Cuộc chiến vàng ở Ecuador
Trưa thứ Tư, ngày 3/7/2024, tại khu rừng gần thị trấn Santa Martha, quân đội Ecuador đã giải cứu 49 thợ mỏ bị Los Lobos, một trong những băng đảng tàn bạo nhất Mỹ Latinh bắt cóc. Nguyên nhân của vụ bắt cóc nhằm mục đích khủng bố tinh thần của giới thợ mỏ vì 7 năm trở lại đây, Los Lobos đã tiến hành bảo kê, thu thuế tại 24 mỏ khai thác vàng trái phép ở Ecuador…
1. Nằm ở độ cao 3.600m so với mực nước biển, công viên quốc gia Podocarpus, Ecuador có diện tích 1.463 km2. Nó trải dài từ dãy Andes, xuyên qua những khu rừng nhiệt đới thuộc các tỉnh Loja ở phía tây và Zamora Chinchipe ở phía đông, phần lớn đều không có người sinh sống ngoại trừ những ngôi làng của thổ dân bản địa nằm heo hút giữa màu xanh đại ngàn.
Thế nhưng 7 năm trở lại đây, công viên Podocarpus bỗng dưng nhộn nhịp hẳn lên bởi những chiếc máy ủi, máy xúc, máy cưa ngày đêm mở đường từ tỉnh Loja vào khu lõi San Luis mà nguyên nhân duy nhất là San Luis có vàng! Theo điều tra của trang tin Insight Crime, chuyên về tội ác ở Mỹ Latinh, tính đến tháng 3/2024, có khoảng 6.000 thợ mỏ gồm người Ecuador, Peru, Colombia và Venezuela làm việc trong những khu vực khai thác bất hợp pháp. Nhiệm vụ của họ là đặt mìn phá đá, đào hầm, múc đất có quặng vàng, vận hành máy sàng, máy rửa, máy phát điện… Cũng không thiếu những người cung cấp xăng dầu, thực phẩm, cocain, cần sa và thậm chí là gái mại dâm.
Ông Codigo, sĩ quan cảnh sát Ecuador cho biết từ Loja vào San Luis phải mất 12 ngày đi bộ và chỉ những đơn vị đã qua huấn luyện đặc biệt mới có thể đi được. Ông nói: “Nhưng điều đó không ngăn cản những thành viên của băng nhóm tội phạm Los Lobos giành quyền kiểm soát các mỏ vàng. Theo điều tra của chúng tôi, mỗi thợ mỏ hành nghề tự do phải nộp cho Los Lobos 1.000USD/tháng để được quyền đào bới còn với những chủ mỏ, tùy thuộc vào số nhân công và sản lượng khai thác, họ phải nộp từ 20.000 đến 50.000 USD/tháng”.
Thoạt đầu, Los Lobos (tiếng Tây Ban Nha nghĩa là “Chó sói”) chỉ gồm một nhóm những sát thủ làm công việc giết thuê theo đơn đặt hàng của băng nhóm Los Choneros do Jorge Zambrano là thủ lĩnh. Tháng 12/2020, Jorge Zambrano bị ám sát, các thành viên chủ chốt của Los Choneros nghi ngờ Los Lobos có liên quan nên giữa hai bên đã nổ ra những cuộc đấu súng đẫm máu. Vì yếu thế, Los Lobos lúc này do Wilmer “Pipo” Chavarria chỉ huy đã liên kết với băng nhóm Jalisco New Generation Cartel, là tổ chức tội phạm hùng mạnh nhất Mexico rồi giành lại thế thượng phong.
Với khoảng 10.000 thành viên, đa số là thanh thiếu niên nghèo khổ, ít học nhưng thừa hung hăng, liều lĩnh, Los Lobos còn được sự yểm trợ tích cực của các băng nhóm Colombia và Mexico như Sinaloa Cartel, Mặt trận Oliver Sinisterra, Jalisco Cartel New Generation… Ông Codigo, sĩ quan cảnh sát Ecuador nói: “Nhờ vào những tổ chức tội phạm đó, Los Lobos có súng ngắn, súng tiểu liên và thậm chí là súng phòng lựu 40mm. Nếu bị chúng tôi truy quét và nếu chống không lại, họ dễ dàng chạy sang Colombia, Mexico để tránh né…”.
