Cuộc gặp lịch sử Israel – Palestine

Thứ Ba, 04/01/2022, 15:05

Người đứng đầu chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã đến thăm Israel vào tối 28-12, cùng một số người thân cận của ông để gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Benny Gantz. Đây là cuộc gặp đầu tiên của hai nhân vật này trong 11 năm qua. Nhưng, xem ra triển vọng tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình giữa hai nước còn xa vời sau cuộc gặp được cho là lịch sử này.

Cuộc họp, với sự phối hợp của Văn phòng Thủ tướng Israel, kéo dài gần 2 tiếng rưỡi tại tư dinh của Bộ trưởng Quốc phòng Israel ở thị trấn Rosh Ha'ayin, phía Đông Tel Aviv. Hai ông Mahmoud Abbas và Benny Gantz ngồi mặt đối mặt. Cuộc trò chuyện tập trung vào các vấn đề an ninh và dân sự. Theo một nguồn tin Palestine, tầm quan trọng của việc vạch ra một viễn cảnh chính trị đã được những người thân cận của Tổng thống Palestine nêu lên.

Về phía Israel, có thông tin cho biết ông Gantz đã yêu cầu ông Abbas chấm dứt các cuộc tấn công chống Israel ở Bờ Tây. Phía Palestine kêu gọi Israel trấn áp hành vi bạo lực từ những người định cư chống lại họ. Bộ trưởng Israel nhấn mạnh lại việc ông sẵn sàng có các hành động thiện chí như ông đã làm vào cuối tháng 8 năm ngoái khi ông đến thăm Ramallah.

Cuộc gặp lịch sử Israel – Palestine -0
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz thị sát dọc biên giới với Dải Gaza gần Moshav Netiv HaAsara ở miền nam Israel vào ngày 7-12-2021.

Sau khi chính phủ liên minh do Thủ tướng Naftali Bennett lãnh đạo vào tháng 6-2021, các bộ trưởng Israel, bao gồm cả ông Benny Gantz, đã đến thăm Tổng thống Mahmoud Abbas ở Ramallah, nơi đặt trụ sở của chính quyền Palestine. Nhưng, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, ông Mahmoud Abbas đến thăm Israel để gặp gỡ chính thức với một thành viên của Chính phủ Israel, nếu không tính đến việc ông tham gia lễ tang của Tổng thống Shimon Peres. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Palestine Hussein Al-Sheikh, người tháp tùng Tổng thống Mahmoud Abbas, cho đây là cuộc gặp cuối cùng trước khi mọi thứ rơi vào bế tắc và bùng nổ.

Theo ông Al-Sheikh, cuộc họp này tập trung vào các vấn đề an ninh, kinh tế và nhân đạo, về căng thẳng liên quan đến các hoạt động của những người Israel định cư ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và về tầm quan trọng của việc tạo ra một chân trời chính trị tiến đến một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine. “Đây là một nỗ lực nghiêm túc và can đảm nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột giữa hai dân tộc”, ông Al-Sheikh viết trên Twitter. Về phần mình, Bộ trưởng Israel Gantz cũng viết trên Twitter rằng: “Tôi đã gặp Tổng thống Palestine, Mahmoud Abbas vào Thứ ba (28-12). Chúng tôi đã thảo luận về việc thực hiện các biện pháp kinh tế và dân sự và tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp an ninh”.

Kết quả là sau cuộc gặp này, vào 29-12, Bộ Quốc phòng Israel cho biết họ đã thông qua "các biện pháp xây dựng lòng tin", chẳng hạn như tạm ứng cho chính quyền Palestine 100 triệu shekel (28,5 triệu euro) tiền thuế do Israel thu hộ Palestine, cấp thêm 600 giấy phép cho các doanh nhân Palestine đến thăm Bờ Tây và Dải Gaza, chính thức hóa quy chế của khoảng 10.000 người Palestine sống trong một khu vực thuộc Bờ Tây dưới sự kiểm soát của Israel.

Vào tháng 10-2021, Israel đã tuyên bố chính thức hóa quy chế của 4.000 người Palestine sống ở Khu C, một khu vực rộng lớn ở Bờ Tây dưới sự kiểm soát của quân đội và dân sự Israel và là nơi tập trung các khu định cư của Israel. Biện pháp này, giúp ngăn chặn việc trục xuất các gia đình Palestine sống tại đây và được Israel trình bày là "nhân đạo", đã bị các tổ chức Palestine chỉ trích, cho rằng khu vực C là thuộc quyền của người Palestine, do đó họ không cần xin phép người Do Thái để có thể sống ở đó.

Cuộc họp này, trên hết mang tính biểu tượng, được chào đón bằng một cơn mưa chỉ trích. Đầu tiên, Phong trào Hồi giáo Hamas, nắm quyền ở Dải Gaza, một vùng lãnh thổ tách khỏi Bờ Tây và đang bị Israel phong tỏa, đã lên án cuộc gặp, cho rằng nó đi chệch khỏi "tinh thần dân tộc của người Palestine". Hamas gọi cuộc gặp này là một hình thức tình báo với kẻ thù. Người phát ngôn Hamas, Hazem Qassem, cho biết: "Hành vi này của giới lãnh đạo chính quyền Palestine làm xấu đi sự chia rẽ chính trị của người Palestine (...), khuyến khích một số người trong khu vực muốn bình thường hóa với người chiếm đóng và làm suy yếu lập trường từ chối bình thường hóa của người Palestine".

Sau đó, đảng Likud (cánh hữu) của lãnh đạo đối lập Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Israel từ năm 2009 đến tháng 6-2021 và là người chỉ trích gay gắt Tổng thống Palestine, trong một thông cáo báo chí đã lên án cuộc gặp Abbas-Gantz mà ông cho rằng đã dẫn đến "những nhượng bộ nguy hiểm cho an ninh của Israel". Chính phủ của Thủ tướng Naftali Bennett, đang được ủng hộ bởi một đảng Arab trong liên minh cầm quyền, lần đầu tiên trong lịch sử Israel, "đưa Palestine và Abbas trở lại chương trình nghị sự và điều đó là nguy hiểm cho Israel", đảng cực hữu nói thêm.

Trong liên minh cầm quyền hiện ở Israel, một số bộ trưởng của chính phủ đương nhiệm cũng công khai bày tỏ sự không đồng tình với cuộc tiếp xúc này. Abir Kara, một thành viên của đảng Yamina (tôn giáo dân tộc chủ nghĩa) nói với trang web Arutz 7 rằng "nếu tiến trình hòa bình được tái lập, chính phủ liên minh sẽ sụp đổ". Đây là một bằng chứng cho thấy sự mong manh dễ vỡ của liên minh cầm quyền tại Israel. Người chiến thắng duy nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đang cố gắng chứng minh rằng ông là chính trị gia duy nhất ở Israel có thể khởi động lại tiến trình hòa bình với Palestine.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ông Abbas và Gantz diễn ra chưa đầy một tuần sau chuyến thăm Israel và Bờ Tây của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, người từng thảo luận với Tổng thống Mahmoud Abbas về "việc nối lại mức hỗ trợ kinh tế và phát triển đáng kể" từ Mỹ.

Chính phủ Israel cho biết họ muốn thảo luận về các cách thức để "cải thiện" mức sống của người Palestine nhưng lại chưa tìm cách bắt tay vào các cuộc đàm phán hòa bình mới, đã bị đình trệ kể từ năm 2014. Thủ tướng Israel Naftali Bennett, một cựu lãnh đạo của phong trào ủng hộ các khu định cư ở Bờ Tây, phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.