Tại sao TD Bank lại trở thành trung tâm của bê bối rửa tiền

Thứ Năm, 24/10/2024, 15:38

Ngân hàng TD Bank đang phải đối mặt với khoản tiền phạt và hình phạt chưa từng có từ giới chức Hoa Kỳ, sau khi bị cáo buộc không ngăn chặn được hàng trăm triệu USD tiền rửa từ ma túy.

Bị phạt 3,1 tỷ USD vì giám sát không đúng cách

Theo tin từ hãng CNN, khoản tiền phạt này bao gồm 1,3 tỷ USD được trả cho Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Đây là khoản tiền phạt kỷ lục đối với một ngân hàng. Sau đó, TD Bank cũng phải trả 1,8 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ và nhận tội để chấm dứt cuộc điều tra của chính phủ Hoa Kỳ về việc ngân hàng vi phạm Đạo luật bảo mật ngân hàng và cho phép tội phạm buôn bán ma túy rửa tiền.

Trong một tuyên bố mới đưa ra, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết, TD Bank có "những thiếu sót lâu dài, lan rộng và có hệ thống" trong các thủ tục giám sát giao dịch của mình. "Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm, họ đã trở thành tội phạm", Tổng chưởng lý Merrick Garland phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 10/10.

Đồng thời, Tổng chưởng lý Merrick Garland cũng dẫn chứng hồ sơ pháp lý cho thấy, hơn 90% giao dịch ở TD Bank đã không được giám sát trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 4/2024. Điều này cho phép ba mạng lưới rửa tiền cùng nhau chuyển hơn 670 triệu USD thông qua các tài khoản của TD Bank.

Tại sao TD Bank lại trở thành trung tâm của bê bối rửa tiền -0
TD Bank là một ngân hàng ở Hoa Kỳ và là công ty con của Tập đoàn TD Bank đa quốc gia có trụ sở tại Canada.

Tổng chưởng lý Merrick Garland cho biết, nhân viên của TD Bank đã nhận 57.000 thẻ quà tặng để xử lý hơn 470 triệu USD tiền mặt từ một mạng lưới rửa tiền nhằm "đảm bảo tiếp tục xử lý các giao dịch và không khai báo chúng trong các báo cáo bắt buộc” trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 2/2021. “Cá nhân đứng sau vụ việc này, mà nhân viên TD Bank biết đến có tên David, "đã cố gắng rửa tiền thông qua nhiều tổ chức tài chính, nhưng ông ta thấy rằng TD Bank có các chính sách và thủ tục dễ dãi nhất nên đã chọn rửa hầu hết tiền của mình ở đó", Tổng chưởng lý Merrick Garland giải thích thêm và mô tả hành vi của David là "rõ ràng nhất có thể nói"; đồng thời lưu ý rằng ông ta đã gửi hơn 1 triệu USD tiền mặt trong một ngày ngay lập tức chuyển tiền nhiều lần ra khỏi ngân hàng bằng séc và chuyển khoản.

Trong khi đó, Văn phòng Kiểm toán tiền tệ (OCC), một cơ quan của Hoa Kỳ quản lý các ngân hàng, cho biết, TD Bank đã xử lý hàng trăm triệu USD giao dịch được cho là rất đáng ngờ. Chẳng hạn, 5 nhân viên của TD Bank đã giúp rửa 39 triệu USD cho một băng nhóm chuyên buôn bán ma túy ở Colombia. Một mạng lưới rửa tiền thứ ba đã duy trì các tài khoản cho ít nhất 5 công ty vỏ bọc tại TD Bank mà họ đã sử dụng để chuyển gần 120 triệu USD. "Không có gì sai khi một ngân hàng cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ của mình cho những khách hàng trung thực. Nhưng có điều gì đó rất sai trái với một ngân hàng cố tình tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm", Tổng chưởng lý Merrick Garland nói.

Còn Thứ trưởng Bộ Tài chính Wally Adeyemo nhấn mạnh: "Tôi muốn nói rõ rằng, những vi phạm mang tính hệ thống này không chỉ tạo ra các lỗ hổng giả định mà còn gây thiệt hại vật chất cho công dân và cộng đồng Hoa Kỳ. Không giống như các đối thủ của mình, TD Bank luôn ưu tiên tăng trưởng và lợi nhuận hơn là tuân thủ luật pháp. Ngân hàng này đã cho phép tội phạm buôn bán ma túy rửa tiền".

Hiện Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang truy tố 22 người vì liên quan đến các âm mưu rửa tiền qua TD Bank  và yêu cầu TD Bank phải hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra liên quan đến các hành vi vi phạm rửa tiền xảy ra tại ngân hàng từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2023. Ước tính, trong khoảng thời gian này, TD Bank đã không theo dõi được 18,3 nghìn tỷ USD đáng ngờ của khách hàng.

