Chuyện của Tú Chinh

Thứ Sáu, 07/04/2023, 08:30

Chưa đầy 1 tháng trước khi SEA Games 32 diễn ra, Lê Tú Chinh lại được nhắc đến vì có nguy cơ tiếp tục lỡ một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Nhưng khác 1 năm trước, thời điểm "Nữ hoàng điền kinh" gặp chấn thương nghiêm trọng, mọi nút thắt của Tú Chinh đã được gỡ bỏ khi các bên cùng chung tay góp sức.

Cú nước rút định mệnh

Từng là nhà vô địch tuyệt đối trên đường chạy 100m và 200m nữ của SEA Games 29, nhưng vị thế Nữ hoàng Đông Nam Á của Tú Chinh sớm lung lay. Trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, nước chủ nhà đã tiến hành nhập tịch hàng loạt chân chạy xuất sắc người Mỹ gốc Philippines, đồng thời biến họ trở thành ứng viên hàng đầu cho chức vô địch.

Ngày 8/12/2019, Tú Chinh bước vào màn so tốc độ quan trọng nhất của cuộc đời. Một ngày trước đó, cô đã để thua Kristina Knott trên đường chạy 200m nữ. Vận động viên nước chủ nhà không chỉ về đích trước với khoảng cách rất xa với Tú Chinh, mà còn phá kỷ lục SEA Games khá sâu. Gần như tất cả đều nghĩ Tú Chinh khó có cửa thắng Knott.

Bên cạnh nguy cơ không bảo vệ thành công cả 2 tấm HCV SEA Games, áp lực còn đè nặng lên vai Tú Chinh bởi khi ấy điền kinh Việt Nam chưa đạt đủ chỉ tiêu HCV. Nhưng trong bối cảnh khó khăn nhất, cô gái sinh năm 1997 đã chứng tỏ bản thân xứng đáng với danh hiệu "Nữ hoàng điền kinh". Cô vượt qua Knott để về đích đầu tiên.

Chuyện của Tú Chinh -0
Tú Chinh bảo vệ thành công HCV SEA Games 30 khi vượt qua đối thủ đúng 0,01 giây.

Màn nước rút vượt qua Knott của Tú Chinh, đến bây giờ, vẫn là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất thể thao Việt Nam từng có tại các kỳ SEA Games. Cô không chỉ đánh bại một VĐV ăn tập bài bản hơn 1 thập niên ở Mỹ, mà còn vượt qua đối phương với cách biệt rất nhỏ, chỉ đúng 1 phần trăm giây để giành chiến thắng.

Chiến thắng trên đường chạy 100m của Tú Chinh không chỉ giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam thở phào nhẹ nhõm với chỉ tiêu. Nó dường như trở thành một cú hích giúp các VĐV còn lại thi đấu bùng nổ. Kết thúc SEA Games 30, điền kinh Việt Nam giành 16 HCV, đứng vị trí nhất toàn đoàn, vượt qua Thái Lan và chủ nhà Philippines.

Nhìn về quá khứ, Tú Chinh đã luôn có những thời khắc bùng nổ như thế mỗi khi đứng trước ngã rẽ định mệnh của cuộc đời. Từ một cô bé mất mẹ từ nhỏ, gia đình không mấy khá giả, Tú Chinh đã dần vươn lên trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của điền kinh Việt Nam. Sau khi "Nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương giải nghệ, Tú Chinh lập tức trở thành người kế thừa xứng đáng nhất.

Tú Chinh hội tụ tất cả những phẩm chất quý giá một VĐV cần có: Tài năng, sự chăm chỉ và đức tính khiêm nhường. Ít ai biết trong thời gian tập trung ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TPHCM, Tú Chinh được xếp ở ghép cùng các VĐV trẻ và sinh viên trường Đại học TDTT. Đi nhẹ, nói khẽ là điều cô luôn ghi nhớ để tránh làm phiền những người khác khi sống giữa tập thể.

Không thể và có thể

Trong thời gian chốt danh sách VĐV tham dự SEA Games 32, có thông tin cho thấy ngành thể thao muốn cắt giảm người theo danh sách đề xuất ban đầu. Tiêu chí cắt giảm là những VĐV không có thành tích tốt thời gian gần đây, hoặc không đảm bảo khả năng giành HCV như kỳ vọng, trong bối cảnh nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam bị nước chủ nhà Campuchia đưa ra khỏi chương trình thi đấu.

