Tướng Keith Kellogg và nhiệm vụ chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine
Phải tiếp nhận một cuộc chiến đầy tranh cãi từ chính quyền đương nhiệm, Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã quyết định lựa chọn một nhân vật quân sự dày dạn kinh nghiệm, tướng Keith Kellogg làm đặc phái viên của mình để tìm biện pháp giải quyết xung đột. Với tướng Kellogg, ông cũng phải đối mặt với thách thức kép: đạt được một giải pháp chấm dứt cuộc chiến trong khi vẫn bảo vệ vị thế toàn cầu của Mỹ.
Một người lính đến với ngoại giao
Hôm 27/11/2024, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa ra tuyên bố rằng tướng quân đội về hưu Keith Kellogg sẽ được ông bổ nhiệm giữ chức Trợ lý đặc biệt cho Tổng thống và đặc phái viên về Ukraine và Nga. Theo bài đăng trên mạng xã hội “Truth Social” hôm 27/11, ông Trump viết: "Keith đã nổi bật trong cả sự nghiệp... Ông ấy đã ở bên tôi ngay từ đầu! Cùng nhau, chúng ta sẽ đạt được hòa bình nhờ sức mạnh và làm cho nước Mỹ cùng thế giới an toàn trở lại!”.
Tướng Keith Kellogg là một nhân vật có uy tín trong giới chức quân sự Mỹ. Ông có nhiều thập kỷ công tác trong quân đội, kinh quá nhiều vị trí quan trọng và đã có một thời gian làm Cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump ở nhiệm kỳ đầu. Tướng Kellogg được biết đến là một người hành động thực dụng và quyết đoán rất giống với tính cách của ông Trump. Vì thế, việc ông Kellogg tiếp tục được bổ nhiệm vào chính quyền mới của ông Trump không phải là điều bất ngờ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ chỉ huy quân sự sang vai trò một nhà ngoại giao có rủi ro cao hơn nhiều. Công việc đối ngoại đòi hỏi một bộ kỹ năng khác, đặc biệt là trong một cuộc xung đột phức tạp như cuộc chiến ở Ukraine.
Ông Kellogg thừa hưởng một “di sản” không mấy dễ chịu. Sự ủng hộ không ngừng nghỉ của chính quyền Tổng thống Biden đối với Ukraine thông qua hàng tỷ USD viện trợ quân sự, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga và quan điểm cứng rắn ngay từ đầu đã không để lại nhiều dư địa cho các ý tưởng đàm phán. Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận này đã kéo dài cuộc chiến mà không đưa ra con đường dẫn đến hòa bình.
Về quan điểm cá nhân, ông Kellogg từng đưa ra đề nghị với Ukraine rằng viện trợ sẽ bị cắt nếu nước này không đến bàn đàm phán. Đồng thời, ông cũng cho rằng phải thúc đẩy Nga tham gia đàm phán, nếu không Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, ông Kellogg phản đối sự can dự của quân đội Mỹ vào cuộc chiến Ukraine và cho rằng quân đội Mỹ nên tập trung vào việc đối phó với đối thủ tiềm tàng khác là Trung Quốc.
Tình thế phức tạp
Cuộc xung đột ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, đã tàn phá khu vực này. Theo Liên hợp quốc, hơn 9.000 thường dân đã thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời. Về mặt kinh tế, GDP của Ukraine đã giảm gần 30% kể từ khi chiến tranh bắt đầu, trong khi các hiệu ứng lan tỏa toàn cầu, bao gồm giá năng lượng tăng và mất an ninh lương thực, tiếp tục gây căng thẳng cho các nền kinh tế trên toàn thế giới. Trong khi đó, Ukraine tiếp tục bộc lộ thế yếu trên chiến trường sau khi đã mất 20% lãnh thổ.
Một cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy 78% người dân Ukraine lo ngại về tác động kinh tế của chiến tranh đối với cuộc sống hằng ngày, điều này khiến họ khao khát tìm kiếm các phương án chấm dứt xung đột. Đáng chú ý, ở các khu vực phía Đông Ukraine, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh, hơn 55% người dân nói rằng họ sẵn sàng ủng hộ đàm phán hòa bình dù kết quả có thể không có lợi cho Ukraine.
Sự ủng hộ quốc tế to lớn từng dành cho Ukraine cũng đã suy giảm nhanh chóng. Cuộc khảo sát của Viện Pew (tháng 9/2024) chỉ ra rằng mức độ ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine từ người dân các nước EU đã giảm từ 65% (2023) xuống còn 48% (2024). Hệ quả là nguồn lực hỗ trợ cho Ukraine cũng giảm nhanh chóng. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy viện trợ tài chính từ EU dành cho Ukraine đã giảm 30% trong quý 3/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Một số quốc gia như Hungary và Slovakia đã công khai phản đối các gói viện trợ mới. Điều này vô tình đẩy Mỹ vào tình thế phải “gồng gánh” tất cả.
