Argentina: Vũ khí bí mật của Tổng thống Cristina Kirchner

Thứ Năm, 19/07/2012, 11:05

Một phong trào thanh niên bao gồm hàng chục ngàn người trẻ dưới 30 tuổi đang trở thành một trong những "vũ khí chính trị" đầy hiệu quả giúp bà Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng. Cho đến nay, sau khi bà Cristina Kirchner tái đắc cử nhiệm kỳ hai, lực lượng thanh niên này tiếp tục đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy các chương trình, đề án an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo do chồng bà để lại.

Còn nhớ sự kiện Quốc hội Argentina thông qua luật quốc hữu hóa Công ty dầu khí YPF do Tây Ban Nha đầu tư hồi tháng 4/2012, một tấm băng-rôn lớn mang hình ảnh ông Nestor Kirchner giơ nắm đấm "chiến đấu cho người nghèo" đã được giăng ngang ban công tòa nhà Quốc hội để biểu thị tinh thần xã hội vì người nghèo của cố Tổng thống Nestor Kirchner.

Đầu tháng 7/2012, trong một đám biểu tình có đến 100.000 người ủng hộ việc tiếp tục triển khai chương trình "vì người nghèo" của ông Kirchner, tấm băng-rôn ấy lại được giăng lên như một hiện thân của người đã khởi xướng chương trình an sinh xã hội giàu tính nhân văn ấy. Tác giả của tấm băng-rôn trong cả hai sự kiện đó chính là La Campora - phong trào thanh niên được lập ra để ủng hộ vợ chồng Tổng thống Nestor và Cristina Kirchner.

La Campora là tổ chức thanh niên tiếp nối tổ chức truyền thống mang tên Thanh niên Peronist (Peronist Youth). Ra đời vào khoảng năm 2001, La Campora được đặt theo tên của cựu Tổng thống Hector Campora, người từ chức vào năm 1973 chỉ sau 49 ngày nắm quyền để nhường chỗ cho ông Juan Peron trở lại cầm quyền sau một thời gian lưu vong. Cũng vì thế mà thành viên của La Campora đa số là con em của những người mất tích trong thời kỳ độc tài quân phiệt lãnh đạo đất nước.

Cũng như tổ chức tiền thân Peronist Youth, La Campora ra đời trong bối cảnh chính trị đất nước không ổn định do khủng hoảng kinh tế năm 2001, những cuộc biểu tình phản đối đòi tẩy chay lực lượng chính trị Peronist vì các cáo buộc tham nhũng. Khi đó, La Campora đã tạo nên một làn sóng phản công hữu hiệu, đánh bạt làn sóng phản đối của phe đối lập và giúp Kirchner giành lấy quyền lực.

Khi lên nắm quyền vào năm 2003, ông Kirchner đã cam kết xây dựng một "nhịp cầu thế hệ" - một sự kết nối giữa chính phủ bao gồm những người thuộc thế hệ đi trước và tầng lớp thanh niên, tuổi trẻ. Kirchner giao cho con trai duy nhất là Maximo vai trò "thủ lĩnh thanh niên" để lãnh đạo, lèo lái tiến trình xây dựng "nhịp cầu thế hệ này".

Đến thời bà Cristina lên thay, bà đã thể chế hóa học thuyết lãnh đạo của chồng, thường được gọi là học thuyết Kirchner (Kirchnerism), thể chế hóa chương trình xây dựng "nhịp cầu thế hệ", biến tầng lớp thanh niên thành trụ cột của mô hình chính trị nhà Kirchner. Do vậy, La Campora còn được xem là hiện thân của học thuyết Kirchner. Trong tất cả các khẩu hiệu, băng-rôn vận động chính trị của mình, La Campora đều thể hiện hình ảnh ông Kirchner như một vị "thánh", một vị "cứu tinh" của đất nước Argentina, người đã vực dậy đất nước Argentina ra khỏi giai đoạn khủng hoảng tồi tệ sau nhiều năm dưới chế độ độc tài và sau đó là sự lãnh đạo yếu kém của ông Carlos Menem.

Ngày nay, La Campora bao gồm khoảng trên dưới 30.000 thành viên hoạt động trên khắp đất nước Argentina. Họ tự nhận mình là "những chiến binh của Cristina" để thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối dành cho bà Tổng thống. Bất cứ chương trình xã hội nào, bất cứ cuộc vận động chính trị nào của bà Cristina cũng đều được La Campora xung phong tiếp sức một cách hiệu quả.

Tổ chức Thanh niên La Campora trong một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner.

La Campora đã trở thành một công cụ chính trị đầy hiệu quả trong tay bà Cristina, điều mà các phe phái chính trị đối lập ở Argentina không thể có được dù họ cũng rất muốn. Cũng từ đó, các thành viên của La Campora bắt đầu được trọng dụng giao cho một số vị trí quan trọng trong chính phủ, được bầu vào Quốc hội, tạo điều kiện để tổ chức thanh niên này có thêm vị thế, tiếng nói và chỗ dựa chính trị cụ thể nhằm phát triển phong trào mạnh hơn nữa, sắc bén và hiệu quả hơn nữa.

Nhưng cũng chính vì vai trò "công cụ chính trị" của Tổng thống và những vị trí quyền lực có được đó, mà La Campora đã trở thành mục tiêu công kích của các phe phái đối lập. Trong khi đó, bản thân bà Tổng thống Cristina cũng đang gặp khó khăn, như bà vẫn luôn gặp phải trong quá trình điều hành đất nước.

Ở nhiệm kỳ thứ nhất, bà Cristina từng phải đối đầu ngay cả với những người mà mình ra sức "chiến đấu" vì họ, chỉ vì một bước đi sai lầm nhỏ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Rồi bà cũng gặp nhiều khó khăn khi đưa ra những chính sách không hợp lòng các phe phái chính trị đối lập, cũng như những khó khăn nhất thời khiến các tầng lớp nhân dân cảm thấy bất bình. Nhưng rồi bà cũng vượt qua tất cả nhờ có sự ủng hộ của La Campora. Nhiệm kỳ thứ hai cũng thế.

Sau khi tái đắc cử vào tháng 10/2011 với tỉ lệ phiếu bầu là 54%, Tổng thống Cristina Kirchner hiện đang gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ cử tri ủng hộ sụt giảm mạnh, chủ yếu do các vấn đề về kinh tế, như lạm phát tăng cao, thu nhập người lao động nghèo bị sụt giảm làm ảnh hưởng đến sự ủng hộ của họ đối với các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ. Giới trung lưu phản đối tình trạng tham nhũng không thuyên giảm trong chính quyền, còn giới nghiệp đoàn lao động thì quay sang phản đối bà vì các chính sách mới thiên về giới trẻ, cánh thanh niên mà xem nhẹ công đoàn. Trong hoàn cảnh này, La Campora lại một lần nữa thể hiện mình là chỗ dựa vững chắc cho Tổng thống Cristina Kirchner

An Châu (tổng hợp)
.
.
.