Tự hút máu mình để làm đẹp

Thứ Sáu, 27/09/2024, 13:29

Phương pháp làm đẹp lấy máu tự thân đang trở thành xu hướng gây sốt trên mạng xã hội với những lời quảng cáo hấp dẫn về khả năng trẻ hóa da, xóa nếp nhăn và cải thiện sắc tố. Tuy nhiên, liệu đây có thực sự là "phép màu" trong ngành thẩm mỹ, hay chỉ là chiêu trò tiếp thị nhằm đánh vào tâm lý mong muốn đẹp nhanh của phái đẹp?

Quảng cáo tràn lan

Những năm gần đây, làm đẹp bằng phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) hay còn gọi là làm đẹp bằng máu tự thân được rất nhiều người quan tâm. Theo các nhà chuyên môn, phương pháp này sẽ cải thiện tình trạng hóp, trũng trên khuôn mặt hay tại một vùng trên cơ thể hoặc trẻ hóa da mặt…vTuy nhiên, kỹ thuật này cũng có thể gây nhiều biến chứng, thậm chí tử vong nếu không được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn tại những cơ sở có uy tín.

Tự hút máu mình để làm đẹp -0
Một phụ nữ được làm đẹp bằng phương pháp PRP

Với những biến chứng vô cùng nguy hiểm, cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo nhưng không ít người vẫn khó cưỡng trước những lời mời chào trên mạng xã hội.

Quả thực, dịch vụ PRP này gần đây được quảng cáo rất rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Chỉ cần lên Facebook gõ từ khóa “làm đẹp bằng PRP” là cho ra hàng nghìn kết quả liên quan. Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có những hội nhóm làm đẹp bằng phương pháp PRP mà còn có rất nhiều trang Facebook cá nhân cũng quảng cáo rất hấp dẫn.

Một tài khoản có tên “Huỳnh Thị Ngọc Thảo” đăng trên Hội “Những người làm đẹp bằng phương pháp PRP” với nội dung: “Bên em đang có khuyến mại mua 5 liệu trình sẽ được tặng 1 chị em ơi. PRP là phương pháp mà Thảo ưa thích nhất, khiến chị em đẹp không lối thoát. Đến với bên em, chị em sẽ được khắc phục nhiều vấn đề về nám, tàn nhang, sẹo rỗ do mụn và cả những nếp nhăn nơi khóe mắt, vùng trán…Khi đó bạn sẽ thấy mình trẻ ra 20 tuổi”.

Theo số điện thoại của người này, chúng tôi có gọi điện để xin được tư vấn. Sau khi nói sơ qua về độ tuổi, tình trạng da, người này cho biết: “Như vậy là da của chị đã bị lão hóa trước tuổi rồi. Chỉ cần đến bên em sau 5 liệu trình là sẽ cải thiện rõ rệt”. Theo như người này, mỗi liệu trình có giá khoảng 3 triệu đồng, khi sử dụng hết 5 liệu trình sẽ được tặng 1 liệu trình.

Khi chúng tôi tỏ ra e ngại vì liệu cơ sở có đảm bảo thì người này cho hay: “Bên em đều là những người làm có tay nghề cao, được đào tạo bài bản, luôn đảm bảo an toàn cho khách hàng”. Tuy nhiên khi hỏi đến giấy phép và chứng chỉ hành nghề thì người này đã không trả lời.

Tại một fanpage có tên “Làm đẹp đúng cách”, tài khoản có tên “Thanh Tâm” cũng quảng cáo: “"Liệu pháp tiêm "huyết tương giàu tiểu cầu", tiếng Anh gọi là "Platelet Rich Plasma", viết tắt là PRP - làm đẹp bằng máu là phương cách sử dụng một số thành phần có trong máu của chính mình để giúp giữ gìn và phục hồi nhan sắc của cơ thể, mà chủ yếu là sự tươi trẻ của làn da. Quy trình thực hiện không có gì quá phức tạp, bắt đầu từ việc bác sĩ sẽ lấy máu từ chính cơ thể của khách hàng điều trị da, sau đó đưa vào máy quay li tâm quay để tạo ra tế bào gốc chính là huyết tương giàu tiểu cầu PRP. Bên em với những bác sĩ nổi tiếng sẽ mang đến cho chị em một làn da tươi trẻ, chồng không nhận ra. Hãy gọi cho em để nhận được tư vấn và ưu đã nhé”.

Tự hút máu mình để làm đẹp -0
Theo các chuyên gia, cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp “làm đẹp” bằng phương pháp huyết tương giàu tiểu cầu

Trong vai người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp PRP, chúng tôi có liên hệ với tài khoản “Thanh Tâm”. Người này cho biết, hiện tại giá cho mỗi liệu trình là 2 triệu đồng, chỉ sau 3 liệu trình là làn da sẽ được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt phòng khám này còn có một số loại kem chuyên dưỡng da sau khi làm thủ thuật, chủ yếu là hàng xách tay đảm bảo an toàn và chất lượng. Cũng với câu hỏi về giấy phép và chứng chỉ hành nghề thì người này lại cho rằng, quan trọng nhất là kinh nghiệm của người thực hiện, nên rất đảm bảo an toàn.

