Phong trào Taliban: Từ khủng bố đến hợp tác

Thứ Sáu, 20/12/2024, 20:08

Ngày càng nhiều quốc gia thiết lập quan hệ với chế độ Taliban ở Afghanistan, đặc biệt là các quốc gia láng giềng trong khu vực. Nước này đang thiết lập quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á. Liên bang Nga cũng đang hướng tới phát triển hợp tác song phương.

Tuy nhiên, những bất đồng nội bộ trong chính phong trào này đang cản trở sự công nhận rộng rãi  hơn của quốc tế đối với Taliban.

Không được công nhận, nhưng không bị cô lập

Năm 2024, phong trào khủng bố Taliban lần đầu tiên được tham gia một sự kiện quốc tế của Liên hợp quốc. Ngày 10/11, phái đoàn Taliban do Matiul Haq Khalis,  lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Afghanistan, dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP29 tại Azerbaijan, mặc dù chỉ với tư cách là quan sát viên.

Phong trào Taliban: từ khủng bố đến hợp tác  -0
Hibatullah Akhundzada, Thủ lĩnh tối cao của Afghanistan

Chính quyền Taliban ở Afghanistan chưa được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận. Nguyên nhân chủ yếu là do các sắc lệnh của Thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada cấm phụ nữ  học đại học, hạn chế quyền lao động của họ và đặt ra các quy định rất nghiêm ngặt về trang phục và hành vi - thậm chí cấm phụ nữ trò chuyện với nhau. Kabul cũng bị chỉ trích vì thiếu sự đa dạng sắc tộc và tôn giáo: phần lớn các chức vụ trong chính phủ Taliban do người Sunni và Pashtun chiếm giữ, trong khi người Shiite và các dân tộc khác chủ yếu giữ các chức vụ thấp.

Mặc dù chưa một chính phủ nước ngoài nào quyết định công nhận chính thức Taliban, nhưng hầu hết các quốc gia láng giềng trong khu vực đã thiết lập quan hệ với Kabul và có những bước đi hướng tới công nhận trong tương lai.

Bên cạnh Trung Quốc

Là quốc gia đi đầu trong vấn đề công nhận ngoại giao đối với chế độ Taliban, Trung Quốc đã trao đổi với đại sứ Afghanistan và bắt đầu đầu tư vào nước này. Chính phủ Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách giành được sự ưu ái của Kabul.

Phong trào Taliban: từ khủng bố đến hợp tác  -0
Matiul Haq Khalis, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Quốc gia Afghanistan

Ngày 24/10/2024, Đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan, Triệu Hưng, tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ cung cấp cho Afghanistan quyền miễn thuế đối với các lĩnh vực xây dựng, năng lượng và tiêu dùng của mình. Trước đây, những ưu đãi tương tự chỉ dành cho các quốc gia thu nhập thấp, được Bắc Kinh công nhận chính thức. Trung Quốc cũng đã đồng ý đưa Afghanistan vào sáng kiến "Vành đai và Con đường" của mình.

Trung Quốc rất quan tâm đến việc khai thác khoáng sản ở Afghanistan, đặc biệt là với trữ lượng lithium khổng lồ của quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư vào Afghanistan - các công ty Trung Quốc hiện đang tham gia khai thác vàng, đồng và dầu mỏ tại quốc gia này.

Khi nói đến kinh tế và kinh doanh, Taliban không có khuynh hướng theo chủ nghĩa cô lập. Họ hoan nghênh các khoản đầu tư nước ngoài, vì hiểu rằng Afghanistan thiếu công nghệ và tài nguyên để tự mình khai thác khoáng sản quy mô lớn. Mục tiêu chính của Kabul, ít nhất trong ngắn hạn, là tăng thu nhập quốc gia.

Trục Iran

Hầu hết các quốc gia láng giềng của Afghanistan trong khu vực đều theo gương Trung Quốc, nhưng với một sự thận trọng nhất định. Ngày 18-19/2/2024, trong cuộc gặp do Liên hợp quốc tổ chức tại Doha, Taliban coi kế hoạch bổ nhiệm đặc phái viên của Liên hợp quốc về Afghanistan là động thái thù địch của các quốc gia phương Tây. Trung Quốc, Nga và Iran đã phản đối kế hoạch này.

