Máy luyện thuốc súng "thủy hỏa ký tế"

Thứ Năm, 10/11/2022, 20:56

Tháng 11 năm Minh Mạng thứ 10 (1829), Vua Minh Mạng sai quản kho hỏa dược là Tôn Thất Thiện đem 100 lính thần cơ chế cối gỗ chạy bằng sức nước ở khe Kim Ngọc để giã luyện thuốc súng, gọi là xe “Thủy hỏa ký tế”.

“Thủy hỏa ký tế” là tên quẻ thứ 63 trong Kinh Dịch, còn gọi tắt là quẻ “Ký tế”, gồm quẻ Khảm (nước) phía trên, Ly (lửa) phía dưới. Tuy nước và lửa xung khắc, nhưng ở quẻ này, nước với lửa lại giao với nhau, giúp nhau mà thành công. Tên này được đặt cho chiếc máy giã thuốc súng chạy bằng sức nước, cũng rất hợp lý.

Thuốc súng xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu, thời nhà Hồ đã được nhắc đến, sau đó đến thời Lê trung hưng đã được dùng khá nhiều trong quân đội. Sang đến thời Nguyễn, các vua đầu tiên đã chú trọng mua các loại đại bác của phương Tây và bên cạnh việc nhập khẩu thuốc súng, đã nghiên cứu tự chế tạo thuốc súng.

Máy luyện thuốc súng
Cửu vị thần công ở kinh thành Huế.

Theo sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", từ năm Gia Long thứ 15, vị vua đầu tiên của triều Nguyễn đã đưa ra quy định chế thuốc nổ, gồm các loại vật liệu như diêm tiêu, lưu hoàng, than..., mỗi loại có công thức và quy trình chế tạo cụ thể. Sau khi Vua Gia Long mất, Vua Minh Mạng lên nối ngôi tiếp tục quan tâm đến việc chế tạo thuốc nổ. Nhà vua đặt ra các bài chế tạo thuốc nổ để các sở luyện theo.

Bộ chính sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” cho biết, vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), nhà vua sai Hộ thành binh mã Phó sứ Trương Viết Súy đi nguồn Hữu Nguyên chế xe “thủy hỏa ký tế”. Sách cũng ghi rõ cách vận hành của xe là lợi dụng sức nước để máy xoay chuyển, tạo thành sức nâng chày lên giã xuống, không tốn công sức người. Các bài luyện thuốc súng của triều đình có tên gọi lần lượt là bài Hồng Phương, bài Hùng Phương, bài Hộc Phương, mỗi bài luyện 2 vạn cân (mỗi cân thời xưa tương đương 0,6 kg). Nhà vua cũng phái các viên ty thuộc các bộ, các viện và người ở các đội Thị vệ, Kim thương đến xem để suy nghiệm.

Đến tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15, sử viết nhà vua đích thân đến khe Doành ở Hữu Trạch (một nguồn nhập vào sông Hương) xem xe “thủy hỏa ký tế”. Thấy công trình tiến hành nhanh chóng, vua rất hài lòng, lệnh ban thưởng cho viên trông coi làm xe ấy là Trương Viết Súy kỷ lục một thứ (giấy chứng nhận khen thưởng, nếu nhận 4-5 “thứ” sẽ được thăng 1 cấp) và 3 đồng ngân tiền Phi Long hạng lớn. Nhà vua cũng sai viên Kinh doãn chọn chỗ đất ở nơi đó lập miếu thờ chung hai vị thần Doành khe và Thuốc súng, hằng năm, đến kỳ trọng xuân (tháng 2 âm lịch) bắt đầu luyện thuốc súng thì mổ trâu, dê, lợn để tế thần.

Vua Minh Mạng cũng xét thấy số thuốc súng ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận không thấy có mấy, nên cho tải diêm tiêu, lưu hoàng ở kho trong kinh phân phát cho các tỉnh ấy luyện thuốc súng để lưu trữ (Quảng Nam 5.000 cân, Quảng Ngãi 4.000 cân, Bình Định 6.000 cân, Phú Yên 3.000 cân, Bình Thuận 5.000 cân, Khánh Hòa 1.000 cân).

