Đối ngoại của Nga dưới thời ông Putin

Thứ Bảy, 22/06/2024, 10:36

Khi mới nhậm chức vào năm 2000, Tổng thống Nga đã nỗ lực hội nhập với phương Tây, nhưng giờ mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi. Xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết đăng trên Tạp chí Nước Nga ngày nay hồi cuối tháng 5/2024 của Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí Các vấn đề toàn cầu của Nga, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai, phân tích về đường lối đối ngoại của ông Putin trong 20 năm làm Tổng thống Nga.

Giới hạn thời kỳ hậu Liên Xô

Xung đột ở Ukraine đánh dấu một bước ngoặt cho vị thế quốc tế của Nga. Thời kỳ phục hồi, vốn là đặc điểm chính của 2 thập kỷ trước, đã kết thúc. Sau những năm 1990 cực kỳ khó khăn, khi chỉ cần nằm trong số các nước dẫn đầu, kể từ đầu thế kỷ này, cơ hội và vị thế đã gia tăng nhờ tham gia vào hệ thống toàn cầu (lấy phương Tây làm trung tâm). Khi nền kinh tế ổn định và quản lý được tổ chức tốt, Nga đã trở thành một đối tác đủ hấp dẫn đối với các nước phát triển, những nước nhận thấy việc hợp tác với Nga và đầu tư vào nền kinh tế của nước này sẽ có lợi. Nhờ vậy, Nga không chỉ mở rộng cơ sở kinh tế mà còn tăng cường chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong thời kỳ hậu Xôviết.

Đối ngoại của Nga dưới thời ông Putin -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Cung điện Grand Kremlin, ở Moscow.

Đồng thời, Moscow đã củng cố vị thế quốc tế nhưng lại suy yếu ở một khu vực có tầm quan trọng cơ bản. Một mặt, việc châu Âu-Đại Tây Dương kéo các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào vòng ảnh hưởng của họ đã làm tăng cạnh tranh với Nga và thúc đẩy xung đột. Mặt khác, các nguồn lực của Nga giúp củng cố vị thế của nước này trong mối quan hệ với các nước láng giềng, trở thành đối tượng được phương Tây quan tâm nhất. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các khu vực khác trên thế giới, nơi ảnh hưởng của Nga ngày càng tăng, từ châu Âu (bất chấp những hạn chế về chính trị) đến châu Phi, Đông Á và ở mức độ nhỏ hơn là châu Mỹ Latinh.

Hội nhập kinh tế với thế giới phương Tây mang lại lợi ích và giúp cải thiện mức sống, nhưng lại mâu thuẫn với mong muốn của Moscow trong việc khẳng định mình là một lực lượng địa chính trị ngày càng độc lập. Đến một thời điểm, hai hướng này có thể dung hòa được nhưng khó khăn ngày càng lớn. Vào tháng 2/2022, ranh giới đã được vạch ra. Nga đã lựa chọn đứng về phía địa chính trị và công khai phản đối phương Tây.

Sự gắn kết trong quan hệ quốc tế

Xung đột ở Ukraine đã có tác động đáng chú ý đến tình hình quốc tế. Tuy nhiên, bản thân xung đột này không phải là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới mà là một nỗ lực nhằm chấm dứt sự bất ổn trong các quan hệ. Những xung đột về “khu vực ảnh hưởng” điển hình của các thời đại trước không tìm được giải pháp hòa bình và chuyển sang giai đoạn bạo lực như thường lệ trước đây. Vào thời điểm đó, kết quả mong muốn của xung đột này là xác định ranh giới của chính những khu vực ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, giờ đây, sự thù địch đang diễn ra trong một môi trường quốc tế khác - thế giới đang nhanh chóng mất đi trật tự. Những đặc thù ngày nay không đòi hỏi phải có một “thỏa thuận lớn” để kết thúc cuộc đối đầu. Nó đòi hỏi các quy tắc và cơ chế rõ ràng để thực thi việc tuân thủ. Hiện tại không tìm thấy điều nào trong số này.

