“Sóng ngầm” ở Đông Địa Trung Hải

Thứ Hai, 22/06/2020, 19:50
Từ khi được phát hiện chứa nhiều tài nguyên dầu khí, Đông Địa Trung Hải đang dần trở thành "sân khấu" cho một cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa các nước ven bờ biển này mà đại diện một bên là Thổ Nhĩ Kỳ cùng Libya và phía bên kia là đảo Síp, Hy Lạp, Irsael và Liên minh châu Âu hậu thuẫn.

Trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục có hành động ở phía Đông Địa Trung Hải. Đây là nơi có những phát hiện lớn về các mỏ khí đốt, đặc biệt là ngoài khơi đảo Síp. Điều này khơi dậy lòng ham muốn của tất cả các nước tiếp giáp với vùng biển này. Một số tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện khoan thăm dò gần đảo Síp, gây ra sự phản đối đặc biệt từ Nicosia, Athens và Cairo.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis và người đồng cấp Israel tại Jerusalem, ngày 16-6.

Việc tìm kiếm dầu khí này của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nguồn gây căng thẳng với Liên minh châu Âu. EU tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ "khoan thăm dò bất hợp pháp", đã nhiều lần đe dọa sẽ trừng phạt Ankara.

Mấy ngày gần đây, một bên là Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp có những hành động không thiện chí, một bên là đảo Síp và Hy Lạp không ngừng tố cáo. Ngày 16-6 trong chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài tới Israel kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng COVID-19, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đang "đe dọa sự ổn định" ở Địa Trung Hải, nhất là việc hợp tác với Libya. Ông Mitsotakis đã đến Jerusalem sáng 16-6 trong chuyến thăm 2 ngày cùng với các quan chức hàng đầu của Chính phủ Hy Lạp.

Tại Jerusalem, Hy Lạp và Israel đã ký thỏa thuận về du lịch, nông nghiệp và công nghệ. Israel, Hy Lạp và Síp muốn trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng năng lượng cho châu Âu, đặc biệt là dự án đường ống dẫn khí Eastmed của họ, đồng thời thể hiện quyết tâm đối chọi với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tìm cách chinh phục các mỏ năng lượng của khu vực.

Ngày 4-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã xác nhận tại một cuộc họp báo chung với người đứng đầu chính phủ GNA Fayez el-Sarraj tại Ankara rằng Thổ Nhĩ Kỳ và GNA dự định tiến hành tìm kiếm dầu khí ở biển Địa Trung Hải. "Theo thỏa thuận với Libya, chúng tôi có thể bắt đầu tìm kiếm (dầu) trong 3 hoặc 4 tháng", Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez, nói với hãng thông tấn nhà nước Anadolu. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, đã bị phản đối bởi hầu hết các quốc gia tiếp giáp với Đông Địa Trung Hải, thềm lục địa của Thổ Nhĩ Kỳ được mở rộng đáng kể.

Theo Ankara, thỏa thuận này không chỉ cho phép họ có yêu sách đối với một số mỏ dầu khí nhất định ở Địa Trung Hải mà còn có tiếng nói trong dự án đường ống dẫn khí EastMed, nhằm mục đích xuất khẩu khí đốt từ Israel sang Trung Âu và sẽ đi qua khu vực được tuyên bố chủ quyền bởi Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, một tờ báo của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mới đây cho biết tập đoàn dầu khí Thổ Nhĩ Kỳ (TPAO) đã nộp giấy phép thăm dò và khai thác dầu khí gần các hòn đảo của Hy Lạp. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Dendias sau đó tố cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình vi phạm quyền chủ quyền của một quốc gia khác, gọi giấy xin phép trên là khiêu khích vì đây là thềm lục địa Hy Lạp. Ngoài ra, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cũng đã gửi thư tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu thông báo về "các hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ".

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Libya Fayez al-Sarraj.

Hy Lạp cho rằng một sự leo thang có thể xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp ngày 5-6 tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh Star Channel rằng Hy Lạp sẽ sử dụng vũ khí ngoại giao và răn đe, thậm là quân sự. “Hy Lạp đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì, bao gồm cả hành động quân sự chống lại Ankara để bảo vệ quyền chủ quyền của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikolaos Panagiotopoulos cho biết. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp không loại trừ một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột.

Như để đáp trả, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-6 cho biết quân đội nước này đã tiến hành một cuộc tập trận không quân và hải quân tại khu vực Đông Địa Trung Hải, một động thái phô diễn lực lượng có liên quan tới cuộc xung đột tại Libya. Theo một thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc tập trận kéo dài trong 8 giờ đồng hồ ngày 11-6 có tên gọi "Huấn luyện vùng biển mở". Tham gia sự kiện có 8 tàu khu trục và tàu hộ tống, cùng 17 máy bay xuất phát từ Eskisehir ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là "liên minh" bao gồm Pháp, UAE, Ai Cập, Hy Lạp sẽ làm gì để kiềm chế hải quân Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp bằng cách đưa vũ khí hoặc có thể là tiến hành đổ bộ, chi viện hỏa lực cho GNA ở Libya? Các chuyên gia dự đoán rằng vào mùa hè năm 2020, khu vực Đông Địa Trung Hải có thể sẽ trở thành "sân khấu" chính cho một cuộc đối đầu quân sự không khoan nhượng giữa hải quân của các nước ven bờ và các đồng minh của họ.

Ngoài các cường quốc trong khu vực, các cường quốc trên thế giới cũng đang để mắt tới Đông Địa Trung Hải. Trợ lý Bộ trưởng Bô Ngoại giao châu Âu và Á-Âu Mỹ Matthew Palmer đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế V Delphic rằng nước này đặc biệt quan tâm đến hoạt động thăm dò tài nguyên ở quanh đảo Síp. Washington rất quan tâm đến cuộc tranh chấp lâu dài giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ và hứa rằng sẽ can thiệp vào cuộc xung đột này. Ngày 12-6, trả lời phỏng vấn hãng tin Anadolu, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng hiện diện của hải quân Nga ở Đông Địa Trung Hải.

Trước thông tin này, ngày 17-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố: “Không phải Nga đang tiến về phía biên giới NATO, mà là NATO đang mở rộng, liên tục tiến về biên giới Nga, bất chấp thỏa thuận không mở rộng về phía Đông đạt được năm 1990. Rõ ràng, NATO đã lãng quên thỏa thuận này”.

“Các tàu của Nga từng có mặt ở Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ, lẽ nào NATO và ông Stoltenberg không biết điều này. Các tàu Nga có mặt ở Địa Trung Hải từ khi chưa ai biết về NATO. Tàu Nga từng có mặt ở đó cho các mục đích khác nhau - thương mại, giúp đỡ các đối tác của chúng tôi, đảm bảo an ninh quốc gia cho đất nước mà chúng tôi có quyền”, bà Zakharova nói thêm. Xem ra, sóng ngầm đang xuất hiện ở Đông Địa Trung Hải, không biết khi nào nó sẽ trồi lên mặt biển thành sóng dữ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.
.