Gian nan chữa bệnh cho vua
Nghề thầy thuốc xưa nay vẫn là một nghề khó, vì liên quan đến tính mạng con người. Chữa bệnh cho vua còn khó nữa, vì nếu sơ sểnh, thầy thuốc có thể bị... mất đầu.
Thời Lý: Nhà sư chữa bệnh cho vua
Đọc sử sách nước ta để lại thì thời mới xây nền tự chủ của các triều đại nhà Đinh, Lê, chưa thấy ghi chép cụ thể về nghề thuốc và các ngự y chữa bệnh cho vua. Đến thời Lý, triều đình mới cho lập Ty Thái y để chuyên việc chữa bệnh cho vua và ty này sang triều Trần, được tôn lên thành Viện Thái y, có các ngự y chuyên khám, chữa bệnh cho nhà vua, hoàng tộc, quan lại. Các triều đại phong kiến tiếp sau đó đều tiếp tục duy trì, phát triển cơ quan y tế quan trọng này.
Việc chữa bệnh cho vua được chính sử ghi lại đầu tiên có lẽ là trường hợp của Vua Lý Thần Tông. Đó là sợ kiện diễn ra vào năm Thiên Chương Bảo Thụy thứ 5 (1136), "Đại Việt sử ký toàn thư" viết rằng: "Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ". Bộ sử này chép thêm một đoạn mang tính huyền thoại, bổ sung thêm về câu chuyện chữa bệnh cho vua như sau: "Tục truyền khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này".
Bộ sử "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" do các sử quan thời Nguyễn biên soạn, tổng hợp từ các nguồn sử liệu trước đó rằng: "Nhà vua có tật, thầy thuốc chữa không công hiệu. Sư Minh Không chữa khỏi, được ban hiệu quốc sư. Lại miễn tô dịch cho vài trăm hộ để cho Minh Không được quyền sử dụng". Nhiều sử liệu khác tả kỹ hơn về căn bệnh lạ của của Vua Lý Thần Tông là người mọc đầy lông. Căn bệnh này sau này y văn thế giới vẫn có ghi nhận, rất hiếm gặp, nên việc "thầy thuốc chữa không công hiệu" mà sử ghi là điều dễ hiểu. Dã sử viết tiếp về cách sư Minh Không chữa bệnh, bằng biện pháp... nấu dầu sôi tắm cho nhà vua, khiến lông trên người vua rụng hết. Chuyện này cũng không có cơ sở để khẳng định, có lẽ là một huyền thoại để tăng thêm uy tín của sư Từ Đạo Hạnh và sư Minh Không, người sau đó được phong làm Lý Quốc Sư mà thôi.
Việc chữa bệnh cho vua thời Lý còn được "Toàn thư" thể hiện ở thời Vua Lý Huệ Tông, năm 1216: "Vua có bệnh trúng phong, chữa thuốc không khỏi, chưa có thái tử, trong cung chỉ sinh hai công chúa mà thôi (tức công chúa Thuận Thiên và công chúa Chiêu Thánh - nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng sau này). Tiếp sau đó, vào năm 1221, bộ sử này viết tiếp: "Mùa xuân, tháng Giêng, tìm khắp thầy thuốc trong nước để chữa bệnh cho vua, nhưng không hiệu nghiệm gì. Vua thì ở tít trong cung". Mặc dù vậy, nhiều khả năng các sử quan đời Trần cũng tô vẽ thêm để cho đời sau thấy rằng vua nhà Lý không còn khả năng cai trị đất nước, để việc nhà Trần thay thế được chính danh hơn mà thôi.
Thời Trần: Nổi bật câu chuyện của Trâu Canh
Thời Trần, sử sách ghi chép nhiều nhất về năng lực chữa bệnh của viên thái y người gốc Bắc là Trâu Canh. Nguồn gốc viên thầy thuốc này được "Toàn thư" viết như sau: "Canh là con Trâu Tôn người phương Bắc. Khi người Nguyên vào cướp, Tôn làm thầy thuốc đi theo quân Nguyên, đến khi quân Nguyên thua thì bị bắt. Tôn ở nước ta, chữa thuốc cho các vương hầu thời đó, phần nhiều thấy công hiệu. Người trong nước nhiều lần cho Tôn ruộng, nô, thành ra giàu có. Canh nối nghiệp cha, trở thành danh y, nhưng không có hạnh kiểm...”.