Tại sao TD Bank lại trở thành trung tâm của bê bối rửa tiền -0
Tổng Giám đốc điều hành TD Bank Bharat Masrani đã gửi lời xin lỗi và tuyên bố sẽ nghỉ hưu vào tháng 4/2025.

Yêu cầu tái cấu trúc

“Đây là một chương khó khăn trong lịch sử ngân hàng của chúng tôi. Những sai lầm này xảy ra khi tôi còn là Tổng giám đốc điều hành và tôi xin lỗi tất cả các bên liên quan. Chúng tôi đã hoàn toàn chịu trách nhiệm về những sai lầm này và đang thực hiện các khoản đầu tư, thay đổi và cải tiến cần thiết để thực hiện các cam kết của mình”, Tổng giám đốc điều hành TD Bank Bharat Masrani nói trong một tuyên bố hồi tháng 9. Sau đó, ông cho biết sẽ nghỉ hưu vào tháng 4/2025. Nếu Tổng giám đốc điều hành TD Bank Bharat Masrani tuân theo các thỏa thuận với nhà chức trách Hoa Kỳ, nhiều khả năng ông sẽ không bị buộc tội.

Được biết, TD Bank đang tăng cường các nỗ lực giám sát chống rửa tiền, bao gồm việc tuyển dụng hơn 700 chuyên gia mới có “kinh nghiệm và trình độ chuyên môn về phòng ngừa rửa tiền, tội phạm tài chính và khắc phục AML”, cũng như triển khai các quy trình mới để “ngăn ngừa, phát hiện và đo lường rủi ro tội phạm tài chính tốt hơn”.

Hãng Reuters cho hay, cho đến nay, TD Bank là ngân hàng lớn nhất nhận tội vi phạm Đạo luật bảo mật ngân hàng của Hoa Kỳ, được ban hành vào năm 1970 để chống rửa tiền cũng như yêu cầu các ngân hàng phải thiết lập và duy trì các chương trình chống rửa tiền. Vì vậy, trong thỏa thuận với các nhà chức trách Hoa Kỳ, TD Bank bị yêu cầu phải tái cấu trúc cơ bản các chương trình tuân thủ chống rửa tiền của mình, bao gồm cả việc cung cấp một đơn vị giám sát tuân thủ độc lập trong 4 năm. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là đây không phải đầu tiên TD Bank vi phạm luật và quy định về rửa tiền.

Năm 2013, ngân hàng này đã phải trả 52,5 triệu USD để giải quyết các cáo buộc liên quan đến quỹ rửa tiền cho kẻ lừa đảo theo mô hình đa cấp và đã bị kết án Scott Rothstein. Khi đó, ban lãnh đạo TD Bank thừa nhận rằng, các biện pháp kiểm soát nội bộ của TD Bank không đủ để phát hiện và ngăn chặn rửa tiền. Năm ngoái, TD Bank cũng đã phải trả 1,2 tỷ USD để giải quyết vụ kiện cáo buộc ngân hàng này có liên quan đến một kế hoạch Ponzi khét tiếng trị giá 7 tỷ USD do nhà tài chính tai tiếng Allen Stanford dàn dựng cách đây hơn một thập kỷ. Số tiền này được dùng để trả lại cho các nạn nhân của kế hoạch Ponzi nhưng TD Bank đến nay vẫn phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Một nguồn tin khác cho hay, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng từng phạt TD Bank và buộc công ty phải chuyển văn phòng tuân thủ chống rửa tiền của mình đến Hoa Kỳ. Vì vậy lần này, phần quan trọng nhất trong thỏa thuận giữa TD Bank với giới chức Hoa Kỳ là việc OCC hạn chế sự phát triển của TD Bank tại nước này. Ghi nhận của hãng WashingtonPost cho hay, các hình phạt nghiêm khắc từ các cơ quan quản lý Hoa Kỳ đã khiến cổ phiếu niêm yết tại Hoa Kỳ của TD Bank (TD) giảm 6%. Về phía TD Bank, dù tuyên bố có đủ thanh khoản để trả tiền phạt và tiếp tục hoạt động nhưng ngân hàng này cũng sẽ bị giảm 10% tài sản.

Tại sao TD Bank lại trở thành trung tâm của bê bối rửa tiền -0
Tổng chưởng lý Merrick Garland phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 10/10 để thông báo rằng TD Bank sẽ trả khoản tiền dàn xếp khoảng 3 tỷ USD.

