Thủ đô Pháp lần đầu tiên sẽ có nữ thị trưởng

Thứ Ba, 25/02/2014, 10:40

"Trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 3 tới đây, thủ đô Paris lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm tồn tại của mình sẽ có người đứng đầu chính quyền là một phụ nữ", đó là nhận định chung của giới bình luận chính trị am hiểu, nhân kỳ bầu cử chức danh Thị trưởng thành phố hàng đầu nước Pháp sắp diễn ra...

Quả thực giữa các ứng viên tiềm năng là 2 gương mặt nổi trội nhất, hiển nhiên giữa họ sẽ diễn ra "trận đấu tay đôi" cuối cùng dạng "kẻ tám lạng người nửa cân" bởi đều là những nữ chính khách cộm cán. Mỗi người đều xứng đáng đại diện cho lực lượng chính trị hậu thuẫn mình, cũng là 2 chính đảng "kỳ phùng địch thủ" trên chính trường Pháp là đảng Xã hội (PS) đương quyền và Phong trào Liên minh Nhân dân (UMP) đối lập.

Trước hết nói về bà Nathalie Kosciusko-Morizet 41 tuổi, nổi danh qua biệt hiệu "NKM" là ứng viên duy nhất của UMP cho chức danh Thị trưởng Paris, được cựu Thủ tướng Francois Fillon đích thân đề cử trong kỳ Đại hội sơ bộ của UMP vào đầu tháng 6/2013. Năm 2002 khi mới 29 tuổi, NKM với 2 bằng cử nhân Bách khoa và Quản trị kinh doanh đã được bầu vào Quốc hội Pháp, rồi tái đắc cử qua 2 kỳ kế tiếp trong các năm 2007 và 2012. Tới năm 2007 NKM trở thành Bí thư Nhà nước phụ trách môi trường sinh thái. Tháng 3/2008, bà được bầu làm Thị trưởng thành phố Longjumeau ở vùng ngoại vi Paris và tại vị cho đến nay.

Qua năm 2009 bà được bổ nhiệm làm Bí thư Nhà nước chịu trách nhiệm lập kế hoạch chuyển tiếp, đánh giá chính sách công và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Đến tháng 11/2010, NKM được Thủ tướng F. Fillon cử làm Bộ trưởng Bộ Môi trường sinh thái, Phát triển bền vững, Giao thông vận tải và Xây dựng nhà ở. Gần 2 năm sau bà quyết định rời bỏ chức danh bộ trưởng, để đảm nhiệm vai trò là người phát ngôn cho ứng viên - Tổng thống Nicolas Sarkozy của UMP trong chiến dịch tái tranh cử của ông.

Ứng viên kế tiếp là bà Anne Hidalgo 55 tuổi, đương kim Phó thị trưởng thứ nhất của "kinh đô ánh sáng" Paris, cũng là người được viên Thị trưởng kỳ cựu Bertrand Delanoe đứng ra giới thiệu để thay thế mình, cốt duy trì vị thế của PS trong Hội đồng chính quyền thủ đô. Từ một kỹ sư Thanh tra lao động, A. Hidalgo "lấn sân" sang lĩnh vực chính trị, rồi đến năm 38 tuổi trở thành Cố vấn cao cấp cho Bộ trưởng Bộ Lao động, Việc làm và Dạy nghề Martine Aubry, cũng là Bí thư thứ nhất của PS sau này. Kế đến A. Hidalgo là Cố vấn kỹ thuật cho Bí thư Nhà nước về quyền của phụ nữ và đào tạo nghề Nicole Pery. Tới năm 2000, bà đảm nhiệm trọng trách Thư ký chính chịu trách nhiệm về quan hệ xã hội và thực trạng quan chức cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp Marylise Lebranchu.

Trong kỳ bầu cử vào tháng 3/2001, ứng viên A. Hidalgo đã trúng cử vào Hội đồng thành phố Paris, rồi trở thành Phó thị trưởng thứ nhất tính theo tỷ lệ phiếu bầu, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử giữ cương vị đầy quyền uy này. Ưu thế của bà A. Hidalgo dựa vào cách thức bầu cử, theo đó chức danh Thị trưởng do những người mới trúng cử ở các khu vực hành chính trên địa bàn Paris bầu ra, chứ cử tri không bầu trực tiếp theo lối phổ thông đầu phiếu.

Cuộc tranh luận trên truyền hình giữa 2 ứng viên chính.

Chung quy lại, NKM là một chính khách "nhà nòi", với ông nội Jacques Kosciusko-Morizet (1913-1994) từng là Đại sứ Cộng hòa Pháp ở Mỹ; người cha Francois Kosciusko-Morizet, 74 tuổi, đang là Thị trưởng thị trấn Sevres thuộc ngoại ô Paris; còn người em trai Pierre Kosciusko-Morizet, 37 tuổi, là nhà sáng lập website Priceminister.com, trang tin thương mại điện tử đứng hàng thứ 3 ở Pháp. Còn A. Hidalgo đại diện cho tầng lớp dân nhập cư, bởi cha mẹ bà đều là người gốc Tây Ban Nha. Riêng bản thân Phó thị trưởng A. Hidalgo từng được Vua Tây Ban Nha Juan Carlos I trao tặng Huy chương Danh dự, tôn vinh nữ chính khách này như là "hiện thân mẫu mực về sự hội nhập thành công trong xã hội Pháp".

Trong thực tế, cương lĩnh tranh cử của 2 nữ ứng viên có nhiều điểm chung, như hỗ trợ việc phân bổ nhà ở xã hội giữa bối cảnh Paris là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới, áp dụng các biện pháp hạn chế xe hơi xả khí thải gây ô nhiễm môi trường, ủng hộ hôn nhân đồng tính mà gần đây đã được hợp pháp hóa tại Pháp...

Trong 40 thành phố ở Pháp với dân số trên 100.000 người, chỉ có 5 phụ nữ đảm nhiệm chức vụ Thị trưởng chiếm tỷ lệ 12,5%. Được biết, chức danh Thị trưởng Paris với số dân hơn 12 triệu người, tương đương hơn 1/5 dân số Pháp là bước khởi đầu cho những nấc thang quyền lực tối cao. Ví như cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac từng là người đứng đầu chính quyền thành phố thủ đô suốt 18 năm liền

Kim Dung (theo Le Figaro)
.
.
.