Cuộc chiến băng đảng ở Sydney
Nhắc đến thành phố Sydney của Úc, ít người nghĩ ngay đến từ “bạo lực băng đảng”. Vậy nhưng thành phố cảng này từ lâu đã là điểm nóng tội phạm có tổ chức. Vị trí “cửa ngõ” của Sydney biến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho những hoạt động như cá độ, rửa tiền, buôn bán ma túy, v.v...
Những băng nhóm mafia Sydney sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ địa bàn của mình. Nói vậy nhưng những vụ giết người gần đây quả thật đã đi quá sức tưởng tượng của nhiều người và báo trước một thời kỳ khốc liệt hơn trong thế giới ngầm Sydney.
Những vụ giết người
Vào rạng sáng ngày 13/9/2023, một người đàn ông bị bắn chết trên đường Broughton tại Sydney. Cảnh sát và cứu thương đến hiện trường vào khoảng 2 giờ sáng khi nạn nhân vẫn còn thoi thóp, nhưng mặc cho sự cứu chữa của nhân viên cứu thương, nạn nhân vẫn tử vong vì mất máu. Đây đã là cái chết thứ 11 vì trúng đạn ở Sydney kể từ đầu năm đến nay.
Một điểm chung kết nói những vụ bắn người xảy ra gần đây ở Sydney là sự liên quan của các nạn nhân với thế giới tội phạm. Ví dụ như trường hợp luật sư Mahmoud Abbas bị bắn khi đang đứng trước cửa nhà. Luật sư Abbas thường xuyên xuất hiện trên báo chí vì đại diện cho các ông trùm trước tòa. Hay trường hợp của and Ahmad Al-Azzam đang ngồi trong ô tô thì bị bắn chết. Hai nạn nhân khác ngồi trong một chiếc xe đang đỗ gần đó cũng bị trúng đạn tử thương. Cảnh sát cho biết Ahmad Al-Azzam là thành viên của một băng đảng côn đồ ở khu ngoại ô Greenarce.
Phương thức gây án trong các vụ bắn người cũng có vài điểm chung. Những kẻ giết người thường lái xe ngang qua nạn nhân rồi xả súng ngay trên ôtô. Xe hơi được chúng sử dụng là xe ăn trộm và thường bị bỏ lại sau khi kẻ gây án đã đào tẩu thành công. Trong trường hợp chúng bỏ xe ngay tại hiện trường, kẻ ám sát sẽ châm lửa đốt xe mình lẫn các ôtô khác đang đỗ gần đó để vừa tiêu hủy tang chứng, vừa đánh lạc hướng cảnh sát.
Kể từ giữa năm 2020 đến nay đã có 25 vụ bắn người khác nhau có liên quan đến tội phạm có tổ chức. Nạn nhân tử vong được dư luận chú ý nhiều nhất là ông trùm tội phạm Alen Moradian, một trong các “tay chơi” lớn trong hoạt động rửa tiền ở Sydney. Thông tin nội bộ của cảnh sát cho biết 10 tháng trước khi Moradian bị ám sát, y đã liên lạc với cảnh sát để yêu cầu được bảo vệ vì lo sợ có kẻ định ám sát mình. Moradian đang ở đỉnh cao quyền lực đã bất ngờ giao hết quyền điều hành cho đàn em còn mình thì đi trốn. Y sống ẩn dật tại một khu chung cư gần bãi biển Bondi. Vậy nhưng vào buổi sáng 27/6, Moradian bị bắn chết bởi hai sát thủ đã chờ sẵn tại bãi đậu xe ngầm của chung cư. Vụ giết người xảy ra chỉ cách đồn cảnh sát Marrickville chưa đầy 100m.
Nhà nghiên cứu tội phạm Thomas McVeiliy lý giải: “5 vụ bắn người xảy ra trong vòng 5 ngày liên tiếp quả thật là bất thường. Nhưng đây không phải lần đầu tiên xảy ra hàng loạt vụ xả súng tại Sydney. Nhiều người lớn tuổi chắc hẳn còn nhớ vụ thảm sát Milperra giữa hai băng đảng côn đồ Comancheros và Bandidos vào năm 1984. Gần đây hơn thì có cuộc chiến giữa 3 gia đình mafia Darwiche, Razzak và Fahda để tranh giành địa bàn bán cần sa. Và chắc hẳn chưa ai quên được những cái chết của thành viên băng đảng Brothers 4 Life xảy ra lẻ tẻ từ năm 2012 đến 2021. Mục đích của những vụ xả súng và ám sát vẫn không thay đổi. Điểm khác biệt duy nhất là những kẻ tội phạm đã trở nên táo bạo hơn”.
