Điểm lại những vụ can thiệp của CIA ở Mỹ Latin

Chủ Nhật, 24/10/2021, 11:16

Người ta vẫn nói, cho dù là dầu hỏa ở Iran hay chuối ở Guatemala, ở đâu có lợi ích Mỹ là có sự can thiệp của CIA. Bất kể đó là đe dọa, bắt cóc, tra tấn, cưỡng chế, ám sát hay ghê gớm hơn như kích động bạo lực, nổi loạn, binh biến quân đội, thì đều có thể gây ra những xáo trộn lớn và là căn nguyên tổn hại kinh tế cũng như đẩy sự khốn khó cuối cùng cho người dân. Những hoạt động đen tối của CIA đã bị phanh phui thông qua tài liệu, hoặc sự rò rỉ thông tin hoặc bị các cựu điệp viên đứng ra tố cáo.

Đảo chính năm 1954 ở Guatemala

Năm 1944, chế độ độc tài bạo lực Jorge Ubico do Mỹ hậu thuẫn ở Guatemala đã bị lật đổ bởi một cuộc kháng chiến nổi tiếng. Ubico chỉ đơn thuần là con rối của Công ty trái cây Hoa Kỳ (UFC), về cơ bản công ty này đã bắt người dân sở tại làm nô dịch cho họ. UFC đã cưỡng chế đất đai của nông dân và người da đỏ và buộc họ phải làm việc trong các thửa ruộng nhỏ, nhận đồng lương rẻ mạt. Nếu người dân nào tỏ ra bất phục tùng sẽ bị cưỡng bức dã man bởi lực lượng cảnh sát làm việc cho công ty nông nghiệp Mỹ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã mang lại hòa bình cho đất nước này trong suốt 10 năm, mà đỉnh cao là cuộc bầu cử năm 1951 với chiến thắng của ông Jacobo Arbenz trở thành Tổng thống thứ 2 của Guatemala, và ông đã đưa ra nhiều cải cách nông nghiệp hiệu quả.

Năm 1954, CIA phát động một sự kiện mang tên mã là Chiến dịch PBSUCCESS. Thủ đô Guatemala bị oanh tạc bởi chiến cơ Mỹ. Sau cuộc đảo chính, một loạt tướng lĩnh quân đội của Guatemala đã lên cầm quyền trong suốt 3 thập niên, đẩy nước này vào đàn áp khắc nghiệt khiến khoảng 200.000 người chết, chủ yếu là nông dân thiệt mạng bởi các lực lượng bảo an.

Điểm lại những vụ can thiệp của CIA ở Mỹ Latin -0
Các bạo chúa quân sự do Mỹ hậu thuẫn ở Guatemala năm 1954.

Đảo chính ở Brazil năm 1964

Đầu thập niên 1960 là những năm tháng thay đổi đáng kinh ngạc ở Brazil. Tổng thống Joao Goulart đã thi hành kế hoạch “Cải cách căn bản” nhằm chống lại nạn mù chữ cho người lớn; kiểm soát việc chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia có trụ sở ở nước ngoài bằng cách cải cách luật thuế; phân bổ ruộng đất và chia lại cho nhân dân. Năm 1964, bất ngờ xảy ra cuộc đảo chính quân sự đá văng ông Goulart. Thời kỳ đó, Lincoln Gordon là đại sứ Mỹ ở Brazil được xem là đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ thế lực chống đối chống lại chính phủ của Goulart và cả trong suốt cuộc đảo chính. Ngày 27 tháng 3 năm 1964, Gordon viết cho một kênh thông tin tuyệt mật của chính quyền Mỹ, thúc giục Mỹ hỗ trợ cho cuộc đảo chính của Humberto de Alencar Castello Branco bằng “chuyển giao vũ khí bí mật” cùng vận chuyển các lô khí đốt và dầu hỏa mà có thể là giúp bôi trơn cho các hoạt động ngầm chống phá của CIA. 

