Cần có cơ sở dữ liệu liên kết vùng để tránh “mạnh ai nấy làm”

Thứ Bảy, 29/10/2022, 08:05

Nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tự cung của TP Hồ Chí Minh rất hạn chế, chủ yếu phải nhập từ các địa phương lân cận. Tuy nhiên, mô hình quản lý của TP Hồ Chí Minh hiện nay khác với các tỉnh. Sự khác biệt này đã tạo ra trục trặc trong quan hệ thương mại giữa các tỉnh và TP Hồ Chí Minh, trong khi đó chính sách quản lý hiện nay chưa có cấp độ Vùng. Chính vì không có cơ chế quản lý chung, việc quản lý rời rạc phân tán như hiện nay rất khó cho việc điều phối toàn bộ chuỗi thực phẩm, “mạnh ai nấy làm” …

Được biết đến là thủ phủ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là rau củ quả và hoa tươi, mỗi năm tỉnh Lâm Đồng cung ứng ra thị trường trên 1,4 triệu tấn rau củ quả (trung bình 5.500 tấn/ngày) cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu (XK). Trong đó, tiêu thụ trong nước chiếm 87%, nhưng riêng TP Hồ Chí Minh chiếm đến 51%.

Cần có cơ sở dữ liệu liên kết vùng để tránh “mạnh ai nấy làm” -0
Hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu nhập từ các tỉnh.

Với mặt hàng hoa tươi, mỗi năm cung ứng ra thị trường 2,3 tỷ cành, bình quân 1 ngày cung ứng ra thị trường 6,3 triệu cành, trong đó tiêu thụ trong nước chiếm 90%, riêng TP Hồ Chí Minh chiếm 55%). Hàng hóa từ Đà Lạt cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Thủ Đức, chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen, hệ thống siêu thị Co.opmart TP Hồ Chí Minh...

Mặc dù sản lượng cung ứng cho TP Hồ Chí Minh khá lớn, nhưng một số sản phẩm của Đà Lạt chất lượng chưa ổn định, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa và truy xuất nguồn gốc. Cũng do mối liên kết còn thiếu bền vững, nên hiện tượng trà trộn, giả thương hiệu nông sản Lâm Đồng để xuất bán, tiêu thụ đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản của Lâm Đồng.

Là một trong những địa phương có ký kết cung ứng sản phẩm cho TP Hồ Chí Minh, bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, sản phẩm, hàng hóa của Long An tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là nông sản. Đặc biệt, chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh có vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường rất tốt.

Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh, thì người sản xuất ở Long An đã thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn, có truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao… Hiện tỉnh Long An đã xây dựng 25-30 chuỗi nông sản an toàn để cung cấp ổn định cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã ký hợp tác thương mại với 22 tỉnh, thành gồm: 13 tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh Vùng Đông Nam bộ, 1 tỉnh Vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Bình Thuận), 3 tỉnh Vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai). Trong đó, thịt heo, thịt gà, trứng gà chủ yếu từ Long An, Đồng Nai, Bình Dương... cung ứng; thịt vịt, trứng vịt chủ yếu từ các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang...; Rau củ quả chủ yếu từ Lâm Đồng, Tiền Giang; Gạo chủ yếu từ An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...

Để thu hút các địa phương tham gia cung ứng hàng hóa, hàng năm TP Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức “Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa” và đã trở thành sự kiện thường niên từ năm 2012 đến nay. Mỗi kỳ tổ chức thu hút bình quân hơn 40 địa phương tham gia. Đây là nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ TP Hồ Chí Minh với nhiều nhà cung cấp có uy tín với nhiều sản phẩm chất lượng, sản phẩm làng nghề, sản phẩm của các HTX...

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, lũy kế đến nay, “Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa” đã kết nối thành công 4.347 hợp đồng, biên bản ghi nhớ với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/năm.

Nhiều năm phối hợp với TP Hồ Chí Minh để cung ứng nông sản của địa phương, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, trong thời gian qua, các nhà sản xuất của tỉnh Đồng Tháp đã và đang xây dựng các chuỗi cung ứng gắn kết thị trường. Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh đã ký kết các bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường hàng năm. Đồng Tháp tham gia cung ứng nguồn nguyên liệu an toàn, chất lượng với mức giá hợp lý…

Ở chiều ngượi lại, TP Hồ Chí Minh cũng giới thiệu cho Đồng Tháp các DN bán hàng bình ổn giá tham gia các phiên chợ Hàng Việt về nông thôn, cụm công nghiệp gắn với “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hỗ trợ liên kết đầu tư giữa các DN TP Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Tháp về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phối hợp giữa các DN của 2 địa phương trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang trong quá trình thực hiện chưa đạt được nhiều kết quả.

Nguyên nhân, do chưa có nhiều nhà đầu tư, DN TP Hồ Chí Minh chưa mạnh dạn tham gia với vai trò dẫn dắt chuỗi các mặt hàng nông sản trái cây của tỉnh Đồng Tháp, trong khi đó các DN, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thì đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Nhưng quan trọng nhất, theo ông Nguyễn Hữu Dũng đó là hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh nói chung, Đồng Tháp nói riêng về thông tin sản phẩm, nhu cầu tiêu thụ, cần tiêu thụ mặt hàng gì, sản lượng bao nhiêu… của các kênh phân phối TP Hồ Chí Minh, để từ đó các nhà sản xuất ở các địa phương biết mà sản xuất, cung ứng cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

Từ bất cập đó, ông Dũng cũng đề xuất trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin điện tử về sản phẩm chủ lực của các tỉnh và năng lực sản xuất, nhu cầu tiêu thụ của các DN. Khi có cơ sở dữ liệu sẽ rất thuận lợi trong việc điều phối chuỗi cung ứng.

Ví dụ, hiện nay trên thị trường có những mặt hàng nào đang hút hàng hay giá cả tăng vọt, trên cơ sở dữ liệu này, chỉ cần tra thông tin thì Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh sẽ thấy rằng, mặt hàng này ở địa phương nào đang dư thừa, sẽ giúp ứng phó kịp thời. Cũng trên cơ sở dữ liệu, TP Hồ Chí Minh sẽ nắm được mỗi địa phương có sản phẩm gì,… để cung ứng kịp thời khi thị trường TP Hồ Chí Minh thiếu hàng.

Nói về việc liên kết giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương, TS. Trần Tiến Khai - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm mô hình quản lý ATTP hợp nhất với đầu mối là Ban Quản lý ATTP Thành phố. Trong khi đó, các tỉnh, thành khác vẫn tổ chức quản lý ATTP theo mô hình phân tán giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh thuộc 3 ngành: Nông nghiệp, y tế và công thương, trong đó ngành y tế là đầu mối.

“Như vậy, khi chưa có cấp độ liên kết Vùng thì dẫn đến vấn đề: không có kế hoạch sản xuất chung, không có thông tin để xây dựng điều phối chung nên xảy ra sự mất cân bằng cung – cầu một cách liên tục, khi thiếu khi thừa. Dẫn tới luồng hàng hóa thay đổi và gía cả thay đổi làm cho các nhà quản lý khó khăn trong vấn đề bình ổn giá”, TS. Trần Tiến Khai nói.

Thúy Hà
.
.
.