Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới

Chủ Nhật, 08/08/2021, 11:15

Từ thuở xa xưa, các vị vua chúa trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc phải có một đội quân tinh nhuệ luôn bảo vê mình và gia đình. Kể từ đội hộ vệ đầu tiên  thời  đế chế Hittite cổ đại, hầu như triều đại phong kiến nào trên thế giới cũng có một đội cận vệ hoàng gia của mình.

Những người lính hộ vệ vừa là niềm tự hào của quân đội, vừa là “cánh tay trái” đắc lực của các vị vua chúa. Ngày nay số lượng các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Và dù quyền lực cũng không còn như xưa, nhưng họ lại đóng thêm một vai trò quan trọng khác: Là những người lưu giữ lịch sử của đất nước.

Anh quốc

Hoàng gia Anh có tới ba đội cận vệ của riêng mình. Đơn vị hộ vệ lâu đời nhất là “Yeomen of the Guard”. Đó là một đội quân có từ 50 đến 150 binh lính chuyên đi theo hộ giá nhà vua trên các chiến trường. Nhờ có đội quân này mà Vua Henry VII mới tạo nên chiến thắng trong trận Bosworth, giành được ngôi vua từ tay Richard III. Sau khi lên ngôi, Henry VII tổ chức lại Yeomen of the Guard thành đội bảo vệ các cung điện hoàng gia và những công trình quan trọng khác của nhà nước Anh.

Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới -0

Nghi lễ mở cửa cung điện buổi sáng của Queen's Guard.

Ngày nay, Yeomen of the Guard chỉ là một đơn vị mang tính nghi lễ. 60 thành viên trong đội hộ vệ hầu hết là cựu binh trong quân đội Anh được gọi tập trung một năm tám lần nhằm xuất hiện trong các sự kiện thường niên của hoàng gia. Du khách có thể dễ dàng nhận ra những người lính hộ vệ mặc áo đỏ, đội mũ tròn, vác giáo trên vai tham gia cuộc diễu hành đến lâu đài Winsdor tổ chức hằng năm.

Hình ảnh quen thuộc về lính hộ vệ Hoàng gia Anh trong đầu  cảm nhận của khách du lịch nước ngoài là một người lính mặc áo gi-lê đỏ, đội một chiếc mũ lông rất lớn đứng trước cung điện Buckingham. Họ là thành viên của đội “Queens Guard” được thành lập dưới thời Vua Charles II. Một đại đội Queens Guard được chia làm hai trung đội, một trung đội bảo vệ cung điện Buckingham, một trung đội bảo vệ cung điện St. James.

Yêu cầu tuyển chọn vào đội Queens Guard rất khắt khe vì người lính phải có khả năng đi tuần liên tục trong khi không được tỏ ra bất kỳ cử chỉ, hành động nào có thể làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh hoàng gia. Điều này nói dễ hơn làm vì nhiều du khách thiếu ý tứ thường xuyên làm cản trở công việc của lính cận vệ để thoả mãn sự tò mò.

Trong những dịp hiếm hoi Hoàng gia Anh ghé thăm Scotland, họ sẽ được bảo vệ bởi đội “Royal Company of Archers”. Trong lịch sử, các thành viên trong đội đều là những cung thủ tinh nhuệ từng chinh chiến nhiều nơi với Vua George IV. Ngày nay Royal Company of Archers vẫn giữ được truyền thống bắn cung của mình. Hầu hết trong số 400 thành viên của đội đều từng tham gia các cuộc thi bắn cung được đơn vị tổ chức hàng năm. William Dod (1867 - 1954), vận động viên người Anh đầu tiên giành được huy chương vàng Olympics môn bắn cung cũng là thành viên của đội Royal Company of Archers.

Monaco

Monaco không có quân đội riêng, mà mọi trách nhiệm bảo đảm an ninh quốc phòng của họ đều do quân đội Pháp đảm nhận. Ngoài cảnh sát, lực lượng vũ trang duy nhất của Monaco là đội cận vệ Hoàng gia Compagnie des Carabiniers du Prince. Trong số 119 binh lính và sỹ quan của đại đội, 43 người được giao nhiệm vụ thường trực canh gác Cung điện Thân vương (nơi ở của Hoàng gia Monaco). Số còn lại chia ra bảo vệ các thành viên hoàng tộc. Tất cả thành viên trong đơn vị là người Monaco trừ các sỹ quan - Compagnie des Carabiniers du Prince chỉ tuyển sỹ quan là những người từng có thâm niên phục vụ trong quân đội hoặc lực lượng Vệ binh Cộng hoà Pháp.

Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới -0

Ban nhạc của Đội Cận vệ Hoàng gia Monaco luôn gây ấn tượng với các nguyên thủ nước ngoài.

Tiền thân của đội Compagnie des Carabiniers du Prince không ai khác là những người lính Thuỵ Sỹ canh gác Vatican. Sau khi nước Ý thống nhất và quyền lực của Giáo hoàng bị phế bỏ, một nhóm lính Thuỵ Sỹ bỏ chạy đến Monaco. Để đổi lấy sự che chở của Hoàng gia Monaco, họ đồng ý trở thành cận vệ cho gia đình Thân vương, đồng thời đảm nhận luôn trách nhiệm làm lính cứu hoả. Sau này Monaco thành lập riêng ra các sở cứu hoả địa phương, biến Compagnie des Carabiniers du Prince thành như ngày nay.

Compagnie des Carabiniers du Prince nổi tiếng vì đội quân nhạc của mình. Những cá nhân được tuyển mộ vào trung đội quân nhạc của đơn vị đều phải có bằng cấp từ các học viện âm nhạc và có kinh nghiệm biểu diễn trong hay ngoài Monaco. Đơn vị có đầy đủ các ban sáo, ban trống,… như một dàn nhạc giao hưởng thực thụ. Họ thường xuyên biểu diễn trong các buổi hoà nhạc mừng những ngày lễ lớn của Monaco. Và phục vụ việc đón mừng các nguyên thủ nước ngoài ghé thăm. Vậy nhưng cơ hội dễ nhất để du khách chiêm ngưỡng đội quân nhạc cận vệ Hoàng gia là vào lúc 11h55 trưa hàng ngày khi ban nhạc thực hiện nghi lễ đổi ca gác tại Cung điện Thân vương.

ẢRập Xêút

Trước khi Ảrập Xêút trở thành một đất nước có chủ quyền, chiến tranh thường xuyên xảy ra giữa các bộ tộc trên mảnh đất hoang mạc này. Để tự bảo vệ mình, các tộc trưởng thường thuê những người thanh niên khoẻ mạnh từ miền Bắc Phi để bảo vệ bản thân. Lý do khiến họ thuê người Bắc Phi bởi vì người địa phương rất dễ bị các bộ tộc khác mua chuộc. Sau khi Muhammad bin Saud trở thành Tiểu vương đầu tiên của Tiểu vương quốc Diriyah, ông tổ chức lại những người hộ vệ của mình thành đội cận vệ hoàng gia. Ngày nay đội Cận vệ Hoàng gia Ảrập Xêút là một phần của quân đội quốc gia nhưng vẫn giữ nhiệm vụ bảo vệ các thành viên của Hoàng tộc Saud.

Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới -0

Các kỵ binh của Đội Cận vệ Hoàng gia Ảrập Xêút hộ tống xe chở Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Nhiều thông tin về đội cận vệ hoàng gia vẫn còn được giấu kín. Công chúng chỉ biết rằng họ có một lữ đoàn khoảng 4.500- 5.000 người được trang bị các loại khí tài hạng nặng. Trong đó có xe bọc thép chở quân bánh lốp Centauro của Ý; xe tải lắp tên lửa đất đối không MBDA VL MICA của Pháp, và tàu tuần tra Mark V của Mỹ. Ngoài đơn vị lính bộ binh đi hộ giá các hoàng thân, họ còn có  một đội bảo vệ sân bay Vua Khalid (thủ đô Riyadh), một đội kỵ binh và một đội quân nhạc. Binh sỹ trong đơn vị thường xuyên được huấn luyện bởi các cố vấn Mỹ, trong khi nhiều sỹ quan chỉ huy từng du học tại trường quân sự West Point ở Mỹ.

Đội Cận vệ Hoàng gia Ảrập Xêút không ít lần từng trực tiếp tham chiến. Ngày 20-11-1979, một nhóm đối tượng quá khích chiếm Masjid al-Haram, giáo đường thiêng liêng nhất của người Hồi giáo ở thánh địa Mecca. Chúng đòi lật đổ vương triều Saud, tôn thủ lĩnh của mình là Mohammed Abdullah al-Qahtani lên làm lãnh đạo mới của thế giới Hồi giáo.