Ý kiến chung của các nhà quan sát tội phạm có tổ chức tại Úc là sau đại dịch COVID-19, hoạt động buôn lậu hàng cấm đã “nóng” lên trở lại ở các thành phố cảng như Sydney. Những vụ xả súng gần đây chỉ là “bề nổi” của cuộc chiến tranh trong lòng thế giới ngầm nhằm tranh giành các tuyến đường vận chuyển hàng lậu.
Mặt khác giá thành cocaine và các loại ma túy khác ở Úc cao nhất nhì thế giới và chỉ đứng sau Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Những khoản lợi nhuận khổng lồ không những khiến mafia trở nên manh động hơn mà còn tạo điều kiện để chúng mua sắm vũ khí và thuê “lính”. Phó tổng thanh tra cảnh sát liên bang Úc Kirsty Schofield nhận xét trên đài truyền hình ABC: “Nếu như trước đây hành hung ám sát là việc các ông trùm chỉ giao cho người thân tín thì bây giờ họ thuê người ngoài làm. Mục đích là kể cả khi đối tượng gây án bị bắt, các ông trùm cũng không bị liên đới. Mà đã là người ngoài làm thì chúng rất dễ “đi quá giới hạn”. Chúng không vì lợi ích chung của băng đảng mà phải giữ mình lại”.
Để đối phó với làn sóng tấn công bằng súng, cảnh sát bang New South Wales đã lập ra đội chuyên án Magnus để đảm nhận những vụ án tương tự. Theo lời ủy viên cảnh sát bang New South Wales Karen Webb: “Đội chuyên án Magnus sẽ được giao những đặc quyền và trang thiết bị để họ có thể nhanh chóng tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm cho bạo lực... Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi của tội phạm có tổ chức, và để đối phó với mối nguy mới này, chúng ta cần có một lực lượng cảnh sát mới”.
Báo Herald Sun đưa tin rằng đội chuyên án Magnus hiện có 100 sỹ quan thuộc biên chế. Trở ngại lớn nhất mà họ đang gặp phải là thiếu bằng chứng lẫn nhân chứng. Những vụ lái xe xả súng ít khi để lại bằng chứng, mà kẻ giết người cũng đủ thông minh để xóa dấu vết trước khi bỏ trốn. Còn về vấn đề nhân chứng thì theo lời thanh tra David Hudson thuộc đội Magnus: “Nhiều người thân của các nạn nhân không chịu nói với chúng tôi vì sao người thân họ bị giết. Thế giới ngầm hoạt động bằng “luật im lặng”. Bất kỳ ai cũng hiểu rằng đã nói ra sự thật thì chỉ có hai cái kết: vào tù hoặc xuống mồ”.
Vấn đề bạo lực
Ngày 29/7 vừa qua, Dejan Radulovic - một thanh niên 29 tuổi người Úc gốc Serbia - đang đi dạo trên phố Donnelly, Sydney vào buổi đêm thì bất ngờ bị phục kích. Dejan bị bắn và đâm nhiều phát. Nạn nhân tử vong không lâu sau khi được đưa vào phòng cấp cứu. Cảnh sát Sydney sau đó bắt giữ một thanh niên 19 tuổi vì tội giết người có chủ ý. Cảnh sát lục soát nhà của đối tượng và tìm thấy quần áo dính máu. Theo lời của một số nhân chứng, kẻ bị bắt giữ cùng một đối tượng nam khác đã cố ý gây gổ và đánh nhau với Dejan Radulovic, rồi khi nạn nhân đã nằm trên đường rồi mới lên xe jeep trắng bỏ chạy.
Điều gì đã thúc đẩy một chàng trai chỉ mới 19 tuổi đi giết người? Ở những khu ngoại ô nghèo quanh Sydney, thanh thiếu niên phạm tội không phải là hiếm. Cả một thế hệ thanh niên Úc đang bị lôi kéo vào con đường phạm tội một phần vì hoàn cảnh sống của họ.
Dmonzz (tên giả) từng phải vào trại giáo dưỡng vì dùng dao rọc giấy đâm 7 nhát vào người khác. Khi được hỏi vì sao Dmonzz làm vậy, chàng trai trả lời: “Hoặc là tôi, hoặc là nó. Đã là người của hai “hội” khác nhau mà gặp nhau thì không đánh nhau thì chẳng còn mặt mũi nào nữa”.
