Ứng dụng AI trong kỹ thuật quân sự

Chủ Nhật, 11/08/2024, 08:58

Một cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quân sự đang diễn ra với sự góp mặt của hàng chục quốc gia trên toàn thế giới, từ những quốc gia nhỏ bé đến những quốc gia được coi là cường quốc. Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cuộc đua này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung leo thang, với suy nghĩ đã “ăn sâu bén rễ” rằng nước đầu tiên ứng dụng một công nghệ mới sẽ giành được lợi thế về địa kinh tế và địa chiến lược.

Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh luôn đi kèm với những đòn kiềm chế lẫn nhau giữa những kẻ mạnh cùng với những định hướng chiến lược khác nhau của “người chơi”, cuộc đua này có thể dẫn tới cái kết ít ai ngờ tới.

AI được coi là một công nghệ ứng dụng tổng quát (GPT) mới nổi và sẽ được sử dụng rộng rãi giống như điện ngày nay. Do đó, trên toàn thế giới, AI là một vấn đề mang tính quốc gia, trong đó không thể bỏ qua việc ứng dụng công nghệ này trong lĩnh vực quốc phòng. Trong cuộc đua ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang nổi lên là thế lực mạnh, cùng với Australia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang nhập cuộc.   

antg -nh 2 bài ai.png -0
AI và các mô hình ngôn ngữ lớn để huấn luyện hệ thống AI quân sự.

Trung Quốc muốn giành vị trí dẫn đầu thì phải đổi mới công nghệ quốc gia và chiến lược này tập trung vào AI. Động thái chính sách mới nhất của Trung Quốc là thành lập các liên minh đổi mới nhằm tập hợp các nguồn lực nghiên cứu ở đầu chuỗi đổi mới cùng các doanh nghiệp và khách hàng sử dụng cuối ở cuối chuỗi đó. Ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc được lồng ghép trong nỗ lực quốc gia tổng hợp rất lớn này, trên nền tảng địa kinh tế mạnh mẽ và theo định hướng nhu cầu của người tiêu dùng. Quân đội Trung Quốc được tin là vẫn tích cực thử nghiệm để tìm được thế mạnh dẫn đầu của AI, thường trực lo ngại về các mối đe dọa mà những phát triển AI của Mỹ có thể gây ra.    

Trong khi đó, Singapore và Australia dường như ít đi theo công thức hơn. Hai nước này khởi tạo - chứ không điều hướng - một hệ thống đổi mới ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng, được lồng ghép trong các chiến lược AI quốc gia nhằm phát triển hệ sinh thái AI quốc gia đáng tin cậy và có trách nhiệm, dựa trên xu hướng phát triển quốc tế.

 Đối với Singapore, trọng tâm ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng là tích hợp đổi mới quốc phòng trong nước vào các ứng dụng quân sự thông qua một khuôn khổ hợp tác. Ý tưởng của Singapore là kết hợp sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động, chuyên môn công nghệ và văn hóa hợp tác giữa các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái quốc phòng của nước này, trong đó có cả các đối tác nước ngoài được lựa chọn.      

Australia cũng đua nhưng không quyết liệt. Quy trình Tăng tốc năng lực chiến lược nâng cao (ASCA) mới của nước này có trọng tâm là phòng thủ chứ không phải công nghệ. ASCA bắt đầu với việc xác định nhu cầu quân sự, tìm kiếm các công nghệ mới nổi để đáp ứng nhu cầu này rồi tiếp đến là mua thiết bị và đưa vào sử dụng. So với Trung Quốc, ASCA của Australia được rút ngắn ở phần đầu và phần cuối của chuỗi đổi mới, tức là cả nghiên cứu cơ bản và sản xuất hàng loạt đều chưa được tính đến một cách toàn diện. Với ASCA, Australia sẽ khai thác những đổi mới của các nước khác, chứ phải tìm cách tạo ra một thứ hoàn toàn mới.          

Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang áp dụng các chiến lược chính sách khoa học và công nghệ do nhà nước đi đầu. Vốn có ngành công nghệ thông tin thương mại rất mạnh, sử dụng quy hoạch công nghiệp sâu rộng, Hàn Quốc và Đài Loan đã đưa ra các chiến lược AI quốc gia và phát triển các kế hoạch ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng vẫn rời rạc.

Nhật Bản và Ấn Độ có chiến lược chính sách khoa học và công nghệ do xã hội dẫn dắt. Từ năm 2016, Nhật Bản đã đưa ra một loạt kế hoạch và chương trình quốc gia về AI, chủ yếu tập trung vào giáo dục và công nghiệp dân sự. Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản đang nghiên cứu AI, nhưng chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu dân sự. Ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng gần đây đã bắt đầu được Nhật Bản khám phá, với kế hoạch quốc phòng ứng dụng AI đầu tiên mới được công bố ngày 2/7, nhưng ngân sách phân bổ còn ít.     

Tương tự, các chiến lược AI quốc gia của Ấn Độ chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp dân sự và công nghệ với các ứng dụng dành cho người tiêu dùng. Các hoạt động nhằm đưa AI vào ứng dụng trong lĩnh vực quốc phòng còn hạn chế và bị phân mảnh mà không có định hướng tập trung. Thiết kế, phát triển và triển khai ứng dụng AI trong lĩnh vực quốc phòng Ấn Độ được thực hiện dàn trải trong Bộ Quốc phòng, 16 tập đoàn quốc phòng khu vực công, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng và 3 đơn vị dịch vụ. Cũng có một số cơ quan chính phủ phối hợp với khu vực tư nhân và giới học thuật, nhưng sự tương tác này nhìn chung còn hạn chế và phần lớn là một chiều.   

Trong bức tranh chung, vẫn có những điểm tương đồng quan trọng đó là các nước đều đã bắt nhịp AI lấy dữ liệu làm trung tâm nên nhanh chóng đón làn sóng AI thứ hai, trong đó sử dụng học máy kiểm tra các kho dữ liệu khổng lồ để có kết quả đầu ra cần thiết. Trung Quốc dường như ở vị trí thuận lợi cho một số đổi mới ứng dụng AI thực sự trong lĩnh vực quốc phòng nhưng cũng đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt công nghệ cứng rắn hơn của Mỹ. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan có thể ở vị trí tốt hơn so với lúc đầu nhưng đều cần cải cách chuỗi đổi mới AI trong lĩnh vực quốc phòng.

Ngược lại, Singapore và Ấn Độ khả năng cao sẽ là những nước sử dụng công nghệ AI quốc phòng của các nước khác. Australia có thể là ngoại lệ khi tận dụng những tiến bộ AI của Mỹ thông qua Trụ cột II trong khuôn khổ Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). Khi đó, những ứng dụng AI quốc phòng của nước này như Ghost Bat and Ghost Shark vẫn có thể sẽ dẫn đầu đường đua.

Minh Châu

.
.
.