Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban?

Thứ Năm, 05/01/2023, 09:14

Cuối cùng, nỗi lo lắng của các cô gái trẻ ở Afghanistan đã trở thành hiện thực. Ngày 20/12/2022, Bộ Giáo dục Đại học của Chính phủ Taliban đã ra thông báo cấm phụ nữ Afghanistan theo học tại các trường đại học công lập và tư thục “cho đến khi có thông báo mới”. Quyết định được đưa ra bởi nội các của chính phủ Taliban và bắt buộc tất cả các tổ chức giáo dục phải thực hiện mệnh lệnh mới này “ngay lập tức”.

Không còn được đặt chân vào trường đại học

Buổi sáng 21/12, Kabul giống như một thành phố ở trong tình trạng giới nghiêm. Binh lính Taliban tuần tra khắp thủ đô, đặc biệt là xung quanh các trường đại học. Sumaya, một nữ giáo viên đã đến trường đại học nơi cô dạy môn khoa học thể thao vào lúc 9 giờ sáng. “Khi tôi đến, học sinh của tôi đã đợi sẵn bên ngoài cánh cửa đóng kín của trường. Họ bối rối và rơi nước mắt, không biết phải làm gì. Một nam sinh viên 27 tuổi đã cố gắng thương lượng với bảo vệ trường đại học để cho họ vào. Không thành công. Các sinh viên buộc phải rời khỏi nơi này, chán nản”.

Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban? -0
Các nhân viên an ninh từ chối cho phép các nữ sinh viên được vào học tại Đại học Tổng hợp Kabul vào sáng ngày 21/12/2022.

Trước đó hai tuần, Sumaya và các đồng nghiệp của cô đã nghe phong phanh về tin đồn sẽ cấm giáo dục đại học đối với phụ nữ. Đó là lý do tại sao họ đã làm mọi thứ để tăng tốc chương trình và hoàn thành các bài kiểm tra cho học kỳ hiện tại. Lớn lên dưới chế độ cũ, khi phụ nữ Afghanistan được khuyến khích học tập và hoạt động tích cực trong xã hội, Sumaya, sau khi lấy bằng khoa học thể thao, đã dự thi để trở thành giáo viên. Cô đã từ chối rời Afghanistan khi Taliban chiếm Kabul vào tháng 8/2021. Giờ đây, cô có thể phải nghĩ đến một lựa chọn khác. “Nhiều sinh viên của tôi đang học năm cuối vẫn chưa bảo vệ được luận văn. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với họ”, Sumaya lo lắng. “Tương tự như vậy với tôi. Tôi chắc chắn sẽ buộc phải lưu vong, bởi vì ở đây tôi không thể học tập cũng như làm việc được nữa”.

Quyết định mới này của Taliban là một phần của một loạt luật hà khắc áp đặt đối với phụ nữ Afghanistan. Cánh cửa của các trường trung học đã đóng lại với các nữ sinh kể từ đầu năm học 2021. Các nhà lãnh đạo Taliban, với cách giải thích cực kỳ khắt khe về đạo Hồi, biện minh cho quyết định này bằng cách giải thích rằng họ đang thực hiện một “kế hoạch toàn cầu” và “Hồi giáo” để các bé gái trên 12 tuổi một lần nữa được tiếp cận với giáo dục. Nhưng hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy một “kế hoạch” như vậy đang được chuẩn bị.

Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban? -0
Trước đó, để ngăn cản sự tiếp xúc giữa nam và nữ sinh viên trong một lớp học của Đại học Kandahar, Taliban đã cho dựng bức vách ngăn cách.

Từ tháng 5/2022, họ ra lệnh cho phụ nữ Afghanistan phải đội khăn trùm đầu Hồi giáo, burqa hoặc bất kỳ loại khăn trùm đầu nào khác để che mặt, giống như các luật lệ của triều đại Taliban đầu tiên (1996-2001). Lệnh cũng quy định rằng phụ nữ chỉ nên rời khỏi nhà “nếu cần thiết” và trong trường hợp này, phải đi cùng với một thành viên nam trong gia đình họ (anh trai, con trai, chồng). Kể từ tháng 11, phụ nữ bị cấm vào công viên, vườn hoa, nhà thi đấu thể thao và nhà tắm công cộng.