Và không chỉ buôn bán ma túy, bắt cóc đòi tiền chuộc, bảo kê, giết mướn, khi cơn sốt vàng bùng nổ ở San Luis và 6 nơi khác trong công viên quốc gia Podocarpus, Los Lobos ngang nhiên đặt ra những luật lệ đối với chủ mỏ, thợ mỏ bao gồm thuế khai thác, thuế vận chuyển, thuế giữ gìn an ninh trận tự… Chẳng những thế, Los Lobos còn độc quyền cung cấp các nhu yếu phẩm, vật tư, máy móc, công cụ để đào vàng. Tính đến đầu năm 2024, Los Lobos đã kiểm soát phần lớn các mỏ, bắt đầu từ tỉnh Imbabura ở phía bắc, Napo, Orellana và Sucumbíos ở đông bắc đến Azuay và Zamora Chinchipe ở phía nam Ecuador. Theo tính toán của lực lượng kiểm lâm, đến cuối năm 2023, đã có hơn 100.000 hecta rừng trong công viên Podocarpus bị chặt hạ để đào vàng.
Cuối tháng 2/2024, không chịu nổi sự bóc lột hà khắc của Los Lobos, một nhóm thợ mỏ đã tự vũ trang rồi phục kích, giết chết 4 thành viên Los Lobos làm nhiệm vụ bảo kê ở mỏ. Để trả thù, Los Lobos tàn sát 2 gia đình thợ mỏ, cả phụ nữ lẫn trẻ em gồm 12 người và điều này đã khiến Tổng thống Ecuador là ông Daniel Noboa phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Theo đó, lực lượng quân đội sẽ tiến hành giải tán các mỏ khai thác bất hợp pháp, bắt giữ các thành viên Los Lobos đồng thời Tổng thống Daniel Noboa còn liệt Los Lobos là một trong 22 nhóm khủng bố đang hoạt động ở Ecuador. Bên cạnh đó, tháng 6/2024, Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đưa Los Lobos và thủ lĩnh Wilmer “Pipo” Chavarria vào danh sách trừng phạt.
Theo một số nhà lãnh đạo các bộ tộc bản địa trong công viên quốc gia Podocarpus, từ nhiều năm trước Los Lobos đã tìm cách vươn vòi vào các nhóm khai thác vàng, thoạt đầu là hăm dọa, tiếp theo là thu tiền bảo kê, cung cấp máy móc, vật tư, lương thực, xăng dầu nhưng đây là lần đầu tiên chúng bắt thợ mỏ với số lượng lớn, có lẽ do những phản ứng của thợ mỏ cùng những hoạt động chống băng nhóm của cảnh sát. Ông Saltado, người đứng đầu bộ tộc Mulatto nói: “Cảnh sát và quân đội thường xuyên vào làng tôi để tìm kiếm những thông tin về Los Lobos nhưng dù có biết, cũng chẳng ai dám hé môi vì sợ trả thù…”.
Hồi tháng 1/2024, thông qua những tình báo viên, cảnh sát đã giáng một đòn mạnh vào Los Lobos khi tịch thu 1.072 bao quặng vàng giấu trong những chiếc xe tải lúc chúng đang trên đường đến một nhà máy chế biến. Lô hàng bị tịch thu có giá 2 triệu USD. Cũng trong tháng 1, cảnh sát đã phá vỡ một nhóm Los Lobos hoạt động tại bang Camilo Ponce Enríquez, tỉnh Azuay, bảo kê cho các hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp để thu tiền thuế của thợ mỏ và chủ mỏ. Việc phá vỡ nhóm này dẫn đến sự triệt hạ một mỏ vàng thuộc loại lớn nhất ở Azuay do Los Lobos điều hành với lợi nhuận ước tính khoảng 1 triệu USD/tháng.
