Đệ nhất phu nhân Belarus: Không xen vào công việc của chồng

Thứ Ba, 04/10/2005, 08:40

Chồng và các con đều sống và làm việc ở thủ đô nhưng bà Galina Lukashenko, phu nhân Tổng thống Belarus, vẫn ở lại làng quê, sống trong một ngôi nhà gạch và làm công việc của một chuyên viên về an dưỡng và phục hồi sức khỏe. Bà bằng lòng với cuộc sống và không bao giờ tham gia vào công việc của chồng.

Khi ông Alexandr Lukashenko mới bắt đầu trở nên nổi bật trên chính trường Belarus, các phóng viên rất hay tìm tới phu nhân của ông, bà Galina, để phỏng vấn. Vốn là một phụ nữ tốt bụng và hiếu khách, bà đã không nỡ lòng từ chối các nhà báo. Tuy nhiên, sau đó, đệ nhất phu nhân Belarus trở nên kiệm lời hơn trên công luận và suốt một thời gian dài không hề tiếp xúc với báo chí. Chỉ mãi tới cuối tháng 9 vừa qua, bà Galina mới đồng ý cho phóng viên tờ "Sự thật Komsomol" của Nga phỏng vấn.

Cuộc hôn nhân của Tổng thống Belarus tới nay đã kéo dài được ba thập niên. Những năm gần đây, vợ chồng ông Lukashenko sống mỗi người một nơi. Khi ông Lukashenko mới được bầu làm nghị sĩ, ông vừa ở thủ đô Minsk vừa thỉnh thoảng về lại làng Ryzhkpvich quê hương. Khi ông trở thành Tổng thống năm 1994, phải thường xuyên ở Minsk, bà Galina đã không vội vã chuyển lên thủ đô sống với chồng. Lý do đưa ra lúc đó rất chính đáng: Hai cậu con trai đang chuẩn bị tốt nghiệp trung học, việc đổi trường lớp không hay lắm; cơ ngơi nông nghiệp của gia đình ở làng không biết chuyển cho ai; rồi lại còn phải nuôi các cụ, mẹ chồng và mẹ mình...

Tuy nhiên, hiện nay, các con trai của ông bà Tổng thống đều đã lên Minsk, ông Lukashenko cũng đón mẹ mình lên thủ đô rồi nhưng vợ ông vẫn ở lại làng quê, sống trong một ngôi nhà gạch được xây dựng chắc chắn nhưng cũng rất thông thường, như của mọi gia đình bình dân khác. Bà Galina làm chuyên viên chính về an dưỡng và phục hồi sức khoẻ của một quận nhỏ. Phòng làm việc của bà rất nhỏ. Cách nói năng của bà cũng nhỏ nhẹ. Có vẻ như mọi việc trong gia đình bà đều tốt, có điều ngay cả khi bà cười thì đôi mắt vẫn đượm một vẻ buồn.

- Ông bà đã làm quen với nhau ở đâu?

- Chúng tôi học cùng một trường, Shasa (tên gọi thân mật của Tổng thống Belarus) học trên tôi một lớp. Tôi từ nơi khác tới quận Shlovsky học sau khi hết lớp 7. Shasa hồi nhỏ rất đẹp trai, chuyên dẫn chương trình ở các dạ hội trong trường, đã có biết bao nhiêu cô bé phải lòng! Nhiều người trách tôi là từ xa tới và đã "cuỗm" đi chàng trai hay ho nhất trường. Nhà tôi có một tủ sách khá lớn, chúng tôi sống tùng tiệm thôi nhưng không tiếc tiền mua sách. Shasa đọc sách nhiều lắm, tôi cũng đọc nhiều sách. Từ thú vui chung đó mà thành thích rồi yêu nhau.

- Thế ai chạy theo ai trước?

- Tôi chẳng bao giờ chạy theo ai cả. Shasa đã tới cùng tôi từ khu Alexandria, cách đây 4 km. Dù mưa gió tuyết giông thế nào cũng vậy. Chúng tôi chủ yếu chỉ đi dạo quanh khu nhà tôi ở. Mẹ tôi đã giáo dục tôi một cách rất nghiêm khắc. Rồi Shasa thi đậu vào trường đại học Mogiliov, khoa lịch sử. Một năm sau, tôi cũng thi đậu vào đó. Chúng tôi tiếp tục gặp nhau. Chúng tôi làm lễ cưới khi tôi lên năm thứ ba còn Shasa đã có bằng tốt nghiệp. Hiện nay quan hệ nam nữ đã thay đổi, chứ còn ở thời chúng tôi nam nữ sống với nhau một cách công khai trước khi cưới là việc hầu như không thể xảy ra. Tôi nói thế không phải bảo thanh niên bây giờ tồi hơn trước, đơn giản là họ bây giờ đã khác trước hoàn toàn.

