Brazil: Nước cờ của nữ tổng thống trong cơn bĩ cực

Thứ Hai, 21/03/2016, 15:25
Kinh tế trì trệ, bê bối tham nhũng đang bị điều tra là hai vấn đề lớn đang làm cho chiếc ghế của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff lung lay hơn bao giờ hết. Trong tình thế này, bà Rousseff đã mời cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva trở lại làm việc.

Động thái này cả hai người đều có lợi: Vừa tạo lá chắn cho ông Da Silva trước “lưỡi gươm công lý”, vừa giúp bản thân bà Rousseff tăng cường lực lượng trong cuộc chiến nhằm vượt qua cuộc luận tội tại Quốc hội.

Sự phẫn nộ của người dân

Báo chí ngày 14-3 tràn ngập tin về làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng khắp Brazil. Tờ The Guardian của Anh cho biết, có đến hàng triệu người đã tham gia biểu tình chống chính phủ ở tất cả 26 bang và khu vực thủ đô Brasilia. Mặc dù con số đăng ký chính thức của những người tổ chức biểu tình là 1 triệu, nhưng theo cảnh sát địa phương, con số thực lên đến khoảng 3,5 triệu người tham gia cuộc biểu tình tại 326 thành phố, thị trấn trên cả nước. Đây được xem là cuộc biểu tình lớn nhất, gấp nhiều lần ngày 13-3 được xem là lớn hơn cả những cuộc biểu tình diễn ra hồi năm 2015.

Thành phố Rio de Janeiro có rất đông người biểu tình, khoảng hơn một triệu người chen lấn dọc bờ biển trải từ Copacabana đến Leme; bang Sao Paulo có 450.000 người, khu vực thủ đô Brasilia có hơn 100.000 người.

Điều dễ thấy nhất trong dòng người biểu tình là những tấm biểu ngữ ghi những dòng chữ thể hiện sự phẫn nộ của người dân trước tình hình kinh tế khó khăn và các vụ bê bối tham nhũng đang được cơ quan chức năng phanh phui. Có những gia đình mang cả con cái tham gia biểu tình, mặc áo thun in dòng chữ “Hãy luận tội”, ám chỉ tiến trình luận tội Tổng thống Rousseff. Nhiều người đi trên xe buýt hô vang những lời chống Tổng thống Rousseff, “For a Dilma!” (Dilma hãy ra đi!).

Paulo Rodriguez, một thương nhân 53 tuổi, dẫn cả vợ và con gái tham gia biểu tình, đã gọi bà Tổng thống Rousseff và đảng Công nhân là “nỗi khiếp sợ”. Lý do tức giận của ông Rodriguez là vấn đề kinh tế khó khăn đã khiến cho công việc làm ăn buôn bán của ông thất bát, sụt giảm đến 30-40%. Báo chí Brazil cho biết, đa số người dân Brazil đang yêu cầu bà Tổng thống từ chức.

Biển người biểu tình phản đối Tổng thống Dilma Rousseff.

Một trong các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là tham nhũng - vấn nạn lớn nhất Brazil, đặc biệt là vụ bê bối tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, trong đó hàng loạt quan chức nhà nước “dính chàm”.

Theo báo O Globo của Brazil, chiến dịch chống tham nhũng mang tên Lava jato (Rửa xe) như cơn bão lớn đang quét qua chính trường Brazil, với khoảng 50 chính khách cả đương nhiệm lẫn nghỉ hưu, từ quan chức chính quyền cho đến nghị sĩ trong Quốc hội đều bị điều tra, nhiều người thuộc đảng Công nhân cầm quyền, trong đó một số người đã bị bắt giam. Đặc biệt, “cơn bão” Lava jato đã chạm đến những quan chức thân cận nhất của bà Tổng thống Rousseff.

Đáng chú ý là vụ việc Thượng nghị sĩ Delcídio do Amaral bị bắt giam vào năm 2015 để điều tra tội tham nhũng. Ông Amaral đã đồng ý nhận tội với cơ quan điều tra để được ân giảm. Đầu tháng 3-2016, Tòa án Tối cao Brazil đã cho công bố nội dung lời khai của ông Amaral, trong đó ông khai rằng Tổng thống Rousseff và cựu Tổng thống Da Silva đều biết đến vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty dầu khí Petroleo Brasileiro SA, tức Petrobras.

Amaral khai tiếp: ông Aloisio Mercadante, cựu Chánh văn phòng Nội các và hiện nay là Bộ trưởng Giáo dục đã đề nghị trả cho ông ta một khoản tiền để ông ta giữ im lặng về vụ việc này. Lời khai của ông Amaral như đổ thêm dầu vào lửa khi cuộc điều tra của chiến dịch Lava jato đang dần hướng về phía Tổng thống Rousseff, vô tình hay cố ý đưa Tổng thống Rousseff vào tầm ngắm của các nhà điều tra.

