Những điều chưa biết về khinh khí cầu giám sát
Các chuyên gia cho biết, khinh khí cầu giám sát có lịch sử lâu đời trong hoạt động gián điệp và tiếp tục mang lại một số lợi thế về do thám.
Lịch sử sử dụng khinh khí cầu giám sát
Theo các chuyên gia, những chuyến bay của khinh khí cầu phục vụ cho việc nghiên cứu khí tượng quốc gia thường kéo dài ít nhất vài giờ đến vài ngày và có thể trôi dạt hàng trăm dặm từ địa điểm được phóng. Trong trường hợp này, khinh khí cầu Trung Quốc có thể đã ở trên bầu trời nhiều ngày và di chuyển hàng nghìn dặm. Mỗi ngày, các nhà khí tượng học phóng hàng trăm khinh khí cầu trên khắp đất nước được thiết kế để đo gió, áp suất, nhiệt độ và độ ẩm. Trung tâm Khí tượng quốc gia Mỹ cho biết, các khinh khí cầu khi bắt đầu được phóng thường bay cao khoảng 2m và có thể bay lên ngay ở tầm cao 6m trước khi bị nổ tung ở độ cao 30.000m.
Chuyên gia về khí tượng của Mỹ, William Kim cho hay: “Khinh khí cầu hoạt động nhờ chất helium. Người ta không thể bắn vào khinh khí cầu khiến nó cháy hay phát nổ. Dù có bị chọc thủng, khinh khí cầu cũng mất nhiều thời gian mới xì hơi. Năm 1998, Không quân Canada đã bắn khoảng 1.000 viên đạn cỡ 20 ly vào một khinh khí cầu tương tự và phải đợi đến 6 ngày sau, khinh khí cầu mới xì hơi”.
Trên các khinh khí cầu khí tượng, các nhà nghiên cứu thường lắp đặt một máy dò vô tuyến với các cảm biến và một máy phát gửi dữ liệu trở lại mặt đất theo lộ trình 2 giây một lần, giúp các nhà dự báo thu thập dữ liệu. "Trong khi phóng khinh khí cầu thời tiết, các nhà nghiên cứu muốn bao phủ toàn bộ tầng đối lưu, thay đổi theo mùa. Vào mùa đông, độ cao của khinh khí cầu có thể là 12.000m và vào mùa hè ở mức 200.000m”, một nhà khí tượng học tại văn phòng ở Nashville của Trung tâm Khí tượng quốc gia Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, sự phức tạp rõ ràng của khinh khí cầu và khả năng cơ động khiến cho lộ trình tương lai của khinh khí cầu không thể dự đoán chính xác. Và khinh khí cầu thời tiết trung bình chỉ ở trên bầu trời trong khoảng 90 phút và chỉ dựa vào hướng gió để di chuyển. Tùy thuộc vào thời gian trong năm và các kiểu thời tiết, nhiều chiếc di chuyển theo quỹ đạo hướng Đông từ khi phóng cho đến khi kết thúc hoặc có thể là vài ngàn mét hoặc vài trăm ngàn mét. Trung tâm Khí tượng quốc gia Mỹ ước tính chi phí cho mỗi lần phóng khinh khí cầu khí tượng là khoảng 200 USD, tùy thuộc vào giá thị trường của helium và hydro.
GS Iain Boyd chuyên về khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder cho biết, trong thời đại của vệ tinh, các khinh khí cầu giám sát – thường là những khí cầu tiên tiến được trang bị thiết bị hình ảnh công nghệ cao, hướng xuống dưới cung cấp khả năng giám sát ở phạm vi gần. Những khinh khí cầu này đôi khi được để tùy thuộc vào các kiểu thời tiết nhưng có thể được trang bị một "thiết bị dẫn đường" để điều khiển đường đi của chúng.
“Mặc dù các vệ tinh vẫn là phương pháp do thám ưa thích từ trên cao, nhưng những khinh khí cầu bay thấp hơn, lơ lửng ở độ cao tương đương với các hãng hàng không thương mại, thường có thể chụp ảnh rõ ràng hơn các vệ tinh có quỹ đạo thấp nhất. Điều đó chủ yếu là do các vệ tinh chỉ cần 90 phút để hoàn thành một quỹ đạo bay”, GS Iain Boyd giải thích. Cũng theo GS Iain Boyd, có một loại vệ tinh khác có thể quay đồng bộ với Trái đất, cho phép nó chụp ảnh liên tục về một địa điểm, mặc dù những vệ tinh như vậy có quỹ đạo xa hành tinh hơn và do đó thường tạo ra những hình ảnh mờ hơn. Trong khi đó, trả lời hãng Al Jazeera, GS David DeRoches thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược cận Đông Nam Á tại Đại học Quốc phòng ở Washington, DC khẳng định, khinh khí cầu giám sát cũng có thể có khả năng “thu thập tín hiệu điện tử” và chặn liên lạc. Đáng chú ý là trong những năm gần đây, việc các khinh khí cầu nước ngoài đi vào không phận Mỹ là tương đối phổ biến.
