của một thiền sư. 8 tỉ con người trên quả địa cầu này không thể trở thành 8 tỉ thiền sư. Nếu 8 tỉ con người đều trở thành thiền sư thì thế giới loài người có lẽ không được gọi là “thế giới loài người” nữa. Do đó, bạn vẫn lắng nghe lời khuyên của thiền sư để điều tiết các ham muốn. Triệt tiêu hoàn toàn các ham muốn với bạn là điều bất khả, nhưng điều chỉnh các ham muốn là điều khả thi. Và, trong quỹ đạo sự nhận thức - điều chỉnh ấy, tại sao lại khước từ những khoảnh khắc thần thánh lóe lên trong hồn mình? Những khoảnh khắc thần thánh ấy sẽ cứu rỗi cuộc sống bình lặng, tuần tự mỗi ngày của bạn. Những khoảnh khắc thần thánh ấy có thể làm mới con người cằn khô, nhàu nhĩ trong bạn. Những khoảnh khắc thần thánh ấy tưới vào khu vườn sáng tạo của bạn những giọt nước nhiệm mầu. Nếu bạn là một nghệ sĩ - một nhà sáng tạo thì những khoảnh khắc thần thánh ấy sẽ giúp linh hồn bạn bay lên, khiến bạn có thể với tay vào không trung, nhặt về mình những vật phẩm sáng tạo trời ban. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trác tuyệt nảy sinh sau những run rẩy thần thánh này.

Hẳn nhiên, những khoảnh khắc thần thánh không vĩnh cửu (khoảnh khắc mà). Do vậy, điều đáng bàn là người ta sẽ phải học cách ứng xử khi khoảnh khắc ấy qua đi. Ở tuổi 20 (chứ không đơn thuần 20 tuổi), chắc chắn là bạn chưa học được ngay. Ở tuổi đó, khi một tình yêu thần thánh trôi đi, có thể bạn sẽ đau khổ, sẽ sụp đổ, sẽ đánh mất mình. Bản thân những đau khổ/sụp đổ ấy cũng có ích, bởi nó sẽ tạo cho bạn những trải nghiệm để lớn lên. Còn nếu đã là người trải nghiệm, đặc biệt là hiểu thấu bản chất của vô thường, chắc chắn bạn sẽ không đau khổ nữa. Bạn có thể tưởng nhớ lại những khoảnh khắc thần thánh đã đến, cảm ơn vì nó đã đến, quan sát, ngắm nghía lại những báu vật tinh thần mà nó đã tạo ra, nhưng bạn sẽ không tiếc nuối vì nó đã không còn.

Sự thần thánh của một người trải nghiệm có thể sẽ giống với sự thần thánh của một chàng trai tuổi 20. Nhưng, cách ứng xử hậu thần thánh của một người trải nghiệm (tất nhiên phải là trải nghiệm tỉnh thức) sẽ khác xa so với những ứng xử hậu thần thánh của một chàng trai tuổi 20. Do vậy, ngay cả khi theo đuổi một triết lý sống tiết giảm và làm chủ mọi ham muốn thì bạn cùng đừng sợ hãi khước từ những khoảnh khắc thần thánh ập đến với mình!

Mỹ Linh
.
.
.