Đối với ông Kellogg, những thách thức này còn trầm trọng hơn do sự ủng hộ của công chúng đối với sự can dự của Mỹ ngày càng giảm. Cuộc khảo sát của Viện Pew mới đây cho thấy 58% người dân tin rằng Mỹ nên cắt giảm viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine. Đây cũng là lý do góp phần vào thất bại của phe Dân chủ trong cuộc bầu cử vừa qua và càng trở thành động lực thúc đẩy ông Trump tìm cách rút khỏi cuộc xung đột này. Kết thúc cuộc xung đột bằng đàm phán hòa bình và đưa Mỹ ra khỏi rắc rối là mục tiêu tối thượng. Tuy nhiên, việc cân bằng sự bất mãn trong nước với các cam kết quốc tế là một thử thách lớn đối với một nhà ngoại giao tay ngang như tướng Kellogg.
Nút thắt khó gỡ
Để chấm dứt chiến tranh, ông Kellogg phải xử lý một loạt vấn đề lợi ích gai góc. Đầu tiên là vấn đề chủ quyền của Ukraine. Trong khi chính quyền Ukraine đòi hỏi toàn vẹn lãnh thổ thì không có dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ từ bỏ những vùng lãnh thổ này. Bên cạnh đó là các cam kết cùng với đồng minh khi họ luôn nhìn vào cách Mỹ ứng xử với Ukraine để xác nhận lại giá trị của mối quan hệ với nước này. Nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine, họ cũng có thể bỏ rơi bất cứ đồng minh nào khác không? Ở một góc nhìn khác, vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc như một bên trung gian có làm phức tạp thêm các nỗ lực của ông Kellogg.
"Kế hoạch hòa bình" của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột Ukraine được đưa ra hồi tháng 9/2024 mặc dù bị chỉ trích vì thiên vị lợi ích của Nga nhưng đã thu hút được sự chú ý của các quốc gia phản đối với cuộc xung đột kéo dài này.
Các chuyên gia đã suy đoán về cách tướng Kellogg có thể tiếp cận nhiệm vụ khó khăn này. Đối với Ukraine, công việc của tướng Kellogg sẽ không quá phức tạp khi Ukraine đang dựa hoàn toàn vào viện trợ của Mỹ và các đồng minh. Chỉ cần “dọa” cắt viện trợ là chính quyền ở Kiev điêu đứng. Ông Kellogg từng thẳng thắn nói với Ukraine rằng "các ông phải đến bàn đàm phán. Nếu các ông không làm điều đó, Mỹ sẽ cắt viện trợ". Vì vậy, dù rất quyết tâm với kế hoạch đòi lại lãnh thổ nhưng bất cứ nhà cầm quyền nào ở Kiev cũng sẽ phải tôn trọng ý kiến của ông Kellogg. Thực tế là kể từ khi ông Donald Trump chính thức đắc cử, chính quyền ở Kiev cũng đã có những động thái “xuống nước” để xem xét việc đàm phán với Nga. Tuy nhiên, việc kéo được Nga vào cuộc đàm phán do Mỹ dàn xếp lại không hề là dễ dàng với tướng Kellogg.
Các chuyên gia đánh giá, tướng Kellogg có thể ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn bao gồm các thỏa hiệp chung. Việc rút quân theo từng giai đoạn của Nga khỏi các vùng lãnh thổ đang tranh chấp, cùng với các đảm bảo an ninh cho Ukraine, có thể tạo thành cơ sở cho một thỏa thuận như vậy. Học giả về các vấn đề quốc tế, tiến sĩ Fiona Hill đánh giá: "Vị thế quân sự của Kellogg giúp ông có uy tín trong việc đàm phán với cả Ukraine và Nga. Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào được coi là nhượng bộ Moscow đều sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ các đồng minh Đông Âu".
Ở một góc nhìn khác, tướng Kellogg có thể hối thúc chính quyền Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Nga trong khi đưa ra các ưu đãi kinh tế “làm quà” để yêu cầu tuân thủ. Các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Biden đã làm giảm GDP của Nga ước tính 4,5% vào năm 2023. Nhưng, sau gần 3 năm, Nga đang dần “quen” với những lệnh trừng phạt. Do đó, không dễ để ông Kellogg có thể gây sức ép theo cách này.
Tướng Kellogg cũng sẽ phải đương đầu với một tình thế phức tạp khác. Khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết" của tân Tổng thống Donald Trump kêu gọi giảm sự can thiệp ra nước ngoài nhận được nhiều sự đồng tình, nhưng những người chỉ trích cảnh báo rằng việc rút quân đột ngột khỏi Ukraine sẽ khiến các đối thủ của Mỹ trở nên táo bạo hơn. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cảnh báo: "Việc từ bỏ Ukraine sẽ gửi một thông điệp nguy hiểm đến thế giới rằng Mỹ không còn đứng về phía các đồng minh của mình nữa". Đây chính là tình thế “tiến thoái lưỡng nan” mà ông Kellogg không dễ gì tìm ra cách để giải quyết.