Castel Gandolfo – biệt khu của các Giáo hoàng

Thứ Hai, 11/03/2013, 22:55

Trưa ngày 27/2, Giáo Hoàng Benedict XVI đã nói lời chia tay cuối cùng trước 150.000 người gồm các Hồng y, linh mục và giáo dân dự khán tại Quảng trường St. Peter thuộc Tòa thánh Vatican. Không một nghi lễ công cộng nào được tổ chức để tiễn ngài, thể theo nguyện vọng "rút lui lặng lẽ khỏi thế giới" để giấu mình trong quãng đời âm thầm còn lại. Việc nghỉ hưu của Giáo Hoàng chính thức bắt đầu lúc 8 giờ tối ngày thứ năm, 28/2. Trước đó, vào buổi chiều, một nghi lễ chào mừng được tổ chức tại khu an dưỡng mùa hè dành cho Giáo Hoàng tại thị trấn Castel Gandolfo nằm trên ngọn đồi phía Đông Nam thành phố Rome, mất 15 phút đi máy bay trực thăng từ Vatican.

Hẳn nhiều người đã suy nghĩ, sau khi thoái vị, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ sống ra sao, ngài sẽ ở đâu? Câu trả lời là, trước tiên, Giáo hoàng Benedict XVI đến nghỉ ngơi tại khu dinh thự Giáo hoàng tại thị trấn Castel Gandolfo trong khoảng thời gian chừng 2 tháng. Sau đó, ngài sẽ quay trở lại Tòa thánh Vatican. Tuy chỉ lưu lại Castel Gandolfo trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng theo Thị trưởng Milvia Monachesi, sự hiện diện của Giáo hoàng Benedict XVI cũng đủ để biến nơi đây thành tâm điểm chú ý của thế giới, sẽ thu hút rất đông người đến viếng thăm.

Thị trấn Castel Gandolfo nằm trên dãy đồi núi Alban, phía đông nam thủ đô Rome, có khí hậu mát mẻ. Thị trấn này có nguồn gốc từ rất lâu đời, gần 2.000 năm. Xưa kia, vào thế kỷ thứ I, đây là nơi nghỉ dưỡng mùa hè của Hoàng đế Domitian, và vị Hoàng đế này đã cho xây một pháo đài ở giữa thị trấn. Trải qua lịch sử hàng ngàn năm, thị trấn này thuộc quyền cai quản của một dòng họ tư nhân.

Đến khoảng năm 1596, các Giáo hoàng ở Vatican mới biết đến Castel Gandolfo và để mắt tới thị trấn nghỉ mát lý tưởng này. Nhưng phải 30 năm sau, Castel Gandolfo mới bắt đầu thuộc về các Giáo hoàng. Vào năm 1626, Giáo hoàng Urban VIII (1623-1644) đã cho xây thêm một dãy nhà bên cạnh pháo đài nhìn xuống hồ Albano tuyệt đẹp. Nhiều năm sau nữa, kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini thiết kế xây thêm dãy nhà thứ hai ở cánh đối diện của dãy nhà thứ nhất của pháo đài, tạo thành một khuôn viên dinh thự Giáo hoàng có hình tam giác. Giáo hoàng Alexander VII (1655-1667) hoàn thiện khu nhà chính.

Đến năm 1773, Giáo hoàng Clement XIV (1769-1774) tận dụng dinh thự Villa Cybo kế cận để mở rộng khu dinh thự Giáo hoàng. Toàn bộ khu dinh thự Giáo hoàng hiện nay chiếm một diện tích rộng khoảng 55 hécta. Saverio Petrillo, Giám đốc khu dinh thự Giáo hoàng cho biết: “Castel Gandolfo là một nơi mà các Giáo hoàng có thể tìm được sự tĩnh lặng riêng tư. Vì thế, công việc của chúng tôi là bảo đảm cho các ngài ấy có được sự nghỉ ngơi yên bình ở đây".

Chiếc trực thăng chở Giáo Hoàng Benedict XVI từ Vatican đi Castel Gandolfo chiều 28/2.

Giáo hoàng Urban VIII là người đầu tiên đặt chân đến Castel Gandolfo an dưỡng vào mùa hè. Ngài thường đến đây vào tháng 4, tháng 5 và tháng 10. Nhưng về sau, hàng năm các giáo hoàng đều đến Castel Gandolfo một cách đều đặn mỗi năm 2 lần, không chỉ để nghỉ mát, trốn cái nóng ngột ngạt mùa hè ở Rome, mà còn xem đó như một hoạt động "hành hương".

Thời kỳ Castel Gandolfo đón tiếp các giáo hoàng nhộn nhịp nhất là giai đoạn trước năm 1870, tức thời kỳ hưng thịnh của Nhà nước Vatican. Sau năm 1870, Nhà nước Vatican suy thoái, các giáo hoàng đến Castel Gandolfo thưa thớt dần và hoàn toàn không đặt chân đến nữa.