Cách thức luyện thuốc súng ban đầu là đem diêm tiêu, lưu hoàng, than trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ quy định, nấu nước chế vào cối giã, tán luyện đủ 4 ngày đêm, lại lấy ra ngay, rồi gia thêm nhân công tán bằng chày tay 1 ngày. Xong việc thì phái nhân viên làm thí nghiệm để phân loại thuốc nổ theo độ, sau đó chứa vào hòm niêm phong và nộp lên. Nếu ở trên phát hiện thuốc nổ được luyện không đúng công thức, lập tức đem các nhân viên thí nghiệm ấy đi trị tội.

Sau đó, triều đình nhà Nguyễn nghĩ ra cách dựa vào sức nước để thay thế sức người, bắt đầu từ Vua Minh Mạng, khi vua sai Bộ Công làm 2 cỗ xe “thủy hỏa ký tế” đặt ở nguồn Hữu Trạch để tán thuốc; khi sức nước kích lên, cỗ xe tự có thể chuyển máy rất tiện lợi.

Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua cho đặt thêm xe “thủy hỏa ký tế” ở xứ Yên Yên nguồn Ô Lâu (thuộc địa phận xã Lại Bằng, huyện Hương Trà) để luyện thuốc súng. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng cho đặt thêm xe này (Quảng Nam trước có 3 nơi, cho đặt thêm 2 nơi; Quảng Ngãi trước có 2 nơi, cho đặt thêm 1 nơi; Bình Định trước có 2 nơi, cho đặt thêm 2 nơi).

Tuy nhiên, vị trí đặt xe “thủy hỏa ký tế” ở nguồn Ô Lâu đến tháng 3 năm ấy đã bị bãi bỏ. Nguyên do là Trương Viết Súy dù đem 30 quân đến nguồn thi công nhưng sau hơn 1 tháng, đắp đập, đào khe, dời đổi chỗ này, di dịch chỗ khác, công việc chậm trễ, nên bị hặc tội rồi bắt xiềng lại, giao đình thần nghị tội. Vua Minh Mạng sai Đề đốc kinh thành Lê Văn Quý đến thay và cử Tham tri Bộ Công Hà Duy Phiên đến xem công việc. Sau đó, công trình này vẫn bị phái viên là Ngự sử Phan Đăng Đệ hặc tâu vì làm việc không đúng.

Vua Minh Mạng lại phải sai hai viên Cơ mật đại thần là Trương Đăng Quế và Phan Bá Đạt đến tận nơi để xét nghiệm. Khi về, hai viên này tâu rằng: “Chỗ ấy, sức nước chảy chậm và yếu, tất phải đắp đập, dẫn nước chảy rót vào. Công việc làm đã khó, mà ngọn nước xói vào, đê đập cũng khó giữ vững được; nếu cứ nói theo mà sửa lại, chỉ uổng công nhọc sức!”. Do đó, việc này bị bãi đi. Trương Viết Súy vì tội “tự ý làm càn, uổng phí công sức” bị khép tội trảm giam hậu. Lê Văn Quý và Hà Duy Phiên làm tiếp cũng là rập theo lối làm của Súy nhưng được miễn tội.

Tháng 4 năm đó, nhà vua lại sai làm xe “thủy hỏa ký tế” ở phận sông xã Cổ Bi (thuộc huyện Hương Trà). Khi công việc xong, phái 1 quản vệ, 150 biền binh đến chỗ thợ làm giã luyện thuốc súng, mỗi tháng một lần thay phiên. Việc chạy xe “thủy hỏa ký tế” sẽ dừng lại từ tháng 6, do vào mùa thu, mưa lụt, nước dâng ở các sông.

Một ghi chép khác trong “Đại Nam thực lục” về sự kiện tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), cho biết cụ thể về quy trình giã luyện thuốc thời đó. Nhân chép việc các địa phương Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị sửa chữa xe “thủy hỏa ký tế”, các sử quan cũng ghi bổ sung cách thức giã luyện thuốc súng: Cho vào cối giã bằng sức nước, 5 ngày đêm, lấy ra, giã bằng chày tay 1 ngày nữa, phơi thành thuốc súng. Cũng theo ghi chép này thì ở mỗi tỉnh đều có một thước đo thí nghiệm. Về thời gian hoạt động, từ năm 1836, triều đình quy định hằng năm, từ thượng tuần tháng 2, khởi công giã luyện, sang thu, mưa lụt thì thôi.

