Vụ án hối lộ gây chấn động Nghị viện châu Âu

Thứ Tư, 14/12/2022, 14:30

Chính trường châu Âu rung chuyển bởi một cuộc điều tra tham nhũng, hối lộ xảy ra tại Nghị viện châu Âu, với loạt vụ bắt, giam giữ và thẩm vấn 5 người bao gồm các thành viên cũ và hiện tại cũng như nhân viên của Nghị viện châu Âu, nghi ngờ có dính líu đến Qatar.

Theo các hãng tin Bỉ Le Soir và Knack, cuộc truy quét, bắt giữ người của  ảnh sát Bỉ bắt đầu vào ngày 9/12 và tiếp diễn sang ngày 10/12, tập trung vào những kẻ bị tình nghi liên quan vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử của Nghị viện châu Âu. Trong số những người bị thẩm vấn có bà Eva Kaili, người Hy Lạp, một trong những Phó Chủ tịch của Nghị viện châu Âu. Thông cáo báo chí của Văn phòng Công tố Bỉ cho biết: “Trong 4 tháng qua, các nhà điều tra của Cảnh sát Tư pháp Liên bang Bỉ đã nghi ngờ một quốc gia Vùng Vịnh gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu. Điều này được thực hiện bằng cách trả những khoản tiền lớn hoặc tặng những món quà lớn cho các bên thứ ba có vị trí chính trị và/hoặc chiến lược quan trọng trong Nghị viện châu Âu”.

Vụ án hối lộ gây chấn động Nghị viện châu Âu -0
Bà Eva Kaili.

Theo cảnh sát Bỉ, các cuộc đột kích được tiến hành tại 16 địa điểm, bao gồm cả các khu dân cư tư nhân trên khắp thủ đô Brussels, đã thu được một chiếc vali chứa 600.000 euro tiền mặt (633.000 USD). Cảnh sát cũng cho biết đã tịch thu máy tính và điện thoại di động. Mặc dù cảnh sát không nêu tên quốc gia có liên quan đến cuộc điều tra, nhưng quan chức Bỉ trực tiếp tham gia cuộc điều tra và một nhà lập pháp châu Âu yêu cầu giấu tên đã tiết lộ rằng đó chính là Qatar.

Vụ bê bối có thể sẽ khiến Chính phủ Qatar bối rối. Một quan chức Chính phủ Qatar cho biết chính phủ của ông không biết bất kỳ chi tiết nào về cuộc điều tra của châu Âu. Quan chức này nói rằng bất kỳ tuyên bố nào về hành vi sai trái của Qatar đều bị thông tin sai lệch nghiêm trọng và nhà nước hoạt động tuân thủ đầy đủ luật pháp và quy định quốc tế.

Bà Kaili là người thuộc đảng PASOK trung tả của Hy Lạp, đã trở nghị sĩ châu Âu từ năm 2014, theo đuổi và đảm nhận các chương trình quan trọng như tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo. Vài giờ sau khi tin tức về việc bà bị giam giữ được công khai, đảng PASOK đã trục xuất bà khỏi hàng ngũ của đảng. Nhóm nghị sĩ đảng phái Xã hội và Dân chủ trung dung trong Nghị viện châu Âu đã đình chỉ bà.

Vụ án hối lộ gây chấn động Nghị viện châu Âu -0
Ông Pier Antonio Panzeri.

Jan Bernas, Phát ngôn viên của Nhóm nghị sĩ Xã hội và Dân chủ cho biết: “Chúng tôi kinh hoàng trước những cáo buộc tham nhũng trong các tổ chức châu Âu. Nhóm Xã hội và Dân chủ không khoan dung đối với tham nhũng. Chúng tôi ủng hộ một cuộc điều tra kỹ lưỡng và đầy đủ”.

Do mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, ông cho biết nhóm đang tìm cách đình chỉ bất kỳ hoạt động nào của Nghị viện châu Âu đối với các hồ sơ và cuộc bỏ phiếu toàn thể liên quan đến các quốc gia Vùng Vịnh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thị thực và các chuyến thăm.

Ngoài bà Kaili, trong những người bị bắt giam và thẩm vấn còn có ông Pier Antonio Panzeri, cựu nghị sĩ châu Âu, từng là thành viên của Nhóm Xã hội và Dân chủ, hiện là Chủ tịch tổ chức phi chính phủ Fight Impunity. Ông Visentini, Chủ tịch Liên đoàn Công đoàn quốc tế. Và nghị sĩ Italy Andrea Cozzolino. Văn phòng nghị sĩ của bà Kaili trên tầng 10 của tòa nhà ở Brussels và văn phòng của ông Giorgi trên tầng 15, đều bị cảnh sát Bỉ niêm phong.

Nghị viện châu Âu là một trong ba tổ chức chính của Liên minh châu Âu, được coi là kém quyền lực nhất. 705 thành viên của tổ chức này được bầu ở nước sở tại của họ và phục vụ nhiệm kỳ 5 năm. Nghị viện châu Âu không đề xuất cũng như ban hành luật, nhưng thường phải có sự chấp thuận của họ để thông qua. Họ cũng có thể giám sát hoạt động của Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu và thường đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách của khối.

Bất chấp quyền lực thể chế hạn chế của họ, các nhà lập pháp châu Âu thường được tiếp cận bởi những người vận động hành lang từ các quốc gia, ngành công nghiệp và các nhóm lợi ích đang tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận về mục đích của họ và để có được đồng minh phục vụ mục đích của họ trong các cuộc tranh luận về các chính sách quan trọng.

Bà Kaili là người ủng hộ mạnh mẽ cho Qatar trong những tháng trước thềm World Cup và gần đây đã đến thăm đất nước này trong một chuyến đi chính thức. “Hôm nay, World Cup ở Qatar thực sự là bằng chứng về cách ngoại giao thể thao có thể đạt được sự chuyển đổi lịch sử của một quốc gia với những cải cách đã truyền cảm hứng cho thế giới Ảrập” - bà Kaili nói trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu vào tháng trước. Bà nói: “Một mình tôi đã nói rằng Qatar là quốc gia đi đầu về quyền lao động” bao gồm cả việc bãi bỏ kafala, một hệ thống cho phép người sử dụng lao động giữ hộ chiếu của người lao động và do đó kiểm soát hiệu quả khả năng rời khỏi đất nước hoặc thay đổi công việc của họ.

“Tuy nhiên, một số người ở đây đang kêu gọi phân biệt đối xử với họ về cách tiếp cận của châu Âu đối với Qatar. Họ bắt nạt và họ buộc tội tất cả những ai nói chuyện với họ hoặc tham gia vào hành vi tham nhũng” - bà Kaili nói.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.