- Thế ông ấy ngỏ lời cầu hôn với bà như thế nào?

- Thực lạ nhưng quả thực là tôi không nhớ. Mọi sự cứ diễn ra tự nhiên thế thôi. Mẹ tôi lúc đó cũng không vui lắm vì tôi còn cần phải học thêm một năm nữa, nhưng cũng không phản đối. Rồi Shasa đi bộ đội. Rồi cậu cả Vitia ra đời... Cũng như mọi nhà, lúc đầu chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn nhưng mọi thứ cần thiết thì đều có đủ. Chúng tôi chuyển lên sống ở Mogiliov, thuê căn hộ để ở. Công việc của Shasa rất tốt, tôi thì đi dạy học ở trường phổ thông. Nhưng rồi Vitia bị ốm, chạy chữa thế nào cũng không khỏi. May gặp một vị bác sĩ giỏi, ông ấy khuyên, nếu anh chị muốn cậu con trai lớn lên khỏe mạnh thì hãy về nông thôn mà ở, bệnh của cháu nó thì phải ở trong nhà gỗ... Thế là chúng tôi rời khỏi Mogiliov. Tôi xin vào làm nhà trẻ để có thể ở gần con chứ không dạy học ở trường phổ thông nữa. Shasa cũng không tính tới việc công danh ở thị thành nữa, cứu con là trên hết. Ông ấy đã luyện cho Vitia trở nên khỏe mạnh.

- Khi ông Lukashenko trở thành Tổng thống, ai là người đưa ra quyết định về việc bà sẽ ở lại quê?

- Tôi quyết định là sẽ không chuyển đi và ông ấy cũng không buộc tôi thay đổi quyết định đó.

- Tổng thống có hay về quê không?

- Ít thôi, chủ yếu là tôi lên Minsk.

- Bà vào ở dinh Tổng thống chứ?

- Tất nhiên.

- Bà có cảm thấy mình là bà chủ ở đó không?

- Làm sao là bà chủ được nếu tôi không sống thường xuyên ở đó.

- Tổng thống có giúp đỡ bà về vật chất không?

- Có chứ, như bất cứ một đức ông chồng nào đối với vợ.

- Bà không tự ái chứ vì không sống ở thủ đô?

- Không, vì đó là sự lựa chọn của tôi. Tất nhiên, khi con cái lớn lên và rời khỏi nhà thì đôi khi ta cũng cảm thấy cô đơn. Nhưng con cái ở đâu lớn lên mà chẳng rời khỏi nhà cha mẹ, ở nông thôn hay thành thị đều như vậy. Tôi không sợ cảnh một mình. Tôi đọc nhiều sách lắm, tôi thích đi vào rừng một mình. Tại công sở tôi có nhiều việc để làm lắm. Người ta tới suốt ngày. Có những hôm mệt đến mức đêm về mãi chẳng ngủ được.

- Người ta có hay nhờ bà nói giúp với Tổng thống yêu cầu của họ không?

- Có, nhưng chủ yếu là những người lạ. Còn bạn bè, thân nhân hay người quen thì ít lắm.

- Khi bà cảm nhận được rằng chồng mình là Tổng thống thì bà thấy thế nào?

- Tôi đã sống liền kề ông ấy, thấy rõ sự lớn lên của ông ấy. Ông ấy là một con người phi thường.

- Có vẻ như tới giờ bà vẫn phải lòng chồng mình?

- Tất nhiên! (cười)

- Bà có bàn chuyện quốc gia đại sự với chồng không?

- Không bao giờ. Tôi không bao giờ xen vào công chuyện của chồng.

- Bà đã quen nhường nhịn ông ấy?

- Đúng thế, lúc nào cũng vậy.

- Ai trong gia đình là người đưa ra các quyết định?

- Nếu liên quan tới cái áo cần mua hay món ăn cần nấu thì tôi là người đưa ra quyết định. Quyền quyết định những việc quan trọng hơn thuộc về Shasa

Anh Thư lược dịch (Theo "sự thật Komsomol", số ra ngày 30/9)
.
.
.