Kinh đô công nghệ Hàng Châu bừng sáng nhờ ASIAD

Thứ Năm, 12/10/2023, 20:28

Trong quá khứ, Hàng Châu được biết đến như thủ phủ khởi đầu con đường tơ lụa. Nhưng trong 3 thập kỷ qua, thành phố này đã dần phát triển để trở thành một kinh đô mới cho những tập đoàn công nghệ. ASIAD là cơ hội để Hàng Châu cho thấy họ không thua kém gì thung lũng Silicon trong nhiều lĩnh vực tân tiến.

Chó robot đi trước 1 thế kỷ

Khác biệt đầu tiên khi từ Việt Nam đến Hàng Châu, Trung Quốc là nơi đây gần như không dùng đến tiền mặt trong thanh toán. Mọi giao dịch mua bán đều được thực hiện bằng cách chuyển khoản thông qua QR Code. Mỗi người có một mã riêng, và chỉ cần đối tác cầm điện thoại lên quét mã, giao dịch sẽ hoàn tất. Chi tiết nhỏ ấy là một trong những minh chứng cho sự phổ biến về công nghệ ở Hàng Châu.

anh4.jpg -0
ASIAD 19 đã giúp Hàng Châu thu hút 20 triệu lượt khách tham quan

Sau Thâm Quyến và Hồ Bắc, Hàng Châu đã dần trở thành trung tâm công nghệ cao thứ ba của Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên tập đoàn Alibaba, và nhiều startup công nghệ tìm đến thành phố này. Phải trực tiếp có mặt tại Hàng Châu, ta mới cảm nhận được hàm lượng công nghệ chảy trong từng hơi thở của thành phố.

Là đối tác chiến lược của ASIAD 19, Tập đoàn Alibaba đã hỗ trợ tối đa các đoàn thể thao và khán giả có mặt tại Hàng Châu. Họ rất biết cách mời chào mọi người chi tiêu trong 2 tuần ở đây. Du khách có thể tải về ứng dụng thanh toán trực tuyến và thực hiện giao dịch bằng thẻ quốc tế với chiết khấu mỗi lần lên tới 100 nhân dân tệ.

Giống như một thành phố phương Tây, mọi ngóc ngách của Hàng Châu đều có thể ghé qua nhờ giao thông công cộng. Tàu điện, xe buýt điện đều chạy nhanh, đường thông hè thoáng, gần như không có tiếng ồn. Đến làng vận động viên, ai cũng phải thốt lên đầy bất ngờ khi chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt của công nghệ mới.

Chó robot thông minh là sản phẩm của thế kỷ 22 trong bộ truyện tranh Doraemon, nhưng Trung Quốc đã làm được ngay trong 20 năm đầu thế kỷ 21. Giữa Làng vận động viên ASIAD, một trung tam triển lãm công nghệ thông minh xuất hiện với nhân vật chính là 3 chú chó robot. Chúng biết xếp hàng, đứng, ngồi, đi lại như chó thật, và thậm chí còn biết nhảy theo giai điệu của bài hát.

Chó robot là một trong những sản phẩm mới nhất của startup Deep Robotics. "Những chú chó của chúng tôi không chỉ biết nhảy nhót. Nhiệm vụ chính của chúng là thực hiện những công việc như một chó đặc vụ. Chúng đã được thuê để thăm dò, giám định các khu vực trong ga tàu điện ngầm", Giám đốc Marketing của Deep Robotics chia sẻ. ASIAD trở thành cơ hội vàng để Deep Robotics và những doanh nghiệp khác cho thấy khả năng của mình trong việc phát triển, và ứng dụng những công nghệ mới nhất. Đây cũng là doanh nghiệp tham gia vào lễ khai mạc đầy sắc màu của ASIAD nhờ công nghệ thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Họ mong muốn chứng minh Hàng Châu đang là nơi tập trung những doanh nghiệp công nghệ thú vị nhất, độc đáo nhất.

Cần phải biết thêm, ASIAD 19 là giải đấu thí điểm chương trình trung hòa carbon. Vì thế, ban tổ chức không tiến hành bắn pháo hoa trong lễ khai mạc, và không có khán giả nào tại sân vận động nhìn thấy pháo hoa cả. Nhưng khán giả xem truyền hình lại thấy pháo hoa bắn lên trời rực rỡ. Đó chính là ứng dụng của AI trong Á vận hội lần này đến những người không thể đến theo dõi trực tiếp.

