Luật lệ bảo vệ an toàn cho nhà vua

Thứ Tư, 11/05/2022, 11:54

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Năm Tân Sửu, niên hiệu Đại Trị năm thứ 4 (1361), đời Vua Trần Dụ Tông, mùa thu, tháng 7, Tạ Lai có tội bị giết. Bấy giờ vua ngủ ngày ở Long Phương đường. Ngự thư hỏa Tạ Lai đứng hầu, xung quanh không có ai. Lai rút gươm ra xem. Vua thức dậy, sai đem chém”.

Thời xưa, để bảo vệ an toàn cho đế vương, các triều đình phong kiến đã ban hành hàng loạt luật lệ, quy định không chỉ tránh việc hành thích, ám sát nhà vua để cướp ngôi như trường hợp các Vua Lê Trung Tông thời  Tiền Lê, Lê Nhân Tông thời Hậu Lê, mà còn để giữ sự uy nghiêm của ngôi vua.

Điển hình, vào thời Trần, năm Thiệu Long thứ 11 (1269) đời vua Trần Thánh Tông, vào tháng 6, có tên ngoại thích (họ hàng đằng nhà vợ của vua) là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi triều đình xét hỏi trị tội, thấy hắn có chứng điên nên chỉ đánh trượng rồi tha, chứ nếu hắn không mắc chứng này thì chắc chắn bị xử trảm.

Luật lệ bảo vệ an toàn cho nhà vua -0
Kỵ binh nhà Nguyễn.

Triều Lê, sau sự biến năm 1459 với việc Lê Nghi Dân cùng thủ hạ trèo tường vào cung cấm giết Vua Lê Nhân Tông để giành ngôi, đến khi các bề tôi phế truất Lê Nghi Dân và đưa Lê Thánh Tông lên ngôi, việc bảo vệ cung cấm được tổ chức chặt chẽ hơn nhiều lần. “Toàn thư” cho biết, Vua Lê Thánh Tông đã ra sắc chỉ cho các quan ở nội mật, đàn bà ở nội mật và các cung tỳ, nội nhân rằng: Từ nay về sau, nếu thấy chiếu chỉ và các việc trong cung thì không được lén lút tiết lộ trước cho người ngoài và bà con thân thích. Đến tháng 5 năm Quang Thuận thứ 4 (1463), nhà vua tiếp tục ra sắc chỉ rằng: Kẻ nào dùng gươm, nón trái quy định để vào trong hoàng thành đều bị xử tử.

Trong bộ hình luật của triều Lê được ban hành dưới thời Vua Lê Thánh Tông, thường được gọi là “Lê triều hình luật” hay “Luật Hồng Đức”, có 13 chương, 722 điều thì có riêng chương thứ 2 là “Vệ cấm” gồm 47 điều về việc bảo vệ cung cấm, kinh thành và các tội về cấm vệ. Đọc các điều khoản của chương này, có thể thấy các hành vi nguy hại đến an ninh của nhà vua sẽ bị trừng trị rất nặng. Ngoài Điều 50 là điều thứ nhất của chương “Vệ cấm”, quy định những điều cấm ở khu vực thái miếu và mộ vua, chương này có đến 19 điều cấm trong việc bảo vệ hoàng thành, cung điện và chỗ ở của nhà vua.

Điển hình như Điều 51, quy định: Người tự tiện vào cửa hoàng thành bị phạt trượng hoặc biếm; vào cửa cấm phải tội đồ làm khao đinh; vào cửa thứ nhất trong điện phải tội đồ là chủng điền binh (binh lính phục dịch làm ruộng), vào cửa thứ hai phải tội lưu đày đến châu gần, vào cửa cung môn thì phải chém. Nếu mang gươm cầm trượng thì tội nặng thêm hai bậc và tài sản phải tịch thu sung công. Người coi ty tự tiện vào nơi vua nằm và nơi vua ở, cũng bị tội như thế; người dẫn kẻ gian vào cũng bị xử cùng một tội. Nếu người được phép vào mà mang gươm, cầm trượng, thì tội nặng hơn người tự tiện vào một bậc. Người giữ cửa không biết thì giảm tội hai bậc. Quan canh phòng được giảm tội ba bậc.