Mối quan ngại về các ông trùm tội phạm

Việc trấn áp TD Bank là hành động mạnh tay nhất của Hoa Kỳ đối với một ngân hàng lớn kể từ khi áp dụng các hình phạt lịch sử đối với Wells Fargo vào năm 2018. Wells Fargo đã bị phạt 1 tỷ USD và buộc phải giới hạn tổng tài sản của mình ở mức 1,9 nghìn tỷ USD sau một loạt vụ bê bối bán hàng. Giống như Wells Fargo, TD Bank sẽ phải chịu mức giới hạn tài sản của mình, điều này sẽ ngăn ngân hàng này tăng trưởng vượt quá 434 tỷ USD - mức tài sản của ngân hàng tính đến ngày 30/9. Nhưng TD Bank cũng có thể bị buộc phải thu hẹp quy mô nếu không thực hiện tốt các thay đổi được chỉ định. Nếu TD Bank không thể đạt được những thay đổi đó trong thời hạn do OCC đặt ra, ngân hàng này cũng sẽ buộc phải giảm tổng tài sản của mình tới 7% mỗi năm.

Giáo sư luật kinh doanh của Đại học Michigan Jeremy Kress, cựu luật sư của Cục Dự trữ liên bang nhận định: “Việc TD Bank liên tục ưu tiên tăng trưởng hơn là kiểm soát đã cho phép nhân viên của ngân hàng này vi phạm pháp luật và tạo điều kiện cho việc rửa tiền hàng trăm triệu USD. Những vi phạm trắng trợn trong quản lý rủi ro của ngân hàng đã thu hút những kẻ bất hợp pháp và là điều vô cùng nghiêm trọng, không thể chấp nhận được. Hành động phối hợp toàn diện của OCC, bao gồm việc áp dụng mức giới hạn tài sản, sẽ đảm bảo rằng ngân hàng này sẽ tập trung vào việc xây dựng các biện pháp kiểm soát phù hợp với hồ sơ rủi ro của mình. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lo ngại việc các ông trùm Mexico và Colombia sử dụng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ để rửa tiền thu được từ việc bán ma túy và các loại thuốc khác giết chết hàng chục nghìn người Mỹ mỗi năm”.

Đầu năm nay, các viên chức của Bộ Tài chính đã bắt đầu thông báo cho các ngân hàng Hoa Kỳ và các công ty truyền thông xã hội về những nền tảng mà ma túy thường được mua - bán, giao dịch để chỉ ra rõ ràng hơn phương cách mà các ông trùm đang cố gắng khai thác hệ thống tài chính. Nhưng với sự gia tăng ngày càng nhanh của hoạt động rửa tiền, chính giới Hoa Kỳ, đứng đầu là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren của bang Massachusetts đã lên tiếng cho rằng, các hình phạt hiện nay là chưa đủ mạnh.

"Các ngân hàng lớn coi tiền phạt của chính phủ là chi phí kinh doanh. Thỏa thuận mới giữa TD Bank và OCC giúp các giám đốc điều hành ngân hàng thoát khỏi tội cho phép ngân hàng được sử dụng như một quỹ đen tội phạm. Bộ Tư pháp và Văn phòng Kiểm toán tiền tệ cần phải làm tốt hơn trong việc thực thi luật chống rửa tiền của chúng ta”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren kêu gọi.

TD Bank là một ngân hàng ở Hoa Kỳ và là công ty con của Tập đoàn TD Bank đa quốc gia có trụ sở tại Canada. Ngân hàng này hoạt động chủ yếu trên khắp Bờ Đông, tại 15 tiểu bang Hoa Kỳ và Washington D.C và là ngân hàng lớn thứ 7 tại Hoa Kỳ tính theo tiền gửi và là ngân hàng lớn thứ 10 tại Hoa Kỳ tính theo tổng tài sản. TD Bank có trụ sở chính tại Cherry Hill, New Jersey, một vùng ngoại ô cách Philadelphia 13 km.

Trước khi đạt thỏa thuận lịch sử với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, TD Bank nhận tội và đồng ý trả 3 tỷ USD tiền phạt, TD Bank từng có 3 bê bối lớn. Đầu tiên là vào tháng 10/2012 khi ngân hàng này bị phát hiện làm mất các băng sao lưu chưa được mã hóa có "thông tin khách hàng rộng rãi, bao gồm số an sinh xã hội và số tài khoản ngân hàng". Ban đầu, ngân hàng từ chối nêu rõ có bao nhiêu khách hàng bị ảnh hưởng. Sau khi tổng chưởng lý điều tra, ngân hàng nêu rằng có 267.000 khách hàng. 3 năm sau, TD Bank lại vấp phải một vụ kiện tập thể với cáo buộc vi phạm Đạo luật bảo vệ người tiêu dùng qua điện thoại năm 1991.

Vụ kiện cáo buộc ngân hàng đã gọi điện cho người tiêu dùng tới 10 lần mỗi ngày. Tính đến ngày 3/7/2017, tất cả các khiếu nại này (ngoại trừ một khiếu nại) đã bị thẩm phán Jerome B. Simandle bác bỏ. Năm 2016, TD Bank còn bị kiện với cáo buộc rằng máy đếm tiền xu của họ đã đếm tiền xu không chính xác. Vụ kiện ước tính rằng cứ 100 USD thì có 26 xu không được đếm.

Chu Nguyễn
.
.
.