Phong trào Taliban: từ khủng bố đến hợp tác  -0
Bilal Karimi, Đại sứ Afghanistan ở Trung Quốc

Trong những tháng tiếp theo, Iran đã tích cực xích gần hơn với Taliban. Trước cuộc gặp ở Doha, các nhà ngoại giao Iran đã công khai mời Taliban tham gia cái gọi là "Trục kháng chiến". Mặc dù lời mời bị từ chối, nhưng các nguồn tin từ chính phủ Taliban cho biết có sự bất đồng giữa phe ủng hộ việc xích lại với Iran của Thủ lĩnh tối cao Hibatullah Akhundzada và nội các, nơi đa số phản đối điều này.

Chính phủ mới của Iran không mấy thiện cảm với Taliban, tuy nhiên chính sách đối ngoại của quốc gia này phần lớn do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và Giáo chủ Ali Khamenei định hướng. Họ cho rằng, trong bối cảnh hỗn loạn gia tăng ở Trung Đông, Iran cần duy trì quan hệ hữu hảo với Afghanistan.

Nước Nga thân thiện

Moscow cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng chính sách lâu dài với Afghanistan do những bất đồng trong giới tinh hoa. Các nhà ngoại giao Nga từ lâu ủng hộ việc hợp tác chặt chẽ với Taliban, hy vọng cắt đứt quan hệ của tổ chức này với các nhóm thánh chiến quốc tế. Trong  khi đó lực lượng an ninh lại cho rằng Taliban khó có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ với các nhóm thánh chiến.

Một thời gian dài, Tổng thống Putin dường như dao động giữa các quan điểm này. Đến năm 2023, ngoại giao Nga vẫn cố gắng giữ khoảng cách cân bằng giữa Taliban và "Mặt trận Kháng chiến Quốc gia" - tổ chức kế thừa của “Liên minh phương Bắc” chống Taliban vốn được Nga ủng hộ trong những năm 1990.

Hiện nay, Nga dường như ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Taliban và chính phủ Tajikistan, nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Nếu đạt được thỏa thuận, "Mặt trận Kháng chiến Quốc gia" có thể sẽ mất đi khả năng hoạt động từ lãnh thổ Tajikistan.

Thời gian gần đây, Moscow đã có những tín hiệu xích gần với Kabul. Vào tháng 5, phái đoàn Taliban đã được mời tham dự Diễn đàn Kinh tế ở Kazan, và vào tháng 6, tại Diễn đàn ở Saint Petersburg. Nhìn chung, người Nga hài lòng với việc Taliban đang nỗ lực vô hiệu hóa các nhóm thánh chiến Uzbekistan và Tajikistan, vốn có căn cứ tại Afghanistan.

Cuộc tấn công vào nhà hát "Crocus City Hall" ở Moscow vào tháng 4/2024 góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Moscow và Kabul. Sau những nỗ lực đổ lỗi cho Ukraine về vụ khủng bố này, các điều tra viên Nga cuối cùng đã thừa nhận rằng tổ chức đứng sau cuộc tấn công này là "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Có thể, đây là một quyết định chính trị: nếu Moscow có ý định hợp tác với Taliban trong cuộc chiến chống IS, thì việc công nhận vai trò của tổ chức này trong vụ khủng bố tại "Crocus" là một bước đi hữu ích.

Mùa thu năm 2024, Kremlin bắt đầu quá trình loại bỏ Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố: ngày 26/11, dự thảo luật này đã được trình Duma Quốc gia. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tự động công nhận chế độ của họ. Moscow phê phán  chính sách của Taliban đối với phụ nữ và sự bất bình đẳng về quyền lực.

Phong trào Taliban: từ khủng bố đến hợp tác  -0
Các tay súng Taliban

Những người hàng xóm gần

Các nước Trung Á nhìn chung cố gắng hợp tác với Taliban trên tinh thần xây dựng. Điều này đặc biệt đúng với Turkmenistan và Uzbekistan, cũng như Kazakhstan, quốc gia vào tháng 12/2023 đã quyết định loại bỏ Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố. Quốc gia duy nhất ban đầu từ chối quan hệ với Afghanistan là Tajikistan, nhưng hiện nay họ đã bắt đầu đàm phán với Taliban về việc bình thường hóa quan hệ.

Động cơ dẫn Tajikistan đến bàn đàm phán là triển vọng lợi ích tài chính và thất bại của "Mặt trận Kháng chiến Quốc gia"- phe đối lập của Taliban mà Tajikistan ủng hộ từ năm 2021. Trong khi đó, mạng cáp truyền dữ liệu mới gần như đã sẵn sàng triển khai ở Afghanistan. Việc vận hành mạng này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cả Kabul và Dushanbe.

