“Tấn trò đời” đầy bi kịch của Bạc Hy Lai

Thứ Bảy, 07/09/2013, 16:30

Có thể nói, vụ bê bối liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai - nhân vật được lòng dân nhưng cũng không ít tai tiếng - đã trở thành một sự kiện đình đám của làng chính trị Trung Quốc năm 2012. Ngày 26/8 vừa qua, phiên tòa xét xử bị cáo Bạc Hy Lai đã kết thúc sau 5 ngày xét xử. Tòa án nhân dân thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, tuyên bố sẽ đưa ra bản án vào một ngày khác chưa được ấn định rõ ràng.

Thế là người hùng của thành phố Đại Liên và Trùng Khánh, một tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc đang đau đớn ngồi chờ án. Có đường công danh liên tiếp thăng hoa nhờ tố chất “trời sinh”, cùng với xuất thân thuộc hàng “công hầu khanh tướng”, thế nhưng, “ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc” - Bạc Hy Lai giờ đã trở thành “tội đồ” sau bê bối lớn nhất kể từ nhiều thập niên trở lại đây.

Vụ việc của Bạc Hy Lai được xem là một bài học nghiêm túc cần rút kinh nghiệm đối với thế hệ lãnh đạo hiện tại và tương lai của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tìm đồng minh trước tòa

Ngày 22/8/2013, Bạc Hy Lai lần đầu xuất hiện sau khi bị đình chỉ mọi chức vụ trong đảng, chính quyền và bị điều tra từ tháng 3/2012. Khi được phát biểu ý kiến, bị cáo Bạc Hy Lai bất ngờ phản cung lời thú tội trước đó với lý do "chịu sức ép lớn" trong quá trình điều tra. Ông Bạc không nhận mọi tội danh dành cho mình và bác bỏ gần như tất cả lời khai của các nhân chứng.

Sự điềm tĩnh và tự tin của Bạc Hy Lai trước tòa cho thấy ông ta đang thực hiện một sách lược ba bước nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ dư luận.

Trong 5 ngày xét xử, ông ta gọi nhân chứng là "chó điên", vợ "bị điên", người bạn "cánh tay phải" một thời là kẻ gian xảo và hai mặt. Bạc Hy Lai nói không hay biết số tiền hay căn nhà mà vợ mình được tặng, cũng không tham ô số tiền dự án ở Đại Liên. Bạc Hy Lai cũng đưa ra nhiều lập luận để chứng minh sự vô tội của mình và không liên quan đến số tiền hay việc phạm tội của vợ và các cấp dưới.

Trong 5 ngày diễn ra phiên tòa, những tiết lộ về những chuyến bao trọn máy bay, các biệt thự đắt tiền, thịt thú rừng quý hiếm, chuyện tình ngoài hôn nhân, những phát ngôn mạnh mẽ và thẳng thắn của ông Bạc là những thông tin hé lộ về đời sống của ngôi sao chính trường một thời, được đánh giá là bất ngờ hiếm có.

Người ta quan sát thấy ông Bạc tìm cách chạm đến trái tim những người ủng hộ ông ta gồm chủ yếu nông dân trung thành và có suy nghĩ truyền thống - bằng cách nói rằng chiếc áo ông mặc được làm ra bởi một công ty may ở Đại Liên, và chiếc quần ông mặc là do mẹ mua cho từ những năm 1960. Biểu hiện này của Bạc Hy Lai tại phiên tòa được dư luận đánh giá là "ngoài dự đoán, bất ngờ đối với những người chống và ủng hộ ông".

Trên các trang mạng xã hội, nhiều luồng ý kiến cho rằng Bạc Hy Lai đã áp dụng sách lược ba bước đúng đắn. Đầu tiên là tỏ ra yếu ớt, chịu thỏa hiệp, chấp nhận phạm vi khởi tố ở mức nhẹ nhất để được có cơ hội tiếp xúc với dư luận. Bước thứ hai là phản cung trước tòa, phủ nhận mọi lời buộc tội. Bước thứ ba, đấu lý trước tòa với mục tiêu nhắm tới là dư luận gồm những người ủng hộ.

Quả thực, người dân vẫn rất ủng hộ Bạc Hy Lai vì cho rằng những thành tích trong quá khứ của ông không thể bị phủi sạch. Hàng chục người kéo đến đối đầu với hàng rào cảnh sát bên ngoài Tòa án Tế Nam, hô khẩu hiệu "Ủng hộ Bạc bí thư" và đòi trả tự do, phục chức cho Bạc Hy Lai.

Thậm chí, tờ nhật báo Quả táo của Hồng Kông ngày 24/8 đã đăng bài "Ông ấy bị hãm hại, ở Trùng Khánh không tìm được ai nói xấu Bạc Hy Lai". Tờ báo này cũng tung tin rằng, ông Bạc sẽ được chuyển tới "nhà tù sang trọng bậc nhất Trung Quốc" mang tên Tần Thành, ở Bắc Kinh. Nơi đây nổi tiếng vì an ninh nghiêm ngặt và là nơi giam giữ các quan chức có ảnh hưởng lớn, những tù nhân chính trị cấp cao.

Tờ báo phân tích dù Bạc Hy Lai mắc "trọng tội", nhưng chính quá khứ tươi đẹp và công lao to lớn của ông buộc phiên xét xử phải kéo dài thêm 3 ngày so với dự kiến để rồi đi tới một quyết định: ông Bạc sẽ chịu án trong một nhà tù hạng sang, được ở phòng riêng, chơi tennis và thưởng thức các món ăn đẳng cấp 5 sao.

