“Cơn ác mộng” mang tên MiG-25 của phương Tây

Thứ Hai, 21/10/2024, 08:50

Ngày 9/9/2024, Nga kỷ niệm 60 năm chuyến bay đầu tiên của dòng tiêm kích đánh chặn MiG-25. Chiếc máy bay này đã thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trên không giữa Liên Xô và Phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Theo EA Times, máy bay MiG-25P ra đời từ cuộc cạnh tranh trên không khốc liệt trong Chiến tranh lạnh. Khi đó Mỹ đã có máy bay do thám Lockheed U-2 và sau này là SR-71 Blackbird có trần bay rất lớn với tốc độ cao. Chúng làm lộ ra những hạn chế của các máy bay đánh chặn Liên Xô. Thách thức này càng trở nên phức tạp hơn do sự xuất hiện của những oanh tạc cơ Mỹ bay cao hơn và nhanh hơn trước.

Các máy bay ném bom Boeing B-47 Stratojet và B-52 Stratofortress có tốc độ cận âm được kế tục bởi máy bay Convair B-58 Hustler có tốc độ Mach 2 (gấp 2 lần âm thanh, gần 2.500 km/h) và chiếc North American B-70 Valkyrie tốc độ Mach 3. Trước tình thế này, Liên Xô buộc phải hiện đại hóa hệ thống phòng không để đối phó.

“Cơn ác mộng”  mang tên MiG-25 của phương Tây -0
Một chiếc MiG-25 của Không quân Liên Xô.

Văn phòng thiết kế Artem Mikoyan được giao nhiệm vụ chế tạo một máy bay đánh chặn có đủ năng lực đương đầu. Cơ quan này bắt tay vào phát triển một máy bay đánh chặn tốc độ cao, bay cao, có khả năng tấn công không chỉ các mối đe dọa bay với tốc độ siêu âm lúc đó mà cả những máy bay ra đời trong tương lai.

Nguyên mẫu MiG-25, ban đầu được gọi là Ye-155P, được thiết kế để đạt tốc độ Mach 3 và hoạt động ở độ cao vượt qua giới hạn của công nghệ hàng không lúc bấy giờ. Chuyến bay đầu tiên của MiG-25P, do phi công Pyotr Ostapenko điều khiển, diễn ra vào ngày 9/9/1964. Máy bay chính thức đi vào biên chế từ ngày 13/4/1972, được trang bị vũ khí đánh chặn tích hợp, trong đó có tên lửa không đối không R-40.

Trong suốt giai đoạn thử nghiệm, MiG-25P đạt tốc độ tối đa 2.680 km/h và trần bay 22.670 m. Máy bay được tích hợp các công nghệ tiên tiến như nhiên liệu chịu nhiệt và hệ thống điện tử làm mát, đảm bảo hiệu quả hoạt động ngay cả trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt.

Tai nạn chết người

Cục Thiết kế máy bay Mikoyan-Gurevich của Liên Xô nhanh chóng nhận ra hiệu suất đặc biệt của MiG-25P hứa hẹn lập nhiều kỷ lục bay. MiG-25P trở thành máy bay chiến đấu sản xuất loạt đầu tiên trên thế giới đạt tốc độ 3.000 km/h. Chiếc tiêm kích này đạt 29 kỷ lục thế giới, là số kỷ lục thế giới nhiều nhất mà một máy bay đạt được. Một số kỷ lục vẫn chưa bị phá vỡ cho đến ngày nay.

MiG-25P, sau này được gọi đơn giản là MiG-25, là minh chứng cho năng lực khoa học kỹ thuật của Liên Xô và là biểu tượng của sức mạnh hàng không thời Chiến tranh lạnh. Về mặt hiệu suất bay và chiến thuật, thiết kế của nó được coi là đi trước thời đại hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, không có con đường dẫn đến thành công nào chỉ toàn hoa hồng. Ngày 26/4/1969, một sự kiện bi thảm liên quan đến MiG-25 đã xảy ra ở vùng Akhtubinsk của Liên Xô. Trung tướng Anatoly Kadomtsev, chỉ huy không quân, phi công quân sự danh dự, gặp nạn trên chiếc MiG-25 và thiệt mạng. Mặc dù đã nhận được chỉ thị từ chỉ huy mặt đất yêu cầu nhảy dù khi gặp sự cố, Kadomtsev vẫn cố cứu máy bay nhưng thất bại. Chiếc MiG-25 rơi xuống sông Volga. Nguyên nhân của thảm họa là trục trặc ở động cơ bên trái. Cánh tua bin hỏng dẫn đến rung lắc nghiêm trọng, vỏ động cơ bung ra khiến động cơ phát nổ.

Sau sự cố này, mọi hoạt động bay của MiG-25 bị đình chỉ. Các nhà điều tra đã phát hiện ra những sai sót trong thiết kế máy bay. Để ứng phó, Cục Thiết kế Artem Mikoyan cùng Bộ Công nghiệp Hàng không và các đơn vị liên quan đã thực hiện những sửa đổi khẩn cấp và chuyên sâu để giải quyết vấn đề này.