Sau đó, ở trường luyện thuốc súng tại Quảng Ngãi xảy ra hỏa hoạn khiến biền binh có người chết và bị thương. Các đốc biện, chuyên biện ở trường luyện ấy đều bị phạt trượng, cách chức; quan tỉnh bị giáng chức. Triều đình bèn lập rõ lệ cấm. Cụ thể: Việc đôn đốc giã luyện thuốc súng ở kinh thì do Bộ Binh, ở ngoài do tỉnh, đều chọn phái 1 quản vệ hoặc 1 quản cơ, mỗi tháng một lần thay phiên. Ở kinh thì đề đốc, doãn thừa, ở tỉnh thì quan tỉnh, lãnh binh, phải thay phiên nhau đến nơi xe “tthủy hỏa ký tế”, kiểm tra xem xét sự qua lại bên cối giã. Các công việc từ coi sóc canh giữ đến khiêng vác và lau chùi, đều phải chọn lấy mấy người cẩn thận tế nhị, chuyển cho nhau thay đổi.

Do 2 đầu trục xe và bầu đầu trục xe đều phải dùng sắt, gang mà bọc; liên tục xoay chuyển cọ xát có thể phát sinh tia lửa, nên thường phải tưới dầu cho trơn, nhạy và ẩm để khỏi sinh nóng. Thuốc súng khi đang giã cũng thường phải rảy nước thuốc vào để cho ẩm, không nên để cho khô quá đến nỗi nảy lửa được. Còn khu vực trường luyện và nơi tạm giữ vật liệu, phải trồng hàng rào ngăn cách với xung quanh. Trong phạm vi giới hạn ấy, không được chứa cất những thứ nhẹ xốp, khô nỏ dễ bén lửa. Ngày đêm tuyệt không được thổi nấu. Quan quân coi làm đều không được đem theo lửa để hút thuốc. Ban đêm, mỗi xe một hộ chỉ cho dùng đèn lồng bằng mai con hải điệp hoặc đèn pha lê, phải rót dầu châm lửa ở nơi khác, đóng khóa cẩn thận, do viên đốc biện niêm phong, đánh dấu, rồi sau mới vào treo trong chỗ xe. Các nhân viên tạp nhạp và mọi vật có thể chạy và động đều không được tự tiện cho vào khu vực trường luyện. Ngoài phạm vi đã giới hạn, thì bốn bề gần xung quanh, gồm cả phần núi ở trên không được phóng hỏa đốt cỏ; bến sông ở dưới, thuyền bè đi lại không được đậu lại, châm đèn hoặc thổi nấu ở đó.

Để bảo đảm an toàn khi vận chuyển, triều Nguyễn cũng quy định thuyền chở diêm tiêu, lưu hoàng đến trường luyện hoặc chở thuốc súng đã luyện xong đem nộp, ở đằng mũi, phải cắm một bài hiệu, để khi thuyền đi, thuyền khác trông thấy phải tránh. Quan quân trong thuyền cũng phải làm cơm sẵn, không được đem lửa.

Sau khi xe “thủy hỏa ký tế” của Thừa Thiên đặt ở Doanh Khê thuộc Hữu Trạch dời đến bến sông Lại Bằng, triều đình quy định, khi nào có giã luyện thuốc súng thì lập đàn ở bờ sông, hợp tế thần sông Lại Bằng và thần Thuốc súng. Lễ dùng cỗ thái lao, tức cỗ tam sinh gồm 3 con vật là trâu, dê, lợn thui bày lên bàn lễ. Lễ tế diễn ra vào ngày tốt tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch), còn miếu Doanh Khê dựng trước đó thì bỏ đi.

Kho thuốc súng ở trong kinh thành trước cũng đặt trong ao Ký Tế để phòng hỏa. Đến tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 19 (1838), ao Ký Tế được đổi tên thành ao Học Hải. Nguyên trong ao Ký Tế có 2 gò đất: Phía Nam làm kho diêm tiêu, phía Bắc làm kho thuốc lửa, khi đó đổi làm hồ Tĩnh Tâm. Trong hồ có 3 đảo Doanh Châu, Bồng Lai, Phương Trượng, bờ phía Đông hồ ấy xây một cống nước chảy thông với ao Học Hải, các kho thuốc đạn trước, dời đến ao Học Hải; nửa ao ấy làm lầu chứa sách, vẫn gọi là ao Học Hải; nửa ao làm kho thuốc đạn gọi là ao Ký Tế, kho diêm tiêu trước dời đến chứa ở tầng dưới lầu chứa sách.

Lê Tiên Long
.
.
.