Trang tin Insight Crime, chuyên điều tra những tội ác ở Mỹ Latin viết: “Để có thể khai thác vàng mà không cần giấy phép, chủ mỏ phải có sự làm ngơ của chính quyền địa phương và sự chấp thuận của Los Lobos. Hiện tại, trong công viên quốc gia có bốn vùng khai thác bất hợp pháp lớn ở biên giới phía bắc, phía nam, ở Zamora, ở Chinchipe và ở Napo, còn những mỏ nhỏ thì đếm không hết. Vàng sau khi thu về sẽ được tinh luyện thành thỏi rồi tiếp theo, bằng những dòng chảy ngầm, nó đến châu Âu, châu Mỹ, châu Á để biến thành vàng hợp pháp”.
2. Trở lại với việc bắt cóc 53 thợ mỏ, theo Sanchez, một trong những người bị bắt cóc thì: “Gần trưa ngày 21/9/2023, tôi cùng mấy anh em khác đang chạy máy tuyển quặng thì bất ngờ hàng chục tay súng Los Lobos xuất hiện. Họ ra lệnh cho chúng tôi tập trung lại rồi tiếp theo, họ trói tay chúng tôi bằng dây rút rồi bảo chúng tôi đi…”. Từ vùng lõi San Louis, nhóm thợ mỏ phải mất 3 ngày mới đến được một khu rừng nằm gần thị trấn Santa Martha, cách thủ đô Quito 450km về phía nam. Tại đó, chúng cởi trói rồi bố trí cho họ ở trong những lều vải. Trên mạng Internet, nhóm bắt cóc thợ mỏ tuyên bố “đây là lời cảnh báo đanh thép, gửi đến tất cả những kẻ khai thác vàng và những chủ mỏ mà không được sự đồng ý của Los Lobos. Nếu việc này không chấm dứt, những kẻ bị bắt sẽ bị xử tử để làm gương…”.
Những ngày sau đó, nhóm thợ mỏ chỉ được cho ăn mỗi ngày 1 bữa vào buổi trưa. Họ bị ép phải viết thư gửi chủ mỏ yêu cầu trả tiền chuộc. Sanchez kể: “Giá tiền chuộc của mỗi người là 3.000 USD. Sau đó nếu chúng tôi vẫn muốn tiếp tục công việc, hàng tháng phải nộp 1.000 USD tính theo đầu người
Trưa thứ Tư, ngày 3/7/2024, sau khi thu thập các nguồn tin tình báo. 600 người lính cả quân đội lẫn cảnh sát tiến vào khu rừng gần thị trấn Santa Martha dưới sự yểm trợ của trực thăng vũ trang. Thợ mỏ Sanchez cho biết khi nghe tiếng máy bay, 6 tên Los lobos đã lôi 5 thợ mỏ ra rồi dùng dao chặt đầu 4 người, người còn lại bị đâm nhiều nhát vào ngực, bụng. Một gã Los Lobos nói: “Nếu các người có ý định bỏ chạy hay chống trả, hãy nhìn vào đó để làm gương”. Vẫn theo Sanchez, 49 thợ mỏ bị lùa vào một căn lều với lời hăm dọa “sẽ giết hết tất cả bằng lựu đạn”.
Khoảng 20 phút sau, cuộc chạm súng đã xảy ra giữa cảnh sát và Los Lobos. Một sĩ quan cho biết phía Los Lobos có hơn 30 người: “Họ chống trả bằng nhiều loại vũ khí rồi bỏ chạy. Khi chúng tôi tiến vào thì trong một căn lều bạt, 49 thợ mỏ vẫn nằm úp mặt xuống đất, hai tay duỗi dài ra phía trước. 2 thành viên Los Lobos có nhiệm vụ canh giữ con tin bị bắt sống với hàng chục quả lưu đạn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát hiện xác của 5 thợ mỏ bị Los Lobos hành hình, xảy ra chỉ vài chục phút trước lúc chúng tôi có mặt”.
