Thuốc mê bán tràn lan trên “chợ mạng”: Tiếp thêm công cụ cho tội phạm

Thứ Tư, 15/11/2023, 08:53

Theo quy định của Bộ Y tế, thuốc mê, thuốc ngủ là loại thuốc phải kê đơn và có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bán các loại thuốc mê trên mạng xã hội đang diễn ra rất công khai, dễ dàng chỉ với một cái click chuột. Việc mua bán, sử dụng tràn lan thuốc mê không chỉ gây hại cho sức khỏe người dùng mà còn là công cụ để nhiều đối tượng xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Cần bao nhiêu cũng có

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng bán tràn lan các loại thuốc mê dạng xịt, khí và nước. Thực tế, chỉ cần lên Google hoặc Facebook gõ từ khóa “mua thuốc mê”, “thuốc gây mê dạng khí” ngay lập tức ra hàng triệu kết quả và nhiều website rao bán công khai. Các trang web bán thuốc mê đập vào mắt người mua với nhiều chủng loại và mức giá khác nhau. Trong vai một người muốn mua thuốc mê trên Facebook, click vào một Fanpage “Thuốc mê” sẽ thấy được số điện thoại công khai kèm lời rao bán đủ các loại từ thuốc mê đến thuốc kích dục.

me4.jpg -0
Trang web này cũng giới thiệu bán hàng loạt thuốc mê dạng khí và bột với mức giá khác nhau.

Nhắn tin cho người bán, chúng tôi nhanh chóng nhận được tin nhắn phản hồi giới thiệu thuốc. Theo lời người bán thuốc mê, cơ sở của họ có hai dạng thuốc xịt và thuốc viên uống, cả hai loại này đều không có mùi, không có màu, không vị, giá khoảng 400.000 đồng. Đặc biệt, người bán không hề hỏi chúng tôi dùng thuốc mê để làm gì đã nhanh chóng giới thiệu công dụng và cách dùng sản phẩm.

Người bán hàng khẳng định: “Nếu chị dùng dạng xịt, chỉ cần xịt trực tiếp vào quần áo, đồ đạc cho đối phương ngửi mùi, sau chưa đầy 1 phút là ngủ sâu từ 2-3 tiếng không biết gì. Còn với dạng nước, chỉ cần pha khoảng 5 giọt vào 100 ml nước uống hoặc bia rượu… trong vòng 5-7 phút, người uống sẽ ngủ sâu”. Dứt lời người này trấn an phóng viên rằng: “Cứ an tâm, khi giao hàng sẽ kín đáo, chúng em sẽ ghi bên ngoài vỏ là mỹ phẩm”.

me5.jpg -0
Không chỉ trên các website, chỉ cần gõ từ khóa “mua thuốc mê” trên mạng xã hội Facebook cũng cho ra rất nhiều tài khoản chuyên bán thuốc mê.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi nếu uống hoặc hít nhiều có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không thì người bán giải thích thành phần trong thuốc mê chủ yếu là hydroxybutyric vừa đủ chỉ để ngủ mê man chứ hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

Tiếp tục khảo sát thị trường thuốc mê, chúng tôi truy cập vào trang web: https://zeldabeauty.com/thuoc-me-xit-gia-re, lần theo số điện thoại được đăng trên trang web, một người phụ nữ tên Hoa nhanh nhảu tiếp chuyện: “Chị cần loại thuốc gì, bao nhiêu bên em cũng có. Chỉ cần chị cho địa chỉ là bên em giao hàng tận giường luôn”. Người này không quên giới thiệu các dòng thuốc mê đang bán: “Bên em có hầu hết các loại thuốc gây mê thôi miên từ dạng khí, bột, nước, và cả thuốc viên như ete, forane, isoflurane, GHB, thậm chí cả thuốc gây mê thôi miên GFN… Đây là các loại thuốc đều được nhập từ Mỹ, Thái Lan nên chất lượng khỏi bàn, đảm bảo hiệu quả 100%. Giá cho một chai forane, isoflurane có tác dụng ngay sau 1 - 3 phút hít phải, mê 2 - 3 giờ, mỗi lọ 100ml có giá 2,1 triệu đồng. Còn loại 250ml có giá 5 triệu đồng. Thuốc mê ête có giá 3 triệu đồng cho hộp loại 50ml, có tác dụng ngay sau 1 - 3 giây và nạn nhân sẽ ngủ li bì 1 - 2 giờ.

me3.jpg -0
Một loại thuốc mê được bán nhiều trên mạng.

Người này còn giới thiệu thêm, do nguồn hàng dồi dào nên khách hàng muốn mua sỉ cũng có thể đáp ứng được. Đặc biệt là khâu vận chuyển rất nhanh và đảm bảo bí mật.