Tiền mất tật mang

Chị Nguyễn Thị Thu H. (43 tuổi, phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) là người đã từng làm đẹp da bằng phương pháp PRP thông qua mạng xã hội. Chị H cho hay, do gương mặt chị gầy, hai bên má hõm nên trước Tết Nguyên đán 2 tháng đã kết nối với một trang Facebook quảng cáo phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu với giá chỉ 4 triệu đồng. “Họ quảng cáo là sẽ giúp khuôn mặt tôi trở nên đầy đặn, căng bóng như tuổi 20. Thấy rẻ lại đẹp nên tôi đã quyết định đi làm mà không đắn đo suy nghĩ”, chị H kể lại.

Theo lịch hẹn, chị H được hướng dẫn tới một spa ở khu vực quận Thanh Xuân. Tại đây, buổi sáng chị H được lấy mỡ vùng bụng, sau 3 giờ, một nhân viên spa cầm ống tiêm chứa một thứ nước màu vàng, được nhân viên giải thích là mỡ tán được trích xuất từ mỡ tự thân của chị và bắt đầu tiêm nhiều lần vào mặt từ trán xuống đến cằm.

Thế nhưng, khoảng 2 ngày sau, đẹp chưa thấy, mặt chị H sưng phù và nổi mẩn đỏ, ngứa rất nhiều. “Tôi gọi điện cho spa thì họ bảo đó là phản ứng trong quy trình, vài hôm sẽ khỏi. Họ còn cho người gửi thêm thuốc chống dị ứng. Nhưng khoảng 1 tuần không thấy đỡ, tôi quyết định đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để chữa”, chị H kể lại.

Là nhân viên chăm khóc khách hàng cho một show ô tô, chị Lê Phương Liên (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường xuyên phải giao tiếp, tư vấn cho khách hàng nên chị cần một khuôn mặt ưa nhìn và sáng bóng. Tháng 6/2024, thấy bạn bè kháo nhau ngành thẩm mỹ có phương pháp làm trẻ hóa da bằng máu tự thân, giúp cải thiện đáng kể làn da và tương đối an toàn nên chị Liên quyết định kết nối với fanpage một thẩm mỹ viện tại quận Hai Bà Trưng. “Tôi thấy họ quảng cáo phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu để xóa thâm và làm trẻ hóa da mặt chỉ với giá 5 triệu đồng/ 2 lần tiêm, mỗi lần cách nhau 4 ngày nên đã quyết định đi làm”.

Sau lần tiêm da mặt chị Liên sưng tấy rồi nổi mủ, mặc dù mua kháng sinh về uống, bôi thuốc chống nhiễm trùng nhưng vẫn không thuyên giảm. Chị Liên phải đến Bệnh viện Da liễu để điều trị, dùng kháng sinh chống bội nhiễm và các loại thuốc bôi để cứu làn da mặt. Chị Liên cho biết: “Các bác sĩ nói tôi bị biến chứng khi phi kim bằng huyết tương, thời gian điều trị ít nhất là 7 tháng đến 1 năm. Tôi đã đến cơ sở tiêm cho mình để bắt đền nhưng họ bảo do cơ địa của tôi mới có phản ứng như vậy. Họ làm cho nhiều người thành công và không hề có phản ứng gì. Họ trả lại tiền phí tiêm 5 triệu và bù thêm 3 triệu để mua thuốc. Sau 6 tháng điều trị ở bệnh viện da của tôi vẫn không được trở lại như ban đầu”.

Tự hút máu mình để làm đẹp -0
Khuôn mặt be bét máu rùng rợn của phương pháp làm đẹp PRP

Trào lưu làm đẹp bằng phương pháp cấy máu tự thân hiện được quảng cáo như một phương pháp “cải lão hoàn đồng”, cứu cánh cho làn da. Hầu hết các bệnh nhân cho biết, trước đó họ đều được nhân viên cơ sở làm đẹp tư vấn, quảng cáo đây là liệu pháp tế bào gốc tự thân, nên rất an toàn và hiệu quả. Nhân viên nhiều cơ sở làm đẹp cũng hứa hẹn là sau một liệu trình làm đẹp, chị em sẽ có làn da trắng sáng, xóa hết nếp nhăn.

