8/3 và điều giản dị của Ánh Viên
Cuối cùng, Ánh Viên cũng đến lúc được thảnh thơi phía sau đường đua xanh. Cô được vui với những sở thích do mình lựa chọn, không còn áp lực với thành tích ở các giải đấu quốc tế. Đó là món quà 8/3 giản dị, ý nghĩa mà cô tự dành cho chính bản thân mình.
Kết thúc giải bơi vô địch quốc gia 2022 (bể ngắn 25m) tại Thừa Thiên - Huế, kình ngư Ánh Viên đã lập kỷ lục mới cho bản thân khi giành 21 huy chương vàng. Nữ vận động viên này vẫn cho thấy đẳng cấp trên đường đua xanh.
Sau đó, cô dùng Facebook cá nhân để chia sẻ về chính cảm xúc của mình: “Ánh Viên xin cảm ơn tất cả đã giúp Ánh Viên hoàn thành giải đấu. 12 năm là 1 chặng đường bơi lội nên bây giờ em muốn sống cuộc sống bình thường, tự do và học hỏi thêm nhiều thứ mới nữa. Ánh Viên sẽ không tham dự SEA Games vì Ánh Viên không đủ khả năng cũng như sức khoẻ không còn tốt như trước để đạt được thành tích tốt. Ánh Viên xin cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi và ủng hộ em trong suốt thời gian qua”.
Với nhiều người, đặc biệt là các ngôi sao thể thao Việt Nam, mạng xã hội chẳng phải điều đặc biệt. Nhưng với Ánh Viên, đây lại là cả một sự thay đổi. Như Ánh Viên chia sẻ thì đó là “cuộc sống bình thường, tự do và học hỏi thêm nhiều thứ mới nữa”. Trong lĩnh vực thể thao, Ánh Viên đã chinh phục mọi danh hiệu trên đường đua xanh ở đấu trường trong nước và khu vực Đông Nam Á. Cô là một biểu tượng của bơi lội Việt Nam mà sẽ rất lâu nữa chúng ta mới có được. Nhưng với cuộc sống bên ngoài, dù là những điều giản dị nhưng… dùng Facebook, chắc chắn Ánh Viên sẽ còn phải tìm hiểu nhiều.
Còn nhớ, sau SEA Games 2015 trên đất Singapore, khi cái tên Ánh Viên được truyền thông Việt Nam và khu vực Đông Nam Á săn đón như một ngôi sao lớn, cô thậm chí vẫn còn như một “đứa trẻ” bỡ ngỡ với cuộc sống bên ngoài. Chia sẻ với báo chí, Ánh Viên thậm chí còn chưa biết đi xe máy. Cô không biết đến mạng xã hội và thậm chí điện thoại cũng hạn chế sử dụng… Đó là cái giá của thành công khiến Ánh Viên lựa chọn hy sinh.
Xa nhà từ năm 15 tuổi để sang Mỹ tập huấn, Ánh Viên gần như chỉ biết đến việc tập luyện sau đó trở về nước thi đấu các giải quốc gia, SEA Games, ASIAD, Olympic. Cô gần như không biết nhiều về thế giới bên ngoài, được sống một cuộc đời giản dị như những người cùng trang lứa. Bên cạnh vinh quang là áp lực. Với việc được đầu tư “khủng” từ Tổng cục Thể dục Thể thao cùng với ngành thể thao quân đội, cô luôn phải chịu áp lực về thành tích.
Trước thềm ASIAD 2018, huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn đã từng chia sẻ rằng, trở lại Mỹ tập huấn sau SEA Games 2017, Ánh Viên tập luyện trong tình trạng áp lực tâm lý đè nặng. Ban huấn luyện đã phải nhờ bác sỹ tâm lý can thiệp, giúp đỡ Ánh Viên trong suốt 3 tháng để cân bằng tâm lý, tìm lại trạng thái tự tin. Ánh Viên đã có thời gian chịu khủng hoảng. Đó chính là áp lực đến từ việc luôn phải “gánh” thành tích ở các giải đấu. Đến năm 2020, Ánh Viên đã kết thúc chuyến tập huấn tại Mỹ kéo dài 7 năm. Dù gặt hái được nhiều vinh quang nhưng mục tiêu cải thiện thành tích ở Olympic đã không thể thực hiện. Kết thúc Olympic Tokyo 2020, Ánh Viên tiếp tục không thể vượt qua chính mình. Nữ kình ngư này cũng nhận được nhiều áp lực đến từ dư luận và truyền thông.
Cuối năm 2021, Ánh Viên đã xin rút lui khỏi đội tuyển bơi quốc gia. Theo Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh, trong cuộc làm việc với lãnh đạo trung tâm, Ánh Viên cho biết đã suy nghĩ về việc chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao từ rất lâu. Nữ kình ngư này muốn chia tay đội tuyển bơi quốc gia để dành thời gian cho bản thân và hoàn thành việc học tại Trường Đại học Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh.
Còn ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao chia sẻ, Ánh Viên đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng xin thôi tập trung đội tuyển quốc gia. Một phần quyết định này của Ánh Viên có thể từ áp lực ở bên ngoài sau khi thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Nguyện vọng của Ánh Viên cuối cùng đã được chấp thuận. Dù biết, cô sẽ để lại khoảng trống lớn cho thể thao Việt Nam, thế nhưng đó là sự “giải thoát” cần thiết với cá nhân đã có những cống hiến không mệt mỏi.
Ánh Viên thêm một lần nữa khẳng định không dự SEA Games 31 sắp tới. Đây là lúc Ánh Viên tận hưởng cuộc sống của mình theo đúng nghĩa. Đó được xem là món quà 8/3 giản dị, ý nghĩa mà cô tự dành cho chính mình.
Việt Nam đặt mục tiêu giành 140 HCV tại SEA Games 31
Tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà, thể thao Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội. Liên quan đến chỉ tiêu thành tích, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu dự kiến giành 140 huy chương vàng, 77 huy chương bạc và 71 huy chương đồng.
"Là quốc gia chủ nhà nên chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam là giành vị trí cao nhất tại SEA Games 31. Mục tiêu hướng đến không chỉ phải tổ chức tốt SEA Games trên sân nhà mà thành tích cũng phải tốt", ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết.
Đây được xem là chỉ tiêu vừa sức với đoàn thể thao Việt Nam, nhất là khi SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà. Trước đó, trong 2 kỳ Đại hội gần nhất, hai nước chủ nhà gần nhất là Malaysia và Philipines đều giành hơn 140 huy chương vàng. Cụ thể, Malaysia giành 145 huy chương vàng ở SEA Games 29 và Philippines giành 149 huy chương vàng ở SEA Games 30.
Theo báo cáo của Tổng cục Thể dục Thể thao, hiện tại, các bộ môn đang tích cực hoàn thiện công tác huấn luyện và kiểm tra trình độ chuyên môn của từng vận động viên dự kiến tham gia tranh tài tại SEA Games 31.
H.H