Tương tự, trang web: thuocme24h cũng giới thiệu hàng loạt thuốc gây mê dạng khí và bột. Liên hệ với số điện thoại 0987151xxx… một người đàn ông tự giới thiệu tên Thắng, có trụ sở bán hàng trên địa bàn Hà Nội. “Bên em có nhiều loại lắm, chị cần những loại gì để em giới thiệu qua nhé. Thuốc mê forane giá 600 ngàn đồng. Một lọ này (forane) chị có thể dùng 20 - 25 lần xịt. Phòng trọ 4 người, chỉ cần xịt tối đa 6 lần là đủ mê rồi, còn nếu phòng kín, hẹp và gần người bị xịt thì chỉ cần 2 - 4 lần là người ta ngủ cả nửa giờ, chị thích làm gì thì làm”, Thắng quảng cáo sản phẩm.

Ngoài ra, trên các website, những loại thuốc mê còn được quảng cáo có thể dùng cho các trường hợp bị mất ngủ lâu ngày, người bị rối loạn thần kinh, ung thư cần giảm đau… với đủ loại giá khác nhau. Chỉ cần gọi điện thoại hoặc nhắn tin mua hàng, nếu đồng ý sẽ được chuyển đến người mua nhanh chóng.

Trở thành công cụ gây án

Thực tế thời gian vừa qua, nhiều đối tượng xấu đã sử dụng thuốc mê để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người cho rằng, việc mua bán tràn lan thuốc mê như hiện nay đã tạo điều kiện cho kẻ xấu sử dụng nó như một công cụ để gây án.

me2.jpg -0
Đối tượng Trần Thị Thắng cho nạn nhân uống thuốc mê sau đó cướp tài sản.

Ngày 21/2, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết đang tạm giữ hình sự Trần Thị Thắng (sinh năm 1989, trú tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để điều tra về tội cướp tài sản.

Cụ thể, vào ngày 16/2, tiếp nhận đơn trình báo của chị L.T.N.H. (tạm trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc bị chuốc thuốc ngủ và mất tài sản. Theo trình báo của chị H., ngày 14/2, thông qua mạng xã hội, chị có thuê một người phụ nữ tự xưng tên Nhung (thực ra là Trần Thị Thắng-pv) về làm giúp việc trông con cho mình.

Ngày 16/2, chị H. mua cam về, người giúp việc sau đó đã pha 2 cốc nước cam cho chị và bạn uống. Sau khi uống nước cam xong, chị H. và bạn ngủ thiếp đi.

Khoảng 13h cùng ngày, bạn chị H. ở cùng khu trọ thấy con chị H. khóc liền lên nhà gọi. Tại thời điểm ấy, chị H. và bạn vẫn đang ngủ. Gọi mãi chị H. mới dậy và phát hiện bị kẻ gian lấy mất điện thoại di động iPhone XR màu đỏ và 1 ba lô màu nâu bên trong có gần 500.000 đồng. Người giúp việc tên Nhung đã biến mất khỏi nhà trọ của chị H.

Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận Nam Từ Liêm xác định cốc nước cam có thành phần thuốc ngủ và thủ phạm gây án là Trần Thị Thắng. Khoảng 18h ngày 16/2, tổ công tác Công an quận Nam Từ Liêm đã bắt giữ được Thắng khi đối tượng đang lẩn trốn tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, đã bỏ thuốc Lexomil 6mg vào cốc nước cam để cho chị H. và bạn uống. Sau khi lấy tài sản của chị H, Thắng bắt xe khách bỏ trốn. Cơ quan công an xác định, thuốc ngủ mà Thắng sử dụng là loại thuốc nếu người lớn uống quá 3 viên có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Tương tự, ngày 22/4, Công an phường Bến Nghé (Quận 1) nhận trình báo của chị Nguyễn Thị D. (sinh năm 1991, quê Đắk Lắk). Theo đó, khoảng 2 tháng trước, thông qua mạng xã hội, chị D. quen người đàn ông xưng tên Pun. Sau đó, đôi bên nhiều lần nhắn tin trò chuyện. Đến 12 giờ ngày 21/4/2023, Pun nhắn tin qua ứng dụng Zalo rủ chị D. đi chơi.

Khoảng 19 giờ cùng ngày, Pun lái xe SH màu trắng đến đón tại phòng trọ của chị D. ở phường Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức). Sau đó Pun chở chị D. qua nhiều tuyến đường, đến cột đèn số G2-19 trên cầu Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1, hướng TP.Thủ Đức sang quận 1) thì dừng lại, bảo chị D. bước xuống.

Lúc này, Pun lấy 2 ly nước treo sẵn trên xe, đưa cho chị D. ly nước ép táo, Pun uống ly còn lại. Sau khi chị D. uống được nửa ly nước thì thấy nhức đầu, chóng mặt. Pun động viên bạn gái nên uống hết ly nước thì sẽ khỏe lại. Tưởng thật, chị D. làm theo. Tuy nhiên, uống xong ly nước thì chị D. thấy người choáng váng, buồn ngủ nên bảo Pun chở về nhà. Tuy nhiên, vì đã rơi vào trạng thái mê man nên chị D. bị đối tượng chở vào một khách sạn gần đó và xâm hại tình dục.