Anh James Lofaquat, một nhân viên xã hội từng làm việc với nhiều trường hợp thanh thiếu niên phạm tội, giải thích: “Khu phố nghèo nào cũng có một hai băng nhóm côn đồ của đám thiếu niên. Nhiều khi chúng chỉ tụ tập lại để hút thuốc, uống rượu và nghe nhạc, nhưng cũng có trường hợp đụng độ giữa các băng nhóm để tranh giành lãnh thổ... Thanh thiếu niên mà không có cơ hội vươn ra thế giới bên ngoài thì rất dễ co cụm lại thành các hội nhóm. Thế rồi chỉ cần một, hai em đi giáo dưỡng về địa phương thì hội nhóm thanh niên trở thành côn đồ ngay”.
Đài truyền hình ABC mới đây đã đăng tải một phóng sự điều tra về các băng nhóm vị thành niên ở Sydney. Một nhân vật được phỏng vấn kể lại: “Cả khu phố này thuộc về “gia đình” của em. Ai đi vào khu phố này rồi “động chạm” anh em của em cũng không khác gì xúc phạm đến em. Kẻ như thế thì chỉ có “nói chuyện” bằng dao găm và búa tạ... Ở đây ai cũng từng đi trại giáo dưỡng vì đánh nhau hay ăn trộm. Vậy nhưng ai cũng thà đi tù tiếp thay vì phản bội “gia đình” mình.
Những cộng đồng người nhập cư từ Đông Âu, Trung Á và Đông Nam Á khi chuyển đến sống tại Úc thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, không có cơ hội giáo dục, thiếu cơ sở hạ tầng để phát triển, v.v... Người di cư để sống sót buộc phải dựa vào cộng đồng cùng sắc tộc của mình. Điều này lại càng khiến thanh thiếu niên gốc nhập cư dễ bị lôi kéo vào các hội nhóm.
Các tổ chức mafia ở Sydney đã sớm nhận ra những nhóm du côn vị thành niên hoàn toàn có thể trở thành “trại huấn luyện” cho mình. Chúng “tái đầu tư” một phần lợi nhuận thu được từ buôn lậu, ma túy và rửa tiền vào hoạt động tuyển mộ, huấn luyện, và trang bị cho côn đồ trẻ. Thay vì tự mình dấn thân vào hiểm nguy, các ông trùm bây giờ có thể dựa vào những đối tượng trẻ tuổi, thiếu hiểu biết và sẵn sàng làm mọi việc.
Mặt khác cũng phải nhắc đến “văn hóa bạo lực” của nhiều thanh thiếu niên Úc. Lấy ví dụ rapper Ali Younes, một nghệ sỹ underground với nghệ danh Ay Huncho mới nổi tại Sydney. Ali Younes là thành viên của gia tộc tội phạm Alameddine khét tiếng. Cha mẹ, anh chị em, họ hàng của rapper từng đi tù vì tội buôn bán ma túy, rửa tiền, bắt cóc và ám sát. Bản thân Younes cũng có tiền án hành hung và sử dụng ma túy.
Giới yêu nhạc Úc gần đây đã tranh luận sôi nổi về việc bản rap “Most Wanted” của Ali Younes trở thành hit trên mạng. Nhiều người cho rằng kể cả khi bỏ qua quá khứ của Younes, việc một bản rap có nhiều lời lẽ ca ngợi bạo lực băng đảng và lối sống xa hoa của tội phạm có nên được phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc bàn cãi chỉ tạm lắng xuống sau khi Ali Younes bị bắt vì gây gổ đánh nhau khi đang xem một trận quyền Anh.
Sự xuất hiện của những nghệ sỹ của Ali Younes đặt câu hỏi với những nhà quan sát xã hội Úc: “Liệu văn hóa là “cái đầu” hay “cái đuôi” của tội phạm vị thành niên?”. Một mặt thì khó mà phủ nhận nhiều tội phạm thanh thiếu niên bị ảo tưởng về một cuộc sống giàu có và tự do khi đi vào con đường tội phạm. Nhưng mặt khác cũng có những yếu tố vật chất rõ ràng đang khiến người trẻ bị tội phạm có tổ chức lôi kéo. Thực tế có lẽ đúng như một cây bút của tờ Herald Sun viết: “Nếu xã hội không cho người trẻ giữ danh dự của họ bằng cách sống lương thiện thì họ sẽ đi tìm danh dự theo cách khác”.