Theo thuật ngữ báo chí hiện đại, chiến thắng trong “chiến tranh hỗn hợp” không  hoàn chỉnh và vô điều kiện, mà có tính chất mơ hồ, ngụ ý xung đột kéo dài dưới nhiều hình thức, không nhất thiết phải trực tiếp bằng quân sự. Điều này không có nghĩa là không có sự phân biệt giữa thất bại và chiến thắng, nhưng sẽ không có một điểm dừng rõ ràng.

Tình hình này dựa trên nghịch lý của hệ thống quốc tế ngày nay. Xung đột, do mong muốn của các nước nhắm tới lợi ích quốc gia, đang diễn ra trong bối cảnh một thế giới liên kết không thể tách rời. Cuộc khủng hoảng toàn cầu hóa tự do sẽ không dẫn đến sự tan rã của hệ thống quốc tế thành những phần biệt lập. Bản chất của sự tương tác đang thay đổi, nhưng nó không bị gián đoạn. Và, những chuỗi cung ứng, hậu cần bị ảnh hưởng do xung đột vũ trang làm nảy sinh mối quan tâm chung và mong muốn chung là loại bỏ các trở ngại (ví dụ minh họa là các vấn đề về hàng hải ở Biển Đen và Biển Đỏ). Tính toàn vẹn của một thế giới đa dạng này là một trở ngại khác cho sự phân chia lợi ích-giá trị. Điều này đi ngược các mục tiêu phát triển, đòi hỏi phải khai thác mọi cơ hội và duy trì liên lạc liên tục. Nền kinh tế chính trị toàn cầu đang nổi lên bác bỏ cả trung tâm thống trị duy nhất lẫn sự phân chia cứng nhắc thành các khối.

Đối ngoại của Nga dưới thời ông Putin -0
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi.

Quyền lực mềm

Một đặc điểm quan trọng của thế giới mới là sự suy giảm của “quyền lực mềm” như đã được hiểu vào cuối thế kỷ trước. Điều này là do ảnh hưởng phi bạo lực đã chứng tỏ được hiệu quả của nó. Và, bây giờ có những người đang thực hiện các bước để vô hiệu hóa quyền lực này. Do đó, có rất nhiều luật được thiết kế để ngăn chặn ảnh hưởng từ nước ngoài. Điều này được kết hợp với những nỗ lực rộng rãi nhằm củng cố bản sắc văn hóa và giá trị, cả trong cộng đồng phương Tây và bên ngoài cộng đồng. Kết quả là khả năng tiếp thu những ý tưởng từ một nền văn hóa khác đang giảm dần. Điều này áp dụng cho cả những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt cách tiếp cận phổ quát của mình lên thế giới, vốn vẫn còn chậm chạp, cũng như mong muốn của mỗi bên (Nga không phải là ngoại lệ) nhằm đoàn kết các quốc gia và dân tộc khác dưới biểu ngữ chính trị và tư tưởng của riêng mình.

Cuộc thảo luận tích cực về sự cần thiết của một hệ tư tưởng nhà nước có lẽ quan trọng từ quan điểm của nhà nước và sự gắn kết của xã hội, nhưng nó ít liên quan đến các hoạt động quốc tế - đơn giản là trên thế giới không có nhu cầu về bất kỳ hệ tư tưởng xuyên quốc gia nào. Điều này không loại trừ việc sử dụng một số khẩu hiệu (đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, bảo vệ các giá trị truyền thống), nhưng chúng chỉ là công cụ.