Lệnh cấm phụ nữ học đại học vừa ban hành càng trở nên đáng lo ngại hơn trong bối cảnh vào tháng 10, hàng chục nghìn phụ nữ Afghanistan đã tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, năm nay, các cô gái đã bị cấm nộp đơn vào một số lĩnh vực nhất định, bao gồm nông nghiệp, thú y, kỹ thuật xây dựng dân dụng và kỹ thuật khai thác mỏ. Với lệnh cấm mới này, sự hiện diện của phụ nữ và các cô gái trẻ trong không gian công cộng tiếp tục giảm.

Ở Kabul, Yasaman, người đang theo học kỳ cuối cùng của chương trình báo chí, đã không ngủ từ đêm 20 đến rạng sáng ngày 21/12. Cô gái 22 tuổi này đến trường đại học của mình ở phía tây thủ đô vào khoảng giữa trưa để làm bài kiểm tra. “Taliban đã ở bên trong cơ sở của chúng tôi, đằng sau cánh cổng. Họ nói với chúng tôi: “Hãy về nhà ngay!”. Mọi người đều khóc. Tôi nói với bạn bè: “Chúng ta phải cố gắng vào trong. Bỏ cuộc như này thế không phải là một lựa chọn tốt. Nhưng một số đã sợ hãi và bỏ đi - Yasaman giải thích. Cuối cùng, họ cũng cho chúng tôi vào trong một giờ để làm bài kiểm tra. Vậy là giờ đây, chúng tôi, các nữ sinh viên đại học Afganistan đã bị xóa sổ khỏi đời sống xã hội và ước mơ cuối cùng cũng đã bị dập tắt”.

Ngày 22/12, nhiều video đã được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy các nữ sinh đang khóc ở trên khắp đất nước Afghanistan. Các nam sinh viên của trường Đại học Y khoa Nangarhar (nằm ở phía Đông của đất nước) đã ngừng các kỳ thi của họ và rời khỏi trường Đại học để bày tỏ tình đoàn kết và phản đối lệnh cấm đối với các nữ sinh viên. Một số giáo viên cũng đã tuyên bố từ chức để thể hiện tình đoàn kết với phụ nữ Afghanistan. “Số phận của chúng tôi chưa bao giờ buồn thảm đến thế,” Yasaman thở dài. “Tôi mong muốn thế giới làm điều gì đó cho chúng tôi. Chúng tôi chưa bao giờ đơn độc đến vậy”.

Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban? -0
Một người phụ nữ Afganistan vừa rời khỏi một lớp học “chui” ở Kabul ngày 22/7/2022.

Những lời biện minh của Taliban

Khi mới lên nắm quyền trở lại vào tháng 8/2021, Taliaban hứa hẹn một quy tắc ôn hòa hơn tôn trọng quyền của phụ nữ và người thiểu số, nhưng thực tế Taliban vẫn diễn giải và thực thi luật Hồi giáo (Sharia) một cách hà khắc. Đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng trong xã hội Afghanistan, nơi mà trong hai thập kỷ qua phụ nữ Afganistan đã tham gia ngày càng sâu rộng vào trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là trong giáo dục.

Ngày 23/12/2022, Nida Mohammad Nadim - Bộ trưởng Bộ Giáo dục đại học của chính phủ Taliban cho biết, lệnh cấm ban hành đầu tuần này là cần thiết để ngăn chặn sự pha trộn giới tính trong các trường đại học và vì ông tin rằng một số môn học vi phạm các nguyên tắc của đạo Hồi. Ông cho biết lệnh cấm được áp dụng cho đến khi có thông báo mới. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Afghanistan, Nadim đã phản ứng lại đối với sự lên án rộng rãi của quốc tế. Nadim khẳng định rằng người nước ngoài nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan.

