Hoàng tử được học nghề gì?

Thứ Hai, 11/12/2023, 10:49

Thời xưa, các hoàng tử, trong đó đặc biệt là hoàng thái tử đều được vua cha chọn thầy dạy dỗ rất chu đáo, từ tứ thư, ngũ kinh cho đến lục nghệ, cùng nhiều nghề khác trong dân gian.

Nước ta, từ Vua Lý Thánh Tông đã cho lập Văn Miếu năm 1070. "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Hoàng thái tử đến học ở đây". Sau đó, các vị vua trẻ hay hoàng thái tử đều được vua cha cho lập tòa Kinh Diên, viện Tập Hiền để sai đại thần dạy bảo. Năm 1075, thời Vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa Minh kinh bác học và Nho học tam trường, lấy Lê Văn Thịnh đỗ đầu, sau đó ông được cho "vào hầu vua học".

Học lục nghệ

Về lục nghệ, gồm các nghề mà người "quân tử" theo quan niệm thời xưa cần biết, như lễ, nhạc, xạ (bắn), ngự (cưỡi ngựa), thư (học chữ Hán, thư pháp), số (tính toán, dự đoán vận số), sử sách nước ta cũng cho biết các vị hoàng tử đều được dạy dỗ chu đáo.

Hoàng tử được học nghề gì? -0
Vua Thành Thái cùng các hoàng đệ và thầy dạy học.

Về lễ, các vị hoàng thái tử, hoàng tử được dạy dỗ chu đáo, khi trưởng thành thường được vua sai thay mặt tế lễ các lăng miếu. Thời Vua Tự Đức, có lần gặp ngày giỗ ở Hiếu Minh hoàng đế, tức chúa Nguyễn Phúc Chu, ở lăng Trường Thanh, mà hoàng trưởng tử Ưng Chân (con nuôi cả của Vua Tự Đức, là Vua Dục Đức sau này) vào chầu, lại mặc quần đỏ, là sai phép tắc, phải phạt bổng 6 tháng. Các thầy dạy của ông, từ chức giáo đạo trở xuống đều phải giáng chức lưu nhiệm, hay giáng chức đổi đi có thứ bậc.

Vua Tự Đức sau đó phải sai chọn đặt một viên làm sư bảo cho hoàng tử, hai viên chuyên sung việc dạy bảo hoàng tử, và dụ rằng: "Trẫm từ khi nuôi Ưng Chân làm hoàng tử, về việc nuôi dạy, khuyên bảo, không cái gì là không đầy đủ, lại kén chọn quan đại thần đi lại dạy bảo, đặt ra các chức giảng tập, trưởng sử, tư vụ, để cho giảng tập dùi mài mà cho được thành tài, thế mà áo mặc vào chầu, gián hoặc có khi không được cẩn thận, thì ngày thường dẫn bảo điều hay, ngăn cấm điều trái ra sao? Nay giao cho văn ban đình thần hội đồng công cử, cốt sao cho xứng lòng ân cần về việc thận trọng chọn người làm phụ đạo của trẫm". Sau đó, vua đặc cách cử Thượng thư Phạm Phú Thứ, Trực học sĩ Nguyễn Chính sung làm giáo đạo để dạy hoàng tử.

Cưỡi ngựa thì hầu như vị quý tộc nào cũng phải học. Riêng Vua Lê Thái Tông còn tập cưỡi cả voi. Các vị hoàng tử cũng có thầy riêng để tập võ nghệ, binh pháp. Theo "Toàn thư" thì vua trẻ Lê Thái Tông cũng đi tham quan việc tập võ nghệ: "Tháng 2 năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), vua tới trường đua xem tập võ nghệ".

Thời Trần, khi Vua Trần Thái Tông năm 1274 sách phong hoàng trưởng tử Trần Khâm (tức Vua Trần Nhân Tông sau này) làm hoàng thái tử, đã sai: "Chọn người Nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông Cung. Nhà vua lấy Lê Phụ Trần làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ. Lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung Nội thị nội thị học sĩ". Chức Thiếu sư được giao cho Lê Phụ Trần, là người được sử gia Ngô Sĩ Liên khen ngợi "dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo thái tử", nên góp phần đào tạo nên Vua Trần Nhân Tông anh hùng, dũng lược về sau. Còn về tài năng của Nguyễn Sĩ Cố, "Toàn thư" chép sự kiện năm 1306, đời Vua Trần Anh Tông: "Sai thiên chương học sĩ Nguyễn Sĩ Cố giảng ngũ kinh. Sĩ Cố thuộc dòng Đông Phương Sóc, giỏi khôi hài, hay làm thơ phú quốc ngữ. Nước ta làm nhiều thơ phú bằng quốc ngữ bắt đầu từ đó".

Ngoài ra, thái tử còn được vua cha tuyển thầy dạy rất nhiều nghề, như trong đoạn chính sử chép: "Có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua (Trần Anh Tông) sai dạy thái tử (thái tử Mạnh, tức Vua Trần Minh Tông sau này) các nghề ấy".

Trần Cụ được sai dạy thái tử bắn nỏ, vì kiểu bắn của ông khác với toàn thể quân đội lúc đó: "Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ "đinh" không thành, chữ "bát" không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người: "Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?".

Hoặc như trường hợp của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc học tập bách nghệ cũng vậy. "Toàn thư" chép: "Ích Tắc là con thứ của thượng hoàng (Trần Thái Tông), thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu... gồm 20 người, đều được dùng cho đời".

