Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda:

Có giải quyết được những vấn đề hai nước chưa đồng thuận?

Thứ Hai, 26/11/2007, 10:25
Trong các ngày 16 và 17/11 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã thăm chính thức nước Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng của mình. Mặc dù Thủ tướng Fukuda đã khẳng định mối quan hệ đồng minh với Mỹ có tầm quan trọng đặc biệt, song giới quan sát vẫn cho rằng, mối quan hệ đó đang gặp phải một số vấn đề khó khăn, nhất là sau khi Chính phủ Nhật buộc phải chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu trên Ấn Độ Dương.

Khá nhiều vấn đề gút mắc trong quan hệ song phương Mỹ - Nhật nằm trong nghị trình đã được ông Fukuda trao đổi thẳng thắn với Tổng thống Mỹ George W. Bush tại Nhà Trắng. Trước hết, Tokyo và Washington vẫn còn bất đồng trong cách ứng xử với CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng từng bước thực hiện các cam kết tháo dỡ các lò phản ứng hạt nhân.

Mỹ đã hạ mức độ căng thẳng trong quan hệ với Bình Nhưỡng, đồng thời xem xét việc đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, trong khi người Nhật vẫn giữ thái độ cứng rắn và kéo dài thêm thời hạn cấm vận nước này do vấn đề các con tin mà họ cho là CHDCND Triều Tiên đã bắt cóc hồi thập niên 80 thế kỷ XX vẫn chưa ngã ngũ.

Tokyo và Washington cũng chưa giải quyết xong những gút mắc đối với việc Nhật Bản đòi cắt giảm “ngân sách hảo tâm” – khoản ngân sách mà Nhật Bản dùng chia sẻ chi phí cho lực lượng quân Mỹ trú đóng ngay trên đất Nhật. Và hai nước vẫn chưa triển khai xong việc tái sắp xếp các căn cứ quân sự đó theo một thỏa thuận ký hồi tháng 5/2006.

Quan trọng nhất là vấn đề Nhật Bản có tiếp tục tham gia hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan và Iraq hay không. Dưới thời ông Junichiro Koizumi, Nhật Bản đã “xé rào” khá nhiều điều trong Hiến pháp hòa bình (ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ II) khi tiến hành hàng loạt động thái mới.

Một trong những hành động gây phản ứng nhiều nhất là việc nước Nhật lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, đã đưa Lực lượng Phòng vệ tham gia cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Không những thế, Tokyo còn hỗ trợ tài chính, phương tiện kỹ thuật và nhất là sứ mệnh tiếp nhiên liệu cho tàu chiến Mỹ và đồng minh trên Ấn Độ Dương.

Sau khi ông Koizumi hết nhiệm kỳ, ông Shinzo Abe vừa lên thay đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Hiến pháp để thành lập Bộ Quốc phòng và mở rộng thêm sự tham gia của Nhật Bản trong các nỗ lực quân sự chống khủng bố toàn cầu của đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, những bê bối, sai lầm chính trị trong nước đã khiến ông Abe không thể tiếp tục các chính sách đó.

Và khi liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ tự do (LDP) và đồng minh New Komeito mất thế đa số tại Thượng viện sau cuộc bầu cử hồi tháng 7 vừa qua, vấn đề duy trì binh sĩ và khí tài quân sự bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản (để tham gia cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Iraq và Afghanistan) đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nói cách khác, đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản (DPJ) nắm thế kiểm soát ở Thượng viện muốn đảo ngược các quyết định trước đây của Chính phủ Nhật về việc hợp tác an ninh và quân sự với Mỹ. DPJ muốn việc tham gia các sứ mệnh an ninh và chống khủng bố toàn cầu của Nhật Bản phải hiệu quả và phải trên cơ sở nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.

Ngày 1/11, đạo luật chống khủng bố hết hiệu lực, Chính phủ Nhật đành phải rút tàu chiến về, mặc cho Mỹ và các nước đồng minh ra sức cứu vãn.

Có thể nói, với việc chọn nước Mỹ để công du đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật, ông Fukuda muốn cho người Mỹ thấy ông vẫn xem Washington là một đồng minh chiến lược quan trọng nhất.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất thách thức quan hệ đồng minh đó hiện vẫn chưa có triển vọng sớm được giải quyết. Hai ngày trước khi ông Fukuda lên đường đi Washington, Hạ viện Nhật Bản (liên minh LDP-New Komeito chiếm hơn 2/3 số ghế) đã thông qua dự luật chống khủng bố mới.

Nếu được thông qua thành luật, đây sẽ là vũ khí trong tay ông Fukuda để ông bảo đảm quan hệ đồng minh với Mỹ, có thể nối lại sứ mệnh trên Ấn Độ Dương bất cứ lúc nào. Hiện chưa ai dám khẳng định dự luật này sẽ được thông qua thành luật hay không, vì nó còn phải được thông qua ở Thượng viện do DPJ  kiểm soát trong khi đảng này đã đánh tiếng trước sẽ “giết chết” nó ngay tức khắc!

Chánh văn phòng nội các Nobutaka Machimura cho biết, bên cạnh việc duy trì quan hệ đồng minh chiến lược với Mỹ, ông Fukuda muốn Mỹ tôn trọng chính sách đối ngoại “hướng châu Á” của ông. Thực hiện chính sách này, Nhật Bản đã tăng cường các mối quan hệ với châu Á song song qua hệ với “đồng minh chiến lược”.

Sự thận trọng của ông Fukuda đã thể hiện qua việc ông tìm cách hâm nóng lại quan hệ song phương với hai láng giềng quan trọng nhất trong khu vực là Trung Quốc và Hàn Quốc trong khi tỏ ra không mấy sốt sắng trong việc khắc phục các khó khăn về quan hệ với người Mỹ.

Fukuda đã làm hài lòng các láng giềng Đông Bắc Á bằng cách không đi thăm đền thờ chiến tranh như thông lệ các tân Thủ tướng Nhật hay làm. Ông Fukuda cũng đã gặp gỡ lãnh đạo một số quốc gia quan trọng ở châu Á bên lề các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+1, ASEAN+3 và Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Đông Á tại Singapore.

Với chính sách và quan điểm đối ngoại của ông Fukuda, xem ra quan hệ Mỹ - Nhật có một số thay đổi so với trước mà Mỹ có thể phải chấp nhận

Trương Hùng (tổng hợp)
.
.
.