Bầu cử Iran: Cuộc chạy đua chưa có hồi kết

Thứ Ba, 08/03/2016, 12:03
Mặc dù phải tiến hành bầu cử vòng hai để xác định số ghế còn lại trong cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Chuyên gia Iran diễn ra hôm 26-2, song chiến thắng của phe cải cách ủng hộ Tổng thống Iran Hassan Rouhani, đặc biệt ở thủ đô Tehran cho thấy quốc gia từng bị cô lập này đang háo hức chuyển từ một nền chính trị thần quyền sang một nền dân chủ cởi mở hơn.

Mục tiêu hậu bầu cử

Sau khi kết quả các cuộc bầu cử quốc hội Iran được công bố, với Tổng thống Iran Hassan Rouhani và các đồng minh của ông giành 15 trên tổng số 16 ghế của thủ đô Tehran trong Hội đồng Chuyên gia 88 thành viên có vai trò giám sát tối cao ở Iran và toàn bộ 30 ghế đại diện khu vực Tehran trong cuộc bầu cử Quốc hội, ông Hassan Rouhani bắt đầu thực hiện nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế và tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vào năm tới.

Giới phân tích nhận định ông Rouhani sẽ có những bước đi dễ dàng hơn sau khi các cử tri bầu ra một quốc hội ôn hòa và có thiện chí hợp tác với chính phủ hơn so với quốc hội trước đây.

Những vị trí giành được trong Quốc hội có thể giúp ông Rouhani củng cố mục tiêu mở cửa Iran.

Với mục tiêu tiến hành cải cách nền kinh tế, ông Rouhani tuyên bố sẽ bắt đầu bằng việc tư nhân hóa ngành ôtô, một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước mà trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất xe hơi bị cho là quá đắt đỏ, không thân thiện môi trường, và tệ nhất là không an toàn.

Ông Rouhani và các bộ trưởng trong nội các của ông tuyên bố các công ty nước ngoài sẽ mang lại lợi ích cho tầng lớp trẻ trong nước - hiện đang có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 25%, cao gấp 2,5 lần mức trung bình của đất nước - khi họ được tạo công ăn việc làm.

Ellie Geranmayeh, chuyên gia về Iran tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Ngoại giao, nhận định rằng các ưu tiên của tổng thống trong nỗ lực tái cử vào năm 2017 sẽ chỉ là "kinh tế và kinh tế". Ông Geranmayeh nhận định: "Tổng thống Rouhani sẽ nỗ lực giúp Iran trở lại với nền kinh tế thế giới, đặc biệt với các khoản đầu tư của châu Âu vào thị trường năng lượng nước này".

Khó khăn trước mắt

Hệ thống chính trị đặc biệt của Iran - tồn tại song song giới tăng lữ cầm quyền và chính quyền cộng hòa - khiến quyền đưa ra các quyết định quan trọng luôn nằm trong tay giới bảo thủ Hồi giáo, nhiều nhân vật cứng rắn vẫn đang nắm quyền kiểm soát cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang và truyền thông Iran.

Với kết quả tại quốc hội 290 ghế (phe bảo thủ giành 112 ghế, phe cải cách và ôn hòa giành 90 ghế trong khi các cộng đồng thiểu số và ứng cử viên độc lập giành được 29 ghế), những con số này chỉ là tương đối bởi có những ứng cử viên được cả hai phe ủng hộ. Hơn thế nữa, tại 59 khu vực bầu cử, những nơi không có ứng cử viên nào giành chiến thắng rõ ràng, kết quả cuộc bầu cử vòng 2 dự kiến vòng hai vào tháng 4 tới vẫn là vấn đề lớn.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng kết quả bầu cử khu vực Tehran phản ánh rõ xu hướng ủng hộ cải cách và tập trung vào phát triển kinh tế cũng như quan hệ đối ngoại… Ông Rouhani sẽ có những biện pháp ổn định nền kinh tế và mở cửa hơn nữa trong chính sách đối ngoại, tuy nhiên cơ cấu chính quyền nói chung và cách tiếp cận của chính quyền sẽ không có nhiều thay đổi. Ngôn từ có thể sẽ khác song cán cân quyền lực vẫn giữ nguyên.

Trong số những đối thủ của ông Rouhani có nhiều nhân vật ủng hộ cựu Tổng thống dân túy Mahmoud Ahmadinejad, nhiều tăng lữ có tư tưởng diều hâu như Giáo chủ Mohammad-Taghi Mesbah Yazdi, người đã mất ghế trong quốc hội song vẫn là nhân vật có nhiều ảnh hưởng, thân cận với Đại Giáo chủ Khamenei và có vị trí nhất định đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Những vị trí giành được trong Quốc hội có thể giúp ông Rouhani củng cố mục tiêu mở cửa Iran với thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời nới lỏng nhiều hạn chế đang cản trở các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử có thể giúp nhà lãnh đạo này tiến được bao xa trong cuộc chiến chống tham nhũng và hạn chế các lợi ích kinh tế nhóm vẫn là điều chưa rõ ràng.

Việc mở cửa hơn ra với thế giới sau các chiến thắng vang dội, cũng như sự ủng hộ giành cho ông Rouhani, đã khiến nhiều đồng minh cứng rắn của ông Khamenei lo ngại. Họ lo ngại mất đi quyền kiểm soát nhịp độ thay đổi, cũng như các ảnh hưởng đối với lợi ích kinh tế mà họ đã tạo dựng nên trong suốt thời kỳ Iran chịu sự trừng phạt của quốc tế.

Một số nhà phân tích cho rằng, giới cải cách có thể đạt được các thành tựu nhất định nếu họ củng cố được thế đa số và có tiếng nói đáng kể trong việc lựa chọn lãnh tụ tinh thần cho Iran. Tuy nhiên, đây cũng là điều mà phe bảo thủ nhận thức được.

Phó Giáo sư Izadi nói: "Nhiều nhân vật cứng rắn đã mất ghế trong Hội đồng Chuyên gia. Điều này khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn bởi những người ở lại hầu hết là các nhà thần học hoặc luật sư, chứ không phải là các chính trị gia, song họ có rất nhiều quyền lực… Nếu họ không đồng tình với những gì lãnh tụ tối cao làm, và phe thiểu số là các đồng minh của ông Rouhani và Rafsanjani, họ có thể sẽ gây áp lực với nhà lãnh đạo này", thậm chí ngay cả trong trường hợp ông Rafsanjani trở thành người đứng đầu Hội đồng Chuyên gia.

Các áp lực có thể tác động tới quyết định lựa chọn người đứng đầu cơ quan tư pháp.  Ông Izadi nói: "Sẽ có những thay đổi", và ông Khamenei có thể sẽ tìm cách cân bằng sức ảnh hưởng với phe cải cách và ôn hòa.

Điều này cũng có thể được thể hiện trong quá trình chỉ định Chủ tịch Quốc hội Iran, vị trí hiện đang do ông Ali Larijan - từng là đồng minh của ông Khamenei song sau đó đã quay sang ủng hộ Tổng thống Rouhani - nắm giữ. Ông này có thể sẽ được tái bổ nhiệm để đổi lấy việc ủng hộ các cải cách kinh tế của ông Rouhani.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.
.