Điền kinh Việt Nam và nỗi lo khó tái lập kỳ tích

Thứ Ba, 25/06/2019, 05:53
Đà thăng tiến của các vận động viên Philippines và quyết tâm lấy lại ngôi đầu khu vực Đông Nam Á của điền kinh Thái Lan khiến điền kinh Việt Nam đang gặp vô số sức ép dù SEA Games 30 năm 2019 còn hơn 5 tháng mới khai mạc.


Hết thuận lợi lại đến khó khăn

Tưởng rằng hành trình bảo vệ ngôi số 1 Đông Nam Á của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30 năm 2019 sẽ thuận lợi hơn khi Ban Tổ chức SEA Games 30 đồng ý tổ chức toàn bộ nội dung thi đấu theo khuyến cáo của Liên đoàn điền kinh châu Á. 

Với việc Đại hội kỳ này có đủ 48 nội dung thi đấu, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu giành 17 Huy chương vàng như từng làm được ở kỳ SEA Games 29. Đó là kỳ SEA Games thành công nhất của điền kinh Việt Nam, nhờ đó khẳng định vị thế và định hướng phát triển đúng đắn của thể thao Việt Nam. Đó cũng là kỳ SEA Games đầu tiên mà điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan để đứng đầu đầy thuyết phục.

Nhưng rồi chưa hết mừng với quyết định của Ban Tổ chức SEA Games thì điền kinh Việt Nam phải đối mặt với những sức ép mới, thuần túy chuyên môn. Rõ nhất là ở cự ly chạy ngắn (100m và 200m), nơi vận động viên số 1 Việt Nam hiện nay là Lê Tú Chinh đã giành cả 2 Huy chương vàng tại SEA Games 29. 

Trong hơn 1 năm qua, khi Tú Chinh đạt được những bước tiến mới về chuyên môn thì các đối thủ của cô cũng tiến bộ không ngừng. Như ở nội dung 100m nữ, Tú Chinh từng đạt mốc 11 giây 40. Đó là mốc thành tích có thể mang về tấm Huy chương vàng ở sân chơi SEA Games. 

Thế nhưng, chỉ trong 2 tháng gần đây, có tới 2 vận động viên Philippines, đang sinh sống tại Mỹ, đã tiệm cận thành tích trên. Đầu tiên là Zion Corrales Nelson với thành tích 11,41 giây ở một giải đấu tại Sacramento (Mỹ) vào cuối tháng 5 vừa qua. 

Trong khi đó, một vận động viên Philippines khác là Kristina Marie Knott đạt thành tích 11,42 giây ở chặng 2 Grand Prix châu Á - 2019, mới diễn ra cách đây hơn 2 tuần. Trên bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn điền kinh thế giới, cả hai vận động viên này đều xếp trên Tú Chinh. 

Chỉ tính ở khu vực châu Á, Kristina Marie Knott xếp hạng 10, Zion Corrales Nelson xếp hạng 14 trong khi Lê Tú Chinh xếp hạng 15. Ngoài ra, tay chạy nổi tiếng người Thái Lan Supawan Thipat xếp hạng 8 nhưng thành tích gần đây chưa tiệm cận mức thành tích tốt nhất của Lê Tú Chinh.

Trong khi đó, thành tích gần nhất của Lê Tú Chinh là 11 giây 71 tại vòng 1 Grand Prix châu Á – 2019. Nếu đạt thể trạng tốt, có thể Lê Tú Chinh sẽ trở lại được mức thành tích tốt nhất của mình ở nội dung 100m. Nhưng đến lúc đó, không loại trừ cả hai vận động viên Philippines vẫn giữ đà thăng tiến để đạt thành tích tốt hơn. Vì vậy, sẽ có sức ép không nhỏ cho Lê Tú Chinh nhất là khi cô vẫn có thể dính chấn thương (từng khiến cô phải rút khỏi vòng 2, Grand Prix – 2019) và vẫn cần một chuyên gia giỏi để đạt cột mốc mới về chỉ số chuyên môn.