Nơi sắc thuốc và nấu ăn của nhà vua là nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để tránh các trường hợp đầu độc. Do đó, cũng Điều 51 quy định, người tự tiện vào nơi sắc thuốc và nơi nấu ăn của nhà vua thì phải đày đi châu xa. Các quan thường trực chỉ được đến ngoài cửa các nơi này, nếu vào lầm, thì phải tội biếm hay đồ. Người vào vườn cấm của nhà vua thì phải đồ làm khao đinh (người phục dịch trong quân đội).

Điều 52 Bộ luật Hồng Đức quy định: Ai trèo qua tường điện cấm bị xử tội chém, trèo qua tường cấm bị xử tội giảo (thắt cổ), trèo qua hoàng thành phải đày đi châu xa, trèo qua kinh thành (vòng thành Đại La) thì phải xử tội đồ làm khao đinh. Ai theo cống rãnh chui vào trong nội cấm cũng bị tội như trèo qua thành.

Về cấm binh bảo vệ vua, Điều 53 xác định: Những quân túc vệ lấy người từ quân khác đội tên thay cho mình, mà người đi thay ấy vào trong cung điện, đều phải tội chém; vào cửa cấm tội giảm một bậc; vào cửa hoàng thành lại được giảm một bậc. Quan chủ ty (phụ trách việc trông coi thành, cung điện) không biết việc ấy bị biếm ba tư (xử phạt hạ 3 bậc tư cách trong hồ sơ), nếu biết mà làm ngơ thì phải tội lưu. Người đội trưởng thường trực phiên canh phải tội nặng hơn quan chủ ty hai bậc. Nếu mướn lính túc vệ khác không phải phiên canh đi canh thay thì cả người mướn và người thay, nếu canh ở trong thì phải tội đánh trượng, biếm hai tư; nếu canh ở ngoài thì phải tội giống như người ngoài tự tiện vào cung, quan chủ ty phải tội trượng, hoặc biếm; người đội trưởng thường trực phải tội đồ.

Điều 66, Bộ luật Hồng Đức quy định: Các đội túc vệ, nếu số người phải canh đêm ở các nơi, cùng số vũ khí bị thiếu không đủ như phép, gặp lúc khẩn cấp thì sẽ bị xử theo quân luật, không phải lúc khẩn cấm thì bị tội biếm, hay phạt.

Theo quy định, tất cả mọi người không có trách nhiệm đều không được vào cung điện. Theo Điều 54 bộ luật này, những người vì công việc được vào cung điện mà ngủ đêm lại và những người dung túng cho ngủ lại, đều xử tội lưu đày châu xa. Việc khuân dọn đồ đạc trong cung điện thường dùng binh lính nhưng phải có giấy phép kiểm kê chi tiết. Nếu người giữ cửa chưa nhận giấy phép mà để cho vào, hay số người vào nhiều hơn số đã định trong giấy phép thì tướng lĩnh phụ trách phải tội chết hay lưu đi châu xa. Quan chủ ty biết mà cố ý dung túng cũng phải tội như người tự tiện vào cung.

Những người vào trong cung điện làm việc hết giờ mà không ra khỏi khu vực ngoại điện thì xử tội lưu, ở lại trong cung xử tội giảo, ở lại nơi vua nằm xử tội chém. Nếu người không biết mà lầm lỡ thì tâu lên để vua định đoạt.

Tất cả các quan, sắc dịch đi làm việc và lính tráng, đầy tớ ra vào hoàng thành, nếu không phải là người túc trực và ngược được phép ở lại trong thành thì chiều tối phải ra ngoài thành, không ở lại trong cung cấm. Khi trên thành có tiếng trống cầm canh, cửa thành đã khóa, thì quan đốc sát, quan canh tuần khám xét khắp các nơi trong thành, nếu thấy người ẩn nấp phải bắt giữ để tâu lên vua xét. Nếu là đầy tớ nhà nào thì chủ nhà cũng phải tội.

