Vì sao Mỹ cáo buộc Nga cung cấp thông tin tình báo cho Iraq?

Thứ Năm, 27/04/2006, 09:00

Câu chuyện Nga cung cấp thông tin tình báo cho chế độ Saddam Hussein được tung ra vào đúng thời điểm này nhằm gây sức ép để giành 1 phiếu thuận của Nga cho 1 chiến lược cứng rắn của Mỹ đối với Iran?

Ngay cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Codolezza Rice đã chính thức lên truyền hình tuyên bố, sẽ yêu cầu Nga phải giải thích rõ về một thông tin gây chấn động mà họ mới phát hiện, liên quan đến việc Moskva đã cung cấp một số thông tin mật về các kế hoạch của Lầu Năm Góc cho Baghdad ngay trước cuộc chiến tại Iraq.

Những tài liệu làm bằng chứng này, theo phía Mỹ, mới được phát hiện tại Baghdad và được công bố trên website của quân đội Mỹ vào thứ năm vừa qua. Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, đây chỉ là một "đòn" của Washington nhằm cảnh báo Nga cần có "thái độ xây dựng hơn" trong việc bàn bạc về chương trình hạt nhân của Iran tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Khi xuất hiện trong chương trình truyền hình "Meet the Press" của Hãng NBC, Ngoại trưởng Rice cho biết, chính quyền Mỹ “đặc biệt chú ý” tới những tài liệu mới được công bố này và dự định sẽ chính thức bàn bạc với Chính phủ Nga. Những tài liệu mới được tung lên website của Bộ Quốc phòng Mỹ, có bản gốc bằng tiếng Arập, là bằng chứng cho thấy các nhà ngoại giao Nga đã trao cho chế độ của Saddam Hussein nhiều thông tin mật quan trọng. Nội dung của chúng liên quan đến số lượng quân đội Mỹ cũng như thời điểm dự tính họ sẽ tấn công vào Iraq hồi năm 2003.

Các tác giả của bản báo cáo dày 210 trang này quả quyết rằng, các tài liệu mật trên đã được đích thân Đại sứ Nga tại Baghdad vào thời điểm đó là Vladimir Titorenko trao cho chính quyền Saddam Hussein. Cần nhớ là chính quan chức này hồi đầu chiến tranh đã dùng đoàn xe ngoại giao của mình để chở một số tài liệu nào đó ra khỏi Iraq và đã gây ra sự phản ứng gay gắt từ phía Mỹ.

Để chứng minh cho những cáo buộc của mình, Lầu Năm Góc đưa ra hai tài liệu được quân đội Mỹ phát hiện tại Iraq. “Tôi không có gì nghi ngờ về tính chân thực của chúng” – Kevin Woods, một trong những tác giả của bản báo cáo đã tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo tại Washington vào thứ sáu tuần trước. Một trong số đó là “bức thư của một quan chức ngoại giao Nga gửi cho thư ký báo chí của Tổng thống Iraq, kể về các kế hoạch của Mỹ”, trong đó cho biết, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ đã từ bỏ kế hoạch tác chiến tại các thành phố Iraq, thay thế chiến lược này bằng cách chia cắt Iraq khỏi khu vực đường biên giới phía tây của nước này. Ngoài ra, Moskva còn quả quyết với Baghdad, quân Mỹ sẽ thực sự tham chiến không sớm hơn giữa tháng 4 từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đòn tấn công phía Nam (từ lãnh thổ Kuwait) chỉ mang tính nghi binh.

Cũng theo bản báo cáo của Lầu Năm Góc, những thông tin mật trên là do Vladimir Titorenko nhận được từ một điệp viên của Nga đang hoạt động trong Bộ tư lệnh quân Mỹ ở Qatar, là nơi chịu trách nhiệm chuẩn bị cho cuộc chiến chống Iraq. Theo khẳng định từ các tác giả bản báo cáo, mật vụ Mỹ đã biết được về điệp viên này của Nga và đã chủ định cung cấp cho anh ta thông tin giả khi hiểu rằng ai sẽ là người cuối cùng nhận được nó.

