Anh: Chấm dứt đối đầu giữa anh em nhà Miliband

Thứ Ba, 16/04/2013, 06:35

Cuộc đối đầu chính trị giữa hai anh em David và Ed Miliband đã có thể chấm dứt sau khi người anh tuyên bố hôm 27/3 rằng, ông sẽ từ chức Nghị sĩ, chính thức rời khỏi sân khấu chính trị chính thống ở Anh, nhường đường cho người em thuận tiện trong việc lãnh đạo Công đảng trên con đường khôi phục sức mạnh chính trị.

Trong tuyên bố từ chức nghị sĩ của mình, ông David Miliband cũng khẳng định sẽ không quay trở lại chính trường Anh ít nhất trong một tương lai không gần lắm (hai ngày sau khi tuyên bố từ chức nghị sĩ, David Miliband cũng từ chức thành viên Hội đồng quản trị Câu lạc bộ bóng đá Sunderland ở giải Ngoại hạng Anh do câu lạc bộ này vừa bổ nhiệm "quái kiệt" Paolo Di Canio - cựu cầu thủ có tư tưởng phát xít và từng tuyên bố là "phát xít" - làm huấn luyện viên trưởng).

Trả lời phỏng vấn Hãng tin BBC, David Miliband đã giải thích động cơ từ chức nghị sĩ là không muốn làm "vật cản" đối với công việc của em trai mình, không muốn tiếp tục làm "kẻ gây bất hòa" trong nội bộ Công đảng, và không muốn tạo nên tình hình gây nhiễu loạn đường lối của Công đảng.

David Miliband, năm nay 47 tuổi, cùng với em trai là Ed Miliband, 43 tuổi, là những chính khách thế hệ mới đầy triển vọng của Công đảng Anh. Cả hai là con trai của ông Ralph Miliband, một nhà sử học Do Thái thiên tả, từ Bỉ chạy nạn sang Anh vào năm 1940 trước khi phát xít Đức tiến quân vào nước này. Dưới thời Gordon Brown làm Thủ tướng Anh, anh em nhà Miliband đều được giao đảm nhận các vị trí bộ trưởng trong nội các: David là Bộ trưởng Ngoại giao (2007-2010), còn Ed là Bộ trưởng Năng lượng và biến đổi khí hậu (2008-2010). Thời đó, David được đánh giá cao hơn Ed, và dư luận quan sát chính trị Anh xem ông như một "nhà lãnh đạo chờ sẵn", chỉ cần Brown từ nhiệm là lên thay ngay.

Giới quan sát cho rằng, lẽ ra David đã có thể làm cú "đảo chính" để Brown ra đi sớm và đoạt vị trí lãnh đạo Công đảng trước khi cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010 diễn ra, nhưng David đã không làm thế. Người ta đoán rằng ông đã có sự toan tính nào đó, có lẽ ông định để sau khi kết thúc cuộc bầu cử mà Công đảng cầm chắc thất bại, ông sẽ lên thay thế Brown trong tư cách đảng đối lập sẽ hay hơn là lên lãnh đạo đảng rồi nhận ngay thất bại.

Nhưng toan tính đó đã có một sai sót lớn là quên không tính đến những toan tính của người em trai Ed của ông. Bởi thế nên xảy ra chuyện chưa từng có trong chính trị Anh quốc là 2 anh em cùng tranh nhau vị trí lãnh đạo Công đảng. Và cuộc đối đầu chính trị giữa 2 anh em nhà Miliband không chỉ gây chia rẽ trong nội bộ gia đình mà còn làm cho đảng chính trị của họ là Công đảng cũng chia năm xẻ bảy.

David thuộc nhóm người theo trường phái của cựu Thủ tướng Tony Blair, còn Ed thuộc thành phần cánh tả mới. Vì thế, trong cuộc đua tranh chức chủ tịch Công đảng, David được đa số những nghị sĩ từng ủng hộ ông Tony Blair ủng hộ, còn Ed tranh thủ lá phiếu của thành phần cánh tả mới, nhận được sự ủng hộ cao của giới nghiệp đoàn, một lực lượng mà tiếng nói vẫn còn khá quan trọng trong việc bầu chọn lãnh đạo đảng. Kết quả là Ed thắng anh trai David sát nút trong cuộc bầu cử năm 2010.

David Miliband và em trai Ed Miliband tại một hội nghị Công đảng.

Thất bại đó đã là một bài học cay đắng đối với David. Nó khiến cho ông mất hẳn khí thế của một chính khách mới đang lên. David chỉ còn biết an phận với vị trí nghị sĩ Công đảng. Mọi sự mời mọc từ người em "thất kính" đều bị ông cự tuyệt thẳng. Ed từng mời David tham gia vào nội các đối lập trong Quốc hội nhưng ông từ chối.

Ông thậm chí từ chối cả vị trí nghị sĩ ngồi hàng ghế đầu (frontbench) trong Quốc hội Anh, nơi mà tiếng nói có tầm quan trọng quyết định đến việc hoạch định chính sách của nước Anh. Suốt thời gian dưới sự lãnh đạo của Ed, nội bộ Công đảng như đang có chiến tranh lạnh. Người anh không thể chịu đựng sự lãnh đạo của người em, cho nên luôn xảy ra những mâu thuẫn và tranh cãi. 

Với sự rút lui của David, Ed Miliband sẽ chính thức bắt đầu giai đoạn lãnh đạo Công đảng một cách chắc chắn và ổn định hơn. Ed Miliband không kiềm được cảm xúc buồn vui lẫn lộn, khó tả sau khi cất được "gánh nặng". Còn những người ủng hộ Ed, cánh tả trong Công đảng cũng như trong giới nghiệp đoàn, hoan hỉ chào đón sự ra đi như một hành động "tất yếu" chấm dứt hoàn toàn những gì còn sót lại của thời Tony Blair.

Theo thông tin được chính David tiết lộ thì gần đây ông đã nhận lời sang New York điều hành tổ chức Ủy ban Cứu hộ cứu nạn Quốc tế (IRC). Vào tháng 9 tới, David sẽ chính thức bắt đầu công việc tại IRC sau khi rời khỏi chính trường Anh. IRC là một trong những tổ chức nhân đạo hàng đầu thế giới, được thành lập vào năm 1933 theo gợi ý của nhà bác học Albert Einstein nhằm cứu giúp những người tị nạn chạy trốn chế độ phát xít Đức từ châu Âu sang Anh. Vì thế, Miliband cho rằng việc điều hành tổ chức IRC cũng "có động cơ cá nhân xuất phát từ lịch sử gia đình".

Quy mô của IRC nhỏ bé hơn nhiều so với Bộ Ngoại giao Anh, nhưng khi đến làm việc tại IRC, David sẽ có cơ hội và cũng là thử thách ngoại giao quan trọng, khi làm việc với những cựu lãnh đạo ngoại giao hàng đầu thế giới, như cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, 3 cựu Ngoại trưởng Mỹ là Colin Powell, Madeleine Albright và Henry Kissinger, những người ngồi trong Ủy ban giám sát của IRC. Còn Ban giám đốc cũng bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng đến từ các ngân hàng: Goldman Sachs, Bank of America và JP Morgan, còn các tập đoàn đa quốc gia lớn như Pepsi Co. và Pfizer là những nhà tài trợ chính.

Bước đầu, David Miliband đã nhận được sự cổ vũ của 2 trong số các cựu chính khách nổi tiếng chuyển sang hoạt động xã hội, từ thiện là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Một sự khởi đầu thuận lợi

An Châu (tổng hợp)
.
.
.