Bộ Hình luật triều Nguyễn, thường được gọi là “Hoàng Việt luật lệ”, hay còn gọi là “Luật Gia Long”, các luật lệ được chia theo mảng ứng với 6 bộ là Binh, Hộ, Hình, Lại, Lễ, Công. Trong phần Binh luật, có 58 điều thì về phần canh gác nơi vua ở có 16 điều, với các quy định cũng tương tự như ở luật thời Lê.

Không chỉ lúc vua ở hoàng thành, mà khi vua đi ra ngoài, các điều luật bảo vệ vua cũng được quy định nghiêm ngặt. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), triều Nguyễn ban hành kỷ luật hành quân, trong đó quy định nơi vua trú chân trong hành cung thì treo màn, ở ngoài thành thì vây thành lưới. Quân túc vệ thì tướng không lìa binh, quân không được bỏ hàng ngũ; không cho người vô sự ra vào lẫn lộn. Khi yên doanh rồi, thổi 1 hồi tù và, mỗi đội cho một phần 5 lính đi lấy củi nước và kiếm mua thức ăn. Thổi 3 hồi tù và thì phải về doanh ngay. Ban đêm, trung sứ có việc quan trọng truyền báo, nếu xét có cờ bài mệnh vua, ấn vua hay cờ rồng thì lập tức cho đi. Các quan văn võ có việc vào tâu với vua, lính túc vệ phải xét có bài tâu việc, mới cho đi. Đến cửa ngự doanh, phải chuyển báo cho thị vệ đại thần tâu xin cho vào hay đứng lại. Sau khi mọi người yên nghỉ, nếu biền binh có việc ra vào thì lấy khẩu hiệu và hỏa mai làm tin, nếu không có, bắt xét trị. Nếu có việc quân cơ khẩn yếu, lập tức chạy báo cho thị vệ ở ngự doanh để tâu lên, nếu chậm trễ lỡ việc thì xử theo quân pháp.

Đặc biệt, chuyện ngủ của binh lính nơi ngự doanh cũng không thể thoải mái như ở nơi khác. Bộ sử “Đại Nam thực lục” khi chép về quy định hành quân năm Minh Mạng thứ 21 có nêu thêm quy định: “Đêm có ai nằm mộng nói mê, người canh gác phải đánh thức; nếu để người nói mê kêu to, trong quân đêm khuya hoảng sợ thì cũng xử theo quân pháp”.

Cũng vào thời Vua Minh Mạng, triều Nguyễn có điều chỉnh lại lệ cấm cửa cung thành. Nguyên do lần đó, trong đội thị vệ có người trực ban đêm bị bệnh gấp, Vệ úy là Nguyễn Văn Quyền và Hoàng Đức Tòng không kịp chờ tâu mà hạ lệnh cho người canh cửa Tả Túc và cửa Tả Đoan mở cửa cho ra chạy chữa. Việc phát giác tâu lên, nhà vua nói rằng: “Đấy tuy là đêm khuya, việc xảy ra không làm sao được, vội vàng theo quyền nghi thì cũng có thể xét tình giảm nhẹ tội được. Song, lệ cấm cửa thành cửa cung nghiêm nhặt cũng khó chút tha thứ được. Vậy bọn Quyền và cai đội canh cửa đều phải cất lương”. Sau đó, Vua Minh Mạng sai phát long bài hiệu cho hai cửa Tả Túc, Tả Đoan, giao cho đại thần thị vệ đương trực cầm giữ, để nếu ban đêm gặp có việc gì cần mở cửa cho ra vào thì phải ủy cho người đem bài hiệu cửa ấy đến cửa mà đối chiếu truyền bảo rồi sau mới mở cho đi. Nếu đại thần đương trực mà tự tiện truyền bảo và quan lại canh cửa không xét nghiệm đích thực có long bài mà tự tiện mở cửa, thì áp dụng luật “bất ứng vi” (tức việc không nên làm mà làm, có quy định trong Hoàng Việt luật lệ), theo mức nặng mà xử. Còn nếu có tình tiết khác nữa thì xử nặng. Còn trường hợp chỉ mở cửa cho ra thì chiếu theo bản luật mở cửa cho vào để xử nặng hơn một bậc. 

Lê Tiên Long
.
.
.