Trên thực tế, chiến dịch quân sự của Mỹ bắt đầu từ giữa tháng 3, và đòn tấn công chính là từ hướng Kuwait. Hiện số phận của điệp viên trên cũng như tên tuổi của anh ta không thấy phía Mỹ nhắc tới. Còn một nguồn tin trong giới ngoại giao Nga tại New York đã nhận định, “phía Mỹ chẳng đưa ra được bằng chứng rõ ràng nào về việc Nga trao cho chế độ Saddam Hussein các thông tin mật”.

Ngay cuối tuần qua, Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR) đã có những phản ứng đầu tiên trước những lời cáo buộc từ phía Mỹ. “Những lời cáo buộc vô căn cứ kiểu trên chống lại tình báo Nga đã không ít lần xảy ra. Chúng tôi cho rằng sẽ là thừa khi bình luận về những thông tin trên” – người đứng đầu bộ phận quan hệ báo chí của SVR là Boris Labusov đã tuyên bố như vậy. Còn một quan chức giấu tên của cơ quan ngoại giao Nga tại New York đã bày tỏ sự nghi ngờ về những hành động của Hãng truyền hình ABC, hãng đầu tiên tung ra thông tin về vụ này.

Theo nguồn tin này, “ABC đã nhiều lần tự mình đứng ra làm diễn đàn tuyên truyền cho những tên ly khai ở Chechnya”. Hồi năm ngoái, chính kênh truyền hình này đã cho phát bài phỏng vấn của phóng viên Sergey Babisky đối với trùm khủng bố Shamil Basayev, gây ra sự phản ứng quyết liệt từ phía Moskva. “Chúng tôi không hiểu vì sao tình huống này (ý nói đến những lời buộc tội Nga) lại vượt ra khỏi phạm vi của thỏa thuận trao đổi bí mật thông tin theo kênh ngoại giao giữa hai nước – nhà ngoại giao này tỏ ý nghi ngờ – Nếu chính quyền Mỹ gửi chất vấn tới, chúng tôi sẽ giải thích rõ tất cả”.

Không chỉ có phía Nga, một loạt quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phản đối việc công bố những tài liệu chưa có bằng chứng thuyết phục trên, tất nhiên là theo những nguyên nhân khác nhau. “Cần phải hiểu rằng, việc công bố những dữ liệu trên chỉ làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Moskva và Washington – một nguồn tin thân cận của Chính phủ Mỹ khẳng định – Một số quan chức đại diện của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã phát biểu phản đối việc công bố bản báo cáo này trên website của lục quân Mỹ”.

Câu chuyện Nga cung cấp thông tin tình báo cho chế độ Saddam Hussein được tung ra vào đúng thời điểm, khi Washington đã mệt mỏi trong nỗ lực thuyết phục Moskva ủng hộ cho đường lối cứng rắn của mình đối với Iran. Theo phía Mỹ, Nga rõ ràng đang “chọc gậy bánh xe”, trong khi phương Tây đang hết sức lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran.

Vào thứ sáu vừa qua, Ngoại trưởng Rice trong một cuộc điện đàm cũng yêu cầu đồng nghiệp Sergey Lavrov của Nga phải từ bỏ chính sách trì hoãn đưa hồ sơ hạt nhân của Iran ra xem xét tại Hội đồng Bảo an. Theo phía Mỹ, sự trì hoãn này sẽ giúp cho Tehran tiếp tục công việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Đáng chú ý là Ngoại trưởng Mỹ không nhắc gì tới bản báo cáo trên trong cuộc hội đàm. Phải chăng, việc công bố một “chuyện xưa” như vậy thực chất chỉ là đòn cảnh báo của Washington đối với Moskva?

Thái Quân (tổng hợp)
.
.
.