Theo báo chí Brazil, hiện công tố viên liên bang Rodrigo Janot đang cân nhắc để đưa ra quyết định từ lời khai của ông Amaral có nên mở cuộc điều tra đối với Tổng thống Rousseff hay không. Một chi tiết quan trọng trong lời khai của Amaral đã khiến cho các công tố viên đặt nghi vấn về việc liệu nguồn tài chính vận động tranh cử năm 2014 của bà Rousseff có phải lấy từ nguồn tiền hối lộ do Petrobras chi trả hay không.

Bà Tổng thống Dilma Rousseff và cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula Da Silva đều đang đối mặt với điều tra chống tham nhũng.

Gần đây nhất, Joao Santana, chiến lược gia từng giúp bà Rousseff giành chiến thắng trong hai lần tranh cử tổng thống năm 2010 và 2014, đã bị bắt giam vào ngày 23-2-2016 khi ông vừa từ Cộng hòa Dominica trở về. Sanata năm nay 63 tuổi, là một nhân vật đặc biệt ở Brazil và khu vực Nam Mỹ, được dư luận đặt cho biệt danh “người tạo nên các tổng thống”.

Không chỉ giúp bà Rousseff giành chiến thắng, Santana cũng từng cố vấn cho chính ông Lula Da Silva trong các chiến dịch tranh cử của ông, cũng như cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trong lần tái cử năm 2012. Trước khi bị bắt, Santana tham gia làm cố vấn cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Cộng hòa Dominica của ông Danilo Medina và đã xin từ chức để về Brazil chống lại các cáo buộc “vô căn cứ”.

Vụ bắt giam ông Sanata được giới quan sát đánh giá là mối đe dọa lớn nhất đối với bà Tổng thống Rousseff, bởi ông Santana nắm giữ nhiều bí mật liên quan đến các chiến dịch tranh cử tổng thống của bà. Cảnh sát cho biết, ông Santana bị bắt vì có đủ bằng chứng buộc tội ông đã nhận tiền hối lộ từ Công ty Grupo Odebrecht, và nguồn tiền hối lộ này lại được bơm từ Tập đoàn Petrobras vào các tài khoản hải ngoại của công ty.

Ngoài ra, ông Santana còn bị nghi đã nhận hối lộ từ người vận chuyển tiền tên Zwi Skornicki vào các năm 2013-2014. Các công tố viên cho biết, Zwi Skornicki là đại diện cho Keppel Fels, một chi nhánh của công ty xây dựng giàn khoan dầu Keppel Corporation của Singapore.

Kinh tế sa sút là vấn đề lớn thứ hai khiến dân chúng Brazil mất niềm tin vào bà Rousseff. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, tình trạng của nền kinh tế Brazil hiện nay là tồi tệ nhất trong 25 năm qua, với tỉ lệ suy thoái 3,8% trong năm 2015, và năm 2016 được dự báo tiếp tục suy thoái với mức tương tự. Cáo buộc tham nhũng và suy thoái kinh tế vây hãm khiến cho tỉ lệ ủng hộ bà Rousseff xuống thấp chưa từng có, quanh quẩn ở con số 8%-9% suốt 6 tháng qua.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Brazil suy thoái trong khi kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng ổn định là do những quyết sách sai lầm của bà Rousseff trong điều hành kinh tế đất nước. Người dân Brazil đang muốn tìm kiếm một nhân vật mới, một thế lực mới thay thế bà Rousseff và đảng Công nhân của bà lãnh đạo đất nước nhằm giúp họ thoát khỏi tình hình kinh tế khó khăn cũng như để diệt trừ tham nhũng.

Một điều đáng chú ý là, mặc dù phản đối bà Rousseff, phản đối đảng Công nhân, nhưng người dân cũng không vì thế mà quay sang ủng hộ các đảng phái chính trị thiên hữu hay cực hữu. Bằng chứng là trong cuộc biểu tình tuần hành hôm 13-3, có cả thành phần cực hữu tham gia và đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình chính thống với thành phần cực hữu này.

Những người tham gia biểu tình đã trả lời báo chí rằng họ chỉ tin tưởng vào hệ thống tư pháp với hy vọng có thể giúp họ bài trừ nạn tham nhũng, để kinh tế đất nước có thể được cải thiện, đời sống của họ bớt khó khăn hơn.

Lá chắn cho ông Da Silva?

Trong vòng xoáy khủng hoảng chính trị do chiến dịch chống tham nhũng Lava jato, còn xuất hiện thêm một cái tên lừng lẫy một thời – Luiz Inacio Lula Da Silva. Cựu Tổng thống Brazil bị điều tra với cáo buộc rửa tiền và hưởng lợi bất hợp pháp từ công ty xây dựng OAS. Ông Da Silva đã chối bỏ tất cả cáo buộc. Tuy vậy, các nhà điều tra cũng tiến hành các bước khám xét nhà riêng và một số khu nhà, nông trại thuộc quyền sở hữu của ông và gia đình.