Không chỉ nội dung 100m, tại nội dung 200m, cô gái người TP Hồ Chí Minh cũng đã nhận thấy sức ép. Cách đây 1 tháng, Nelson đã đạt thành tích 23,16 giây cũng tại giải đấu ở Sacramento (Mỹ), vượt thành tích tốt nhất của Lê Tú Chinh (23 giây 30). Việc các vận động viên Philippines sinh sống, tập luyện tại Mỹ và thi đấu nhiều hơn hẳn Lê Tú Chinh cũng đã là lợi thế không nhỏ. Riêng về thi đấu quốc tế, Lê Tú Chinh đang thất thế so với các vận động viên trên và cả một số vận động viên Thái Lan, Malaysia ở cùng nội dung thi đấu.

Chỉ một vài ví dụ trên cũng cho thấy, con đường của điền kinh Việt Nam cũng như các vận động viên hàng đầu Việt Nam tại SEA Games 30 sẽ không hề bằng phẳng.

Lê Tú Chinh gặp nhiều sức ép ở SEA Games 30 năm 2019.

Điều chỉnh để giảm sức ép

Ngay khi có được những thông tin về sự thăng tiến của các đối thủ tại khu vực Đông Nam Á, điền kinh Việt Nam đã phải tính toán lại chỉ tiêu. Theo ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục Thể thao), chỉ tiêu giành 17 Huy chương vàng ở SEA Games 30 khó khả thi. Đấy là thực tế phải được nhìn nhận thẳng thẳn.

Ngoài ra, Lê Tú Chinh đang không đạt phong độ tốt nhất trong khi điền kinh Việt Nam không có vận động viên đạt trình độ tương tự cô gái thành phố Hồ Chí Minh này. Như thế, đồng nghĩa khó tìm được vận động viên san sẻ gánh nặng Huy chương vàng với cô ở SEA Games 30. 

Thực tế, Quách Thị Lan từng chứng tỏ có thể làm nên chuyện ở nội dung 200m. Tuy nhiên, cô gái này cũng có những mục tiêu quan trọng ở nội dung 400m rào và 400m thường tại SEA Games 30. Ở sân chơi này, ngoài việc giành ngôi vô địch, Quách Thị Lan cũng phải hướng đến việc giành chuẩn tham dự Olympic 2020 nên khó toàn tâm toàn ý nếu phải thi đấu ở những nội dung không phải sở trường.

Bên cạnh đó, điền kinh Thái Lan cũng đang ráo riết với kế hoạch lấy lại vị thế tại SEA Games 30. Thực lực của điền kinh Thái Lan không thua kém, thậm chí đều hơn điền kinh Việt Nam. Nếu thực sự tập trung đầu tư thì các vận động viên Thái Lan hoàn toàn có thể lấy lại ngôi đầu Đông Nam Á cho điền kinh Thái Lan. 

Cho nên cần thiết phải điều chỉnh chỉ tiêu Huy chương vàng tại SEA Games tới theo hướng giảm đi để tránh tạo nên sức ép không cần thiết với vận động viên. Theo đó, điền kinh Việt Nam chỉ đặt mục tiêu giành tối đa 15 Huy chương vàng thay vì 17 Huy chương vàng.

Đấy là mục tiêu thực tế với điền kinh Việt Nam dù có thể ảnh hưởng đến cuộc đua giành vị trí thứ Ba toàn đoàn của Đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 30. Nhưng rõ ràng, để giành được 15 Huy chương vàng ở SEA Games tới, điền kinh Việt Nam sẽ phải giải quyết vô số vấn đề nội tại trong đó có tạo điều kiện tối đa về dinh dưỡng, y tế và cả đội ngũ huấn luyện viên nhằm bảo đảm thể trạng cũng như nâng cao trình độ cho vận động viên. 

Phải làm rốt ráo thì điền kinh Việt Nam mới có cơ hội giữ được ngôi đầu ở SEA Games tới đồng thời có vận động viên giành chuẩn tham dự Olympic 2020 ngay ở sân chơi này.

Minh Khuê
.
.
.