Nay đây, mai đó, không selfie

Thứ Tư, 30/03/2022, 10:37

Bên trong chiếc hộp đựng giày cũ là hàng tá bức hình chụp lại khung cảnh nơi Henry Wismayer từng đặt chân đến. Tâm trí "nghiện" du lịch của một chàng thanh niên đã khiến anh rong ruổi trên nhiều hành trình, vượt qua mọi khó khăn và cám dỗ của thế giới selfie (tự chụp hình) để chạm tới những cảm xúc tuyệt vời nhất.

Khao khát dịch chuyển

Nhà văn người Đức Heinrich Boll từng nói, con người, phía sau những chật vật cuộc sống thường nhật, chẳng khác nào một gã hề, luôn thích trải nghiệm và săn tìm những khoảnh khắc thú vị trong cuộc đời. Chúng ta gọi đó là đam mê xê dịch, giống hay khác nhau tùy thuộc mỗi cá nhân, hay hoàn cảnh. Trên thực tế, có người đẩy đam mê thành những chuyến đi giải khuây sau giờ làm, còn số khác chọn du lịch như một cái nghề để thỏa mãn sở thích. Mỗi chuyến đi mang lại thứ cảm xúc khác nhau, một loại trải nghiệm não bộ không thể quên.

Ở tuổi 40, Henry Wismayer có thâm niên gần hai thập kỷ xê dịch. Những năm 2000, khi selfie chưa thống trị thế giới, mỗi chuyến đi đều mang đậm dấu ấn của "máy ảnh kỹ thuật số", hay đôi mắt của anh. Bức ảnh đầu tiên từ chuyến du lịch khám phá cuộc sống của cậu trai 17, 18 tuổi khi nền văn hóa gap year (năm khoảng trống) bùng nổ mạnh mẽ. Henry Wismayer vượt qua ranh giới của "văn hóa luận quyết định" để mạo hiểm đến những miền đất mới, bất chấp sự ngăn cản của mẹ.

Thời tiểu học, cuốn sách "gối đầu giường" là loạt truyện phiêu lưu ký của tác giả Willard Price. 14 tiểu thuyết kể lại hành trình hai thiếu niên đi khắp thế gian thu thập các loài vật kì thú, mở ra trong tâm trí cậu bé Henry Wismayer đầy mộng mơ về miền đất lạ kì bên kia đường chân trời. Cá tính nổi loạn, gan dạ trở thành hình mẫu Wismayer hướng tới, vượt qua nỗi sợ thay đổi, nguy hiểm để trưởng thành hơn.

Càng lớn, chàng trai trẻ càng say đắm với những câu chuyện nay đây, mai đó, xuyên biên giới. Giống như cách hồi bé Henry Wismayer thường làm: nhảy xe buýt qua các thị trấn, tự đạp xe trên mấy cung đường dài để rồi bị mẹ mắng vì sợ đi lạc. Đam mê dịch chuyển cứ lớn dần, hệt một loại virus lây lan rất nhanh, mà cũng thay đổi theo tư duy của Henry Wismayer. Còn bé thường ở nhà, gọi là cuồng chân muốn bước ra khỏi cửa, rồi lớn lên lại ước ra nước ngoài, du lịch bụi trải nghiệm văn hoá.

Khao khát ấy từ đâu mà đến? Không ai lý giải chính xác, mà Heinrich Bolll chỉ miêu tả bằng hai chữ "bức bối" khi thế kỉ 21 tràn ngập những tin tức mỏi mệt của truyền thông, từ chiến tranh dầu mỏ, đến bê bối chính trị và nóng lên toàn cầu. Người trẻ như bị bóp nghẹt, đam mê dần tắt lửa, nhiều người muốn từ bỏ sự ổn định để dấn thân trải nghiệm sự bấp bênh. Đó là khi công việc văn phòng hạn chế, ngồi bàn giấy cả ngày như một cỗ máy, hay đơn giản chỉ là đi mua thực phẩm hàng ngày cũng dễ khiến chúng ta muốn... sổ lồng. 

