Iran sẽ chọn giải pháp hạt nhân của khối Arập?

Thứ Năm, 29/11/2007, 15:50
Trong những ngày qua đã có vài chuyển biến đáng chú ý xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Ngày 18/11, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã ngỏ ý sẵn sàng xem xét đề xuất của 6 nước Arập thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) về việc thành lập một tổ hợp liên doanh sản xuất nhiên liệu uranium bên ngoài lãnh thổ Iran để cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân của nước này.

Trong khi phương Tây liên tục huơ "cây gậy" gia tăng sức ép (đòi tăng mức trừng phạt), đề xuất trên đây được hiểu như một "củ cà rốt", và là một nỗ lực nhằm giải tỏa bế tắc hiện nay.

Bản báo cáo của IAEA

Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra hôm 15/11 chứa đựng những thông tin mà các bên liên quan đều “cảm thấy hài lòng”, bởi nội dung không thiên vị của nó.

Theo bản báo cáo, lần đầu tiên IAEA xác nhận Iran đã vượt ngưỡng 3.000 máy ly tâm được đưa vào hoạt động, tăng gấp 10 lần so với cách nay 1 năm. Về lý thuyết, số máy ly tâm này đủ để Iran sản xuất 1quả bom hạt nhân trong vòng từ 12 đến 18 tháng.

Báo cáo của IAEA cho rằng Iran chỉ “đáp ứng một cách thụ động” chứ không “chủ động hợp tác” với IAEA, và sự hợp tác đó cũng mang tính “chọn lọc” và “không đầy đủ”.

Bản báo cáo kết luận, Iran đã “từ chối công bố đầy đủ chương trình hạt nhân, không chịu ngưng hoàn toàn các hoạt động hạt nhân gây tranh cãi như yêu cầu của HĐBA”.

Đối với Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp - vốn chủ trương sử dụng biện pháp mạnh tay với Iran - thì những thông tin trên được xem như “bằng chứng” mới cho thấy Tehran vẫn “ngoan cố” theo đuổi chương trình làm giàu uranium bất chấp các nghị quyết và lệnh cấm vận (có giới hạn) của Hội đồng Bảo an LHQ và đã không hợp tác đầy đủ với IAEA.

Trước khi báo cáo của IAEA được công bố, các nước Anh và Pháp đã lên tiếng sẽ vận động gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nếu Iran không đáp ứng các yêu cầu của HĐBA là công khai chương trình hạt nhân đồng thời ngưng làm giàu uranium. Vì thế, chắc chắn Mỹ, Anh, Pháp sẽ sử dụng phần báo cáo này để làm cơ sở yêu cầu HĐBA gia tăng trừng phạt Iran.

Tuy nhiên, việc gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh tay không phải là giải pháp khả thi, vì thế đang bị Nga và Trung Quốc phản đối; kể cả một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng không ủng hộ giải pháp này.

Nga và Trung Quốc bảo lưu quan điểm không thay đổi rằng, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nữa chẳng những không mang lại hiệu quả, mà còn có thể gây tác dụng ngược. Các nước EU như Italia và Đức thì do có nhiều chương trình hợp tác kinh tế với Iran nên không ủng hộ việc gia tăng cấm vận cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, báo cáo của IAEA cũng đưa ra bằng chứng cho sự trung thực về chương trình hạt nhân của Iran. Tháng 8/2006, Iran đã đạt thỏa thuận với IAEA và nhất trí bản “kế hoạch hành động” theo đó Tehran sẽ đáp ứng các yêu cầu của IAEA là trả lời tất cả các câu hỏi về các chương trình hạt nhân trong quá khứ lẫn hiện tại, trong đó quan trọng nhất là việc sản xuất các máy ly tâm P-2.

Báo cáo cho biết, Tehran đã công bố “một phần thông tin về chương trình sản xuất máy ly tâm P-2” và các hồ sơ, bản vẽ liên quan đến các nhà máy hạt nhân trong quá khứ. Việc Tehran cam kết sẽ hợp tác với IAEA giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng trong thời gian tới được xem là bước tiến triển đầy hy vọng trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran.

IAEA nhấn mạnh rằng, tới nay cơ quan này vẫn không phát hiện bằng chứng nào cho thấy Iran làm giàu uranium đến mức độ sản xuất được bom hạt nhân.

“Thế giới sẽ thấy rằng Iran đã đúng và sự phản kháng của nước chúng tôi là đúng” - Tổng thống Ahmadinejad phát biểu sau khi IAEA công bố bản báo cáo. Một số nhà ngoại giao phương Tây đã tỏ ra tin tưởng vào sự hợp tác của Iran với IAEA và các cuộc làm việc sắp tới của nước này với IAEA.

Đề xuất của GCC và Tổng thống Thụy Sĩ

Xem ra, ngoại giao vẫn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Khi nêu sự hợp tác trung thực của Iran, bản báo cáo của IAEA đã tạo cơ hội cho việc chọn lựa giải pháp ngoại giao thay thế bạo lực, để từ đó có thể dẫn đến một hướng đi mang tính thỏa hiệp nhằm tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Iran với phương Tây. Ngoại giao cũng là giải pháp mà Nga và Trung Quốc đã chọn lựa ngay từ đầu.

Tháng 12/2005, Nga đã đề xuất xây dựng một nhà máy làm giàu uranium cho Iran đặt trên lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, giải pháp này đã không được các bên quan tâm.

Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey.

Đầu tháng 11/2007, 6 nước thuộc GCC gồm Bahrain, Kuweit, Oman, Qatar, Arập Xêút và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã đề xuất giải pháp tương tự: Thành lập một tổ hợp liên doanh làm giàu uranium bên ngoài lãnh thổ Iran, ở một quốc gia trung lập như Thụy Sĩ chẳng hạn.

Bộ trưởng Ngoại giao Arập Xêút, Hoàng tử Saud al-Faisal cho biết, sắp tới các nước GCC sẽ họp với Iran để bàn bạc về giải pháp này.

Ngày 18/11, Tổng thống Thụy Sĩ Micheline Calmy-Rey cũng bất ngờ đưa ra đề nghị làm trung gian cho cuộc thương thảo và làm địa điểm xây dựng tổ hợp làm giàu uranium cho Iran. Bà Calmy-Rey cho biết, với tư cách là một nước trung lập, Thụy Sĩ sẽ dễ dàng được chấp nhận.

Ngoài ra, một tổ hợp làm giàu uranium ở Thụy sĩ cũng có khả năng cung cấp uranium cho các quốc gia khác trong vùng Vịnh muốn phát triển năng lượng hạt nhân.

Giới phân tích cho rằng, lời đề nghị của bà Calmy-Rey đã mở một lối ra cho bế tắc trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Iran với phương Tây

An Châu (tổng hợp)
.
.
.