Sau khi thực hiện xong hành vi xâm hại, gã đàn ông đã bỏ chị D. tại một con hẻm lạ, tối tăm. Chị D. kiểm tra, phát hiện đã mất số tài sản gồm: 1 túi xách (trong có 4 triệu đồng, 2 thẻ ngân hàng, 1 CCCD, 1 giấy phép lái xe, 1 giấy chứng nhận đăng ký xe, chiếc ĐTDĐ iPhone 12 Pro Max...). Ngày hôm sau khi thật sự tỉnh táo, chị D. đã nhớ lại toàn bộ sự việc và đến trụ sở Công an phường Bến Nghé (Quận 1) để trình báo.

Sau khi tiếp nhận trình báo của chị D., Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an quận 1 phối hợp Công an phường Bến Nghé vào cuộc điều tra. Sau khi chắp nối nhiều manh mối, các trinh sát phát hiện Liêu Gia Đạt (SN 1989, trú tại quận 1) có đặc điểm giống với đối tượng mà chị D. miêu tả nên đưa về trụ sở để làm rõ. Tại cơ quan công an, Đạt đã khai nhận hành vi phạm tội. Theo đó, do cần tiền tiêu xài, đối tượng nảy sinh ý định lên mạng tìm các cô gái trẻ để làm quen, hẹn đi chơi rồi chiếm đoạt tài sản. Đạt lên mạng đặt mua gói thuốc ngủ dạng bột giá 1 triệu đồng.

me1.jpg -0
Đối tượng Liêu Gia Đạt và trang phục mặc khi gây án.

Sau khi quen qua mạng, Đạt rủ chị D. đi chơi. Trên đường lái xe SH đến phòng trọ của chị D., Đạt ghé một tiệm bán nước giải khát trên đường Nguyễn Duy Trinh mua 3 ly nước ép táo. Đối tượng lấy thuốc ngủ bỏ vào một ly thì thấy sủi bọt rồi tan ra. Đối tượng treo 3 ly nước vào móc trên xe, để ly có pha thuốc ngủ ở giữa. Khi đến phòng trọ của chị D., Đạt mời người bạn cùng phòng của chị này uống ly không có thuốc ngủ. Hai ly còn lại, Đạt đưa ly có chứa thuốc ngủ cho chị D. uống và mình uống ly còn lại. Khi nạn nhân ngấm thuốc ngủ, đối tượng chở tới khách sạn H.L ở phường Đa Kao (Quận 1) rồi thuê phòng, xâm hại và chiếm đoạt toàn bộ tài sản của nạn nhân.

Theo các chuyên gia, những loại thuốc mê, thuốc giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, bản chất đều là chất gây nghiện. Những loại thuốc có tác dụng gây mê thường dùng được sản xuất từ nhiều loại khí hít kết hợp với nhau, trong đó chủ yếu là khí cười (hay còn gọi là N2O) và một số chất dẫn xuất của Ether. Việc dùng những loại thuốc mê này không chỉ ảnh hưởng gan, thận mà còn có thể gây tử vong nếu sử dụng quá liều. Ngoài ra, thuốc mê cũng gây ra một số triệu chứng ngoài ý muốn do tác dụng phụ trong thành phần của thuốc, như chóng mặt, đau cơ, khô miệng - đau họng, mệt mỏi, hay quên, mê sảng, chức năng nhận thức bị rối loạn,… Theo ngành y tế, tất cả các loại thuốc mê được bán trôi nổi trên thị trường hiện nay đều là hàng cấm. Kể cả những loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng, nhưng nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mà vẫn lưu hành đều là trái phép.

Theo điều 59 Nghị định 117, trường hợp người bán thuốc mê không đáp ứng các điều kiện về bán thuốc như: không có bằng cấp chuyên môn, thuốc không bảo đảm chất lượng, không đáp ứng điều kiện về thông tin nguồn gốc thì bị phạt tiền lên đến 3 triệu đồng, tùy mức độ của hành vi mà mức phạt có thể nặng hơn.

Ngoài ra, trường hợp việc bán thuốc này làm cho người uống tử vong thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về tội "Vô ý làm chết người" (điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015). Nếu bán thuốc mê chui, bất hợp pháp gây ra những vụ cướp, giết, hiếp dâm… thì những người bán thuốc này có thể bị truy tố về hành vi đồng phạm đối với tội danh tương ứng.

Về trách nhiệm dân sự, nếu trường hợp bán thuốc gây tổn hại cho sức khỏe người uống thì người uống có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Phong Anh
.
.
.