Ngôi sao chói sáng trước khi… tắt phụt

Bạc Hy Lai sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, có cha là cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba. Vị thế này dường như đã biến Bạc Hy Lai nghiễm nhiên trở thành một trong những người được coi là thế hệ lãnh đạo kế cận của Trung Quốc. Đây chính là những tiền đề để ông bước chân vào con đường chính trị.

Bạc Hy Lai từng giữ chức thị trưởng thành phố Đại Liên - một thành phố cấp II thuộc tỉnh Liêu Ninh vào năm 1993. Hình ảnh về Đại Liên khi ấy không có gì khác là những khu nhà ổ chuột, những hẻm phố lầy lội, gập ghềnh, môi trường sống ẩm thấp, tối tăm, nặng nề và bẩn thỉu. Trước thách thức to lớn ở vị trí người lãnh đạo mới, chính trị gia họ Bạc đã quyết tâm thực hiện một chiến dịch "đẹp hóa Đại Liên" nhằm thay đổi hình ảnh thành phố trẻ và mang lại cuộc sống lý tưởng cho người dân. Ông lập tức cho phá hủy các nhà máy cũ, thực hiện phong trào trồng cây phủ xanh, xây dựng nhiều công viên, quảng trường.

Ông Bạc còn thực hiện tăng cường các biện pháp kiểm soát khâu xử lý rác thải ở các nhà máy, xí nghiệp trong chiến dịch làm trong sạch hơn 40 dòng sông bị ô nhiễm nặng thuộc địa bàn thành phố và chỉ đạo cho xây dựng nhiều khu nhà cho thuê giá rẻ đáp ứng nhu cầu của khoảng 450.000 người. Không những thế, chuyện Đại Liên còn được biết đến với hình ảnh một thành phố du lịch - dịch vụ - thương mại hiện đại, giao thông thuận tiện, có nhiều di tích lâu năm thường xuyên được tôn tạo, cảnh quan hấp dẫn và rất thanh bình.

Đến tận bây giờ, sau khi Bạc Hy Lai đã rời Đại Liên, các quan chức thành phố cũ vẫn còn nhớ hình ảnh thị trưởng họ Bạc đã tự hào như thế nào trong các cuộc họp khi lớn tiếng khẳng định rằng: "Thành phố Đại Liên là một bộ trang sức quý giá mà mỗi món đồ trong đó đều được chính tay tôi đánh bóng và nâng niu một cách cẩn thận".

Bản thân Bạc Hy Lai là một nhà lãnh đạo đầy năng lực, được cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân để mắt và ủng hộ. Ở mỗi cương vị khác nhau, Bạc Hy Lai luôn cố gắng xây dựng một hình ảnh lãnh đạo mẫu mực, một chính trị gia sắc sảo, khôn ngoan. Vì thế Bạc Hy Lai rất được đảng và nhà nước Trung Quốc chú ý đào tạo và bồi dưỡng.

Bạc Hy Lai từng được ca ngợi là người hùng của thành phố Đại Liên và Trùng Khánh, một tấm gương chính trị gia điển hình có tầm nhìn và năng lực lãnh đạo ở Trung Quốc.

Năm 2004, nhờ chứng tỏ được khả năng, Bạc Hy Lai được bầu vào Ban Chấp hành trung ương, giữ chức Bộ trưởng Thương mại. Ở vị trí này, ông ta được biết đến là một chuyên gia thương thuyết hiệu quả, góp phần bảo vệ chính sách và lợi ích của đất nước Trung Quốc trong hội nhập và thương mại quốc tế. Chính Bạc Hy Lai đã có nhiều đóng góp trong quá trình ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ - Trung vào năm 2005. Những dư âm tốt đẹp mà Bạc Hy Lai để lại khi còn giữ chức thị trưởng thành phố cảng Đại Liên hay Bộ trưởng Thương mại đã giúp ông tiến xa hơn trên chính trường Trung Quốc.

Năm 2007, Bạc Hy Lai trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban thường vụ, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ở cương vị mới, Bạc Hy Lai đã từng góp phần cho sự thay đổi ngoạn mục của thành phố này thời gian sau đó.

Dưới thời Bạc Hy Lai, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trùng Khánh đã khiến báo giới Trung Quốc hết lời ca ngợi. Năm 2009, Bạc Hy Lai cùng với chính quyền thành phố tiến hành một cuộc trấn áp "Đả hắc trừ ác" lớn chưa từng có, bắt giữ gần 5.000 người bị nghi ngờ là xã hội đen và những cán bộ tham nhũng, coi thường pháp luật, lập lại kỷ cương cho Trùng Khánh.

Bạc Hy Lai còn gây ấn tượng thông qua giải quyết êm thấm vụ đình công của tài xế taxi, giáo viên thành phố, không phải bằng cách cũ là cho cảnh sát bắt giữ người đình công. Ông mời những người đại diện đình công đến dự một diễn đàn cùng với ông được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình và thương thuyết điều kiện chấm dứt đình công một cách công khai.

Có thể nói cánh cửa danh vọng đang mở rộng hết cỡ trước vị chính trị gia đầy tham vọng này. Bạc Hy Lai được kỳ vọng sẽ là ứng cử viên sáng giá của thế hệ lãnh đạo thứ năm, sau Đại hội Đảng lần thứ 18 của Trung Quốc. Thế nhưng, con đường công danh của ông Bạc bỗng dưng tụt dốc thảm hại trong một vụ bê bối động trời do chính bàn tay của vợ ông - bà Cốc Khai Lai - dàn dựng, bắt nguồn từ cái chết của doanh nhân người Anh Neil Heywood...

Trần Quân - Việt Dũng (tổng hợp)
.
.
.