Brazil trong nỗ lực hòa giải hòa bình Trung Đông: Đá lấn sân

Thứ Ba, 23/03/2010, 08:40
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đang có chuyến thăm một loạt các quốc gia Trung Đông trong nỗ lực trở thành nước trung gian hòa giải cho tình hình khu vực. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ Brazil tới khu vực này.

Vị thế và thiện chí của Brasilia đã rõ nhưng liệu các vị chủ nhà có tiếp đón nồng hậu và quan trọng hơn cả là những nước có ảnh hưởng mạnh tới khu vực này có chịu nhường cho Brazil một chân vào cuộc chơi ở đây hay không?

Chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm 4 ngày tại Trung Đông của Tổng thống Lula da Silva cùng phái đoàn gồm 80 doanh nhân BrazilIsrael. Sáng ngày 15/3, ông Lula da Silva đã có cuộc gặp với Tổng thống Nhà nước Do Thái Shimon Peres, Thủ tướng Benjamin Netanyahu và lãnh đạo phe đối lập, cựu Ngoại trưởng Tzipi Livni. Sau đó nhà lãnh đạo Brazil sẽ sang thăm Bờ Tây, nơi Israel vừa ra lệnh phong tỏa tuyệt đối trong vòng 48 giờ đồng hồ, để gặp gỡ các lãnh đạo của Palestine, trước khi dời đến Jordani vào ngày 17/3.

Mục tiêu của chuyến thăm này theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brazil là nhằm khuyến khích các cuộc đàm phán về hòa bình giữa Israel và Palestine, đồng thời Brasilia cũng sẽ có cuộc đối thoại với Iran, một đối tác không thể thiếu trong bàn cờ chính trị Trung Đông nhưng lại đang bất đồng sâu sắc với Israel.

Chuyến thăm của Tổng thống Lula da Silva diễn ra trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Israel đang rơi vào khủng hoảng và Nhà nước Do Thái đang chịu nhiều búa rìu của dư luận quốc tế do công bố kế hoạch xây dựng thêm 1.600 căn nhà tại Đông Jérusalem.

Điều đáng nói là việc công bố này lại được đưa ra đúng lúc Phó tổng thống Mỹ Joe Biben đến thăm Israel nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông do Mỹ và Liên đoàn Arập làm trung gian. Chính Brazil cũng lên án quyết định trên của Israel và cho đây là cú phanh hãm mới đối với tiến trình hòa bình của khu vực, vốn bị ngưng trệ từ sau cuộc chiến tại Dải Gaza, tháng 12/2008.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, bất đồng quan điểm lớn nhất giữa BrazilIsrael nằm trong vấn đề hạt nhân của Iran do chương trình hạt nhân của nước này được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với Nhà nước Do Thái. Khi tiếp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hồi tuần trước tại Brasilia, Tổng thống Lula da Silva, vốn có quan điểm phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Liên Hiệp Quốc chống lại Téhran, đã khẳng định rằng quốc tế không nên dồn Iran vào chân tường.

Tiếp tục quan điểm này trước chuyến thăm Trung Đông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn của nhiều kênh truyền thông, trong đó có cả nhật báo Israel Haaretz số ra ngày 12/3, Tổng thống Lula da Silva tái khẳng định: "Chúng ta phải tránh tái diễn tại Iran những gì đã làm ở Iraq. Và trước khi bàn tới chuyện trừng phạt Iran, chúng ta phải làm mọi cách để tái khởi động tiến trình đàm phán về hòa bình Trung Đông.

Đây chính là lý do tôi thăm Israel, Palestine và Jordani trước khi đến Iran vào tháng 5 tới. Tôi tin rằng qua những cuộc thảo luận này, chúng ta có thể sẽ giải quyết được mọi cuộc xung đột đang rơi vào ngõ cụt như hiện nay". Hồi tháng 11/2009, Tổng thống Lula da Silva đã tiếp đón liên tiếp tại Brasilia Tổng thống Israel Peres, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và người đồng nhiệm Iran Mahmoud Ahmadinejad.

Vị thế của Brazil ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Hồi tháng 7/2009, Ngoại trưởng Israel, Avigdor Liebermann, khi đến thăm Brazil đã gợi ý rằng quốc gia Nam Mỹ này cần góp sức thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi và cho rằng với quan hệ hữu hảo giữa Brasilia với Téhran và các quốc gia Arập khác, Brazil hoàn toàn có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán về hòa bình tại Trung Đông.

Những năm gần đây, Brazil, nổi lên như một cường quốc kinh tế tại Mỹ Latinh và đang mong muốn một ghế trong Hội đồng thường trực Bảo an Liên Hiệp Quốc, đã quyết định tham gia vào tiến trình hòa bình Trung Đông trên cương vị của một nhà thương thuyết. Nhiều lần Brazil đã thể hiện quan điểm trên.

Vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này sẽ đem lại cho Brazil một vị thế lớn hơn trên trường quốc tế. Theo các nhà quan sát, sở dĩ Brazil có thể lên tiếng được như vậy là nhờ vào sức mạnh kinh tế của nước này trong bối cảnh khủng hoảng tài chính quốc tế, nhờ vào tầm ảnh hưởng trong khu vực cũng như việc nước này đang nhắm tới việc gia nhập các cường quốc thế giới trong Liên Hiệp Quốc.

Việc Brazil muốn tham gia vào bàn cờ Trung Đông được khá nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới ủng hộ. Liên đoàn Arập, IranPalestine cho biết họ sẽ nhiệt thành chào đón sự có mặt của Brasilia tại Trung Đông. Nhưng cũng có không ít người nghi ngờ và thậm chí phản đối tham vọng này của Brazil.

Ngay từ năm 2004, khi Brasilia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa các quốc gia Mỹ Latinh và Arập, Washington đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc họp này vì nó đã đưa ra một nghị quyết ủng hộ một nhà nước Palestine. Liên minh châu Âu cũng không đánh giá hội nghị này. Đối với họ, Trung Đông là một khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ và EU.

Tại Mỹ Latinh, Tổng thống Lula da Silva chỉ được xem là người có quan điểm trung dung giữa quan điểm Boliva của Hugo Chavez và quan điểm quốc gia chủ nghĩa của một Evo Morales.

Chuyến thăm Trung Đông lần này của Tổng thống Lula da Silva cho thấy sự cố gắng lớn của Brazil để trở thành một tác nhân trong các cuộc đàm phán hòa bình khu vực bất chấp việc Israel khước từ mong muốn đó do muốn giữ nguyên tình hình hiện tại và hài lòng trước sự ủng hộ của Mỹ.

Chính trong sự ngờ vực đó, các nhà phân tích cho rằng thật khó có thể biết được các quốc gia có ảnh hưởng truyền thống tại vùng Trung Đông có chịu nhường cho Brazil một ghế hay không. Ai Cập, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu khác rất có ảnh hưởng trong khu vực này và chính họ mới quyết định luật chơi tại đây

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.
.