Vạch trần chiêu bài bán đất ngân hàng thanh lý của các “cò” bất động sản

Thứ Tư, 30/08/2023, 14:35

Để bán hàng, tăng doanh thu, hiện nay một số người làm môi giới bất động sản đã gắn mác "bất động sản ngân hàng thanh lý" đăng lên mạng xã hội để dẫn dụ, mời chào các nhà đầu tư. Vì ham rẻ, nhiều người đã phải ngậm trái đắng khi xuống tiền cọc, thậm chí mua phải những miếng đất không ưng ý.

Mượn mác ngân hàng để dẫn dụ nhà đầu tư

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản chứng kiến sự suy giảm nghiêm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng nguyên nhân chính vẫn là những vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn bị thu hẹp hơn. Đặc biệt, có nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm mạnh. Trong bối cảnh này, một số những người môi giới bất động sản đã sử dụng nhiều chiêu trò để câu kéo khách hàng. Trong đó, chiêu phổ biến mà được họ sử dụng khá nhiều chính là bán đất do ngân hàng thanh lý giá rẻ.

Chiêu thức tiếp cận khách hàng bằng tờ rơi dán khắp các ngã tư, hay phát trực tiếp cho người đi đường không còn thịnh hành, “cò” bất động sản sử dụng Internet, mạng xã hội để quảng cáo bán đất nhiều hơn. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... liên tục xuất hiện các bài quảng cáo bán đất do ngân hàng phát mãi với những lời giới thiệu đặc biệt hấp dẫn như “Ngân hàng thanh lý ở khu vực... với giá cực rẻ. Anh chị nào có nhu cầu liên hệ ngay số điện thoại... để nhanh tay chớp cơ hội”.

Vạch trần chiêu bài bán đất ngân hàng thanh lý của các “cò” bất động sản -0
Trang Facebook giả mạo này lấy hình nền và hình đại diện của Ngân hàng Agribank để rao bán bất động sản.

Chiêu thức dễ nhận thấy nhất là những bài quảng cáo này thường rao bán đất nền ở các vùng ven, huyện ngoại thành, các tỉnh giáp Thủ đô Hà Nội. Qua tìm hiểu của phóng viên, những miếng đất này thường có giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường, có nơi chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/2. Các nhân viên môi giới này giải thích, do ngân hàng thanh lý nên giá rất rẻ.

Để mục sở thị chiêu bài này, chúng tôi lên Facebook tìm ngẫu nhiên một tài khoản rao bán bất động sản ngân hàng thanh lý có tên “Ngân hàng TP Bank thanh lý bất động sản”, người này chủ yếu rao bán những miếng đất tại khu vực Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai... thậm chí một số huyện tại tỉnh Hòa Bình. Sau khi kết nối, chúng tôi được giới thiệu hàng loạt lô đất do ngân hàng thanh lý, đơn cử như lô đất 144 m2 tại Đồi Miễu, Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội; hay lô đất 300 m2 tại xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội,... Người này quảng cáo đây là những lô đất cực “ngon” đều do ngân hàng thanh lý nên giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đặc biệt, pháp lý, thủ tục lại cực đơn giản vì đây là đất do ngân hàng từng xác minh.

Tỏ vẻ không ưng vì diện tích đất nhỏ hơn so với nhu cầu thực, chúng tôi được người môi giới tiếp tục giới thiệu cho một miếng đất tại xã Tân Vinh (Lương Sơn, Hòa Bình). “Đây là miếng đất rất đẹp, khoảng 1.000 m2 nằm sát dự án Làng sinh thái Việt Xanh, giá là 4,1 tỷ đồng. Do là đất thanh lý của ngân hàng nên giá cực "ngon lành". Nếu như các anh chị thấy ưng, chúng ta gặp nhau để nói chuyện cụ thể, thủ tục và các giấy tờ liên quan. Nói thật, nếu anh chị không chốt nhanh, chắc chắn chỉ một vài ngày là có khách khác chốt” - người này cho biết.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, thực tế giá đất tại xã Tân Vinh, cụ thể là gần dự án Làng sinh thái Việt Xanh cách đây 4-5 năm cũng thuộc vào hàng “nóng”, tuy nhiên, sau khi UBND tỉnh Hòa Bình chỉ ra hàng loạt những dự án “ma” trong diện phải thu hồi, trong đó có dự án Làng sinh thái Việt Xanh thì đất tại khu vực này gần như không có giao dịch. Sau khi phóng viên nói ra chi tiết này, người môi giới đột ngột tắt máy và không thể liên lạc được.