Nay đây, mai đó, không selfie -0
Henry Wismayer say đắm với những câu chuyện nay đây, mai đó, xuyên biên giới, mạo hiểm khám phá miền đất mới.

Cảm giác mắc kẹt vì COVID-19 khiến Henry Wismayer hồi tưởng lại quãng thời gian trước đây. Tháng ngày ngồi ngắm đường phố ở London, khám phá các cung đường tuyệt đẹp ở Úc, hay sông nước Đông Nam Á khiến anh nhận ra thế giới tuyệt vời đến chừng nào. Miễn là khi còn đủ sức khoẻ, và đôi chân này chưa hề mỏi mệt. Chiếc hộp cũ mang theo kho báu tuổi trẻ vô giá, ký ức giảm gần 15 cân hiện về, với chiếc quần bò đầy vết tích ngã xe trong một chuyến trải nghiệm Bangkok, và mấy món đồ lưu niệm "ám ảnh" về tham vọng dịch chuyển: tiền giấy, tiền xu, bản đồ thị trấn, tờ rơi quảng cáo dịch vụ giải trí.

Không phải dân wanderlust (người khao khát được đi hoài, đi mãi), Henry Wismayer miêu tả não bộ anh nằm gọn trong dromonania mà đến bây giờ khoa học vẫn chưa lý giải được. Một kẻ khát khao được đi, hay chỉ cần lang thang một mình đến cháy bỏng, nhiều lúc chẳng thể kiểm soát nổi bản thân. Khoa học hiện đại coi đây là chứng "cuồng" du lịch, thích cảm giác chinh phục, ám ảnh sợ đứng im một chỗ. Chàng thanh niên coi du lịch chính là oxygen cho lá phổi, một thứ gia vị tăng hormone hạnh phúc dopamine để thoát khỏi cuộc sống buồn chán.

Giới tâm lý học tin rằng, vấn đề dromonania đem lại xuất phát từ nguyên nhân sâu xa không thể kết nối với chính mình, và rằng não bộ đang tỏ ra thất vọng với cuộc sống thực tại. "Ngoài 20, tôi luôn bị ám ảnh cái chết", Henry Wismayer viết trên trang blog cá nhân. Nỗi đau mất bạn thân, những căn bệnh mãn tính và tâm trí buồn bã khiến anh đứng trước một bức tranh u tối. Nhiều thời điểm chàng thanh niên không muốn quay trở lại căn nhà cũ, mà tìm tới mỗi chuyến đi như liều thuốc giải cho sự vô vọng của một tuổi trẻ chưa định hướng rõ ràng.

Đam mê dịch chuyển là cách anh vun đắp hy vọng, trong cuộc sống không người cha, thiếu định hướng từ người mẹ, dần tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trưởng thành thay vì giữ mãi nỗi sợ dần héo mòn nếu chỉ ở mãi một chỗ. Như Henry Wismayer từng nói, ba năm lang thang khắp châu Á, rong ruổi từ Ấn Độ đến Việt Nam và Thái Lan khiến anh nhận ra "khoảng trống" của tâm trí, và chính kì vọng kiểu này giúp anh có động lực thay đổi từ một người thờ ơ, bỏ bê cuộc sống thành một blogger chuyên mảng du lịch.

Tận hưởng từng khoảnh khắc

Trước khi cách mạng kỹ thuật số thống trị thế giới, chúng ta vẫn luôn tìm cách tự khám phá vạn vật bằng đôi mắt trần. Một thế hệ dịch chuyển toàn cầu ra đời, mạnh dạn đối diện điều mới mẻ, khám phá nơi xa lạ để tắm mình trong trải nghiệm. Kỹ thuật quang di truyền chứng minh các tế bào thần kinh ở vùng sản sinh năng lượng locus coeruleus dẫn truyền dopamine tới hồi hải mã. Các trải nghiệm mới tạo nên phản ứng tình yêu, từ đó hình thành vết tích vĩnh cửu như những làn sóng trên não. Đây là bằng chứng quan trọng cho thấy chúng ta đã sống hạnh phúc và hết mình thay vì sợ hãi co lại trong vỏ kén.