Xung đột là thường xuyên vì chúng chuyển từ cấp độ này sang cấp độ khác và không có hồi kết. Đặc điểm chính của một quốc gia là sự ổn định và khả năng phản ứng nhanh chóng với những thay đổi. Chìa khóa thành công trong chính sách đối ngoại là điều kiện kinh tế - xã hội và đoàn kết nội bộ của nhà nước. Như kinh nghiệm trong 2 năm xung đột ở Ukraine cho thấy, không phải câu chuyện về tư tưởng hay lời kêu gọi thể chế gây ấn tượng lớn nhất với thế giới bên ngoài, mà là khả năng chịu đựng áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài và duy trì tiềm năng phát triển. Đây có thể được coi là biến thể mới của cái được gọi là “quyền lực mềm”.

Nó rất phù hợp với khái niệm “văn minh nhà nước” hiện đang được công nhận ở cấp độ chính thức. Không thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng về hiện tượng này, nhưng nói tóm gọn điều này rất phù hợp với nhu cầu của thời đại. Nền văn minh nhà nước có cơ sở tự thân, tự cung tự cấp, không tuyên bố chủ nghĩa biệt lập và, theo thuật ngữ phổ biến là “hòa nhập”, tức là có khả năng dung hòa các yếu tố văn hóa khác nhau. Một khuôn khổ như vậy, nếu không chỉ được tuyên bố mà còn được thực hiện, cũng sẽ phù hợp với hoàn cảnh quốc tế biến động.

Kết nối toàn cầu

Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với các hoạt động quốc tế của Nga? Thật là vội vã khi đưa ra kết luận về vấn đề này. Môi trường toàn cầu được mô tả đặc trưng bởi sự biến động. Hãy xem xét một vài xu hướng. Thứ nhất, chính sách đối ngoại gắn liền với nhiệm vụ phát triển nội bộ. Đây là một tuyên bố tầm thường, đã được nói trước đây, nhưng bây giờ nên được hiểu theo nghĩa đen: Phát triển nội bộ là ưu tiên tuyệt đối, nếu không có nó thì sẽ không có gì khác. Trong thứ bậc các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, chính sách quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng hơn chính sách đối ngoại (do sự phân cực và quân sự hóa của môi trường quốc tế) và chính sách đối nội ngày càng trở nên quan trọng hơn chính sách quốc phòng. Nhưng, sự khác biệt giữa các chính sách này lại gần như biến mất.

Thứ hai, Nga là quốc gia quan tâm đến việc duy trì và tăng cường kết nối toàn cầu. Lý do rất đơn giản: Trong sự phát triển tự nhiên của hệ thống thế giới, thực tế không thể bỏ qua Nga - về mặt tài nguyên, hậu cần và vận tải. Sử dụng năng lực của Nga sẽ tự động đồng nghĩa với việc phát triển tiềm năng và củng cố vị thế của nước này.

Liên quan đến điều này là điểm thứ ba - những sáng kiến về các vấn đề thế giới đòi hỏi một giải pháp thực sự chung. Chúng bao gồm các vấn đề về sinh thái, trong không gian và hạn chế khả năng can thiệp của công nghệ vào đời sống công và tư (như một phần của vấn đề lớn hơn về tương lai của trí tuệ nhân tạo). Cho đến nay, những vấn đề này chỉ được thảo luận trong hệ tư tưởng phương Tây, nhưng sự suy giảm của chúng đã được nhận thấy rõ ràng. Nga, với nguồn tài nguyên thiên nhiên, trí tuệ và công nghệ kết hợp, có lợi thế để đưa ra những cách tiếp cận mới.

Thứ tư, các nhóm có cùng quan điểm (liên minh quốc tế) có thể được thành lập xung quanh các mục tiêu rõ ràng mà các quốc gia quan tâm. Các thể chế chung mất đi tính hiệu quả vì lợi ích đa chiều của các thành viên tham gia. Điều này không chỉ áp dụng cho các tổ chức mà trật tự thế giới trước đây dựa vào, mà còn áp dụng cho các nhóm mới như BRICS hay SCO. Họ cần một chương trình nghị sự áp dụng thực tế mà tầm quan trọng của nó được tất cả các thành viên công nhận. Một điều rõ ràng: Vượt qua quyền bá chủ tài chính và tiền tệ của phương Tây và thúc đẩy sự phát triển không dựa vào các thể chế phương Tây là ưu tiên hàng đầu. Thoát khỏi sự độc quyền này là điều tốt cho tất cả mọi người, kể cả những nước hợp tác tốt với phương Tây.