“Cơn ác mộng”  mang tên MiG-25 của phương Tây -0
Máy bay do thám SR-71 của Không quân Mỹ.

MiG-25 trên bầu trời Israel

Mặc dù Liên Xô chưa hoàn tất công tác cải tiến thiết kế, nhưng đã xuất hiện một diễn biến địa chính trị quan trọng. Ngày 5/6/1967, Israel phát động một cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng Ai Cập để đáp trả việc nước này đóng cửa Tiran, eo biển nằm giữa bán đảo Sinai của Ai Cập và bán đảo Arab của Saudi Arabia, nối Biển Đỏ với vịnh Aqaba. Đây là một vị trí chiến lược vì là lối duy nhất để tàu thuyền ra vào vịnh Aqaba, nơi có cảng biển của Jordan (cảng Aqaba) và Israel (cảng Eilat). Đến ngày 11/6, Jordan và Syria tham gia bao vây Israel, theo History.

Kết quả của cuộc xung đột này là Israel giành được quyền kiểm soát bán đảo Sinai, dải Gaza và cao nguyên Golan. Bất chấp yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào tháng 11/1967 về việc Israel rút quân, Israel, với sự hỗ trợ của Phương Tây, bắt đầu xây dựng một hệ thống phòng thủ sâu rộng và mạnh mẽ.

Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser khi ấy đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Liên Xô, và Moscow nhanh chóng gật đầu. Đến đầu năm 1970, các hệ thống tên lửa phòng không và các đơn vị chiến đấu cơ của Liên Xô đã được triển khai tại Ai Cập để bảo vệ các địa điểm quan trọng như sân bay và đập Aswan.

Các cố vấn Liên Xô được cử đến giúp xây dựng chiến lược giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đòi hỏi phải trinh sát chi tiết các tuyến phòng thủ của Israel. Để đáp ứng nhu cầu này, một nhóm trinh sát đặc biệt của Liên Xô trang bị máy bay MiG-25 được thành lập. MiG-25, mặc dù chưa chính thức đi vào hoạt động, được coi là chiếc máy bay chiến đấu lý tưởng cho nhiệm vụ này do khả năng kỹ - chiến thuật vượt trội. Đây là cơ hội hiếm có để thử nghiệm máy bay trong điều kiện chiến đấu thực tế, chính vì lẽ đó Liên Xô quyết định triển khai MiG-25 đến Ai Cập, theo EA Times.

Trung tá Alexander Bezhevets được giao chỉ huy đơn vị MiG-25, Thiếu tướng Georgy Baevsky giám sát nhiệm vụ. Mục tiêu chính của họ là tiến hành trinh sát bí mật các cơ sở quân sự của Israel, đặc biệt là các sân bay trên bán đảo Sinai. Phi đội có hai chiếc MiG-25R và hai chiếc MiG-25RB, được trang bị thiết bị trinh sát tiên tiến nhất hiện có, vì là phiên bản trinh sát nên máy bay không được trang bị tên lửa.

Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 22/10/1970 và MiG-25 đã dễ dàng đạt được độ cao gây bất ngờ là 24.000 m. Mặc dù thời tiết lạnh giá, các phi công Liên Xô không gặp phải sự cố nào và không có chiếc MiG-25 nào bị rơi hay hỏng hóc khi thực hiện nhiệm vụ. Hiệu suất chiến đấu thực tế của MiG-25 đã khẳng định khả năng của nó. Máy bay tỏ ra rất hữu ích trong các nhiệm vụ trinh sát trên bán đảo Sinai, nơi Israel đã thiết lập một mạng lưới công sự phòng thủ dày đặc. Thiết bị trinh sát điện tử tinh vi của máy bay đã xác định được các hệ thống phòng không, trạm radar và vị trí đồn trú.

Israel đã dùng tiêm kích Phantom và Mirage do Mỹ và Pháp chế tạo cùng hệ thống phòng không Hawk hòng đánh chặn MiG-25 nhưng đều không thành công. Các tiêm kích McDonnell Douglas F-4 Phantom II của Không quân Israel đã được điều động nhiều lần để đánh chặn MiG-25 Foxbat, nhưng máy bay Liên Xô bay ở độ cao đáng kinh ngạc và tốc độ nhanh đến mức chúng dễ dàng vượt qua các tiêm kích phản lực của Israel.

Có một lần, radar của Israel phát hiện một chiếc MiG-25 đang bay lượn trên bán đảo Sinai ở độ cao gần 24.400 m, đạt tốc độ đáng kinh ngạc là Mach 3.2 (gần 4.000 km/h). MiG-25 liên tục cho những kẻ truy đuổi “hít khói”, bay ngoài tầm bắn của máy bay chiến đấu và phòng không của đối phương. Thành công này đã chứng minh tiềm năng của MiG-25, dẫn đến việc chúng đưa vào biên chế chính thức trong không quân Liên Xô từ tháng 4/1972.