Sau Hiệp định Lateran ký kết giữa Tòa thánh Vatican và Nhà nước Italia, Castel Gandolfo bắt đầu nhộn nhịp đón tiếp các giáo hoàng quay trở lại đây nghỉ mát mùa hè. Không chỉ là nơi nghỉ mát, thị trấn Castel Gandolfo còn nổi tiếng là nơi cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn dành cho giáo hoàng, cả ở Castel Gandolfo lẫn ở Tòa thánh Vatican. Và người dân thị trấn Castel Gandolfo cũng gắn bó mật thiết với các giáo hoàng. Tổng quản Tòa thánh Vatican hiện nay là người của thị trấn Castel Gandolfo, thay thế cho Tổng quản Paolo Gabriele bị tuyên án tù 18 tháng vào tháng 10/2012, sau đó được Giáo hoàng Benedict XVI ân xá.

Trong hơn 400 năm qua, Castel Gandolfo gắn liền với tên tuổi các giáo hoàng, trở thành một vệ tinh đặc biệt của Tòa thánh Vatican. Mỗi giáo hoàng cũng để lại dấu ấn khó phai tại đây. Chẳng hạn, một quan chức địa phương cho biết, sở dĩ có nhiều người dân ở thị trấn này lấy tên Pio hay Pia và Eugenia hay Eugenio là vì họ tôn sùng Giáo hoàng Pius XII (có tên thật là Eugenio Pacelli). Chính Giáo hoàng Pius XII đã che chở, cứu nạn cho hơn 12.000 người lánh nạn tại đây trong chiến tranh Thế giới lần II. Ngày nay, Castel Gandolfo không chỉ đón tiếp các Giáo hoàng mà còn là điểm đến du lịch, nghỉ mát hấp dẫn đối với nhiều người trong những dịp cuối tuần hay nghỉ hè.

Riêng đối với Giáo hoàng Benedict XVI, Castel Gandolfo đã rất quen thuộc và thân thiết trong suốt gần 8 năm qua; hầu như năm nào ngài cũng đến đây ít nhất 2 lần. Ngài rất thích nơi này, và ngay trước cửa Tòa thị chính của thị trấn có tấm biển ghi lại câu nói nổi tiếng của ngài  về thị trấn này: "Ở đây tôi tìm thấy mọi thứ: núi non, hồ nước và thậm chí tôi còn có thể nhìn thấy biển,… và những người dân tốt bụng.

Ngày nay, Castel Gandolfo không chỉ có khu dinh thự Giáo hoàng. Qua các đời Giáo hoàng hàng trăm năm  nay, nơi này đã được xây dựng thêm nhiều công trình phục vụ cho việc thi hành thánh lễ cũng như sinh hoạt đời sống của giáo dân, như xây trường học, và đặc biệt là 2 nhà thờ nổi tiếng Saint Paul và La Madonna del Lago.

Khu Dinh thự Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo.

Với việc thoái vị, Giáo hoàng Benedict XVI đã tạo nên một biệt lệ đầu tiên sau 600 năm, đồng thời ngài cũng tạo ra một biệt lệ đầu tiên sau hàng trăm năm - thoái vị nhưng không rời khỏi hẳn Vatican mà tiếp tục trở lại cư ngụ bên trong Vatican, với danh hiệu Giáo hoàng danh dự. Ngài sẽ được dành cho một chỗ ở riêng: Tu viện Mater Ecclasiae, gần với chỗ ở của người kế nhiệm. Theo kế hoạch ban đầu, Benedict XVI, tức Joseph Ratzinger, sẽ trở về quê nhà ở nước Đức để sống cùng anh ruột là Goerg Ratzinger, nhưng kế hoạch đã thay đổi vào giờ chót sau khi ngài được phong Giáo hoàng danh dự.

Sẽ có một số thay đổi đối với Giáo hoàng Benedict XVI: Ngài sẽ chỉ mặc bộ áo choàng trắng giản dị, chân đi đôi giày nâu sản xuất tại Mexico thay cho đôi giày đỏ của Giáo hoàng, và không đội mũ Giáo hoàng nữa. Theo thông lệ, hàng tháng, ngài sẽ được nhận số tiền hưu trí khoảng 3.300 USD, nhưng ngài hầu như không cần dùng đến số tiền này, vì khi cư ngụ bên trong Tòa thánh Vatican thì mọi chi phí sinh hoạt của ngài đều đã được Tòa thánh chu cấp hết.

Tuy nhiên, giới chức bên trong Tòa thánh Vatican sẽ phải đau đầu vì tình huống mới, với 2 Giáo hoàng cùng lúc: Liệu Benedict XVI sẽ tham dự các buổi dự lễ chính thức do người kế vị của ngài chủ trì? Và nếu có thì thứ bậc ưu tiên sẽ được bố trí ra sao, ai trước, ai sau? Rồi hàng loạt vấn đề khác liên quan đến các nghi thức ứng xử giữa Benedict XVI và người kế vị, chẳng hạn như liệu Benedict XVI có tìm cách tác động lên việc bầu Giáo hoàng mới hay không, và liệu ngài có âm thầm gây ảnh hưởng lên Giáo hoàng mới trong tiến trình làm việc hay không?

Phát ngôn viên Tòa thánh Vatican, Đức cha Federico Lombardi, đã khẳng định Giáo hoàng Benedict XVI sẽ sống cuộc đời ẩn dật, "giấu mình khỏi thế giới". Ngày 28/2, trước khi rời Vatican để đến thị trấn Castel Gandolfo, Giáo hoàng Benedict XVI cũng đã tuyên bố sẽ "tuân phục Giáo hoàng mới"

An Châu (tổng hợp)
.
.
.