Thứ năm, tầm quan trọng của khu vực lân cận ngày càng tăng lên. Đặc biệt, khi những cách thức gây ảnh hưởng cũ gắn liền với di sản của quá khứ (sự thống trị vô điều kiện của Nga) đang dần biến mất. Làm thế nào để duy trì ảnh hưởng trong giới hạn hợp lý (có thể theo đuổi lợi ích của mình nhưng không bị lôi kéo vào các cuộc cạnh tranh vô bổ với các cường quốc khác) là câu hỏi chính của những năm tới.

Chính sách di cư sẽ đóng vai trò gần như quyết định trong việc xây dựng quan hệ với các nước láng giềng. Một hệ thống hoạt động tốt nhằm thu hút người dân nhập cư và làm việc lâu dài, dựa trên các tiêu chí rõ ràng và tránh tham nhũng nhất có thể, có tầm quan trọng cơ bản đối với cả người nhập cư và người dân Nga. Một mô hình di cư cứng rắn nhưng công bằng sẽ củng cố cơ cấu văn hóa. Nói chung, trong một thế giới mà nhu cầu di cư của con người ngày càng tăng vì nhiều lý do (khí hậu, bất bình đẳng), khả năng điều tiết dòng người di cư sẽ là điều kiện quan trọng nhất cho sự bền vững và phát triển của đất nước. Đây cũng sẽ là một công cụ của chính sách đối ngoại.

Điều này đặt ra câu hỏi mang tính khái niệm về bản chất của biên giới. Việc không thể mở cửa hoàn toàn, như quá trình toàn cầu hóa tự do đòi hỏi hoặc không thể đóng hoàn toàn, như trường hợp ở Liên Xô thế kỷ 20, là vấn đề nan giải cốt lõi. Cả hai đều có thể gây hại cho quốc gia. Sự điều tiết linh hoạt (chúng ta đang nói không chỉ về sự di cư của con người mà còn về tiền bạc, thông tin và hàng hóa) là một nhu cầu cấp thiết sẽ được giải quyết thủ công trong thời gian dài sắp tới.

Tất cả những điều này nhằm giải quyết vấn đề an ninh quốc gia theo nghĩa rộng nhất. Ở dạng truyền thống hơn, lực lượng vũ trang hùng mạnh và hiện đại là sự đảm bảo cần thiết cho tất cả các yếu tố khác. Mức độ xung đột cao trên thế giới không để lại lựa chọn nào khác. Những người dự đoán số lượng xung đột liên quốc gia ngày càng tăng - với mức độ nghiêm trọng ngày càng cao - có lẽ đúng. Nhưng, sự phức tạp của hệ thống quốc tế ngày nay dẫn đến một hệ quả quan trọng - chiến tranh không còn là cách giải quyết mâu thuẫn như các thế kỷ trước. Chính xác hơn, xung đột quân sự có thể “mở ra mối lo ngại mới” khi nó không nhất thiết dẫn đến giải pháp và có thể kéo theo các biến chứng, tức là các vấn đề mới.

Cần có sự răn đe đáng tin cậy, đôi khi đòi hỏi phải sử dụng vũ lực, nhưng trên hết là để duy trì sự cân bằng. Xung đột ở Ukraine là kết quả của sự mất cân bằng nghiêm trọng xuất hiện sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Do quy mô và tiềm năng của mình, Nga có những cơ hội lớn để phát triển độc lập. Điều này là thực tế trong điều kiện hòa bình lâu dài. Và, đấu tranh cho điều đó là nhiệm vụ chính của bất kỳ chính sách nhà nước nào.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.