Đảo chính ở Uruguay năm 1969

Suốt thập niên 1960, nhiều phong trào cách mạng lan rộng khắp Châu Mỹ Latin. Người Mỹ đã nhác thấy các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa có tầm ảnh hưởng tại quốc gia Nam Mỹ, Uruguay. Chẳng hạn như tổ chức du kích cách mạng có tên là Tupamaros. Jose “Pepe” Mujica là một phần trong tổ chức này cùng với bà xã Lucia Topolansky. Washington ngấm ngầm lên kế hoạch thủ tiêu các nhà lãnh đạo này bởi lo sợ sức ảnh hưởng và quyền lực mà họ đạt được. Năm 1969, Nelson Rockefeller đã đặt chân đến Uruguay trong chuyến công du Mỹ Latin theo ủy quyền của Tổng thống Richard Nixon nhằm tận mắt tìm hiểu tình cảm chống Mỹ đang gia tăng trong khu vực. Rockefeller trở về Washington để cảnh báo cho giới chức Mỹ hay rằng có lẽ cần phải hành động gấp rút. Lẽ dĩ nhiên CIA cũng chỉ cần có thế. Rồi họ đặc phái Dan Mitrione.

Năm 1969, Mitrione đến Uruguay nhằm giám sát Văn phòng an toàn công cộng (OPS) dưới vỏ bọc của USAID (Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ). Suốt thập niên 1960, OPS đã bí mật giúp đỡ cảnh sát địa phương như huấn luyện và cung cấp vũ khí cho họ. Mitrione được cho là kẻ rất thích áp dụng các hình thức tra tấn với câu nói khét tiếng: “cơn đau thống thiết ở nơi bi thiết, số lượng chi tiết sẽ cho kết quả hết biết”. Năm 1971, Juan Maria Bordaberry trở thành tổng thống Uruguay (của đảng Colorado). Với sự chúc phúc của CIA, Bordaberry đã dẫn đầu cuộc đảo chính vào tháng 6 năm 1973, và tại vị cho đến năm 1976, và khi đó đã bị hất cẳng bởi quân đội. Dưới chế độ cầm quyền của Bordaberry và chiến dịch Condor, đã có hàng trăm người bị mưu hại, tra tấn, cầm tù, bắt cóc và mất tích.

Điểm lại những vụ can thiệp của CIA ở Mỹ Latin -0
Salvador Allende, một nạn nhân của cuộc đảo chính bí mật do Mỹ thực hiện. 

Đảo chính đẫm máu ở Bolivia năm 1971

Năm 1967, thủ lĩnh Che Guevara đã bị bức hại sau khi ông lãnh đạo một cuộc chiến tranh du kích ở Bolivia chống lại đầu sỏ chính trị. Sứ mạng do CIA hậu thuẫn đã ám sát lãnh tụ cách mạng khiến thế giới lên cơn động nộ. Trong khi đó vào năm 1970, tướng Juan Jose Torres lên cầm quyền và tiến hành nhiều cải cách nhằm mang lại đời sống mới cho tầng lớp lao động và những người đang sống trong nghèo đói. Tương lai hy vọng đã trở lại Bolivia. Sau không đầy 1 năm cầm quyền, Torres đã bị hất cẳng trong một vụ đảo chính đẫm máu  được xách động bởi Hội đồng các tướng lĩnh lực lượng vũ trang (JCAF). Bất chấp sự kháng cự mạnh mẽ từ quân, dân, các lực lượng bảo thủ đã dập tắt sự phản kháng với tất cả các hình thức tàn bạo nhất mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. Nhà độc tài Hugo Banzer đã cai trị Bolivia suốt 7 năm sau đó, và nhằm chống lại mọi ý kiến bất đồng với mình, Banzer đã âm thầm thực hiện Chiến dịch Condor và tiếp tay cho CIA.

