Những điều chưa biết về tổ tiên của loài người - Lucy

Thứ Hai, 16/12/2024, 09:11

Thành viên lớn tuổi nhất được biết đến của gia đình loài người với tên gọi Lucy đã trở thành hiện tượng toàn cầu khi lần đầu được phát hiện vào tháng 11/1974. 50 năm qua, với những hóa thạch mới nhất được tìm thấy, các nhà khoa học đã khẳng định, tổ tiên loài người cổ đại Lucy không hề đơn độc mà bà đã sống cùng ít nhất 4 loài tiền nhân khác. Thậm chí, Lucy đã đi nhiều nơi, từ miền Bắc Ethiopia đến miền Bắc Kenya.

Dấu hiệu về 4 loài tiền nhân

Trong một bài viết được đăng tải trên Live Science hồi cuối tháng 11/2024, biên tập viên chuyên mảng khảo cổ học và cổ nhân chủng học Kristina Killgrove cho hay, việc phát hiện ra bộ xương hóa thạch 3,2 triệu năm tuổi của Lucy cách đây 50 năm đã thay đổi hiểu biết về quá trình tiến hóa của loài người. Nhưng hóa ra, loài của bà, Australopithecus afarensis, không đơn độc.

Trên thực tế, có tới 4 loài tiền nhân khác đã lang thang trên lục địa vào thời của Lucy. Trong gần một triệu năm, Australopithecus afarensis sống ở khắp khu vực Đông Phi. Đây cũng là lý do khiến các nhà cổ nhân chủng học tìm thấy nhiều hóa thạch của loài này trải dài 2.350 km từ miền Bắc Trung bộ Ethiopia đến miền Bắc Tanzania.

anh 1-lucy.jpg -0
Lucy, thành viên lớn tuổi nhất được biết đến của gia đình loài người đã 3,2 triệu năm tuổi.

Theo nhà cổ nhân chủng học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) Donald Johanson, Australopithecus afarensis là loài có thể thích nghi với nhiều môi trường sống khác nhau và đã sống trong thời kỳ giữa Pliocene (cách đây 3 đến 4 triệu năm). Nhưng việc phát hiện ra một mảnh xương hàm ở vùng Bahr el Ghazal của Chad đã thay đổi đáng kể bức tranh về sự đa dạng về loài Australopithecus. Các nhà khoa học sau đó đã đặt tên hóa thạch của loài mới phát hiện là Australopithecus bahrelghazali.

Kristina Killgrove cũng cho hay, hồi năm 2016, tại địa điểm Woranso-Mille, chỉ cách Hadar (Ethiopia) - nơi tìm thấy Lucy 48 km về phía Bắc, Yohannes Haile-Selassie, Giám đốc Viện Nguồn gốc con người thuộc Đại học bang Arizona và các đồng nghiệp đã tìm thấy hóa thạch Australopithecus afarensis cùng với các hóa thạch khác có cấu trúc giải phẫu riêng biệt từ cùng thời kỳ. Khi đó, đây dấu hiệu đầu tiên cho thấy có những người vượn khác sống vào thời của Lucy. Loài của Lucy có thể không tương tác với những người vượn này bởi họ sống cách xa hơn 2.400 km.

Theo Haile-Selassie, những hóa thạch khác lạ này thuộc về một loài Australopithecus mới được đặt tên là Australopithecus deyiremeda, có niên đại từ 3,5 triệu đến 3,3 triệu năm trước. Australopithecus deyiremeda có hàm răng khác biệt rõ rệt so với loài của Lucy, cho thấy những người vượn này có chế độ ăn khác nhau.

Chưa hết, một nhóm nhà khoa học khác lại phát hiện thấy ở Woranso-Mille một phần bàn chân có niên đại từ 3,4 triệu đến 3,3 triệu năm trước và ngón chân cái đối diện cho thấy cá thể này thích nghi tốt hơn với việc leo trèo so với Australopithecus afarensis, một loài thường đi bằng hai chân. Mặc dù cá thể này rõ ràng không phải là thành viên của Australopithecus afarensis, nhưng "bàn chân Burtele" vẫn chưa được xác định là của một loài nào.

