Hy Lạp: Toan tính của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis
Người dân Hy Lạp sẽ đi bỏ phiếu lần 2 vì lãnh đạo của 3 đảng lớn nhất từ chối lời trao quyền của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou để thành lập một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử bất phân thắng bại.
Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã từ chối sứ mệnh thành lập chính phủ vào ngày 24/5 sau khi đảng Tân dân chủ cầm quyền của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 23/5 nhưng không chiếm đa số tuyệt đối. Ông Mitsotakis nói sẽ tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu lần 2 vào ngày 25/6 để đảm bảo có được đa số. Sau ông Mitsotakis, lãnh đạo đảng Syriza trung tả Alexis Tsipras và lãnh đạo đảng Phong trào thay đổi (PASOK-Kinal) Nikos Androulakis cũng từ chối nhiệm vụ này. Tổng thống Sakellaropoulou đã bổ nhiệm Thẩm phán Ioannis Sarmas làm thủ tướng tạm quyền để chuẩn bị cho cuộc bầu cử mới của đất nước.
Trong cuộc bầu cử hôm 23/5, đảng Tân dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Mitsotakis giành được kết quả vượt ngoài dự đoán, khi giành hơn 40% phiếu bầu, nhưng không đảm bảo được đa số tuyệt đối. Sở dĩ nói rằng kết quả này là “ngoài dự đoán” bởi tình hình thăm dò trước bầu cử cho thấy khả năng thất bại của Tân dân chủ là rất cao và nếu cố gắng lắm thì đảng này cũng chỉ giành được kết quả tương đối chứ chưa nói đến chuyện chiến thắng.
Phe đối lập chính, đảng Syriza của ông Tsipras, vốn được dự báo khả năng giành kết quả tốt nhất lại chịu tổn thất nặng nề, chỉ chiếm 20% số phiếu bầu. Ông Tsipras gọi kết quả này là một “cú sốc đau đớn đến không ngờ”. “Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về kết quả này. Nhưng, tôi quyết không chấp nhận thua cuộc mà phải tiếp tục chiến đấu. Tôi xin lỗi những người mà chúng tôi đã làm tổn thương, hàng trăm ngàn bạn bè, những người ủng hộ, các nhà vận động và cử tri của Syriza. Chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu”, ông Tsipras nói sau cuộc gặp Tổng thống Sakellaropoulou.
Đảng PASOK của ông Androulakis cũng thể hiện quyết tâm lao vào cuộc tranh đua quyết liệt để đạt được kết quả tốt nhất. Lãnh đạo đảng PASOK Androulakis cho biết: “Đảng của chúng tôi đã có một khởi đầu tốt đẹp. Tôi yêu cầu tất cả các nhà dân chủ tiến bộ hãy cùng chúng tôi xây dựng lại lực lượng tiến bộ mạnh mẽ và đáng tin cậy này”.
Cuộc bầu cử quốc hội ở Hy Lạp được xem là trắc nghiệm về mức độ hài lòng của người dân đối với sự cầm quyền của đảng Tân dân chủ và bản thân Thủ tướng Mitsotakis. Kết quả cho thấy sự ủng hộ của người dân không đủ để Thủ tướng Mitsotakis tiếp tục duy trì khả năng điều hành đất nước bằng một chính phủ đa số tuyệt đối.
Theo giới quan sát, sự sụt giảm ủng hộ có liên quan đến những vấn đề gần đây xảy ra liên quan đến đảng này. Đối thủ đối lập chính Tsipras cáo buộc rằng đảng cầm quyền Tân dân chủ trong nhiệm kỳ đầu tiên đã “không tôn trọng pháp quyền và dân chủ”.
Điển hình cho vấn đề ông Tsipras muốn nói đến là vụ bê bối nghe lén xảy ra vào tháng 8/2022, trong đó Chính phủ Hy Lạp bị buộc tội theo dõi các chính trị gia và nhà báo đối lập, làm dấy lên những lo ngại chung về pháp quyền. Vụ bê bối nổ ra vào đầu tháng 8/2022 khi ông Androulakis tiết lộ đã được quốc hội châu Âu thông báo về một nỗ lực cài phần mềm giám sát vào điện thoại di động của ông. Sau đó, ông đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Tối cao Hy Lạp về việc này. Một cuộc điều tra sâu hơn cho thấy ngoài âm mưu bẻ khóa, nghe lén, chiếc điện thoại từng bị Cơ quan Tình báo quốc gia Hy Lạp (EYP) can thiệp cuộc gọi trong khoảng thời gian 3 tháng vào năm 2021. Vụ bê bối khiến cho một loạt quan chức lãnh đạo EYP và Tổng thư ký Văn phòng Thủ tướng phải từ chức.
Tuy nhiên, ông Androulakis chưa chịu dừng tại đó. Ông thúc giục Quốc hội Hy Lạp thành lập ủy ban điều tra để xem xét các trách nhiệm chính trị tiềm ẩn. Đảng đối lập chính Syriza của ông Tsipras đã phát động một cuộc tấn công dữ dội vào chính phủ, gọi đó là vụ “Watergate của Hy Lạp”.
Về phần mình, Thủ tướng Mitsotakis liên tục biện hộ rằng mình “không hề biết đến” vụ nghe lén nói trên. Trong một động thái nhằm lấy lại niềm tin của người dân, ông Mitsotakis công bố các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa khung pháp lý, sự giám sát và tính minh bạch trong EYP.
Bên cạnh câu chuyện nghe lén, một loạt vấn đề khác cũng khiến uy tín của đảng bị sứt mẻ, như vụ rơi máy bay chở vũ khí cho Serb xảy ra hồi tháng 7/2022 làm 8 người chết. Nhưng, vấn đề người dân quan tâm hơn cả là những khó khăn kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu khiến cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong cuộc bầu cử vừa qua, người dân Hy Lạp đi bỏ phiếu với tâm trạng lo lắng về tương lai của nền kinh tế và vấn đề tài chính cá nhân căng thẳng của họ.
Cuộc vận động của đảng Tân dân chủ tập trung vào sự phục hồi kinh tế thành công của đất nước kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019 với việc ông Mitsotakis thể hiện mình là một đôi tay an toàn để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. “Những con số tự nói lên tất cả”, Thủ tướng Mitsotakis nói. “Chúng tôi đã tụt hậu khi tăng trưởng trở lại vào năm 2019 và giờ chúng tôi là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất trong khu vực đồng euro”.
Nền kinh tế của Hy Lạp đã tạo ra một bước ngoặt đáng kinh ngạc trong thập kỷ qua và hiện đang trên đà trở lại cấp độ đầu tư trên thị trường toàn cầu lần đầu tiên kể từ khi nước này mất khả năng tiếp cận thị trường vào năm 2010.
Trong bối cảnh như vậy, cuộc đua tranh bầu cử vào tháng 6 tới sẽ tiếp tục là màn chứng minh năng lực của Thủ tướng Mitsotakis, đồng thời sẽ cho thấy khả năng đảo ngược tình thế của 2 đối thủ Tsipras và Androulakis.