Masjid al-Haram có kích cỡ tương đương một sân vận động siêu lớn, lại có nhiều điểm có thể phục kích quân tấn công. Bởi vì trong số người bị đối tượng nổi loạn bị bắt làm con tin có một vài vị Hoàng thân nên đội cận vệ hoàng gia được lệnh tham gia chiến dịch giải cứu. Trong suốt 14 ngày họ cùng lực lượng đặc nhiệm Ảrập Xêút và lính đánh thuê Pháp liên tục mở các đợt đột kích vào Masjid al-Haram. Cuối cùng họ cũng giành lại được giáo đường, bắt giữ được 68 kẻ nổi loạn và giải cứu toàn bộ số con tin.

Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới -0
 Vua Felipe VI duyệt đội Guardia Real.

Tây Ban Nha

Lịch sử của Đội cận vệ Hoàng gia Tây Ban Nha bắt đầu từ năm 1006 khi Bá tước Castile thành lập đội kỵ binh Monteros de Espinosa. Số thành viên của Monteros de Espinosa lúc nào cũng chỉ có từ 5 đến 9 người, đều là hậu duệ của các gia đình quý tộc Tây Ban Nha lâu đời nhất. Họ sống trên những ngọn núi hiểm trở vùng Castile, dành cả cuộc đời trên lưng ngựa rong ruổi trên những con đường mòn nên trở thành các kỵ binh tài năng hiếm thấy. Nhờ có đội Monteros de Espinosa nên nhiều đời vua Tây Ban Nha chinh chiến trên khắp các chiến trường mà vẫn giữ an toàn mạng sống của mình.

Đến đầu thế kỷ XIX, Monteros de Espinosa không còn xuất chinh nữa mà trở thành một đơn vị mang tính lễ nghi. Họ hợp nhất với một số đơn vị khác thuộc Lục quân Hải quân Hoàng gia Tây Ban Nha để trở thành đội cận vệ Guardia Real. Khác với nhiều đội cận vệ nguyên thủ quốc gia khác, Guardia Real giống như một quân đội thu nhỏ vậy, có đủ các thành phần bộ binh, kỵ binh, pháo binh, công binh,… Trong thời nội chiến Tây Ban Nha 1872-1876, Guardia Real từng chiến đấu chống quân đội phe Cộng hoà khi họ tổ chức vây thành Madrid.

Bí mật về các đội cận vệ hoàng gia trên thế giới -0

Lính Royal Company of Archers thi đấu bắn cung.

Nhà độc tài Francisco Franco sau khi chiến thắng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha liền thực hiện kế hoạch khôi phục nền quân chủ. Ông ta lựa chọn Juan Carlos, cháu trai Vua Alfonso XIII, làm Hoàng thái tử. Trong khi vị vua tương lai theo học trường sỹ quan quân sự, Franco bắt tay xây dựng lại Guardia Real. Quy mô của đơn vị còn lớn hơn cả thời nội chiến và chỉ tuyển trọn những cá nhân xuất sắc trong hàng ngũ Lục quân, Hải quân và Không quân Hoàng gia Tây Ban Nha.

Sau khi Franco mất vào năm 1975, Juan Carlos lên ngôi, chính thức trở thành nguyên thủ quốc gia và tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Tây Ban Nha. Ông theo đuổi chính sách hoà bình cho đến khi chiến tranh Bosnia nổ ra năm 1992. Để bày tỏ sự ủng hộ của mình với sứ mạng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, đức vua đã cho triển khai Guardia Real đến Bosnia và Serbia để hỗ trợ quân Liên Hợp Quốc.

Lần thứ hai Guardia Real tham chiến là chiến tranh Afghanistan. Tây Ban Nha và các nước thành viên NATO khác đều gửi quân đến đồn trú ở Afghanistan nhằm mục đích chống phiến quân Taliban. Quân Tây Ban Nha đóng tại tỉnh Herat miền Tây Afghanistan tại các căn cứ nằm bên tuyến đường huyết mạch đi thẳng đến thủ đô Kabul.

Với kinh nghiệm và chuyên môn của mình, Guardia Real được giao nhiệm vụ hộ tống các đoàn vận chuyển hàng hoá. Không rõ Guardia Real đã thật sự rút khỏi Afghanistan vào lúc nào, nhưng theo giới quan sát quốc tế đây có thể là quyết định của Vua Felipe VI sau khi ông lên ngôi năm 2014. Đơn vị quân đội Tây Ban Nha cuối cùng ở Afghanistan rút về nước hồi tháng 6-2020.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.
.