Cuộc đua công nghệ chống drone

Thứ Hai, 25/11/2024, 09:06

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua khốc liệt để làm chủ công nghệ tiêu diệt thiết bị không người lái (drone), hứa hẹn sẽ định hình lại các cuộc chiến tranh trong tương lai.

Bước tiến của Trung Quốc

Trang mạng The War Zone mới đây cho biết công nghệ chống drone sử dụng năng lượng định hướng của Trung Quốc đang có tiến triển, với việc ra mắt nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ vi sóng công suất cao tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024. Điểm nổi bật tại triển lãm này là 3 loại vũ khí lớn ứng dụng công nghệ vi sóng công suất cao di động trên mặt đất, được thiết kế chủ yếu để vô hiệu hóa drone.

antg 1811 ảnh 1.jpg -0
Một trong những hệ thống vũ khí vi sóng công suất lớn di động trên mặt đất của Trung Quốc.

The War Zone cho biết các hệ thống này do Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC) và Norinco phát triển, gồm một hệ thống vi sóng gắn trên xe bọc thép hạng nhẹ 8x8 và một hệ thống khác trên xe tải Shacman SX2400/2500-series 8x8. Các hệ thống này có radar để phát hiện và theo dõi mục tiêu. Sự kiện này cho thấy nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng về khả năng chống drone, do các loại vũ khí này đang được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là ở Ukraine.

Mặc dù The War Zone đánh giá khả năng của các hệ thống mới này vẫn chưa rõ ràng, nhưng việc phát triển và triển khai chúng cho thấy trọng tâm chiến lược của Trung Quốc trong việc chống lại các mối đe dọa trên không.

Thành công của Mỹ

Cũng theo The War Zone, quân đội Mỹ đã có 170 lần tiêu diệt thành công drone bằng cách sử dụng hệ thống đánh chặn Coyote Block 2 trong nhiều hoạt động khác nhau trên toàn cầu, qua đó khẳng định vai trò ngày càng tăng của vũ khí chống drone trong việc giải quyết các mối đe dọa từ trên không. The War Zone cho biết Mỹ đã triển khai các hệ thống đánh chặn Coyote tại 36 địa điểm không xác định bên ngoài nước Mỹ, bao gồm các khu vực thuộc Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM), Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) và Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM).

Coyote Block 2 do nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon sản xuất, sử dụng đầu đạn có sức công phá cao và là một phần của Hệ thống tích hợp diệt drone bay chậm và ở tầm thấp (LIDS), gồm các thành phần di động và cố định. Quân đội Mỹ có kế hoạch mở rộng kho vũ khí của mình với tối đa 6.700 máy bay đánh chặn Coyote mới cùng các bệ phóng và radar bổ sung vào năm 2029, đồng thời cũng đang phát triển các biến thể Block 3 với trọng tải phi động học và nghiên cứu phát triển các công nghệ chống drone khác như vũ khí năng lượng định hướng và hệ thống tác chiến điện tử.

Ưu và nhược điểm của công nghệ chống drone mới

Cách tiếp cận này nhằm giải quyết các mối đe dọa đang gia tăng từ drone, thể hiện qua việc tích hợp LIDS vào các mạng lưới phòng thủ tên lửa và phòng không lớn hơn. Các vũ khí năng lượng định hướng (DEW) như vi sóng công suất cao (HPM) và các thiết bị đánh chặn drone cỡ nhỏ mang lại những lợi thế và thách thức đáng kể trong việc chống lại các phi đội drone. Các DEW như HPM có khả năng nhắm mục tiêu nhanh chóng, chính xác với số lượng đạn dược về mặt lý thuyết là vô hạn, do đó rất phù hợp để vô hiệu hóa nhiều drone cùng lúc. Chúng có thể gây ra nhiều thiệt hại cùng một lúc với mức độ tối thiểu, điều mà đạn dược thông thường không thể làm được.

Tuy nhiên, loại vũ khí này cũng có những hạn chế lớn liên quan các yêu cầu về năng lượng và điều kiện môi trường. Để hoạt động bền bỉ cần có nguồn cung cấp năng lượng đáng kể, điều này có thể không khả thi ở những vùng xa xôi hoặc trong các cuộc giao chiến cường độ cao.

Máy bay đánh chặn drone cỡ nhỏ có tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, đặc biệt là trong môi trường đô thị hoặc có nhiều chướng ngại vật. Chúng có thể tấn công drone ở cự ly gần để thực hiện các chiến lược phòng thủ trong không gian phức tạp. Tuy nhiên, độ bền của chúng bị hạn chế bởi thời lượng pin, trong khi việc giao chiến với phi đội lớn, di chuyển nhanh có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn năng lượng dự trữ của máy bay đánh chặn. Trong các tình huống cường độ cao, các thiết bị đánh chặn có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp các phi đội lớn và phối hợp tốt, đặc biệt là các drone ngày càng tinh vi của đối phương. Do đó, các DEW như HPM có thể là giải pháp đánh chặn các cuộc tấn công quy mô lớn bằng drone hiệu quả hơn.

Lý do bùng nổ cuộc chiến công nghệ chống drone

Trong một bài báo trên trang Business Insider tháng 10/2024, tác giả Tom Porter cho rằng khả năng xảy ra các cuộc tấn công bằng các phi đội drone có thể là động lực để Mỹ và Trung Quốc phát triển các công nghệ chống drone. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của các phi đội drone trong trường hợp có xung đột. Theo Porter, Trung Quốc - nhà sản xuất drone hàng đầu - có thể triển khai các đội lớn drone cỡ lớn và drone hải quân cỡ nhỏ để áp đảo hệ thống phòng thủ và các cuộc tấn công tên lửa chính xác có dẫn đường.

Ông cho rằng do đang tụt hậu về năng lực drone, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) hiện nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ thông qua các sáng kiến như kế hoạch “Hellscape” của Mỹ, với việc triển khai hàng loạt tàu ngầm, tàu mặt nước và drone tại eo biển Đài Loan.

Việc sử dụng rộng rãi các loại drone cỡ nhỏ và dễ sử dụng là một đặc điểm nổi bật trong cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về vai trò chiến lược của hệ thống vũ khí này trong các cuộc chiến.

Khánh An (Tổng hợp)
.
.
.