Tại địa điểm Lomekwi trên bờ hồ Turkana ở Kenya, Meave Leakey - Giám đốc nghiên cứu Plio-Pleistocene tại Viện Lưu vực Turkana ở Kenya cùng các đồng nghiệp đã phát hiện ra một người vượn khác thuộc thời kỳ Pliocene giữa. Các nhà nghiên cứu đặt tên cho loài này là Kenyanthropus platyops, tiếng Hy Lạp có nghĩa là "mặt phẳng". Có niên đại từ 3,3 triệu đến 3,2 triệu năm trước, Kenyanthropus platyops sống trùng thời gian với loài của Lucy nhưng sống cách xa hơn 1.000 km. Não của Kenyanthropus platyops có kích thước tương tự như não của Australopithecus afarensis và loài này sống trong môi trường cỏ ven hồ, rất giống với loài của Lucy.

Trong khi một số nhà nghiên cứu cho rằng Kenyanthropus platyops có thể là phiên bản đặc trưng của Australopithecus afarensis tại Kenya, thì những người khác, bao gồm cả Haile-Selassie, lại cho rằng, răng hàm trên của loài này đủ khác biệt để gọi nó là một loài riêng biệt.

anh 2-lucy .jpg -0
Một nhà cổ nhân chủng học đang kiểm tra lại các mảnh xương của bộ xương hóa thạch Lucy tại Bảo tàng Quốc gia Ethiopia ở Addis Ababa.

Bộ sưu tập xương 3 triệu năm tuổi

"Khi xem xét kỹ hơn các bằng chứng hóa thạch hiện có từ Ethiopia, Kenya và Chad, chúng ta thấy rằng, Australopithecus afarensis không phải là loài người duy nhất trong thời kỳ Pliocene giữa và có những loài khác có thể phân biệt rõ ràng với loài này thông qua khả năng thích nghi vận động và chế độ ăn uống", Kristina Killgrove dẫn báo cáo của Haile-Selassie và cho hay, những bộ sưu tập hóa thạch được tìm thấy mới đây đã đặt ra một câu hỏi quan trọng mà  các nhà cổ nhân chủng học đang cố gắng trả lời là: Liệu những loài khác nhau này có gặp nhau hay thậm chí giao phối với nhau hay không?

Thực tế, hầu như tất cả các loài linh trưởng đều sống theo bầy đàn, sống theo nhóm và hợp tác để kiếm thức ăn. Một số loài linh trưởng không phải người, chẳng hạn như khỉ tamarin, khỉ marmoset và khỉ rú thường giao phối với nhau giữa các loài. Loài Australopithecus afarensis cũng giao phối như các loài linh trưởng khác và có thể đã sống theo nhóm từ 15 đến 20 con đực cùng con cái. Hóa thạch được bảo tồn in dấu chân từ 3 người Australopithecus đi cùng nhau tại địa điểm Laetoli ở Tanzania là bằng chứng nữa cho thấy Lucy và đồng loại của bà là loài sống theo bầy đàn. Nhưng hiện tại có rất ít bằng chứng xác thực cho thấy loài Australopithecus giao phối với các loài khác.

Nhà nhân chủng học sinh học tại Đại học Cape Town ở Nam Phi, Rebecca Ackermann trong lần trả lời phỏng vấn hãng Live Science cho biết, "có bằng chứng hình thái phù hợp với sự lai tạo ở Australopithecus afarensis", đặc biệt là trong sự biến đổi ở răng. Nhưng những khác biệt này không thể được liên kết một cách thuyết phục với sự giao phối bằng các kỹ thuật ADN hiện tại vì hóa thạch của Australopithecine quá cũ để chứa ADN có thể sử dụng được. 