Theo các nhà quan sát địa chính trị, việc giải cứu thành công 49 thợ mỏ được cho là kết quả của sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin tình báo cùng những nguồn tin của một số thợ mỏ. Ông César Zapata, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Ecuador nói: “Dựa trên sự trao đổi giữa tôi và ông William Salamanca, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Colombia, ngày 21/1 chúng tôi đã bắt được Carlos Arturo Landázuri, biệt danh El Gringo, chỉ huy cấp cao của Mặt trận Oliver Sinisterra, là một trong những nhóm bảo kê, thu thuế ở các mỏ vàng”.
Cũng vào cuối tháng 1, một phái đoàn Mỹ đã đến Ecuador để hỗ trợ cho chúng tôi 20.000 áo chống đạn và hơn 1 triệu USD thiết bị. Bên cạnh đó, 1 máy bay C-130H cũng đã có mặt để giúp Ecuador phát hiện nhanh chóng những mỏ vàng trái phép, hoạt động trong công viên quốc gia Podocarpus”.
Tuy nhiên về phía các thợ mỏ, do phần lớn đều làm việc trái phép nên nhiều người vẫn ngần ngại khi được Insight Crime hỏi về vấn đề cung cấp thông tin cho cảnh sát. Rodiguez, thợ mỏ ở Azuay, nằm dưới quyền kiểm soát của Los Lobos nói: “Thu nhập bình quân mỗi tháng của tôi là khoảng 6.000 USD. Trừ đi 1.000 nộp thuế cho Los Lobos, tôi vẫn có thể sống được nhưng nếu tôi cung cấp thông tin cho chính phủ và khi chính phủ triệt hạ Los Lobos, mỏ vàng cũng sẽ bị đóng cửa. Lúc ấy, tôi biết lấy gì để nuôi gia đình?”.
Cũng cùng ý kiến như Rodiguez, nhiều thợ mỏ khác tỏ ra ngần ngại khi Insight Crime đề cập đến “chuyện tế nhị”, nhất là những người nhập cư trái phép bởi lẽ việc đóng cửa các mỏ vàng đồng nghĩa với việc họ sẽ bị trục xuất. Chưa kể nếu việc cung cấp thông tin cho cảnh sát nếu bị lộ lọt thì điều ấy đồng nghĩa với án tử hình. Babura, thợ mỏ làm việc bất hợp pháp ở mỏ Napo nói: “Tôi đã chứng kiến cái chết của một người bạn là Vidrio. Trong một lần ra thị trấn mua mấy thứ cần thiết, anh ấy bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ. Chẳng biết Vidrio đã nói gì với họ mà gần 1 tháng sau, anh ấy biến mất. Xác Vidrio được thổ dân phát hiện khi nó nổi lên ở một con suối, cách mỏ vàng khoảng 3km, cổ bị chém gần đứt lìa. Những tay súng Los Lobos bảo kê mỏ vàng úp mở: “Nó là chỉ điểm của cảnh sát”.
Theo một báo cáo mới nhất của các nhà địa chất thuộc một công ty nước ngoài, được Chính phủ Ecuador ký hợp đồng thăm dò thì “có rất nhiều vàng ở San Luis, bằng mắt thường cũng nhìn thấy những mạch vàng nổi lên trên mặt đất. Ngay cả khi công viên quốc gia Podocarpus được thành lập vào năm 1982, vàng vẫn nằm yên ở đó…”. Việc khai thác bất hợp pháp chỉ bắt đầu rộ lên vào năm 2017, khi một nhóm đi săn nhặt được 1 cục vàng nặng 460gam ở một con suối.
Ông Oscar Peralta, chỉ huy lực lượng kiểm lâm công viên quốc gia Podocarpus nói: “7 năm trước, chúng tôi vẫn có thể tổ chức những cuộc tuần tra dài ngày trong công viên nhưng bây giờ, không thể vào đó nếu không được quân đội yểm trợ”. Kiểm lâm viên José Villa, người đã có 37 năm làm việc ở công viên Podocarpus cho biết khai thác vàng trên sông, được gọi là khai thác phù sa không bị ngăn cấm nhưng những năm gần đây, nó đã phát triển theo hướng công nghiệp bằng cách phá rừng, bạt đồi xẻ núi, lấp cạn những con suối mà chỉ có các băng nhóm tội phạm mới dám làm…”.