"Xe mì gõ" không cần người bán

Máy bán hàng tự động bắt đầu xuất hiện tại Nhật Bản từ thập niên 50-60 của thế kỷ trước, khi số lượng lao động trong ngành bán lẻ suy giảm. Cho đến nay, xứ sở mặt trời mọc vẫn là quốc gia có nhiều máy bán hàng tự động nhất thế giới. Nhưng với những người đã trải nghiệm máy bán hàng tự động giữa nhiều quốc gia, có thể thấy, Trung Quốc đã hơn Nhật Bản ở nhiều mặt.

Kinh đô công nghệ Hàng Châu bừng sáng nhờ ASIAD -0
Chó robot của Hàng Châu có thể nhảy và truy tìm dấu vết

Một trong những điểm yếu cố hữu của máy bán hàng tự động là chúng chỉ phục vụ được đồ ăn thức uống có sẵn. Công nghệ cũ chưa thể thay thế con người phục vụ những món ăn nóng hổi được chế biến phức tạp. Nhưng công nghệ mới của những máy bán hàng tự động đặt tại Hàng Châu phục vụ ASIAD 19 đã làm được điều đó. Chúng có thể "nấu" đồ ăn trong thời gian rất ngắn.

Tác giả của những máy bán hàng tự động đời mới nhất đó là một starup công nghệ khác của Hàng Châu. Giám đốc công ty ví von sản phẩm này của họ là xe mì gõ không cần người bán. Những cỗ máy hiện phục vụ trung bình 300 suất ăn mỗi ngày tại ASIAD. Thực khách chỉ phải chờ trong vòng 2 phút để có một bữa ăn nóng hổi giữa tiết trời se lạnh mùa thu, nhanh hơn cả các quầy ăn nhanh phục vụ. Trên thực tế, "xe mì gõ không cần người bán" được gọi với tên chính thức là "Bếp ăn AI", một thiết bị tự nấu và hỗ trợ thực khách tự phục vụ đồ ăn. Trước ASIAD, doanh nghiệp sáng chế sản phẩm này đã bán được gần 100 máy cho các đối tác trong phạm vi thành phố Hàng Châu. Họ kỳ vọng sản phẩm độc đáo của mình sẽ vươn tầm quốc tế nhờ Á vận hội.

Máy cấp thuốc thông minh cũng là một sản phẩm công nghệ mới được quảng bá tại ASIAD 19. Nhà sáng lập kỳ vọng thiết bị của họ có thể hỗ trợ mỗi cá nhân những công việc đơn giản một y tá hay làm. Máy giả lập mùi cũng trở thành điểm sáng tại ASIAD, khi chủ sở hữu quảng bá chiếc máy này có thể giúp người xung quanh có cảm giác như mình đang ngửi thấy mùi đồ ăn thức uống, và nước hoa nữa.

Cơ hội vàng

Những startup công nghệ Hàng Châu trình diễn sản phẩm tân tiến nhất của họ tại ASIAD đều có một điểm chung. Họ muốn quảng bá sản phẩm với mục đích lớn lao: Biến những mặt hàng của mình được đưa vào hệ thống sản xuất hàng loạt với những đơn hàng lớn. Nhà sản xuất "Bếp ăn AI" kỳ vọng họ không chỉ bán được 70 chiếc như hiện tại mà có thể là 7.000, thậm chí 7 triệu chiếc trong tương lai.

Làm thế nào để một sản phẩm có thể bán được nhiều hơn? Khâu marketing sản phẩm sẽ làm điều đó. Nhưng trong thời buổi cạnh tranh công nghệ gắt gao, chi phí quảng bá, tiếp thị ngày càng lớn. Với các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như ô tô, điện thoại, chi phí marketing có thể chiếm tới 50% giá thành sản phẩm bán ra, bởi quảng cáo là cách duy nhất giúp nhà sản xuất bán được hàng.