Việc sử dụng bóng bay đầu tiên được ghi nhận cho mục đích quân sự có từ năm 1794, khi đó Ủy ban An toàn Công cộng Pháp đã sử dụng khinh khí cầu như một phần của Quân đoàn d'Aerostiers để quan sát quân sự, thí nghiệm giám sát trên không đầu tiên diễn ra trong trận Fleurus chống lại người Anh, Đức và Hà Lan. Pháp thắng, quân đoàn d'Aerostiers tiếp tục là một phần không thể thiếu của quân đội Pháp cho đến khi nó tan rã 4 năm sau đó. Pháp cũng đã sử dụng khinh khí cầu có người lái để giám sát trong cuộc chiến tranh Pháp - Áo năm 1859.
Khinh khí cầu có người lái và dây buộc lại được sử dụng ngay sau đó trong nội chiến Mỹ, kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865. Trong Thế chiến I và II, khinh khí cầu giám sát trở nên phổ biến hơn và sau này quân đội Nhật Bản đã sử dụng khinh khí cầu để thả bom cháy vào lãnh thổ Mỹ. Không có mục tiêu quân sự nào bị hư hại, nhưng một số thường dân đã thiệt mạng khi một trong những quả bóng bay rơi xuống một khu rừng ở Oregon.
Ngay sau Thế chiến II, quân đội Mỹ bắt đầu khám phá việc sử dụng khinh khí cầu do thám tầm cao, dẫn đến một loạt nhiệm vụ quy mô lớn có tên Dự án Genetrix. Theo tài liệu của chính phủ, chương trình này cho biết các khinh khí cầu chụp ảnh đã được bay qua lãnh thổ khối Xôviết vào những năm 1950. Sau đó, chúng được thay thế bằng các máy bay do thám tầm cao U-2, và cuối cùng là vệ tinh.
Câu hỏi chưa lời đáp của Mỹ
Fox News cho hay, năm ngoái một khinh khí cầu lạ đã được các lực lượng chức năng Mỹ phát hiện rơi ở ngoài khơi Hawaii. Đặc biệt, trong thời gian ông Donald Trump còn tại nhiệm, có nguồn tin cho hay, Mỹ cũng đã ít nhất 3 lần bắn hạ khinh khí cầu bay qua không phận bang Texas, Hawaii và lãnh thổ Guam. Các quan chức Lầu Năm Góc còn khẳng định họ đã phát hiện ít nhất một khinh khí cầu giám sát khác của nước ngoài bay qua Trung và Nam Mỹ và những khinh khí cầu khác đã được phát hiện trên một số quốc gia trong vài năm qua ở Châu Âu và Châu Á.
Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Tướng Patrick S.Ryder cho biết, khu vực Thái Bình Dương của Mỹ đang trở thành tâm điểm chú ý của do thám nước ngoài bởi nơi đó đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, cùng với phần lớn năng lực hải quân và thiết bị giám sát của Hạm đội Thái Bình Dương. Sự thừa nhận của Tướng Patrick S.Ryder đã đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thất bại trong việc thiết lập một ranh giới đỏ về việc giám sát khinh khí cầu từ nhiều năm trước? Amy B. Zegart, một thành viên cấp cao tại Viện Hoover và là tác giả của cuốn sách “Gián điệp, dối trá và thuật toán” - một nghiên cứu về các công nghệ mới trong giám sát phổ biến, cho biết: “Việc một khinh khí cầu nước ngoài đi vào không phận nước mình là điều không hề dễ chịu chút nào. Đáng lẽ chúng ta nên có một chiến lược sớm hơn và nên báo hiệu những giới hạn của mình sớm hơn nhiều”.
Tờ Washington Post bình luận: “Tất nhiên, không có gì mới về việc các siêu cường theo dõi lẫn nhau, thậm chí từ khinh khí cầu. Tổng thống Dwight D. Eisenhower từng cho phép giám sát Liên Xô bằng cách gắn camera trên khinh khí cầu vào giữa những năm 1950, đưa chúng bay “qua các nước thuộc khối Xôviết dưới chiêu bài nghiên cứu khí tượng”. David Haight, một nhà lưu trữ tại Thư viện Eisenhower, đã báo cáo rằng hành động này khi đó “đã mang lại nhiều sự phản đối từ Điện Kremlin hơn là thông tin tình báo hữu ích”. Và giờ đây, dường như việc này đang quay trở lại, bởi vì trong khi các vệ tinh do thám có thể nhìn thấy hầu hết mọi thứ, thì những khinh khí cầu được trang bị cảm biến công nghệ cao sẽ bay lơ lửng trên một địa điểm lâu hơn và có thể thu sóng radio, di động và các đường truyền khác mà không thể phát hiện được từ không gian. Đó là lý do tại sao trong những năm gần đây, Cơ quan An ninh Quốc gia và Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, cơ quan giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, đã thiết lập lại thông tin liên lạc với các địa điểm vũ khí hạt nhân để có phản ứng nhanh nhất có thể”.