Từng là thống đốc tỉnh, cảnh sát trưởng và chỉ huy quân sự, Nadim được lãnh đạo tối cao của Taliban bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục đại học vào tháng 10/2022. Ngay sau khi nhậm chức, ông ta đã cam kết xóa bỏ hệ thống trường học thế tục. Nadim luôn phản đối giáo dục nữ giới, nói rằng nó đi ngược lại các giá trị Hồi giáo và Afghanistan. Những lý do khác mà ông ta đưa ra để biện minh cho lệnh cấm nữ giới học đại học là do phụ nữ không tuân thủ quy định về trang phục và học một số môn học trái với luật Sharia. “Chúng tôi bảo các cô gái phải đội khăn trùm đầu đàng hoàng, nhưng họ không làm vậy và họ mặc váy như thể họ đang đi dự lễ cưới,” Nadim nói. “Các cô gái theo học ngành nông nghiệp và kỹ thuật, nhưng điều đó không phù hợp với văn hóa Afghanistan. Các cô gái nên đi học, nhưng không phải trong những lĩnh vực đi ngược lại đạo Hồi và danh dự của người Afghanistan”.

Tương lai nào cho phụ nữ Afghanistan dưới thời Taliban? -0
Các cô gái Afganistan tại một trường học Hồi giáo ở Kabul ngày 11/8/2022, sau khi Taliban quay lại nắm quyền ở Afganistan.

Những phản ứng của cộng đồng quốc tế

Chỉ một giờ sau khi quyết định của Taliban được đưa ra, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thế giới gọi đó là điều "đáng xấu hổ" và rằng "Taliban ngày càng chứng tỏ rằng họ không tôn trọng các quyền cơ bản của người Afghanistan, đặc biệt là của phụ nữ". Josep Borrell, đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu, lên án mạnh mẽ lệnh cấm mới của Taliban. “Một hành động chưa từng có trên thế giới, vi phạm quyền và nguyện vọng của người Afghanistan và tước đi sự đóng góp của phụ nữ Afghanistan cho xã hội. Phân biệt đối xử và ngược đãi giới tính là tội ác chống lại loài người”, Borrell chỉ trích. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, một tập hợp của 57 quốc gia Hồi giáo, cũng đã lên án lệnh cấm, nói rằng nó "làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của chính phủ".

Ngày 23/12, các ngoại trưởng từ nhóm các quốc gia G7 đã kêu gọi Taliban đảo ngược lệnh cấm, cảnh báo rằng "cuộc đàn áp dựa trên giới tính có thể cấu thành tội ác chống lại loài người". Các bộ trưởng đã cảnh báo sau một cuộc họp trực tuyến rằng "Các chính sách của Taliban nhằm xóa bỏ phụ nữ khỏi cuộc sống công cộng sẽ gây ra hậu quả đối với cách mà các quốc gia chúng ta giao tiếp với Taliban".

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lặp lại sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với quyết định cấm phụ nữ học đại học của Taliban. Ông nói rằng Taliban sẽ không đạt được sự cải thiện cần thiết trong quan hệ với thế giới. "Những gì họ làm là cố gắng đẩy phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vào một tương lai ảm đạm không có cơ hội. Và điểm mấu chốt là không quốc gia nào có thể thành công, chứ chưa nói đến thịnh vượng, nếu nó từ chối một nửa dân số của mình có cơ hội đóng góp. Và rõ ràng là chúng tôi đang thảo luận với các quốc gia khác về vấn đề này. Ngay bây giờ. Sẽ có một sự trừng phạt để Taliban phải trả giá”.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng lệnh cấm "không phải là Hồi giáo cũng không phải nhân đạo". Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Yemen, ông kêu gọi Taliban đảo ngược quyết định của họ. “Có gì sai với việc giáo dục phụ nữ? Nó gây hại gì cho Afghanistan? Đây là một luật lệ Hồi giáo? Hoàn toàn không! Ngược lại, Hồi giáo, tôn giáo của chúng tôi, không hề chống lại giáo dục, trái lại, nó khuyến khích giáo dục và khoa học”, ông Cavusoglu nói.

Arab Saudi, quốc gia cho đến năm 2019 vẫn còn áp dụng các hạn chế sâu rộng đối với việc đi lại, công việc và các khía cạnh quan trọng khác trong cuộc sống hàng ngày của phụ nữ , bao gồm cả lái xe, cũng đã thúc giục Taliban thay đổi hướng đi. Bộ Ngoại giao Saudi đã bày tỏ "sự ngạc nhiên và hối tiếc" trước việc phụ nữ Afghanistan bị từ chối theo học đại học và cho rằng quyết định này là "đáng kinh ngạc ở tất cả các quốc gia Hồi giáo".

Dương Thắng
.
.
.