Ngày 4-3, cảnh sát đã triệu tập ông Da Silva để thẩm vấn. Ngày 9-3, công tố viên Cassio Roberto Conserino của bang Sao Paulo đã chính thức buộc tội ông Da Silva tội rửa tiền. Theo các nhà điều tra, ông Da Silva và gia đình bị nghi ngờ sở hữu bất chính không công bố một căn hộ sang trọng dọc bờ biển thành phố Guajura trên đảo Santo Amaro thuộc bang Sao Paulo.

Căn hộ này được xây dựng bởi công ty OAS – một trong những doanh nghiệp dính líu trong vụ án tham nhũng liên quan đến tập đoàn dầu khí Petrobras. Ông Da Silva bị nghi ngờ đã dùng tiền thu lợi bất chính từ công ty OAS để mua căn hộ nói trên và giao cho một người trong gia đình mình đứng tên.

Ông Joao Santana bị bắt khi vừa từ Cộng hòa Dominica trở về.

Trước những động thái của các công tố viên nhắm vào ông Da Silva, bà Tổng thống Rousseff đã tính đến nước cờ trao cho ông một vị trí trong nội các nhằm tạo cho ông một lá chắn an toàn: Quy chế miễn trừ dành cho quan chức chính phủ. Ngày 16-3, Tổng thống Rousseff đã chính thức bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula Da Silva làm Chánh văn phòng Nội các. Động thái của bà Rousseff được xem là hợp lý, vì ông Da Silva từng là người thầy đã dẫn dắt và đề cử bà lên làm Tổng thống Brazil cách đây hơn 5 năm.

Mặt khác, việc bổ nhiệm ông Da Silva vào nội các cũng giúp bà Rousseff tăng cường lực lượng phòng thủ trong cuộc chiến chống “luận tội” ở Quốc hội. Dù sao thì ông Da Silva cũng từng là vị tổng thống uy tín nhất Brazil, và cho đến nay ông vẫn còn ảnh hưởng khá mạnh trong Quốc hội. Ông từng là tổng thống thiên tả đầu tiên của Brazil, người sáng lập ra đảng Công nhân Brazil, đã đưa nền kinh tế Brazil phát triển vượt bậc, gia nhập hàng ngũ các nền kinh tế đang phát triển hàng đầu của thế giới.

Với tư cách là thành viên G-20 và là một trong 5 quốc gia BRICS, Brazil của ông Da Silva đã dần dần mở rộng tầm ảnh hưởng ra thế giới, có tiếng nói trong một số vấn đề quan trọng hàng đầu thế giới, như vấn đề hạt nhân Iran, xung đột Israel-Palestine, khủng hoảng “Mùa xuân Arập”, phong trào “Chiếm phố Wall”,…

Khi rời nhiệm vào đầu năm 2011, ông Da Silva là vị tổng thống uy tín nhất của Brazil được cả thế giới ngưỡng mộ. Nếu có được Da Silva kề bên giúp sức, bà Rousseff coi như yên tâm về khả năng vượt qua phiên luận tội ở Quốc hội.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Da Silva tuyên thệ nhậm chức, một làn sóng phẫn nộ lại bùng lên trong dân chúng, biểu tình lại nổ ra khắp cả nước sau khi công tố viên Sergio Moro, người chỉ huy chiến dịch điều tra chống tham nhũng Lava jato, cho công bố đoạn ghi âm cuộc trao đổi giữa ông Da Silva với bà Rousseff liên quan đến việc bà bổ nhiệm ông làm Chánh văn phòng Nội các, trong đó ông Da Silva yêu cầu bà Rousseff cho ông một vị trí trong nội các chính phủ để tránh cuộc điều tra của các công tố viên. Điều gây phẫn nộ nhất là những câu nói của ông về các công tố viên và các nhà điều tra chiến dịch Lava jato có ý ám chỉ việc “trấn áp” họ.

Nếu các nhà điều tra tìm được bằng chứng chứng minh ông Da Silva thật sự có tham nhũng trong việc hưởng lợi từ công việc làm ăn của Công ty OAS, ông có thể sẽ mất quyền miễn trừ dành cho quan chức chính phủ bởi các công tố viên tuy không có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông, nhưng họ sẽ yêu cầu Tòa án Tối cao làm việc này. Và nếu Tòa án Tối cao chấp nhận lời yêu cầu và tiến hành truy tố, sau cùng là ra một bản án dành cho ông Da Silva, thì đây sẽ là một kết cuộc không có hậu đối với ông.

An Châu (tổng hợp)
.
.
.