Khả năng chữa bệnh thần diệu của Trâu Canh được "Toàn thư" tả kỹ trong sự kiện năm Khai Hựu thứ 11 (1339), khi viên thầy thuốc này cứu mạng hoàng tử Hạo (Vua Trần Dụ Tông sau này). Sử viết: "Mùa thu, tháng 8, ngày 15, ban đêm, con của thượng hoàng (Trần Minh Tông) là Hạo (lúc ấy mới 4 tuổi) đi thuyền chơi hồ Tây bị đuối nước, vớt được ở lỗ cống đơm cá. Thượng hoàng sai thầy thuốc Trâu Canh cứu chữa. Canh nói: "Dùng kim châm sẽ sống lại, nhưng chỉ sợ sẽ bị liệt dương". Dùng kim châm thì quả như lời ông ta nói, từ đấy mọi người gọi Trâu Canh là thần y. Canh sau mãi được thăng lên Quan phục hầu Tuyên Huy viện đại sứ kiêm Thái y sứ".
12 năm sau, năm 1351, sử lại ghi chuyện Trâu Canh chữa cho Vua Trần Dụ Tông, khi đó đã là thanh niên 16 tuổi, khỏi bệnh liệt dương bị mắc từ thuở nhỏ, bằng những biện pháp rất kỳ bí, khiến Trâu Canh càng được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang.
5 năm sau, năm 1356, Trâu Canh lại xuất hiện trong sử Việt một lần nữa, khi thượng hoàng Trần Minh Tông bị con ong vàng đốt. Cùng xuất hiện với viên thầy thuốc gốc Bắc này còn có tên các ngự y khác như Vương Định, Phạm Thế Thường. Nhưng, lần này thì bệnh tình của thượng hoàng không cứu vãn được nữa. Dù vậy, trước khi lâm chung, thượng hoàng vẫn ứng khẩu một bài thơ, răn ông ta "xem mạch chớ bàn chuyện muộn phiền". Đến khi dâng thuốc lên thì ngài nói: "Người ta ở đời, bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác". Rồi không chịu uống thuốc và băng hà sau đó.
Trâu Canh còn được thể hiện tài năng để chữa bệnh cho Vua Trần Dụ Tông một lần nữa, vào tháng 5/1364. Khi đó, nhà vua đi hóng gió chơi trăng, vì uống rượu quá say, lại lội xuống sông tắm nên bị ốm. Sử viết: "Sai quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh thay nhau hầu thuốc thang. Mùa thu, tháng 7, vua khỏi bệnh". Liên tục chữa khỏi bệnh cho vua như vậy, phải nói tài năng của Trâu Canh cũng không phải tầm thường. Theo các sử gia biên soạn "Toàn thư" thì "Dòng dõi của Canh đến triều Lê sơ còn có người là Trâu Bảo, được của do Trâu Canh cất giữ trở nên giàu có, nhưng cũng vì thế mà trở nên lụn bại".
Còn vấn đề chăm lo sức khỏe cho nhân dân, qua chính sử cho biết, vào đời Vua Trần Dụ Tông, năm 1362, có sự kiện: "Tháng 9, vua ngự đến phủ Thiên Trường. Dân có ai ốm thì được ban thuốc uống công và tiền gạo, ít nhiều khác nhau. (Thuốc có tên là viên Hồng ngọc sương, trừ bách bệnh. Dân nghèo ai nghe tin đến được thì được ban 2 viên thuốc, 2 tiền và 2 thăng gạo)".
