Trung Đông và Bắc Phi trong kỷ nguyên cạnh tranh công nghệ nước lớn

Thứ Hai, 06/03/2023, 22:17

Cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung đang trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế đứng đầu thế giới. Sự tách rời này chắc chắn sẽ kéo theo ảnh hưởng tới các nước xung quanh và Trung Đông không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã trở thành một trung tâm cho việc tiếp cận công nghệ của Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào đường sắt, cảng và ngành năng lượng của MENA. Tuy nhiên, nếu không có kết nối Internet, phần mềm và an ninh mạng, phần lớn kiến trúc này sẽ không thể hoạt động hiệu quả. Với tác động của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày một được cảm nhận rõ, MENA đang dần nổi lên thành tâm điểm chú ý.

Đặc điểm ngành công nghệ khu vực

Theo Mohammed Soliman - Giám đốc Chương trình Công nghệ chiến lược và An ninh mạng của Viện Trung Đông (MEI) - hiện có ba đặc điểm chính sẽ định hình tương lai ngành công nghệ khu vực.

Trung Đông và Bắc Phi trong kỷ nguyên cạnh tranh công nghệ nước lớn -0
Khu vực Trung Đông và Bắc Phi hướng tới tự chủ trong lĩnh vực công nghệ giữa cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Thứ nhất, chiến tranh mạng đã trở thành điển hình phổ biến ở Trung Đông bởi bối cảnh địa chính trị đầy thách thức của khu vực. Các nước trong khu vực đang phải mở rộng các “công cụ” chiến tranh để đạt được hoặc duy trì vị trí thích hợp hơn cho mình. “Chiến tranh mạng” là lựa chọn có chi phí ít tốn kém hơn để hiện thực hóa các mục tiêu địa chính trị mà không cần viện đến các phương tiện quân sự thông thường.

Thứ hai, MENA đang chứng kiến sự phân chia kỹ thuật số ngày càng lớn. Khu vực vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất) đã mở đường với tư cách là người dẫn đầu trong MENA thông qua các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, 5G và đám mây. Theo sau vùng Vịnh là Bắc Phi, nơi các quốc gia đang tích cực làm việc để tận dụng nhân khẩu học và nguồn tài chính hạn chế của họ để xây dựng ngành kỹ thuật số. Ngược lại, Levant (Iraq, Libang, Syria) là tiểu vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự chênh lệch về công nghệ và tụt hậu so với cả vùng Vịnh và Bắc Phi.

Thứ ba, chủ quyền kỹ thuật số và công nghệ là những tiêu chuẩn mới. Các quốc gia vùng Vịnh là những người dẫn đầu ở Trung Đông khi họ tìm cách thiết lập một hệ sinh thái công nghệ linh hoạt hơn bằng cách đầu tư vào Mạng truy cập vô tuyến mở (RAN) để đa dạng hóa các thành phần của hệ sinh thái 5G của họ. Do đó, họ có thể tránh được hậu quả từ cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và theo đuổi các chính sách nội địa hóa dữ liệu.

Những thách thức khu vực

Những đặc điểm nói trên cũng có mối liên hệ chặt chẽ với một số rủi ro trong bối cảnh công nghệ khu vực. Đầu tiên, một cuộc chuyển đổi kỹ thuật số để đáp ứng tham vọng của khu vực, đặc biệt là tham vọng của các quốc gia vùng Vịnh, sẽ yêu cầu huy động và duy trì lực lượng lao động có khả năng kỹ thuật số. Việc tìm nguồn cung ứng nhân lực này trong thời đại cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài toàn cầu vẫn là một thách thức đối với toàn khu vực và đặc biệt là đối với các tiểu vùng Levant và Bắc Phi vốn đã “chảy máu” chất xám.

Khu vực này cần cách tiếp cận hai mặt để xây dựng lực lượng lao động có khả năng kỹ thuật số, kết hợp cả khả năng tiếp cận chuyên môn hóa kiến thức kỹ thuật số tại các tổ chức học thuật địa phương và thu hút đội ngũ lãnh đạo nước ngoài có kinh nghiệm có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó. Ở vùng Vịnh, chất lượng cuộc sống cao hơn và môi trường công nghệ phát triển hơn khiến cho nơi này trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn. Trong khi đó, ở Bắc Phi và Levant, môi trường công nghệ kém phát triển, bất ổn kinh tế và bất ổn chính trị đang khuyến khích nhân tài theo đuổi các cơ hội tốt hơn ở nước ngoài.

Cạnh tranh giữa các cường quốc sẽ tiếp tục định hình sâu sắc bối cảnh kỹ thuật số khu vực. Trong lịch sử, các cường quốc đã thể hiện sự quan tâm đến việc duy trì sự tham gia của họ vào chuỗi cung ứng Trung Đông, các sáng kiến phát triển kinh tế và động lực địa chính trị. Trong nhiều thập kỷ, các công ty kỹ thuật số Mỹ đã làm việc trên một mạng kỹ thuật số mở rộng kết nối họ với vùng Vịnh và Israel. Và gần đây, công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mạng kỹ thuật số và điện toán đám mây của MENA, cho thấy mong muốn của Bắc Kinh củng cố vai trò là nhà cung cấp công nghệ cho khu vực.

Khi Trung Đông đối mặt với thách thức trong việc lèo lái giữa những khó khăn và cơ hội do sự tách rời công nghệ Mỹ-Trung mở ra, một câu hỏi khác xuất hiện: Liệu khu vực này có tiếp tục cam kết với chính sách làm bạn với Mỹ hay theo đuổi các mối quan hệ mới lạ với các đối tác trong thời đại đa cực hơn? Rủi ro thứ hai có lẽ là mối quan tâm trực tiếp hơn. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xác định đi theo con đường “tách rời” công nghệ. Trong tình trạng bế tắc căng thẳng này, các nền kinh tế mới nổi có thể cố gắng phòng ngừa rủi ro và xây dựng liên minh để vượt qua cơn bão. Tuy nhiên, trên thực tế, một canh bạc như vậy sẽ tiếp tục tốn kém và chứa đầy những trở ngại về hậu cần và “bom mìn” địa chính trị. Các câu hỏi như ai sẽ cung cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng 5G/6G của khu vực sẽ liên quan đến các tính toán địa chính trị thay vì kinh tế thuần túy.

Thách thức đáng chú ý nhất đối với các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi sẽ là điều hướng giữa Mỹ và Trung Quốc sao cho hậu quả của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn này không cản trở các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của khu vực.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.
.