Những đứa trẻ, sinh ra và lớn lên cùng biến động của thập niên 1980 hay 1990, mang trong mình hoài bão vượt khỏi biên giới tìm đến chân trời mới. Giống một con chuột chạy lòng vòng trong lồng để tìm lối ra, Henry Wismayer di chuyển khắp nơi, làm đủ thứ việc để trang trải hành trình. Anh từ bỏ selfie mà tập trung vào viết lách, chụp ảnh bằng máy cơ để bắt trọn từng khoảnh khắc. Không tự chụp gương mặt mình trong bất cứ tấm hình nào, anh để thiên nhiên "ngụy trang" cho cảm xúc, khơi gợi trong lòng độc giả vô số ý nghĩ khi họ ngắm nhìn hình của anh.

Nay đây, mai đó, không selfie -0
Những tháng năm dịch chuyển cho chúng ta một tâm trí rộng mở, phóng khoáng để cảm nhận thế giới xung quanh.

Anh nghiệm đúng “Đi tìm thời gian đã mất” của nhà văn Pháp Marcel Proust, với những dinh thự của hoài niệm từ một thế giới chỉ có thiên nhiên, ngôn từ và cảm xúc ẩn trong từng con chữ. Trong cuốn sách “Một thế hệ thích selfie”, tác giả Alicia Eler từ giã những suy nghĩ rập khuôn của thời đại, coi selfie như con dao hai lưỡi, vừa trao quyền vừa khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Kể từ sau năm 2013 khi được từ điển Oxford bình chọn là từ ngữ của năm, selfie trở thành câu cửa miệng của nhiều con nghiện du lịch, đến mức nhiều ý kiến cho rằng tự chụp và nền văn hóa khoa trương trên mạng xã hội dần khiến cảm nhận nghệ thuật bằng mắt thường trở nên nhạt nhòa.

Đôi mắt mở ra cửa sổ tới thế giới. "Tôi tự đùa rằng chẳng cần selfie để theo đuổi hạnh phúc, mà dùng chính hai con ngươi để cảm thế giới xung quanh, trước khi đôi mắt buộc phải nhắm lại vĩnh viễn". Những tháng năm dịch chuyển cho chúng ta một tâm trí rộng mở, phóng khoáng. Quan trọng hơn, thay đổi tư duy từ thích selfie, lấy bản thân làm chủ, sang chủ nghĩa du mục kỹ thuật số, vừa tự do du lịch vừa kiếm tiền, chúng ta nhận về cơ hội phát triển bản thân, thấu hiểu cảm xúc và thoát khỏi không gian văn phòng chật hẹp. 

Chúng ta chứng kiến những căn nhà trọ ngập tràn điện thoại, máy tính xách tay. Alicia Eler tin rằng giới trẻ bây giờ có vẻ đang đánh mất ý nghĩa thực sự của du lịch bụi: thay vì khám phá, hoà mình với cuộc sống bản địa thì lại "nghiện" selfie, chế meme hài trên mạng và coi mình là trung tâm của thế giới. Những bản đồ trực tuyến đã đánh mất sự tự tin của giao tiếp hỏi đường với người bản địa, khiến chúng ta vô tình bỏ lỡ một trải nghiệm lý thú khi tương tác cùng người lạ trong hành trình khai phá một địa danh xa lạ.

Từng mang nhiều hoài nghi, nhưng hành trình của mọi nẻo đường đã níu chân Henry Wismayer lại cuộc sống này. Cho đến khi đã lập gia đình và tận hưởng niềm vui với hai con, anh vẫn muốn được dịch chuyển. Trong tâm trí anh hiện lên hình ảnh chú chuột tìm cách thoát khỏi lồng, những bữa ăn ở chợ nổi, hay tay lái lụa qua cung đường ngoằn ngoèo. Với anh, bằng cách hướng về những chân trời mới, Henry Wismayer dần tìm thấy con đường dẫn tới hạnh phúc. Đó là khoảnh khắc tâm trí được giải phóng khỏi âu lo, đi mãi rồi cũng dần thành đường để trải nghiệm, tận hưởng và nắm bắt trọn vẹn sự tự do trong hạnh phúc ấy...  

Lê Nam
.
.
.