Học trị quốc

Ngược về thời Lý Thái Tông, nhà vua đã sai hoàng thái tử thử sức trong việc xử án. Năm 1040, nhà vua xuống chiếu từ nay trở đi phàm nhân dân trong nước ai có việc kiện tụng gì, đều giao cho Khai Hoàng vương (tức thái tử Nhật Tôn - Vua Lý Thánh Tông sau này) xử đoán rồi tâu lên. Tuy nhiên, lấy quan điểm Nho gia, sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê bàn rằng: "Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử".

Việc hoàng thái tử ở lại giám quốc khi vua cha đi ra ngoài còn được duy trì đến thời nhà Nguyễn. Như vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), khi nhà vua xa giá Bắc tuần, thấy hoàng tử trưởng Hồng Bảo "tuổi tuy đã lớn, nhưng không có học, kiến văn hẹp hòi, e khó làm xong công việc", nên muốn giao cho hoàng tử thứ hai (Hồng Nhậm, là Vua Tự Đức sau này) lưu kinh. Sách "Đại Nam thực lục" chép rằng khi vua vào chầu thái hoàng thái hậu (bà nội vua), bà dụ vua rằng: "Hoàng trưởng tử lưu kinh vốn là việc cũ. Hồng Bảo tuy ít học, nhưng tuổi đã trưởng thành, để lại một vài đại thần giúp việc, có gì là không nên? Hà tất phải thay đổi việc cũ?". Vua sợ trái ý thái hoàng thái hậu, mới sai Hồng Bảo lưu kinh mà cho Hồng Nhậm theo vua ra Bắc.

Dạy hoàng tử đạo trị quốc, các vua cũng lưu ý các bậc sư bảo dạy về chuyện thiện - ác. Thời Trần, khi bàn việc dạy các hoàng tử, Thái bảo Uy Túc vương Trần Văn Bích từng bàn rằng: "Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ, chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước".

Thượng hoàng Trần Minh Tông nghe vậy liền nói: "Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện - ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu, Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Kiệt, Trụ, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao?". Uy Túc vương nghe vậy, cúi đầu nhận là phải.

Học bách nghệ

Trái với quan điểm của Ngô Sĩ Liên, thái tử trong các đời vua ở nước ta không chỉ "thăm hỏi hầu cơm nhà vua", mà còn được vua rèn cho đi thực tế nhiều nơi để có kinh nghiệm về đời sống dân gian.

Như Vua Minh Mạng, vào năm thứ 13 (1832), đã cho các hoàng tử lần lượt đi "tham quan các sở thợ làm trong Đại nội". Mấy hôm sau, nhà vua nói rằng: "Hôm trước ta bảo các con lần lượt đi xem các sở thợ làm là có ý muốn cho các con chính mắt trông thấy quân dân cần cù khó nhọc, phải nghĩ cách vỗ về, nuôi dưỡng họ. Vả lại, người ta có khó nhọc thì mới biết nghĩ, có biết nghĩ thì tất mới nảy sinh lòng thiện. Các con sinh trưởng phú quý, chưa biết việc dân khó nhọc nên sai đi cho trông thấy, cũng là ý khuyên răn như khi nghỉ gốc cây và đi thuyền đó. Nếu không hiểu lý suy rộng thì sẽ bảo ta là dạy bảo những việc doanh tạo xây dựng, tất sau này sẽ dùng kiệt sức dân, để cầu cho thỏa ý muốn".

Hay như vào mùa đông năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), nhà vua xa giá đi chơi, thăm ruộng tịch điền, xem gặt lúa, vua đã sai quan Kinh doãn dâng cái hái để gặt lúa, vua thân gặt vài nắm lúa. Sau đó, vua sai các hoàng tử cũng gặt thử, dạy rằng: "Muốn cho các ngươi biết qua việc cấy gặt khó nhọc đó thôi!".

Lần khác, Vua Thiệu Trị đi cày tịch điền, đã sai hoàng tử thứ sáu là Hồng Hưu theo xa giá đi rắc thóc gieo hạt.

Còn các trò chơi giải trí, các hoàng tử đều học tập đầy đủ. hoàng tử Trần Ích Tắc được mô tả là "dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo". Các tôn thất nhà Trần đều đam mê trò chơi đá cầu (quả cầu làm bằng da bơm hơi như quả bóng đá sau này), sử chép nhiều lần nhà vua tổ chức thi đấu môn này, có lần cho sứ nước ngoài xem, nên "Toàn thư" mới nhắc đến chuyện Trần Cụ dạy thái tử đá cầu thế nào.

Tuy nhiên, các hoàng tử luôn được nhắc nhở không mải mê chơi bời mà quên chính sự. Như thời Vua Lê Nhân Tông, khi Thái úy Lê Khả thấy có cái lưới săn trước Vân Tập đường, đã gỡ đi và nói: "Chớ để vua trông thấy lưới này, sẽ gợi thói ham săn bắn sau này". Hoặc, thời Vua Minh Mạng, nhà vua sai nội các truyền họp trưởng sử 4 Quảng đường (nhà học của hoàng tử), tuyên chỉ rằng: "Lũ ngươi có trách nhiệm phụ đạo hoàng tử, nên khuyên bảo các hoàng tử chăm chỉ học hành, không được chơi đùa và nuôi gà chọi, chó săn, làm những việc vô ích, nếu sau khi học hỏi nghỉ ngơi, muốn chơi vui chốc lát, chỉ cho nuôi cá chậu 3-5 con, còn ngoài ra đều không được, trái lệnh này tuy lỗi ở hoàng tử, nhưng lũ ngươi cũng có lỗi".

Lê Tiên Long
.
.
.