Nhiều dự án giao thông ì ạch tiến độ xây dựng và giải ngân vốn

Thứ Năm, 16/09/2021, 10:04

Mới đây, tại cuộc họp về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngành Giao thông, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa nhận, còn nhiều hạn chế, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như công tác giải phóng mặt bằng…

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông liệu có hoàn thành trong năm 2021?

Cụ thể, tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT xác định, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021. Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo, xử lý.

cat-linh-ha-don.jpg -0
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm phải hoàn thành trong năm 2021.

Mới đây, tại văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết, tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,835 triệu USD nhưng bên cho vay không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, trong khi vốn đối ứng còn lại rất ít.

Theo Bộ GTVT, do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.Mặc dù vậy, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít. Trong khi hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD. Vì vậy Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT.

Cuối tháng 4/2021, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi khoản 1.7, điều 1 của Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của hiệp định vay bổ sung. Đến ngày 20/8/2021, Ban Quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo hai nội dung đề nghị nói trên của Bộ GTVT đã được ngân hàng này trả lời tại thư ngày 16/3/2021. Theo đó, "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay" và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay".

Tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông hiện đã hoàn thành tất cả các hạng mục, đơn vị đánh giá an toàn ACT của Pháp cũng đã cấp chứng nhận an toàn cho dự án. Phía TP Hà Nội cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng tiếp nhận, đưa dự án vào khai thác; ban hành giá vé, phương án kết nối với tuyến đường sắt trên cao này. Tuy vậy, theo Bộ GTVT đến nay vẫn phải chờ Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu và cho phép dự án đi vào hoạt động.

Kết nối chậm tiến độ

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, đối với các dự án ODA, đặc biệt là 2 dự án giao thông kết nối phía Bắc và Tây Nguyên, hiện nay các dự án này đều chậm tiến độ. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải có các giải pháp quyết liệt xử lý vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ nghiệm thu thanh toán để quyết tâm giải ngân hết số vốn được giao theo đúng tiến độ yêu cầu.

Trong khi đó, đối với các dự án PPP, nhóm 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo), 3 dự án này đã được Bộ GTVT ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, nhưng còn một số vướng mắc về tài chính do nhà đầu tư chưa ký kết được hợp đồng tín dụng với ngân hàng.

Vì thế, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công tư, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý. Đồng thời, khẩn trương xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để chủ động tham mưu cho Bộ chỉ đạo, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.

Đối với nhóm dự án đang khai thác, Vụ Đối tác công tư phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, xử lý các vướng mắc liên quan đến thủ tục thu phí của các dự án. Từ đó, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đối với nhóm các dự án chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới, Vụ Đối tác công tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo đúng tiến độ yêu cầu. Bộ GTVT cũng cho biết, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, các ban quản lý dự án đã có nhiều cố gắng thi công, giải ngân vốn đầu tư công, không để dự án nào phải dừng, hoãn thi công.

Thông tin từ đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 8/2021, Bộ đã giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (52/48,4%). Kết quả giải ngân vốn xây dựng cơ bản bình quân toàn ngành đạt 52% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước. Phần giải ngân khối lượng thi công công trình giao thông còn thấp. Các ban quản lý dự án trực thuộc Bộ GTVT đều cho biết, khó khăn nhất hiện nay là việc thi công ở các địa phương mà dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Việc đưa nhân lực, vận chuyển máy móc, vật tư đến công trường rất khó khăn. Thậm chí, có công trường phải nghỉ vì có người liên quan đến F0.

Phạm Huyền
.
.
.