Ở một góc độ khác, mọi chủ doanh nghiệp muốn tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ để quảng bá sản phẩm. ASIAD 19, với gần 50 quốc gia tham dự, đã trở thành cơ hội vàng để các startup Hàng Châu tìm đến. Mỗi VĐV, HLV hay du khách có mặt tại Hàng Châu trong 2 tuần đều có thể là khách hàng tiềm năng, khi họ trực tiếp trải nghiệm những tiến bộ mới nhất của công nghệ.

15 năm trước, Olympic Bắc Kinh chính là chìa khóa vàng để Trung Quốc lớn mạnh. Giữa thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái, Trung Quốc vẫn tăng trưởng hai con số mỗi năm nhờ cú hích mang tên Thế vận hội. Hạ tầng cơ sở của quốc gia này cũng được nâng cấp đáng kể. Vì thế, đất nước đông dân nhất thế giới luôn muốn tận dụng những kỳ đại hội thể thao để thay đổi bộ mặt quốc gia.

So với Olympic, ASIAD thậm chí còn có quy mô lớn hơn dựa trên số lượng VĐV tham dự và chương trình thi đấu. Mặt khác, các quốc gia châu Á có nhiều điểm chung với Trung Quốc hơn Mỹ và châu Âu. Với các startup Hàng Châu, còn cơ hội nào tốt hơn để quảng bá sản phẩm đến thị trường gần gũi mình nhất mà gần như không phải mất chi phí, lại có thể thực hiện ngay trên "sân nhà"?

Những vận động viên tham dự ASIAD 19 nói làng VĐV có phần chu đáo, tiện nghi hơn cả Olympic. Đây là lần đầu tiên mỗi phòng nghỉ của VĐV được sắm cả máy giặt trong phòng, thay vì phòng giặt công cộng. Việc riêng tư như giặt đồ, vì thế, giúp không ít VĐV cảm thấy thoải mái hơn. Chỉ một chi tiết nhỏ vậy thôi cũng cho thấy Trung Quốc, và Hàng Châu đã "thắng lớn" ở ASIAD.

Kích thích kinh tế nhờ ASIAD

Chia sẻ bên ngoài nhà thi đấu Binjiang, nơi diễn ra môn cầu lông của ASIAD 19, chị Vương Hiểu Hiểu nói Á vận hội Hàng Châu năm nay diễn ra đúng kỳ nghỉ lễ Quốc khánh của Trung Quốc. Thông thường, Hiểu Hiểu sẽ tận dụng kỳ nghỉ dài này để về Vân Nam thăm gia đình. Nhưng sự sôi động của một kỳ Á vận hội đã khiến cô gái 28 tuổi quyết định ở lại Hàng Châu theo dõi, cổ vũ các vận động viên.

Theo thống kê từ phía Trung Quốc, ASIAD 19 giúp Hàng Châu đón hơn 20 triệu lượt khách du lịch. Đây là cơ hội kích cầu kinh tế lớn hơn bất kỳ gói chính sách nào. Đổi lại, nước chủ nhà cũng dành tặng hơn 100.000 vé theo dõi các môn thể thao Á vận hội đến người hâm mộ thông qua các ứng dụng thông minh của giải đấu.

Có cùng suy nghĩ như Vương Hiểu Hiểu là Tiêu Đan. Ông bố hai con quyết định đưa cả nhà đến Cung Thể thao Dưới nước Hàng Châu theo dõi những màn so tài ở môn bơi lội. Tiêu Đan nói thông thường, gia đình anh sẽ du lịch vào dịp nghỉ lễ. Đến năm nay, anh quyết định dẫn các con đến theo dõi thể thao. Anh mong hai cậu con trai có thể được các VĐV truyền cảm hứng để chăm chỉ rèn luyện hơn.

"Khi để các con ở nhà, tôi luôn cảm thấy lo ngại về việc bọn trẻ ngồi xem điện thoại, ti vi, máy tính bảng cả ngày. Việc dẫn các cháu đến theo dõi thể thao vừa góp phần thay đổi không khí, vừa giúp các con có thêm trải nghiệm thú vị ngoài màn hình điện tử. Nếu con tôi chăm chỉ tập luyện thể thao và vào các đội tuyển, tôi sẽ cảm thấy vô cùng vinh dự", Tiêu Đan nói.

Trần Thành
.
.
.