Để tạo niềm tin cho khách hàng, các đối tượng “cò” bất động sản này đã ngang nhiên mạo danh các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng đang có trụ sở trên địa bàn có đất muốn bán. Đặc biệt, các đối tượng tự lập các tài khoản Facebook ảo rồi lấy ảnh bìa, ảnh đại diện là một ngân hàng nào đó. Như một tài khoản có tên “Ngân hàng Thanh Lý Đất Nền”, có hình đại diện và ảnh bìa là logo của Ngân hàng Agribank. Khi gọi điện cho người này và ngỏ ý có nhu cầu mua đất tại khu vực Thạch Thất nhưng phải là đất thanh lý của ngân hàng, ngay lập tức người này xưng tên là Minh và không ngần ngại giới thiệu mình là nhân viên của Ngân hàng Agribank huyện Thạch Thất. Người này khẳng định, ngân hàng đang thanh lý rất nhiều lô đất, nếu có nhu cầu miếng đất thế nào thì để họ tư vấn. Một điều đặc biệt, khi chúng tôi đưa ra bất cứ tiêu chí nào thì người này đều đáp ứng.

Vạch trần chiêu bài bán đất ngân hàng thanh lý của các “cò” bất động sản -0
Rất nhiều các trang Facebook mượn danh ngân hàng để rao bán bất động sản.

Nói về thông tin này, ông Nguyễn Cường, một chuyên gia bất động sản tại Hà Nội cho biết, thực chất đây chỉ là chiêu trò bán hàng của một số người làm môi giới nhà đất. Để bán được hàng, họ đã không ngần ngại sử dụng các dịch vụ quảng cáo có lợi nhất cho khách hàng, kể cả mạo danh ngân hàng. Đây chủ yếu là những người môi giới tự do hoặc làm việc cho các công ty bất động sản có quy mô nhỏ. “Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi khi họ bán được hàng thì mới có doanh thu và hưởng lương, cộng hoa hồng. Vì thế, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội, các trang rao vặt... có rất nhiều thông tin về nhà đất giá rẻ do ngân hàng thanh lý nhưng thực tế hoàn toàn không phải. Do đó, người mua cần phải hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ sản phẩm đó trước khi quyết định đặt cọc”.

Nhiều người “ngậm trái đắng”

Theo một số người làm nghề môi giới bất động sản, thực tế có chuyện một số đối tượng mạo danh ngân hàng để bán đất, bán nhà, là do họ nắm rất rõ tâm lý của nhà đầu tư, luôn tin rằng đất, nhà thanh lý của ngân hàng có giá rẻ hơn bình thường. Về bản chất của ngân hàng không phải là những công ty, tập đoàn lớn. Mục đích của thanh lý nhà không phải thu được lợi nhuận cao hay không mà mục đích chính là hoàn trả tiền cũng như lãi suất cho khách hàng thuê lại trước đây.

Hơn nữa, mua nhà thanh lý ngân hàng được bảo đảm vì uy tín, an toàn cao, khi quyết định mua nhà ngân hàng thanh lý, bạn sẽ hiếm khi lo lắng sẽ bị lừa đảo vì cơ sở pháp lý cùng pháp nhân rõ ràng. Tất cả những thông tin liên quan mua nhà ngân hàng thanh lý sẽ được kiểm soát chặt chẽ về tính pháp lý và xác định lại giá thành trước khi chính thức rao bán.

Chính vì điều này mà không ít người đã phải “ngậm trái đắng” khi quyết định đặt cọc, xuống tiền mua đất được cho là ngân hàng thanh lý. Anh Lê Văn T. (huyện Thanh Oai, Hà Nội) gần đây đã mắc phải chiêu lừa của nhà môi giới. Anh T kể, cách đây khoảng 4 tháng, khi anh lướt Facebook thì vô tình nhìn thấy một bài quảng cáo đất ghi là Ngân hàng Vietcombank thanh lý với giá rẻ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội với giá dao động chỉ 10-15 triệu/m2. “Hôm đó tôi thấy bài quảng cáo là có miếng đất khoảng 200 m2 tại khu Bình Yên, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất là đất ngân hàng thanh lý, với giả chỉ 10 triệu/m2, bên trong khu đất này lại là khu Công nghệ cao Thạch Thất. Tôi đã vội vàng liên lạc với số điện thoại để chớp lấy cơ hội”, Anh T kể lại.

