Chủ nhân của 4 giải thưởng VinFuture:

Dấu ấn những công trình vĩ đại đã thay đổi cuộc sống hàng triệu người

Thứ Bảy, 22/01/2022, 08:29

GS Drew Weissman tâm sự: “Khi tôi bắt đầu làm công nghệ mRNA thì đó là giai đoạn rất khó khăn vì không ai quan tâm đến vấn đề này, không ai cho kinh phí, không nơi nào đăng công trình mà chúng tôi muốn công bố. Nhưng chúng tôi thấy tương lai và hiểu tầm quan trọng của công nghệ và không bao giờ từ bỏ. Tôi muốn nhắc lại, đừng từ bỏ! Mình phải kiên trì, nỗ lực, thất bại vẫn kiên trì”.

Hà Nội ngày 21/1, thời tiết trở lạnh, âm u hơn bởi cơn mưa lâm râm ướt dầm. Thế nhưng, tại khán phòng Hội trường Đại học Vin Uni (Hà Nội), không khí trở nên ấm hơn bao giờ hết bởi những câu chuyện rất thật, rất nhân văn của các chủ nhân giải thưởng VinFuture. Ít ai biết rằng, chủ nhân của các giải thưởng, từng là cậu bé nghèo gốc Jordan sống tị nạn trong ngôi nhà sát chuồng bò, cặp vợ chồng ám ảnh bởi bệnh AIDS, cô gái sợ đám đông hay cuộc gặp tình cờ của nhóm nghiên cứu vaccine mRNA. Để làm nên những công trình vĩ đại, giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người là nền móng được xây dựng rất nhiều năm trước.

Niềm đam mê nghiên cứu được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu

Mở màn chương trình là bài diễn thuyết của Giáo sư Omar M.Yaghi, nhà khoa học người Mỹ gốc Jordan giành giải với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ khí (Metal-Organic Frameworks hay MOFs). Kể về hành trình của bản thân, ông dẫn dắt người nghe về lại quá khứ hàng chục năm trước khi mình là một cậu bé nghèo, không có tiền mua đồ chơi. Cả gia đình 10 người sống chung nhà liền với chuồng bò. Nhưng cậu bé ấy nuôi niềm đam mê với bộ môn Hoá học khi còn chưa biết tên bộ môn, mới chỉ biết mô hình phân tử. Dần dần khi lớn lên, ông nhận ra Hoá học có thể giúp gián tiếp giải quyết các vấn đề của cả hành tinh. Công trình mang đến vinh quang cho ông tại giải thưởng VinFuture lần này cũng là một giải pháp có thể tạo ra nhiều đột phá, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, ông đã tạo ra được một loại vật liệu mới. Với lượng rất nhỏ chỉ với 1 gram, to bằng khoảng một đồng xu, vật liệu có thể trải che phủ cả một sân bóng đá. Khi soi chiếu dưới kính hiển vi có thể thấy vật liệu chứa những lỗ rỗng ở cấp độ phân tử. Công trình của ông có thể được ứng dụng trong việc thu giữ CO2, tạo ra nước từ không khí và lưu giữ hydro trong các vật chứa nhỏ gọn.

Dấu ấn những công trình vĩ đại đã thay đổi cuộc sống hàng triệu người -0
Các nhà khoa học tại buổi giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture ngày 21/1/2022.

Câu chuyện truyền cảm hứng tiếp theo đến từ nhà khoa học nữ người Mỹ gốc Trung Quốc, Zhenan Bao, được trao giải cho nhà khoa học nữ với nghiên cứu về da điện tử, có khả năng co giãn và cảm nhận như da thật. Phát minh mở ra cơ hội cho hàng triệu người được phục hồi chức năng hiệu quả. Đến từ Đại học Standford với chuyên môn trong lĩnh vực phân tử, bà say mê nghiên cứu phân tử có thể đi đến đâu, làm được những gì. Trong quá trình làm việc, bà nhận ra có rất nhiều người khuyết tật cần lấy lại cảm xúc của làn da.

"Tôi nghĩ nếu có thể tạo ra một điện thoại có màn hình gập thì sao không thể tạo ra những thứ có thể giúp người khuyết tật", bà kể lại. Niềm đam mê nghiên cứu trên được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu. Cha là nhà vật lý, mẹ là nhà hóa học. Bà luôn được cha mẹ khuyến khích tìm hiểu, đặt câu hỏi. "Khi tôi 4 tuổi, cha có đưa tôi đến công viên và mua cho một ly nước đá. Cha đã đặt rất nhiều câu hỏi như "điều gì sẽ xảy ra nếu thả viên đá vào nước". Điều này giúp bà nhận ra nước đá nhẹ hơn nước, từ đó hình thành tình yêu với khoa học vì nó quá thú vị và nhiều bí ẩn. Tình yêu khoa học cũng giúp bà vượt qua sự nhút nhát. Từ một cô sinh viên vừa từ Trung Quốc chuyển đến Mỹ, xấu hổ đến mức không cất được lời trong bài thuyết trình đầu tiên, Giáo sư Bao đã luyện cách nói chuyện, tiếp cận với mọi người để học thêm kiến thức, phát triển bản thân.