Danh sách sơ bộ những VĐV bị cắt giảm sang Campuchia bất ngờ có tên Tú Chinh. Xét về lý, những người làm thể thao Việt Nam có lý khi đưa "Nữ hoàng điền kinh" vào diện phải cân nhắc. Trước thềm SEA Games 31, Tú Chinh gặp chấn thương đầu gối khá nặng, phải phẫu thuật. Chính chấn thương đó khiến cô không thể tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, vì cần bình phục hoàn toàn mới có thể trở lại tập luyện.

Ít ngày trước, Tú Chinh mới chỉ chính thức tái xuất trên đường đua khi đăng ký tham dự Cúp tốc độ Thống Nhất. Nhưng thay vì thi đấu tranh huy chương như thường lệ, Tú Chinh chỉ chạy một lần để kiểm tra thành tích. Điều đó có thể dẫn đến những nghi vấn về việc Tú Chinh chưa có thể trạng tốt nhất, và thành tích của cô trong lần chạy đó cũng không quá ấn tượng.

Một bài toán lập tức được đặt ra cho Tú Chinh. Trong trường hợp bị cắt giảm khỏi danh sách VĐV tham dự SEA Games 32, chân chạy 26 tuổi vẫn có khả năng đến Đại hội. Tuy nhiên, cô phải tự huy động kinh phí ăn ở, đi lại (khoảng 30 triệu đồng) thay vì trông chờ vào ngân sách nhà nước như những VĐV khác, bởi cô khó có thể gánh vác mục tiêu cạnh tranh HCV cho đội tuyển.

Có lẽ vào thời điểm đặt bài toán kinh tế cho Tú Chinh, những người làm thể thao Việt Nam đã không tính đến phản ứng từ dư luận. Ngay lập tức, phía TP Hồ Chí Minh và nhiều Mạnh Thường Quân lên tiếng muốn tài trợ cho "Nữ hoàng điền kinh" đến Campuchia tranh tài. Lý do họ đưa ra rất đơn giản: Không giống nhiều VĐV khác, tầm vóc của Tú Chinh từ lâu đã vượt xa khuôn khổ của một chân chạy vì chỉ tiêu.

Ở những giải đấu cấp độ khu vực như SEA Games, thành tích đôi khi chỉ là một thước đo quyết định giá trị một VĐV. Câu chuyện về một cô bé chạy qua những chướng ngại vật, vượt qua nghịch cảnh mà Tú Chinh truyền tải mới thực sự là giá trị. Cảm hứng sống Tú Chinh mang đến cộng đồng có ý nghĩa to lớn hơn những tấm huy chương SEA Games rất nhiều.

Điều may mắn là những người làm thể thao Việt Nam đã sớm nhìn nhận ra khúc mắc và hướng giải quyết. Tú Chinh cần đội tuyển và SEA Games, nhưng về tiêu chí hình ảnh thể thao nước nhà, rõ ràng không thể gạt bỏ những con người như cô. Có thể Tú Chinh sẽ không giành huy chương, nhưng những bước chạy của cô sẽ truyền cảm hứng đến hàng triệu người khác.

Tú Chinh vẫn chưa tốt nghiệp đại học

1 năm trước, Tú Chinh cho biết cô còn nợ một số môn ở Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh. Lịch tập luyện, thi đấu dày đặc khiến "Nữ hoàng điền kinh" khó có thể sắp xếp thời gian học tập như những sinh viên bình thường khác. Giống nhiều VĐV đỉnh cao, Tú Chinh đã bước sang tuổi 25-26 nhưng vẫn nợ môn, chưa thể tốt nghiệp đúng hạn. Điều đó vẫn đúng cho đến thời điểm hiện tại.

Trên thực tế, câu chuyện của Tú Chinh hay nhiều VĐV thể thao đỉnh cao khác của Việt Nam không phải trường hợp cá biệt. Nhiều VĐV nước ngoài cũng bị kéo dài quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Việc phải liên tục tập luyện, thi đấu, thậm chí ra nước ngoài tập huấn khiến họ không thể theo kịp chương trình học, dẫn đến thi lại, thậm chí học lại triền miên.

"Tôi từng đăng ký theo học chương trình vật lý trị liệu thể thao ở cấp đại học. Người bình thường học mất 4 năm để hoàn thành, nhưng tôi phải mất 6 năm", tay vợt người Pháp gốc Việt Anne Trần chia sẻ. Nhưng dẫu sao, 6 năm Anne Trần trải qua vẫn chưa đáng là bao so với Tú Chinh, người cũng mất 6 năm và có thể phải chờ thêm một thời gian nữa.

An Khánh
.
.
.