Tiếp anh T là một nhân viên nữ, người này nhanh nhảu chèo kéo: “Lô đất này hiếm lắm mới có anh ạ. Bọn em phải canh mãi, chờ lúc ngân hàng họ bung ra là mua lại số lượng lớn nên mới có giá này để bán lại. Anh thấy đấy, đất ở khu này làm gì có giá như thế, rẻ cũng phải tầm 30 triệu/m2. Nếu anh thấy ưng và tin tưởng em thì 8h sáng mai anh có mặt tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh gần nhất để làm thủ tục cho anh cọc ngay tại ngân hàng luôn”.

Khi anh T yêu cầu được dẫn đi xem đất trước thì môi giới lại bố trí một cuộc hẹn tại quán cà phê trên đường Láng - Hòa Lạc. Anh T được người này giới thiệu vòng vo, rồi đưa ra một loạt những lợi ích, tiềm năng khi sở hữu mảnh đất. Đồng thời người này liên tục đưa cho anh T xem danh sách một loạt bài 4-5 trang về các khách hàng đã mua đất để tăng thêm sự tin tưởng. “Tôi thực sự không phải là nhà đầu tư, mà chỉ là có một chút vốn không dùng đến nên muốn mua miếng đất để đấy, sau này xây dựng nhà cửa cho thuê hoặc ở. Khi người này nói vậy, tôi tin tưởng đã cọc cho cô ấy 20 triệu để mua lô đất 200 m2 với giá 2 tỷ đồng. Thế nhưng, khi tôi đến xem thực tế và tìm hiểu mọi thứ ở đây thì được biết đây là khu vực không có nước sinh hoạt. Do địa chất ở khu vực này mà khoan giếng sâu đến mấy cũng không có nước, vì thế đất ở đây rất khó bán, thậm chí rẻ chỉ bằng 1/3 giá đất của xã Thạch Hòa ngay bên cạnh. Quá bức xúc mà không biết kêu ai, tôi đành ngậm ngùi mất tiền oan”.

Sau khi bị cò bất động sản lừa một cú ngoạn mục, anh T bắt đầu đi tìm hiểu thì được biết cũng có rất nhiều trường hợp giống anh. Cũng mua đất nền do ngân hàng thanh lý và đã rơi vào nhưng khu đất khó bán, có điều kiện tự nhiên không tốt như quảng cáo, thậm chí vào cả khu vực đất dự án.

Vạch trần chiêu bài bán đất ngân hàng thanh lý của các “cò” bất động sản -0
Anh T. chia sẻ về lần “ngậm trái đắng” của mình khi mua đất tại Thạch Thất.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Rich Invest cho rằng, nhiều người môi giới bất động sản lợi dụng các nhà đầu tư mới đã tung ra các chiêu trò như dán tờ rơi hay mua các danh sách điện thoại sau đó gọi điện chào bán “tài sản thanh lý” của ngân hàng. Họ đưa ra những cái giá rất rẻ để dụ người mua. Trên thực tế, việc thanh lý hay không thanh lý phải từ ngân hàng. Ngoài ra, tất cả các tài sản thanh lý đều phải qua đấu giá. Khi giới thiệu với khách hàng, họ đều nói đó là những mảnh đất đẹp, gần tuyến đường lớn nhưng khi khách đồng ý đi xem, họ lại dẫn đi lòng vòng và vào những chỗ xa xôi. Đó là một hình thức lừa đảo.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Được biết, theo quy định khi thanh lý tài sản, khi các ngân hàng thông báo thanh lý tài sản thì thông tin này phải được đăng tải trên website và các phương tiện truyền thông chứ không sử dụng các hình thức như: Dán tờ rơi ở cột điện, phát tờ rơi dọc đường hay thông qua cò đất. Do đó, có thể khẳng định, những hình thức nói trên đều là giả mạo, có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Đánh vào tâm lý thích giá rẻ, thích hàng thanh lý nên kẻ xấu đã lợi dụng điều này để dụ “con mồi”. Hơn nữa, khi khẳng định đó là hàng thanh lý của ngân hàng thì người mua sẽ có được cảm giác yên tâm hơn rất nhiều. Những mảnh đất giao bán “đội lốt” đất thanh lý của ngân hàng thường là những mảnh đất kén người mua hay là những mảnh đất lớn sau đó được phân lô, tách thửa để bán được dễ hơn.

Dù là mua đất bình thường hay đất ngân hàng “thanh lý” thì người mua cũng nên tìm hiểu kỹ xem mảnh đất đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất hay chưa, có bị vướng quy hoạch hay có bị thế chấp không... để tránh bị kẻ xấu lừa đảo.

Hiền Trang

.
.
.