Có thể thấy dù đã phát hiện ra rất nhiều hóa thạch của Australopithecine afarensis trong nửa thế kỷ qua, nhưng các nhà cổ nhân chủng học vẫn còn nhiều việc phải làm để hiểu đầy đủ về thế giới mà Lucy sinh sống. Theo tin từ tờ Science Alert, những hóa thạch của Lucy đang được lưu giữ, bảo quản một cách tinh tế trong một két sắt đặt trên một chiếc bàn dài ở căn phòng đặc biệt tại Bảo tàng Quốc gia Ethiopia. Chúng bao gồm các di vật răng hóa thạch, mảnh hộp sọ, một phần xương chậu và xương đùi.

Người vượn này được một nhóm các nhà khoa học do Donald Johanson, Jon Kalb, Maurice Taieb, Yves Coppens và Raymonde Bonnefille dẫn đầu phát hiện vào ngày 24/11/1974, tại vùng Afar thuộc Đông Bắc Ethiopia. 52 mảnh xương, chiếm khoảng 40% bộ xương của Lucy, vào thời điểm đó là bộ xương hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy và đã tạo nên một cuộc cách mạng về sự hiểu biết về tổ tiên của loài người.

Donald Johanson cho biết, vào thời điểm đó, "có sự quan tâm rộng rãi đáng kể đến nguồn gốc loài người". Những phát hiện của gia đình Leakey và các nhà khoa học khác ở Nam Phi bắt đầu bổ sung vào câu chuyện về loài người, cho rằng tổ tiên ban đầu đã tiến hóa thành tư thế đứng thẳng hàng triệu năm trước ở châu Phi, sau đó là bộ não lớn và khả năng sử dụng công cụ. Nhưng những hóa thạch được khai quật cho đến lúc đó lại chỉ là những mảnh vỡ và chúng có niên đại không quá 1,75 triệu năm tuổi. Vì thế, phát hiện ra Lucy giúp thiết lập kỷ lục về độ tuổi và độ hoàn thiện, đồng thời xác nhận những ý tưởng về quá trình tiến hóa của con người sang đi thẳng đứng.

Bộ xương của Lucy ban đầu được gọi là A.L-288-1, ám chỉ đến Afar và vị trí địa lý của nó. Trong giới khoa học ở Ethiopia, Lucy còn được gọi là Dinkinesh, có nghĩa là "bạn thật tuyệt vời" trong tiếng Amharic. Nhưng cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã đặt biệt danh là Lucy theo bài hát "Lucy in the sky with diamonds" của ban nhạc The Beatles mà họ đã nghe sau khi ăn mừng khám phá mới lạ của mình. Ghép lại hàm dưới, các mảnh hộp sọ, đốt sống, xương sườn, cánh tay, xương chậu và chân, nhóm nghiên cứu đã phác thảo Lucy có vẻ là một người trưởng thành hoàn toàn, nhưng chỉ cao hơn 1 m và nặng khoảng 30kg. Các lớp đá núi lửa kẹp giữa các hóa thạch xác định bà có tuổi đời là 3,2 triệu năm.

Rồi dựa trên những mảnh vỡ còn sót lại của hộp sọ và những phát hiện khác tại Hadar, các nhà khoa học cho rằng, Lucy dường như có bộ não nhỏ, cỡ tinh tinh và khuôn mặt nhô ra, nhưng phần còn lại của bộ xương cho thấy tư thế hoàn toàn thẳng đứng giống con người. Năm 1978, Donald Johanson và các đồng nghiệp chính thức xếp bà vào một loài mới - Australopithecus afarensis (loài vượn phương Nam từ Afar trong tiếng Latin) và tuyên bố bà là bằng chứng cho thấy tổ tiên của loài người đã đi bằng hai chân trước khi tiến hóa thành bộ não lớn. Lucy được cho là đã chết ở độ tuổi từ 11 đến 13 tuổi và có thể bị vấn đề về lưng vì có một đốt sống hơi biến dạng.

Huyền Chi
.
.
.