Dấu ấn của các huấn luyện viên ngoại ở V.League
Khác với đội tuyển quốc gia, nơi thầy ngoại được xem như lựa chọn đảm bảo thành công, việc bổ nhiệm HLV nước ngoài ở các CLB V.League vốn lành ít dữ nhiều. Không ít HLV đã gây ấn tượng, nhưng chẳng mấy người gắn bó được lâu vì không thể thích nghi môi trường V.League.
Chuyện của người xưa...
5 năm qua, cứ mỗi khi HLV Herve Renard đưa một đội tuyển quốc gia tham dự World Cup, ông lại được nhắc đến vì lý lịch từng mất việc ở Nam Định. Vì sao "ông vua châu Phi" lại chỉ có thể gắn bó 4 tháng với bóng đá Việt Nam? Vì sao Renard, một người dẫn dắt Saudi Arabia thắng Argentina, lại đi trong lặng lẽ mà không tạo được dấu ấn gì?
"Ngày đến Việt Nam, tôi mới bắt đầu bước đi trên cương vị HLV trưởng một đội bóng", Renard chia sẻ. "Tôi không có nhiều lựa chọn vào thời điểm đó, và phải chấp nhận mọi đề nghị để kiếm tiền nuôi gia đình. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ làm việc tại Hà Nội, nhưng cuối cùng, đội bóng đó lại nằm ở Nam Định, với cơ sở vật chất vô cùng cơ bản".
Khi được hỏi về lý do chia tay Nam Định, Renard nói công việc của ông chấm dứt sớm hơn dự kiến vì "một vài rắc rối xảy ra". Vị HLV người Pháp không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng có vẻ như ông buộc phải ra đi vì muốn gạch tên một số cầu thủ thuộc nhóm công thần của đội bóng thành Nam vào thời điểm đó.
4 tháng ngắn ngủi ở Việt Nam là khoảng thời gian khó khăn, nhưng cũng vô cùng quý giá với Renard. Ông hiểu khi đến một vùng đất mới, chẳng ai có thể biến mọi thứ xung quanh theo ý mình. Cách duy nhất để Renard chinh phục thành công với những đội tuyển "tí hon" chính là học cách thích nghi, điều chỉnh bản thân trước tiên.
Cùng chịu cảnh ngộ như Herve Renard tại V.League là Alfred Riedl. Được ví như một trong những HLV ngoại có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến bóng đá Việt Nam, nhưng ông Riedl chỉ gặt hái thành công mỗi khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Quãng thời gian ông gắn bó với V.League cũng là những ngày đáng quên, với 2 bến đỗ Hải Phòng và Khánh Hòa.
Cuối mùa giải V.League 2001, ông Riedl đến Khánh Hòa với nhiệm vụ giúp đội bóng phố Biển trụ hạng. Nhưng trong 7 vòng đấu cuối, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam chỉ giành được 7 điểm. CLB xuống hạng, ông cũng ra đi. Nhưng câu chuyện của ông Riedl ở Khánh Hòa rất khác với Hải Phòng, một đội bóng được đầu tư mạnh mẽ khi họ mời ông đến.
Khi đưa Riedl về, CLB Hải Phòng không giấu tham vọng "hóa rồng". Họ vừa giành vị trí thứ 3 mùa giải V.League 2008, và trao cho HLV người Áo mức lương 12.000 USD/tháng cùng nhiều đãi ngộ khác. Nhưng sau 4 vòng đầu tiên, Hải Phòng chỉ có 3 điểm. Ông Riedl thì bị chỉ trích vì đưa một vài cầu thủ "không ai biết tên" đá chính.
Trong số những HLV ngoại đến V.League ở những năm đầu tiên, người hiếm hoi đạt được thành công là ông Henrique Calisto. "Thầy Tô" không nhận ghế HLV trưởng. Ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật CLB Đồng Tâm Long An, nhưng thực tế có vai trò cao nhất trong việc quyết định chuyên môn. Dấu ấn ông đem lại chính là 2 chức vô địch V.League liên tiếp cùng "Gạch".
Bên cạnh chuyên môn, bí quyết thành công của HLV Calisto còn đến từ việc hòa đồng với văn hóa bản địa. Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, khi biết có người nói tuổi của mình "khắc" cả đội, ông Calisto đồng ý đi xe riêng, không đi cùng xe bus chở đội đến địa điểm thi đấu. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng cho thấy HLV ngoại muốn thành công ở Việt Nam vẫn cần có "kỹ năng mềm".