“Đừng từ bỏ! Mình phải kiên trì, nỗ lực, thất bại vẫn kiên trì”

Câu chuyện ngày càng trở nên hấp dẫn khi căp vợ chồng đều là Giáo sư, ông Salim Abdool Karim, bà Quarraisha Abdool Karim xuất hiện. Hai vợ chồng đoạt giải cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển với phát minh gel có chứa dược chất Tenofovir - sản phẩm dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus HIV. Nói về hành trình trước khi đến VinFuture, Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim nói bị ám ảnh với căn bệnh AIDS thế kỷ tại nơi mình sinh ra. Phụ nữ có tỷ lệ mắc virus HIV cao gấp 4 lần nam giới. Khi nghiên cứu về HIV và viêm phổi, hai nhà khoa học đã tình cờ phát hiện ra một vài hoạt chất có thể hữu ích trong điều trị HIV.

"Chúng tôi nghĩ mình phải tạo ra một sản phẩm nào đó, để phụ nữ không phải lo lắng về căn bệnh thế kỷ nữa. Và sau nhiều lần thất bại, đến tận năm 2010, chúng tôi mới tạo ra được một sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên", vợ chồng Giáo sư Karim chia sẻ. Thêm vào câu chuyện, GS. Salim Abdool Karim (chồng) kể, tôi còn nhớ ngày mọi chuyện thay đổi. Chúng tôi trao đổi về việc điều trị cho bệnh nhân HIV/lao phổi. Từ kinh nghiệm chúng tôi phát hiện một loại thuốc an toàn. Lúc này chúng tôi tự đặt câu hỏi, tại sao không tạo ra loại gel từ loại thuốc này?

Năm 2004, tôi bay đến một thị trấn nhỏ Foster, đến một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ sinh học, công ty Gilias Science top 10 công ty dược phẩm lớn nhất thế giới hiện nay. Khi đó tôi trao đổi việc tìm nguồi Tenofovir để làm gel. Họ bảo không phải là định hướng kinh doanh chiến lược, nhưng sẽ trao đổi với hội đồng quản trị xem như thế nào. Tôi chờ đời, sau cuộc họp, tôi bảo chỉ cần 25kg Tenofovir, nếu không bán thì tôi phải đi mua và nghiền tay rất mất thời gian trong khi đây là loại thuốc mang lại tác động lớn cho bệnh nhân. Trước khi rời cuộc họp tôi nói đã có ý tưởng làm gel chứa hợp chất này, sẽ mang lại tác động lớn cho mọi người. Ko biết doanh nghiệp có hỗ trợ cho chúng tôi về bằng sáng chế không? Sau khi chia sẻ về dự án họ đã đồng ý hợp tác và cung cấp dược chất. Từ đó, những hy vọng dần hình thành.

Câu chuyện thứ 4 và cũng là được chờ đợi tại Talk Future dành cho chủ nhân của giải thưởng lớn nhất trị giá 3 triệu USD. Đại diện cho nhóm nghiê n cứu đạt giải với công trình "Vaccine mRNA: Công nghệ đột phá để cứu sống con người", Giáo sư Katalin Kariko cho biết từ sự vô tình quen biết nhau, bà và hai nhà khoa học Drew Weissman và Pieter Cullis đã cùng hợp lực để tạo nên một giải pháp công nghệ tạo ra vaccine mới. Bà Kariko từng không dám nghĩ mình sẽ tạo ra được những điều vĩ đại. Tuy nhiên, ước mơ mang đến những điều tốt đẹp đã thôi thúc bà và hai cộng sự tạo ra vaccine mRNA giúp bảo vệ mạng sống hàng tỷ người trên hành tinh. Cùng đó, khi được hỏi về việc ông có hy vọng được giải thưởng triệu đô khi được mời sang Việt Nam, GS Cullis chia sẻ: “Tôi chẳng mong đợi gì cả. Với tôi, được làm khoa học thì đó đã là điều may mắn, là một đặc ân rồi. Chúng tôi được nghiên cứu mọi vấn đề chúng tôi quan tâm, về tim mạch, gan mật… Đó là việc tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc hàng ngày”.

Bên cạnh đó, GS Drew Weissman cũng tâm sự: “Khi tôi bắt đầu làm công nghệ mRNA thì đó là giai đoạn rất khó khăn vì không ai quan tâm đến vấn đề này, không ai cho kinh phí, không nơi nào đăng công trình mà chúng tôi muốn công bố. Nhưng chúng tôi thấy tương lai và hiểu tầm quan trọng của công nghệ và không bao giờ từ bỏ. Tôi muốn nhắc lại, đừng từ bỏ! Mình phải kiên trì, nỗ lực, thất bại vẫn kiên trì”.

Phạm Huyền
.
.
.