Sứ mệnh của Interpol trong thế kỷ 21

Thứ Năm, 25/08/2022, 12:03

Trong thế kỷ 21, các mối đe dọa mới đối với an ninh quốc tế đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu. Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) đã đóng góp vào việc này bằng cách phát triển các công cụ và cơ chế hợp tác cảnh sát ở cấp độ quốc tế nhằm chống lại tội phạm và khủng bố quốc tế. Nhờ kế hoạch hiện đại hóa đầy tham vọng được triển khai từ năm 2001, Interpol đã đưa ra các giải pháp hợp tác đầy sáng tạo, cho phép lực lượng cảnh sát trên toàn thế giới chống tội phạm quốc tế hiệu quả hơn…

Lịch sử

Vào năm 1923, cộng đồng cảnh sát, trước tình trạng quốc tế hóa tội phạm đã quyết định thành lập Ủy ban Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Cipc), tiền thân của Interpol ngày nay, với trụ sở chính đặt tại Vienna, Áo. Những năm sau đó, những dịch vụ hợp tác quốc tế đầu tiên của cảnh sát dần được thiết lập: công bố các thông báo liên quan đến những người bị truy nã, thiết lập đầu mối liên lạc trung tâm trong cảnh sát quốc gia của mỗi nước thành viên, phát triển các dịch vụ chuyên biệt để đối phó với tiền giả, hồ sơ tội phạm và hộ chiếu giả và tạo ra mạng lưới vô tuyến quốc tế của Interpol.

a1.jpg -0
Trụ sở Interpol ở Lyon, Pháp.  (Nguồn: Drive Europe).

Năm 1938, sau khi sáp nhập Áo và cách chức Tổng thư ký, Đức Quốc xã nắm quyền kiểm soát Cipc. Hầu hết các quốc gia thành viên sau đó đã từ chối tiếp tục tham gia và CIPC đã không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức quốc tế. Một năm sau khi chiến tranh kết thúc, Tổ chức này được tái thành lập: trụ sở mới được đặt tại Paris và “Interpol” được chọn làm tên gọi chính thức của tổ chức.

Rút kinh nghiệm từ quá khứ, tôn chỉ hiện nay của Interpol là không tham gia “bất kỳ hoạt động hoặc can thiệp nào vào các vấn đề có tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc chủng tộc”. Tính trung lập này đã cho phép nó duy trì quan hệ hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới, và thậm chí có thể thúc đẩy quan hệ làm việc giữa các quốc gia đang xung đột và không có quan hệ ngoại giao với nhau.

Ngày nay, Interpol có 188 quốc gia thành viên và là tổ chức cảnh sát quốc tế lớn nhất trên thế giới. Nhiệm vụ của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác cảnh sát xuyên biên giới và cung cấp hỗ trợ và giúp đỡ cho tất cả các cơ quan, tổ chức và chính quyền có nhiệm vụ ngăn chặn và chống tội phạm quốc tế và khủng bố.

Văn phòng Tổng thư ký Interpol đặt tại Lyon, Pháp từ năm 1989, hoạt động 24/7; 365 ngày một năm. Các sĩ quan cảnh sát từ gần 80 quốc gia làm việc ở đó với bốn ngôn ngữ quan trọng của tổ chức, đó là tiếng Anh, tiếng Ảrập, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Ngoài văn phòng Tổng thư ký, Interpol còn có bảy văn phòng khu vực và các đại diện đặc biệt tại Liên hợp quốc, ở New York và tại Liên minh châu Âu, ở Brussels. Mỗi quốc gia thành viên có một văn phòng Interpol là đầu mối liên lạc chính của Tổng thư ký, các văn phòng khu vực và các nước thành viên khác khi họ cần hỗ trợ điều tra ở nước ngoài, xác định vị trí và truy bắt tội phạm đang chạy trốn.

h3.jpg -0
Hội thảo của các nước thành viên Interpol khu vực Châu Phi kết thúc tháng 6-2022 với lời kêu gọi chia sẻ nhiều hơn nữa dữ liệu về tội phạm của châu lục.

Hiện đại hóa

Vụ tấn công ngày 11-9-2001 đã khiến thế giới choáng váng khi chứng kiến một trong những hình thức tội phạm quốc tế cực đoan nhất. Rõ ràng là giờ đây các nhóm tội phạm, đặc biệt là các nhóm khủng bố, đã sở hữu những năng lực vượt bậc trong việc lên kế hoạch và hiện thực hóa các hành vi tội ác rất tinh vi ở quy mô quốc tế - bất kể mức độ kiểm soát biên giới và các biện pháp an ninh nghiêm ngặt do các quốc gia đưa ra. Nhưng khủng bố không phải là tội phạm duy nhất đe dọa an ninh toàn cầu,  những đường dây khác nhau liên quan đến tội phạm có tổ chức, chẳng hạn như ma túy, buôn vũ khí hoặc con người, là những mối đe dọa, đôi khi trong âm thầm và lặng lẽ, đối với sự ổn định của xã hội.