Hiện tại, hai bên đang đàm phán về việc cấm các nhóm đối lập hoạt động trên lãnh thổ của nhau, đồng thời tìm kiếm cơ hội giúp chế độ Taliban tiếp cận các khoản thanh toán cho hoạt động của mạng này.

Ngay cả Ấn Độ, quốc gia đã ủng hộ chính phủ thế tục của Afghanistan, cũng duy trì quan hệ khá thân thiện với "Taliban". Điều trớ trêu là, Pakistan, một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất của tổ chức này trong quá khứ, lại có quan hệ rất xấu với Taliban. Mặc dù Kabul đã cố gắng kiềm chế các tay súng Taliban người Pakistan thực hiện các cuộc tấn công vào chính quyền và nỗ lực làm trung gian trong các cuộc đàm phán với Islamabad, tình hình chỉ càng tồi tệ thêm.

Phương tây không hoàn toàn thờ ơ

Tình hình ở các nước phương Tây lại khác. Ở Kabul, không có đại sứ quán nào của châu Âu hoặc Mỹ hoạt động. Hiện tại, chỉ có Liên minh châu Âu (EU) có đại diện trên lãnh thổ Afghanistan, nhưng các quốc gia thành viên thì không.

Tuy nhiên, người châu Âu lo ngại về khả năng xảy ra làn sóng di cư mới từ Afghanistan, nếu nền kinh tế nước này sụp đổ. Ngày càng xuất hiện nhiều dự án hỗ trợ Afghanistan. Chẳng hạn, tháng 2/2024, Ngân hàng Thế giới đã quyết định giải phóng các khoản tiền bị đóng băng của Afghanistan. Hầu hết các thành viên trong nội các của Taliban đều ủng hộ việc cải thiện quan hệ với phương Tây để nhận được sự hỗ trợ cần thiết, đồng thời nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nước láng giềng. Các nỗ lực thiết lập quan hệ với Mỹ diễn ra thường xuyên, nhưng cũng liên tục bị những kẻ phản đối việc cải thiện quan hệ với phương Tây cản trở, đặc biệt là  Akhundzada.

Đấu tranh nội bộ

Những bất đồng nội bộ trong hàng ngũ Taliban vẫn là đặc điểm nổi bật của chế độ này. Taliban chưa thể soạn thảo một bản hiến pháp hoặc tài liệu tương tự quy định rõ ràng việc phân chia quyền lực tại Afghanistan. Hầu hết các thành viên chính phủ ở Kabul đều thừa nhận vai trò của Hibatullah Akhundzada trong việc giám sát thực thi luật Hồi giáo tại Afghanistan, nhưng bản thân Akhundzada và những người ủng hộ ông lại đòi hỏi kiểm soát cả các cơ quan hành pháp lẫn lực lượng an ninh.

Trong giai đoạn 2021-2022, vị thế của Akhundzada rất yếu, và ông không thể buộc Taliban tuân theo ý muốn của mình. Vì vậy, ông đã sử dụng quyền hạn của mình trong lĩnh vực luật Hồi giáo để ngăn cản sáng kiến của các đối thủ thiết lập quan hệ với các nước phương Tây. Ông phát động cuộc tấn công vào quyền phụ nữ, vì biết rằng điều đó sẽ cản trở mọi cuộc đàm phán với các nhà ngoại giao phương Tây. Trong giai đoạn 2023 - 2024, Akhundzada đã củng cố được quyền lực của mình, dù vẫn tồn tại một bộ phận lớn trong nội bộ phản đối sự lãnh đạo của ông.

Mặc dù vậy, những bất đồng nội bộ không ngăn cản Taliban thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế và đảm bảo nguồn thu đủ để duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước - đây là vấn đề được tất cả mọi người coi trọng. Thu nhập của Taliban đã tăng lên khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm, mặc dù số tiền này chỉ vừa đủ để duy trì sự tồn tại của nhà nước. Cơ cấu các cơ quan nhà nước phần lớn được giữ nguyên, với những thay đổi tương đối nhỏ và bổ nhiệm các thành viên Taliban vào các chức vụ chủ chốt. Taliban ưu tiên tái thiết lực lượng vũ trang quốc gia, thành lập Lực lượng Vệ binh Đặc biệt do chính Akhundzada kiểm soát, đồng thời khôi phục lực lượng cảnh sát đạo đức, từng hoạt động trong thời kỳ cầm quyền đầu tiên của Taliban từ năm 1996 đến 2001.

Trần Đình
.
.
.