Chia sẻ về vấn đề này, BS Cao Ngọc Bích (Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP. Hồ Chí Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ BV An Sinh) cho biết, cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học chính thống nào công bố phương pháp “làm đẹp bằng huyết tương giàu tiểu cầu”. Theo Viện Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Mỹ (American Academy of Orthopaedic Surgery - AAOS), phương pháp PRP mới chỉ được dùng để điều trị chấn thương gân, chấn thương cột sống, viêm dây chằng mạn tính hoặc viêm khớp gối, thoái hóa khớp gối...

Mặt khác, đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn cơ thể nên dù bằng đường nào và với dụng cụ gì cũng có những nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ngoài những yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ như tay nghề và chọn lựa chỉ định điều trị thì yếu tố quan trọng hàng đầu cho liệu pháp này là phải được tiến hành với điều kiện vô khuẩn tuyệt đối trong môi trường vệ sinh y tế tốt nhất. Tuy sử dụng máu tự thân là một yếu tố đảm bảo không xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, nhưng cũng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khác.

“Nhiễm khuẩn tại chỗ hay toàn thân là nguy cơ có thể xảy ra ở mọi khâu thao tác: lấy máu, xử lý máu, bảo quản dung dịch huyết tương và quá trình thao tác đưa huyết tương vào cơ thể mà máu lại là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Vì vậy, điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị là yếu tố cần phải lưu ý hàng đầu. Điều kiện vệ sinh y tế không tốt còn có thể gây ra sự lây nhiễm bệnh từ người này sang người khác, mà viêm gan, HIV... là những nguy cơ không hiếm gặp hiện nay”, BS Bích khẳng định.

Thời gian vừa qua, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận không ít bệnh nhân phải đến điều trị sau khi làm đẹp bằng phương pháp sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu.

ThS. BSCK2 Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ tế bào gốc thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân này là tình trạng nhiễm khuẩn cấp và mạn tính trên da. Một số trường hợp đến muộn dẫn tới hình thành các "nốt sẩn, nang" trên da mặt, dẫn đến phải điều trị kéo dài, khó khăn. Với những tổn thương này, để hồi phục phải mất ít nhất từ sáu tháng đến một năm.

BS Minh cho hay, PRP là phương pháp đã được ứng dụng từ lâu trong ngành y như phẫu thuật tim mạch, răng hàm mặt, cơ xương khớp… Ưu điểm của phương pháp này được nghiên cứu chứng minh là có khả năng hỗ trợ làm lành nhanh vết thương, giảm nhanh viêm cấp và mạn tính. Trong lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp da, PRP cũng được sử dụng để làm lành vết thương sau điều trị sẹo lõm, tái tạo bề mặt và trẻ hóa da cấy túi ngực, cấy mỡ… Ngoài ra được ứng dụng điều trị rụng tóc ở một số thể nhất định.

"Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, phương pháp PRP được triển khai từ năm 2016 và đã được Bộ Y tế phê duyệt các quy trình và chỉ định điều trị. Tuy nhiên, việc chỉ định bệnh nhân dùng phương pháp này rất chặt chẽ do phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và đòi hỏi yếu tố chuyên môn cao.  Các đơn vị được phép thực hiện kỹ thuật này đòi hỏi phải được Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh cho phép ở một số bệnh viện và phòng khám nhất định theo đúng các tiêu chuẩn quy định", BS Minh nói.

Theo các chuyên gia, hồng cầu và các thành phần hữu hình khác trong máu có "ái tính" cao với vi khuẩn, nên nếu để phần huyết tương lẫn hồng cầu sẽ rất dễ gây ra phản ứng, viêm nhiễm. Ngoài ra, kỹ thuật tách chiết huyết tương giàu tiểu cầu từ máu lấy ra của bệnh nhân/khách hàng cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Theo đó, người thực hiện phải đánh giá chất lượng tế bào máu, làm công thức máu.

Sau sàng lọc thêm các bệnh ký truyền nhiễm, bác sĩ lấy từ 20-30ml máu của bệnh nhân bằng kim lớn rồi đưa vào máy ly tâm chuyên dụng để có được dung dịch huyết tương chứa khối lượng tiểu cầu nhiều gấp 3 - 8 lần máu bình thường (máu bình thường có 150.000 - 400.000 tiểu cầu/ml).

Kỹ thuật viên sẽ tách tiểu cầu khỏi bạch cầu, hồng cầu và kết hợp với tế bào huyết tương từ phần máu này. Sau đó, số lượng tiểu cầu được đánh giá lần thứ hai để xác định có đủ khoảng trên 1 triệu đơn vị hay không. Nếu huyết tương không đủ "giàu tiểu cầu" thì mất ý nghĩa khi sử dụng. Khi sử dụng, huyết tương này có thể được kết hợp một số thành phần khác như các vitamin, yếu tố tăng trưởng tế bào khác... và được đưa vào các vùng cơ thể với độ nông sâu khác nhau tùy theo yêu cầu điều trị bằng các dụng cụ như kim chích, kim lăn (roller) hay cây bút kim.

Bảo Phương
.
.
.