... Và HLV ngoại thời nay
Kết thúc mùa giải V.League 2022, CLB Hà Nội lên ngôi vô địch với HLV Chun Jae Ho trên băng ghế chỉ đạo. Ông thầy người Hàn Quốc vốn chỉ được bổ nhiệm giữa mùa giải. Dường như cao hứng với chức vô địch, tại buổi họp báo sau khi nâng cúp, HLV Chun "buột miệng" nói nếu không có ông, đội bóng hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn để vô địch.
Ai cũng biết hợp đồng giữa ông Chun và đội bóng Thủ đô chỉ có thời hạn đến hết mùa giải 2022. Dường như một phút lỡ lời đã khiến vị chiến lược gia người Hàn Quốc không được tin tưởng. Với tiềm lực tài chính của mình, CLB Hà Nội lập tức tìm và bổ nhiệm một HLV có CV ấn tượng hơn ông Chun rất nhiều. Đó là Bozidar Bandovic, người từng vô địch Thai League.
Nhưng một lần nữa, đến lượt ông Bandovic khiến đội bóng chủ quản phải đau đầu vì phát biểu mới nhất của ông. Chia sẻ tại buổi họp báo sau trận đấu với Thanh Hóa, Bandovic nói ông chưa thấy giải đấu nào có quãng nghỉ dài như V.League. Sau 4 vòng đầu tiên, các đội sẽ nghỉ 1 tháng rưỡi, trở lại thi đấu 3 vòng, rồi nghỉ thêm 1 tháng nữa.
Lịch nghỉ của V.League được dựa trên căn cứ thời gian các đội tuyển quốc gia thi đấu. Ai cũng biết ở Việt Nam, một tấm HCV môn bóng đá nam SEA Games ý nghĩa chẳng khác nào vé tham dự World Cup. Đội tuyển quốc gia và U22 phải được ưu tiên. Việc này giống như một nghĩa vụ với quốc gia mà những HLV ngoại như Bandovic khó có thể hiểu được.
Câu chuyện của HLV Chun Jae Ho, hay Bandovic là minh chứng cho thấy ngay cả khi có nhiều năm trải nghiệm với bóng đá Đông Nam Á, những ông thầy ngoại vẫn khó có thể học được chữ nhẫn. Đó chính là yếu tố then chốt quyết định thành bại của họ với đội bóng, nơi thành tích vẫn phụ thuộc nhiều vào việc phòng thay đồ có yên ổn hay không.
Cùng là người Đông - Nam Âu và có thời gian làm việc tại Đông Nam Á như HLV Bandovic, nhưng ông Velizar Popov lại tiếp cận mọi thứ rất khác. Ông thầy 47 tuổi mới chia tay U23 Myanmar để tiếp quản CLB Thanh Hóa, và nhanh chóng gặt hái thành công cùng đội bóng mới. Thay vì gây chú ý với những phát biểu, ông Popov chỉ thầm lặng làm công việc mình được giao.
Nghệ thuật phát biểu của HLV Popov
Trong thời gian dẫn dắt đội U23 Myanmar, HLV Popov từng gây chú ý bằng nhận định "SEA Games 30 là giải đấu có mức độ khốc liệt hơn cả Ngoại hạng Anh". Theo lý giải của Popov, ông chưa thấy nơi nào tổ chức giải đấu theo mật độ 2-3 ngày 1 trận trong 2 tuần liên tục, lại không có nhiều thời gian để chuẩn bị như SEA Games.
Đến khi nhận lời tới Việt Nam làm việc, ông Popov khẳng định V.League là giải đấu khắc nghiệt nhất, khó hơn cả Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Nhưng nói về điểm khó của V.League, ông Popov lại chỉ ra những vấn đề "muôn năm cũ" như mặt sân xấu, hay các đội sử dụng lối đá rắn. Đây là 2 chi tiết mà mọi người đều nhắc đi nhắc lại suốt những mùa giải vừa qua chứ không chỉ riêng ông Popov.
Tân HLV Thanh Hóa cũng là người thích nghi rất tốt với môi trường mới. Trong trận đấu gặp Hà Nội, ông Popov không ngại sử dụng lối chơi tranh cướp bóng để phá đối thủ. Khi bị chỉ trích vì "khuyến khích cầu thủ đá bạo lực", ông lập tức dùng số liệu để chỉ ra CLB Hà Nội phạm lỗi còn nhiều hơn Thanh Hóa!