Chính biến năm 1973 ở Chile

Tại Chile, CIA đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau nhưng kết quả cùng giống nhau. Cơ quan này đã thực hiện một chiến dịch bôi nhọ nhằm chống lại chính phủ Chile (như hiện tại đang áp dụng ở Venezuela). Họ dùng đủ loại phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế để hạ bệ Tổng thống Salvador Allende.

Bằng loạt hành động gây ra sự khan hiếm không qua tống tiền, tra tấn, bỏ tù, làm mất tích và cả ám sát, CIA và các lực lượng cánh hữu ở Chile đã gây mất ổn định trong nước, đặc biệt là sau khi ông Allende tiến hành quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngày 11 tháng 9 năm 1973, Tướng Augusto Pinochet đã lãnh đạo quân đội tiến công thẳng vào phủ tổng thống (với sự chống lưng của CIA, thế lực đã trao cho ông ta đủ loại vũ khí và xe bọc thép cần thiết).

Các chiến cơ đã dội bom xuống phủ tổng thống. Trước khi qua đời, Tổng thống Allende đã trăng trối với tâm phúc của mình: “Tôi sẽ không đầu hàng! Đặt trong một sự chuyển giao lịch sử, tôi phải chứng minh lòng trung thành với nhân dân bằng sinh mạng của tôi. Điều mà tôi muốn nói với các đồng chí rằng thứ mà chúng ta đã gieo trồng tốt đẹp cho hàng ngàn người Chile tin chắc sẽ mãi không lụi tàn. Họ mạnh và họ có thể thống trị chúng ta, nhưng các tiến trình xã hội hóa sẽ không ngừng lại, tội ác sẽ bị ngăn chặn, không vũ lực nào có thể khuất phục được”.

Pinochet cai trị Chile suốt 17 năm, và số nạn nhân thiệt mạng chính thức theo công bố là 40.018 người, họ bao gồm những người bị giam giữ hoặc tra tấn; bị cưỡng bức thủ tiêu hoặc mất tích; và bắt cóc. Hơn 200.000 người Chile bị buộc phải lưu vong.

Điểm lại những vụ can thiệp của CIA ở Mỹ Latin -0
Cho đến năm 1988, Washington còn ca ngợi nỗ lực chống ma túy của nhà độc tài Panama, Manuel Noriega.

Đảo chính năm 1976 ở Argentina

Cuộc chiến bẩn thỉu (1976-1983) trên đất nước Argentina đã được đánh dấu bằng vô số các trại giam giữ, trung tâm tra tấn, thảm sát, cưỡng hiếp phụ nữ và trẻ em, vô số người bị mất tích. Tổng cộng có 3 vạn người được cho là bị giết, và 13.000 mất tích. Năm 1976, một cuộc đảo chính quân sự đã lật đổ Tổng thống Isabel Peron và ngay tức khắc sau đó tân Ngoại trưởng Cesar Guzzetti đã nói với Ngoại trưởng Henry Kissinger rằng quân đội đang ráo riết truy quét “các phần tử khủng bố”, theo công bố của báo New York Times. Kissinger đáp rành rọt: “Nếu có những thứ cần phải làm, ông cần phải rốt ráo tiến hành”, ngụ ý rằng quốc hội Mỹ có thể cắt đứt viện trợ. Vì lẽ đó người Mỹ đã “bật đèn xanh” cho chính phủ Argentina nhằm tiếp tục tấn công điên cuồng vào các du kích cánh tả, những người bất đồng chính kiến cùng những phần tử bị hoài nghi.

