Đức: Quyền bất khả xâm phạm ngoại giao bị lợi dụng

Thứ Sáu, 23/03/2007, 15:15

Một số nhà ngoại giao tại Berlin đang lợi dụng "Quyền bất khả xâm phạm về ngoại giao" để che đậy hành vi phạm lỗi của họ, từ lái xe tốc độ cao khi có rượu bia cho đến trộm cắp. Báo chí Đức đã lên tiếng báo động.

Một chuyến thăm chính thức Berlin trong 2 ngày dường như cốt chỉ để Kazakhstan hàn gắn lại mối quan hệ ngoại giao với Đức, sau khi Kazakhstan tung ra bộ phim châm biếm “Borat” (bị nước chủ nhà Đức xem là khiếm nhã). Phái đoàn do chính Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev, dẫn đầu đến Đức hồi đầu tháng 2/2007.

Trong lúc chủ khách đang xem chương trình nghệ thuật ở nơi lịch lãm thì lợi dụng cơ hội này, 2 thành viên đoàn Kazakhstan lại có lịch trình giải trí riêng suốt cả ngày. Cô Rysgul K, 30 tuổi, thu hút sự chú ý của một nữ nhân viên bán hàng trong một cửa hiệu Zara gần Nhà thờ tưởng niệm Kaiser Wilhelm ở miền Tây Berlin. Vị khách hàng đặc biệt này cố giấu một đôi giày nữ vào túi xách của cô ta.

Khi bị phát hiện, cảnh sát mời cả Rysgul K và người bạn trai của cô, Jergerly S (42 tuổi) về đồn gần đó. Thế nhưng, tại đây, họ lại được một viên chức Sứ quán Kazakhstan bảo lãnh cho về. Một thông báo chính thức từ Đại sứ quán Kazakhstan có đoạn: “Thành viên trong đoàn chúng tôi luôn có thành ý thanh toán sòng phẳng, và... lấy làm tiếc về chuyện vừa qua”.

Tại Berlin hiện có khoảng 6.000 nhà ngoại giao. Được bảo vệ bởi quyền bất khả xâm phạm ngoại giao theo luật quốc tế, các thành viên của Bộ Ngoại giao có thừa những ưu đãi mà những người khác không hề có. Chẳng hạn họ có quyền lái xe vượt đèn đỏ mà không sợ bị phạt, chạy xe quá tốc độ cho phép trong lúc say xỉn, bắt nạt người hầu hoặc từ chối thanh toán tiền công cho thợ...

Năm ngoái, Văn phòng công tố Berlin từng ghi nhận hàng trăm chuyện trái khoáy như thế, kể cả những chuyện khó tin như trộm cắp, vi phạm luật giao thông, bỏ chạy khỏi hiện trường tai nạn, và gây thương tích cho người khác. Không ai biết những con số thống kê chính xác, những người bị bắt cứ trình thẻ hộ chiếu đỏ là có thể “hạ cánh an toàn” trong hầu hết các trường hợp.

Hình phạt tối đa mà một nhà ngoại giao có thể hứng chịu là phải quay về cố hương, như trong trường hợp một nhà ngoại giao Mông Cổ bị buộc phải rời khỏi nước Đức năm 2004, khi sự việc liên quan đến vụ buôn lậu thuốc lá của ông ta bị phát hiện.

Cơ quan điều tra của Hải quan Dresden đã mở rộng điều về nhà ngoại giao Mông Cổ tại Berlin, và những gì phát hiện được đã gây sốc. Ông ta là đầu mối của một tập đoàn tội phạm có tổ chức và được bảo kê hẳn hoi, tính đến lúc bị phát hiện đã có hơn 20 triệu điếu thuốc lá miễn thuế buôn lậu về tận Mông Cổ.

Tại Đức, nếu lái xe trong lúc say xỉn, các nhà ngoại giao cũng không hề sợ bị phạt, có lần vào năm 2004, khi nhận ra Đại sứ Bulgaria Nikolai Apostolov phóng xe khắp thủ đô Berlin bằng xe Sofia riêng, Cảnh sát Đức tìm cách chặn lại. Do đại sứ từ chối bước ra khỏi xe, một sĩ quan cảnh sát thò tay qua cửa sổ và rút chìa khỏi ổ khóa.

Ngỡ vậy là "chắc ăn", nào ngờ Đại sứ Nikolai Apostolov thò tay vào túi áo gió lấy ra chiếc chìa khóa thứ hai, rồi nổ máy phóng vút đi trước sự ngỡ ngàng của nhóm tuần tra. Eberhard Schưnberg, Chủ tịch Liên đoàn Cảnh sát Berlin (GDP), than phiền: “Đồng nghiệp của chúng tôi thậm chí không được phép yêu cầu các nhà ngoại giao hà hơi vào ống thử nồng độ cồn trong máu”.

Bộ Ngoại giao Đức còn phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện cáo từ phía những người làm thuê. Theo một người phát ngôn, các nhà ngoại giao hiếm khi sử dụng người Đức giúp việc, vì đây là đối tượng có đóng bảo hiểm xã hội (để được bảo vệ quyền lợi) tại Đức. Họ thích sử dụng người Philippines hơn, vì những người giúp việc này nói tiếng Anh, họ có tiếng là ít đòi hỏi và chấp nhận hưởng lương thấp.

Phụ nữ Philippines thường làm việc quần quật suốt ngày, và “bị đối xử như nô lệ”, như nhận xét của bà Nivedita Prasad thuộc Tổ chức Hỗ trợ chống buôn người Ban Ying, nơi từng can thiệp cho nhiều người giúp việc Philippines. Chẳng hạn chị Esmeralda T từ Manila đến Ban Ying xin giúp việc.

Chị làm đủ thứ việc trong nhiều tháng, từ giặt giũ, lau chùi nhà cửa, trông nom trẻ con cho đến làm móng tay chân cho bà chủ, nhưng vẫn bị nhà chủ nợ 7.000 euro. Sau nhiều cuộc thương lượng có Bộ Ngoại giao làm trung gian, chị giúp việc này chỉ nhận được phần nửa số tiền công hồi tháng 9/2006.

Bộ Ngoại giao bao giờ cũng gỡ rối những trường hợp như vậy trong vòng bí mật. Chẳng hạn Đức sử dụng áp lực nhẹ để yêu cầu Armenia cung cấp hóa đơn miễn phí cho những nhà thầu nước sinh hoạt của Berlin. Một số nơi ít thông cảm, như tại Bonn, chỉ trong năm 2005 cảnh sát bảo vệ nơi đây từng xé phạt 16.000 vé vi phạm luật an toàn giao thông cho giới ngoại giao.

Đáng sợ hơn Bonn lập hẳn danh sách theo định kỳ những đoàn ngoại giao hay phạm luật nhất. Được biết dẫn đầu là Senegal, từng có 448 thẻ phạt dán trên... 8 chiếc xe hơi của Đại sứ quán. Mexico theo sát nút Senegal...

Phương Nguyên (Tổng hợp)
.
.
.