Nhưng vào ngày 6/9/1976, một sự kiện lớn đã thay đổi số phận của máy bay đánh chặn MiG-25 khi trung úy phi công Liên Xô Viktor Belenko đào ngũ, ăn cắp một chiếc MiG-25 bay sang Nhật Bản. Tình báo Mỹ ngay lập tức kiểm tra kỹ lưỡng thiết kế và thiết bị điện tử tiên tiến của chiếc MiG-25 trước khi máy bay được trả lại Liên Xô. Belenko cũng xin tị nạn chính trị ở Mỹ.

Để đáp lại, chính phủ Liên Xô ra lệnh nâng cấp toàn diện MiG-25. Những cải tiến chính bao gồm trang bị hệ thống radar Sapphire-25 với ăng-ten lớn hơn, tăng cường khả năng phát hiện mục tiêu chống nhiễu mặt đất, nâng cấp tên lửa R-40D.

Phiên bản nâng cấp, MiG-25PD, được đưa vào sản xuất từ năm 1977 và trong vòng 3 năm, tất cả các máy bay MiG-25 đã được chuyển đổi thành tiêu chuẩn MiG-25PD mới. Từ năm 1969 đến năm 1985, 1.106 chiếc MiG-25 đã được chế tạo, phần lớn được xuất khẩu sang các đồng minh của Liên Xô như Algeria, Ấn Độ, Iraq và Syria.

“Cơn ác mộng”  mang tên MiG-25 của phương Tây -0
Trung úy phi công Belenko và chiếc MiG-25 người này đánh cắp bay qua Nhật Bản.

MiG-25 và cuộc đối đầu Ấn Độ - Pakistan

Năm 1981, Không quân Ấn Độ (IAF) biên chế 10 chiếc MiG-25 vào Phi đội 102 mới thành lập. Loại máy bay này bí ẩn đến mức hơn 90% binh sỹ trong Không quân Ấn Độ chưa hề nhìn thấy hoặc được tiếp cận. Các nhiệm vụ do Phi đội 102 thực hiện được giữ bí mật. Trần bay hơn 20 km của máy bay buộc các phi công phải mặc bộ đồ kiểu phi hành gia vũ trụ. Cựu Thống chế Không quân Ấn Độ Sumit Mukherjee, từng lái MiG-25, cho rằng dù tiên tiến, máy bay này quá lớn và khó xoay xở.

"Chúng tôi không thể thực hiện các pha nhào lộn trên máy bay này", Thống chế Không quân Mukherjee nói với EA Times. Tuy nhiên, đó không phải là khiếm khuyết bởi MiG-25 ban đầu được thiết kế để hạ gục các máy bay do thám SR-71 Blackbird bay cao bay nhanh của Mỹ, nên không phù hợp với các nhiệm vụ không chiến thông thường.

Chiếc MiG-25 phiên bản trinh sát không được trang bị vũ khí. "Vũ khí duy nhất của chúng tôi là độ cao và tốc độ, chúng tôi sử dụng nó để tránh xa mọi mối đe dọa tiềm tàng. Trừ khi kẻ thù biết trước chúng tôi đang tiến đến và hướng radar của bọn chúng lên, chúng tôi luôn có thể xâm nhập vào lãnh thổ của kẻ thù mà không bị phát hiện", ông Mukherjee giải thích.

Tháng 5/1997, một chiếc MiG-25 của Không quân Ấn Độ được cho là đã bay vào không phận Pakistan, vượt qua bức tường âm thanh (bay với tốc độ vượt quá tốc độ âm thanh Mach 1) gần Islamabad. Tiếng nổ vượt âm phát ra đã cảnh báo người Pakistan về sự hiện diện của một máy bay lạ và họ đã cho tiêm kích đánh chặn cất cánh. Nhưng độ cao trên 20 km và tốc độ Mach 2.5 nằm ngoài khả năng của bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Pakistan.

Các máy bay MiG-25 thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên khắp Pakistan và thông tin thu thập được được sử dụng để các chỉ huy quân đội Ấn Độ thiết lập các kế hoạch quân sự đối với Islamabad.

Trong xung đột Kargil năm 1999 giữa Ấn Độ và Pakistan, MiG-25 đã được tận dụng lập bản đồ các mục tiêu ở phía Pakistan trước khi  tiêm kích Mirage 2000 của IAF bay đến và ném bom.

Ở độ cao nhất định, MiG-25 vượt xa tầm bắn của tên lửa đất đối không, nhưng mối đe dọa duy nhất là bị đánh chặn trên không. Để khắc phục điều đó, MiG-25 được tiêm kích Mirage-2000 hộ tống trong suốt nhiệm vụ.

MiG-25 đã ngừng phục vụ trong IAF từ năm 2006 khi các công nghệ vượt trội hơn ra đời. "Các vệ tinh có thể cung cấp cho chúng tôi những bức ảnh có độ phân giải cao. Người ta thậm chí có thể nhìn thấy một quả bóng đá từ vệ tinh. Hơn nữa, vệ tinh an toàn hơn nhiều và bạn không phải tự đưa mình vào thế dễ bị tổn thương khi đi vào lãnh thổ của kẻ thù", Thống chế Không quân Mukherjee giải thích lý do khiến kỷ nguyên MiG-25 kết thúc.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.
.