Mưu đồ của CIA ở El Salvador năm 1980

Có bằng chứng thuyết phục nói rằng trong suốt hơn 30 năm, các thành viên quân đội Mỹ và CIA đã giúp tổ chức, huấn luyện và tài trợ ngân sách cho các hoạt động “đồ sát” ở El Salvador. nguyên sĩ quan Biệt đội tử thần và đại đội trưởng trong Lục quân Salvador, ông Ricardo Castro tiết lộ rằng mình đã thực hiện các cuộc giao ban hàng tháng với phó giám đốc trạm CIA ở El Salvador là Frederic Brugger (người này tuyển Castro làm tình báo sau khi gặp trong một lớp thẩm vấn). Ông Castro nhấn mạnh đến đơn vị tiến hành những vụ thảm sát thường dân quy mô lớn là Cục quân đội số 5. Năm 1980 và trong suốt cuộc chiến của chính phủ chống lại phe nổi dậy thì các biệt đội tử thần do CIA hậu thuẫn đã tiến hành “khủng bố” thường dân Salvador. Tổng giám mục Oscar Arnulfo Romero, một tín đồ của Thần học giải phóng, đã bị sát hại khi ông đang cử hành thánh lễ. Khi cuộc chiến kết thúc, ít nhất 75.000 người El Savaldor đã bỏ mạng và hàng ngàn người phải sống nơi khác.

Xâm lược bất ngờ Panama năm 1989

Ngày 20 tháng 12 năm 1989, hơn 27.000 lính Mỹ đã xâm lược Panama. Theo nhiều nhân chứng thì cuộc chiến đã khiến ít nhất 3.000 người bỏ mạng, nhiều tử thi bị cháy không thể nhận dạng và chất thành đống ven đường. 10 năm sau khi Panama giành được độc lập, quốc gia nhỏ bé đã hứng chịu họa xâm lăng bởi âm mưu của Tổng thống George H. W. Bush. 10 ngày sau vụ xâm lược, kênh đào Panama (vốn thuộc về Mỹ cho đến năm 1979) cuối cùng đã được Panama tiến hành kiểm soát một phần vào năm 1990 và toàn bộ vào năm 2000. Cuộc xâm lược bất ngờ có thể được giải thích rằng: Lo sợ rằng chủ quyền của kênh đào có thể được chuyển cho một chính phủ không hoàn toàn phục tùng các lợi ích Mỹ, nên Mỹ ra tuyên bố rằng “sẽ cứu người Panama khỏi nhà độc tài tàn bạo” (cũng là một tay trùm buôn ma túy). Cho đến năm 1988, tại một vài dịp, Washington thậm chí còn khen ngợi nỗ lực chống buôn lậu ma túy của Tổng thống Noriega, ngay cả khi CIA giữ các hồ sơ hoạt động tội phạm của ông này kể từ năm 1972.

Ngụy kế ở Peru năm 1990

Năm 1990, ông Alberto Fujimori được bầu làm Tổng thống Peru. Cấp dưới của ông Fujimori là Vladimiro Montesinos, giám đốc cục tình báo quốc gia Peru. Montesinos là trung tâm của một mạng lưới các hoạt động phi pháp bao gồm biển thủ, buôn bán súng và ma túy. Người này sau đó bị xét xử, kết án, và phạt tù với nhiều tội danh. Montesinos có quan hệ đắc lực với CIA và được cho là đã nhận của cơ quan này số tiền 10 triệu USD cho các hoạt động chống khủng bố của chính phủ Peru. Ngay từ năm 1997, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhận nhiều báo cáo thường niên về các hoạt động chống thế lực chính trị bất đồng chính kiến ở Peru và các hành vi vi phạm nhân quyền. Nhưng bất chấp tất cả, doanh thu vũ khí trong chính quyền Mỹ thân với Fujimori đã tăng vọt, cũng như nhiều công ty được cấp giấy phép Mỹ đã tăng gấp 4 lần. Ngày 7 tháng 4 năm 2009, một hội đồng gồm 3 thẩm phán đã kết án Fujimori vi phạm nhân quyền. Ban hội thẩm kết tội Fujimori đã ra lệnh cho Biệt đội tử thần Grupo Colina gây ra vụ thảm sát ở Barrios Altos vào tháng 11 năm 1991, và vụ thảm sát La Cantuta vào tháng 7 năm 1992 làm chết 25 người.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.
.