Thuốc thang cho vua: Lo ngay ngáy
Việc bảo vệ an toàn cho nhà vua được quy định rất chi tiết trong luật hình thời xưa. Bộ Quốc triều Hình luật, hay còn gọi là Luật Hồng Đức, ban hành đầu niên hiệu Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, quy định nơi sắc thuốc và nấu ăn của nhà vua là những nơi cần được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để tránh các trường hợp đầu độc. Điều 51, Luật Hồng Đức quy định, người tự tiện vào nơi sắc thuốc và nơi nấu ăn của nhà vua thì phải đày đi châu xa. Các quan thường trực chỉ được đến ngoài cửa các nơi này, nếu vào lầm thì phải tội biếm hay đồ. Người vào vườn cấm của nhà vua thì phải đồ làm khao đinh (người phục dịch trong quân đội).
Tuy nhiên, cái chết của vị vua anh minh Lê Thánh Tông lại liên quan đến sự sơ hở trong việc bảo vệ an toàn cho vua. Sử thần Vũ Quỳnh, người tham gia biên soạn bộ "Đại Việt sử ký toàn thư", cho biết: "Tiếc rằng vua nhiều phi tần quá, nên mắc phải bệnh nặng. Trường Lạc hoàng hậu bị giam lâu ngày ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn lén đem thuốc độc trong tay sờ vào chỗ lở loét, nên bệnh vua ngày càng nặng thêm".
Luật triều Nguyễn, bộ Hoàng Việt luật lệ, hay còn gọi là Luật Gia Long, quy tội chế thuốc thang cho vua không theo toa chính vào tội đại bất kính, bị xử án tử.
Sử triều Nguyễn, bộ "Đại Nam thực lục", cho biết sau khi Vua Gia Long băng hà, các cai bạ hầu thuốc là Trần Văn Đại và y chánh Nguyễn Tiến Hậu, y phó Đoàn Quang Hoảng đều phải tội giam ở ngục, sau được các đại thần hết sức xin, mới được Vua Minh Mạng tha cho về làng.
Có lần Thái Y viện kê thuốc không hiệu quả, Vua Minh Mạng đã xuống dụ quở trách các quan Cơ mật viện là Nguyễn Kim Bảng và Trương Đăng Quế: "Từ nay, bản tâu về đơn thuốc do Thái Y viện dâng, các ngươi nên xét kỹ xem bài thuốc có hợp không. Phàm tôi con đối với vua cha khi có bệnh, không thể không biết đến bài thuốc, huống chi các ngươi đều là đại thần. Gặp khi nào tiến thuốc thì cho Hộ Bộ thượng thư Lương Tiến Tường, Vệ úy lĩnh thị vệ Lê Thuận Tĩnh, quản lý văn thư phòng Thượng bảo khanh Thân Văn Quyền hội đồng với ngự y xét nghiệm vị thuốc để tỏ sự thận trọng".
Sau khi Vua Minh Mạng qua đời, hai thầy thuốc chữa bệnh cho vua là Hoàng Đức Hạ và Đặng Công Tuấn cũng bị tống ngục. "Đại Nam thực lục" chép: "Khi trước, Thánh tổ Nhân hoàng đế yếu nặng, bọn Hạ chữa thuốc không có công hiệu, đưa xuống đình thần bàn xét, đều nói là: bọn Hạ biết mà không nói, là bất trung; dám tự theo ý mình, là bất kính. Tội bất trung và bất kính không gì to bằng. Xin khép vào tội trảm giam hậu". Mãi đến khi Vua Thiệu Trị lên ngôi, xét rõ tội mới cho giảm án: "Bọn Hoàng Đức Hạ giữ việc chữa thuốc, ta vẫn thường gọi vào thăm bệnh, khi xem mạch hỏi bệnh, trông khí sắc, nghe tiếng nói, không phải là không kỹ, kê dâng phương thuốc không phải là không hiểu... Theo lời đình nghị, giảm tội xuống, điều đi làm việc đồn điền ở trên nguồn".
Như vậy, các quan thầy thuốc tuy được tha chết, nhưng phải đi lao dịch ở đồn điền, kể cũng trớ trêu cho những người mắc nạn vì nghề nghiệp cứu người của mình!