Vì thế việc cần thiết là xem xét lại hoạt động của tổ chức Interpol để phát triển các dịch vụ cho phép các nước thành viên nâng cao năng lực phòng chống tội phạm, xác định và bắt giữ tội phạm, bảo vệ biên giới và chống khủng bố. Interpol phải trở thành một nền tảng vận hành cho sự hợp tác quốc tế của lực lượng cảnh sát, một bộ máy hoạt động không ngừng nghỉ 24 giờ một ngày.

Để làm được điều này, Interpol cần hướng các hoạt động vào bốn chức năng thiết yếu:

Cung cấp một công cụ liên lạc toàn cầu, an toàn và nhanh chóng để trao đổi thông tin cảnh sát trong thời gian thực;

Cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu hoạt động toàn cầu nhằm mục đích sử dụng rộng rãi nhất có thể;

Cung cấp hỗ trợ hoạt động chuyên biệt và nhiều mặt 24/7;

Cung cấp đào tạo và hỗ trợ cảnh sát trong việc phát triển năng lực hoạt động của các dịch vụ cảnh sát.

thuoc1.jpg -0
Chiến dịch Pangea của Interpol ra đời vào năm 2008, đã loại bỏ việc lưu hành trên thị trường hơn 105 triệu dược phẩm giả và bất hợp pháp, thực hiện hơn 3.000 vụ bắt giữ.

Năm 2003, Interpol đã khởi động việc triển khai hệ thống thông tin liên lạc toàn cầu an toàn mới có tên I-24/7 (Interpol 24 giờ một ngày - 7 ngày một tuần). Dựa trên các công nghệ mới nhất, hệ thống liên lạc này hiện đã được trang bị cho toàn bộ 188 quốc gia thành viên của Interpol. Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, tổ chức này thành công trong việc kết nối một số lượng lớn các quốc gia và cung cấp khả năng giao tiếp để trao đổi thông tin và dữ liệu an toàn và tức thì, từ việc báo cáo về một tên tội phạm đào tẩu đến việc trao đổi dấu vân tay và gen di truyền.

Interpol đã phát triển các công nghệ được gọi là “MIND/ FIND” (suy nghĩ/ tìm kiếm) để hỗ trợ cho cơ sở dữ liệu mạng Interpol – các công nghệ cho phép cảnh sát trên tuyến đầu tại các địa điểm chiến lược, chẳng hạn như sân bay và cửa khẩu biên giới, có thể truy cập thông tin về các giấy tờ du lịch, xe cơ giới bị đánh cắp hoặc thất lạc và những người bị truy nã, tìm kiếm trong thời gian thực thông qua máy chủ quốc gia của họ.

Nhưng cơ sở dữ liệu về các giấy tờ du lịch bị đánh cắp hoặc thất lạc rõ ràng không phải là cơ sở dữ liệu duy nhất do Interpol biên soạn. Interpol ngày nay cũng tạo ra các khả năng cho các cơ quan cảnh sát trên toàn thế giới truy cập trực tuyến, thông qua mạng I-24/7 an toàn, đến những thông tin liên quan đến hàng trăm nghìn tên tội phạm, những kẻ bị nghi ngờ là khủng bố hoặc kẻ đào tẩu quốc tế, cho phép so sánh dấu vân tay hoặc hồ sơ DNA thuộc mọi châu lục, các tác phẩm nghệ thuật, các phương tiện giao thông bị đánh cắp hoặc cơ sở dữ liệu toàn cầu về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em.

Một đổi mới quan trọng khác của Interpol trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố là việc thành lập một trung tâm chỉ huy và điều phối (CCC) vào năm 2004. Hoạt động 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần, sử dụng đồng thời  bốn ngôn ngữ quan trọng của tổ chức, CCC đã kết nối Tổng thư ký, các văn phòng Interpol quốc gia và các văn phòng khu vực để có thể đáp ứng trong thời gian thực nhu cầu hỗ trợ của các nước thành viên.

Một trong những sự  hỗ trợ quý giá nhất mà CCC cung cấp liên quan đến vị trí của những tên tội phạm đào tẩu. Trong lĩnh vực này người ta thường chỉ biết đến các “Lệnh truy nã toàn cầu” nổi tiếng của Interpol. Thực tế có bảy loại thông báo của Interpol, bao gồm:

Thông báo đỏ - yêu cầu bắt giữ và dẫn độ các đối tượng bị truy nã.

Thông báo xanh lam - yêu cầu thông tin về những cá nhân mà Interpol quan tâm có liên quan đến hành vi phạm tội.

Thông báo xanh  - phổ biến cảnh báo và thông tin cảnh sát liên quan đến những cá nhân đã phạm tội nghiêm trọng.

Thông báo vàng - yêu cầu thông tin về những người mất tích.

Thông báo đen - yêu cầu hỗ trợ trong việc xác định xác chết.

Thông báo cam - phổ biến cảnh báo và thông tin cảnh sát liên quan đến các tài liệu nguy hiểm các hành vi tội phạm hoặc các sự kiện có khả năng tạo thành mối đe dọa đối với an toàn công cộng…

Interpol đang thực hiện các hoạt động chống lại thuốc giả với sự hợp tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); Lực lượng Đặc nhiệm Chống Hàng giả về Sản phẩm Y tế Quốc tế (Impact). Các hoạt động do Interpol phối hợp đã dẫn đến các vụ bắt giữ những lượng thuốc giả lớn ở Nam Mỹ, Đông Nam Á và châu Phi, cũng như bắt giữ hàng trăm người và triệt phá các mạng lưới sản xuất và giao thông có tổ chức.

Interpol cũng tổ chức các buổi đào tạo nhằm tăng cường hiệu quả của các cơ quan thực thi pháp luật trên thế giới trong việc điều tra các trường hợp thuốc giả. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của trụ cột thứ tư trong chiến lược mới của Interpol: hoạt động đào tạo. Tổ chức này đã cung cấp những khóa đào tạo chuyên biệt cho lực lượng cảnh sát quốc gia, với mục đích tăng cường năng lực của các nước thành viên để đấu tranh hiệu quả chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố nghiêm trọng.

h2.jpg -0
Chiến dịch Lionfish Châu Á - Thái Bình Dương do Interpol phối hợp tổ chức để truy quét tội phạm ma túy. Trong hình: một tên tội phạm đã nuốt hàng chục gói cocaine vào bụng.

Quan điểm mới

Kể từ năm 2001, quả thật Interpol đã trở nên hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ các hoạt động trị an hàng ngày ở tất cả các khu vực trên thế giới, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế, chẳng hạn việc sử dụng kém hiệu các nguồn tin tình báo của Interpol liên quan đến các phương pháp làm việc đặc thù của cảnh sát trong phạm vi từng quốc gia và từng khu vực, trong khi mạng lưới tội phạm và việc tiến hành điều tra chúng đã nằm ở quy mô quốc tế. Do đó, một phần công việc của Interpol là thuyết phục các  nước thành viên tiến hành những cải tiến để đáp ứng những nhu cầu mới này và tầm quan trọng của việc đổi mới các phương pháp điều tra và mức độ hợp tác.

Hơn nữa, Interpol đã nhận thức được rằng tội phạm và khủng bố thường lợi dụng các khu vực và quốc gia có năng lực cảnh sát yếu nhất. Đó là lý do giải thích tại sao, trong khuôn khổ chương trình có tên Oasis (Hỗ trợ Hoạt động, Dịch vụ và Hỗ trợ Cơ sở hạ tầng) do Bộ Ngoại giao Đức tài trợ, Interpol đã cung cấp cho các khu vực có nguồn lực hạn chế một gói viện trợ nhất quán về đào tạo, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ hoạt động, cho phép lực lượng cảnh sát tại đó đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa ở cấp quốc gia và toàn cầu. Chương trình này đã mang lại lợi ích cho một số nước châu Phi kể từ năm 2008 và sẽ được mở rộng thực hiện trong ở các khu vực khác trên thế giới.

Ngoài ra, điều cần thiết là Interpol phải theo dõi sát sao sự phát triển mạnh mẽ các mối đe dọa trên phạm vi quốc tế và tổ chức này cần tiếp tục đổi mới để hỗ trợ các nước thành viên ngày càng hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố quốc tế. Chính ở góc độ này, Interpol đã làm việc không mệt mỏi để xác định các chiến lược an ninh trong tương lai ở cấp độ toàn cầu. Tội phạm mạng, an ninh biên giới, tài trợ khủng bố và tham nhũng đều là những ví dụ về các vấn đề không có biên giới và đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu đổi mới.

Dương Thắng
.
.
.